34 nghìn tỷ đồng đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Tiền đâu mà nhiều thế
Các môn tự nhiên, chúng ta có thể mượn của các nước phát triển, Việt Nam hóa nó, chắc chắn sẽ tốn rất ít tiền. Chúng ta chỉ nên tập trung vào những sách KHXH. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, chúng ta làm gì cũng phải cân nhắc thật kỹ, tiền ngân sách không phải là một cái kho vô tận
Con số 34 nghìn tỷ đồng cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa mà Thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển đưa ra đang khiến dư luận ầm ĩ. Nhất là khi đại diện của bộ không giải trình được những khoản chi của một nguồn tiền khổng lồ này. Trả lời phỏng vấn VTV tối 16 tháng 4, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển vẫn khẳng định, đó là kinh phí cần thiết và sẽ thực hiện đề án trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Nhưng xem chừng, thực tế những gì mà Bộ Giáo dục và đào tạo đang làm lại hoàn toàn mơ hồ, thiếu khả thi. Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ việc đổi mới cấu trúc của hệ thống giáo dục, chứ không phải bắt đầu bằng việc viết sách giáo khoa, hay đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực. Hơn nữa, ngân sách quốc gia cũng không phải là cái kho vô tận để các Bộ, ngành vẽ ra các dự án tiêu tiền. Phóng viên đã có cuộc trao đổi lấy ý kiến của các chuyên gia giáo dục về vấn đề này.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục – Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Cần tính toán minh bạch, hợp lý
Tôi cũng cho rằng, con số 34 nghìn tỷ đồng để đổi mới sách giáo khoa là khá lớn. Nhưng để đổi mới được giáo dục phổ thông – một lĩnh vực quốc sách hàng đầu thì cũng không phải là quá lớn. Chỉ có điều, con số đó phải được tính toán một cách minh bạch, hợp lý. Bộ GD&ĐT không cử ra một người có chuyên môn để giải thích một cách rõ ràng hơn các khoản chi cụ thể, cần thiết. Điều đó dẫn đến sự phản ứng của dư luận.
Việc trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một đề án mà chưa được Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét là sai nguyên tắc. Bộ GD &ĐT cần phải rút kinh nghiệm. Cách đây một tháng, họ cũng đã trình dự án này sang Uỷ ban Văn hóa – Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, họ không đề cập đến kinh phí. Tôi được mời với tư cách là một chuyên gia, tôi có đề xuất là một dự án phải có kinh phí chứ. Và bây giờ họ bổ sung như thế này đây.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
Video đang HOT
Trong giải trình của Bộ GD&ĐT, họ có nói những khoản chi lớn như 26 nghìn tỷ đồng cho trang thiết bị là không hợp lý. Chúng ta phải làm theo kiểu xã hội hóa chứ không thể cứ lấy ngân sách Nhà nước và đây cũng là việc của các doanh nghiệp, của Bộ Công Thương. Bộ GD&ĐT chỉ cần đưa ra các quy định, yêu cầu mà thôi. Việc đào tạo giáo viên cũng cần, nhưng phải chỉ rõ cần chi những khoản gì.
Theo tôi, đề án này đã bỏ qua một khoản chi quan trọng là nâng cấp, chuẩn hóa các cơ sở vật chất. Rất nhiều vùng sâu, vùng xa, nông thôn chưa có trường lớp cho trẻ đến trường. Ngay ở Thủ đô, học sinh cũng chen chúc nhau 60-70 em trong một lớp. Như thế làm sao mà đổi mới, cần tính toán xem Nhà nước đầu tư bao nhiêu, còn lại có thể huy động các nguồn lực xã hội.
Chúng ta phải làm thế nào để tránh tình trạng người làm trực tiếp thì nhận được ít mà người ở các vòng ngoài thì nhiều.
Đổi mới giáo dục, chúng ta phải bắt đầu từ đâu.
Trong Nghị quyết 8 của Trung ương, tôi thấy việc đổi mới giáo dục đại học và dạy nghề rất mờ nhạt. Trong khi đây là nguồn nhân lực chính của xã hội. Cả 3 lần đổi mới chúng ta đều chưa chạm đến vấn đề này. Chính phủ phải có một chương trình tổng thể, trên cơ sở đó mới đổi mới được.
Với giáo dục phổ thông, tôi nghĩ điều quan trọng hơn sách giáo khoa là phải đặt lại vấn đề: giáo dục 12 năm có lãng phí không và có phân luồng được không. Mình phải giải quyết vấn đề hệ thống trước, sau đó mới tính đến sách giáo khoa. Hơn nữa, liệu có nhất thiết phải đổi mới toàn bộ sách giáo khoa không. Nên có những khảo sát cụ thể, sát sao hơn, môn nào quá tệ thì chúng ta mới thay đổi, mà nên tập trung vào các môn KHXH như văn, sử, địa. Còn các môn KHTN như toán, lý, rồi ngoại ngữ nên lấy chương trình của nước ngoài mà dạy. Chỉ tập trung làm sách KHXH thôi, tôi nghĩ sẽ giảm được 2/3 kinh phí. Bộ GD&ĐT không nên lặng lẽ làm một mình mà phải mời các chuyên gia đóng góp ý kiến để chúng ta có một đề án đổi mới thực sự hiệu quả và thiết thực hơn.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo: Ngân sách quốc gia không phải là cái kho vô tận
34 nghìn tỷ đồng là con số quá lớn, không cần thiết. Bộ GD&ĐT tạo làm chưa đúng quy trình nên họ không biết sẽ tiêu hết bao nhiêu tiền. Họ cho rằng, đó là con số khái toán.
Đầu tiên phải xem cấu trúc của hệ thống giáo dục mình như thế nào đã. Rõ ràng chúng ta chưa có sự phân luồng. Giống như xây một ngôi nhà, phải có kiến trúc sư thiết kế, sau đó mới tính toán cần bao nhiêu xi măng, thép, móng làm thế nào. Ở đây, chưa biết hình thù ngôi nhà thế nào mà đã lo sắm nội thất. Như thế sẽ thất bại, tiêu tốn tiền Nhà nước một cách vô ích. Bộ GD&ĐT cần phải làm đúng quy trình. Trước hết phải tính toán đến sự phân luồng. Chương trình PTCS sẽ thế nào, cái gì dùng được, cái gì không dùng được. Chương trình THCS phân ra một số học cao hơn, lên đại học, một số đi học nghề… Dựa trên cấu trúc đó, xem nhu cầu kiến thức thế nào mới bắt tay vào viết sách giáo khoa chứ. Ở đây, chúng ta chưa xác định được mục tiêu, chương trình, nội dung chương trình đã bắt tay vào làm những việc khác. Hỏi sao không lãng phí, kém hiệu quả.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ
Sách giáo khoa trong thời đại hội nhập quốc tế này, họ làm hết rồi. Nhất là các môn tự nhiên, chúng ta có thể mượn của các nước phát triển, Việt Nam hóa nó, chắc chắn sẽ tốn rất ít tiền. Chúng ta chỉ nên tập trung vào những sách KHXH. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, chúng ta làm gì cũng phải cân nhắc thật kỹ, tiền ngân sách không phải là một cái kho vô tận. Nếu chỉ đổi mới sách giáo khoa, chỉ cần vài nghìn tỷ đồng là nhiều. Còn việc đầu tư vào thiết bị, hiện giờ chúng ta có bao nhiêu thiết bị hư hỏng, đắp chiếu nằm đó, lãng phí. Có một câu hỏi rằng, hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào thiết bị trước đây đã đi đâu?
Nói chung, chúng ta đang mắc phải một sai lầm lớn là không đi đúng quy trình. Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ cấu trúc hệ thống, mục tiêu và chương trình, nội dung các môn học, sau đó mới đến việc viết sách giáo khoa.
Giáo sư Văn Như Cương: Bộ GD&ĐT dựa trên cấu trúc nào để đổi mới
Tôi có nghe về con số 34 nghìn tỷ, hôm họp báo Bộ GD&ĐT có giải trình rằng, con số ấy không chỉ dành cho sách giáo khoa, sách giáo khoa chỉ là một phần của dự án, ngoài ra còn 7-8 công đoạn khác nữa. Nhưng tôi thấy 5.000 tỷ đồng cho sách giáo khoa cũng đã quá nhiều. Và họ cũng chưa nói rõ sẽ chi như thế nào. Tôi lấy ra một việc, đó là viết sách giáo khoa, chỉ cần 1% của con số 5.000 tỷ đồng ấy là đủ. Tôi có tham gia viết sách giáo khoa, họ trả chừng 300-400 ngàn đồng, cao nhất là 500 ngàn đồng một tiết. Giờ cứ cho là họ trả 2 triệu đồng đi, ta thử làm con số tính toán sơ đẳng nhất. Một cuốn sách toán lớp 12 có 100 tiết, nhân lên hết 200 triệu đồng nhân lên 12 lần cũng chỉ hết 2 tỷ 400 đồng. Và nhân cho 12 bộ môn thì 50 tỷ đồng là thoải mái rồi. Tất nhiên người ta còn tính đến việc soạn chương trình, thẩm định, dạy thử, đi tập huấn. Nhưng dù tính thế nào thì con số cũng chỉ bằng 1 phần của 5.000 tỷ đồng ấy. Vậy còn hơn 4,000 tỷ đồng chi vào đâu?
Chỉ tính toán một chút thôi chúng ta đã thấy con số này quá lớn. Trong bối cảnh đất nước còn rất khó khăn, bỏ ra một đồng ngân sách cũng cần phải tính toán, cân nhắc.
Giáo sư Văn Như Cương
Hơn nữa, tôi không hiểu, Bộ GD&ĐT đưa ra đề án biên soạn sách giáo khoa theo cấu trúc nào. Bất cập lớn nhất ở PTTH là chúng ta đang dạy theo một chương trình, ai cũng học như thế, rồi tốt nghiệp, rồi thi đại học. Chưa có một chương trình nào để cho các em lựa chọn như học nghề, làm thợ, vấn đề căn bản là chúng ta phải đổi mới cấu trúc bậc PTTH, có mấy loại chứ không phải một loại như hiện nay. Chẳng hạn nếu có 3 loại, dành cho học sinh giỏi lên đại học, loại dành cho học cao đẳng và loại dành cho học nghề, thì phải có 3 bộ sách giáo khoa khác nhau.
Chúng ta chưa tổ chức lại cơ cấu chương trình mà đi viết sách giáo khoa cho ai. Một đề án toàn khẩu hiệu, lý thuyết, không phân tích tình hình cụ thể hiện nay như thế nào, vì sao phải đổi mới, tại sao sách giáo khoa phải viết lại để phân định hướng đi cho con em mình cho tốt. Tôi không hiểu tư duy của các nhà lãnh đạo giáo dục có vấn đề gì không mà họ mơ hồ thế khi đưa ra đề án này. Đổi mới như thế nào, cốt lõi của nền giáo dục là sẽ đi về đâu, đó mới là điều quan trọng. Chả lẽ, đổi mới là mà lại chiếc xe đạp cũ bằng thiếc hay đồng gì đó chăng???
Ông Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Ban soạn thảo chương trình – SGK phổ thông sau năm 2015, được lãnh đạo Bộ GD&ĐT chỉ định giải thích về các nguồn chi của đề án này. Ông Thống nói: Kinh phí chi trực tiếp cho việc biên soạn sách giáo khoa chỉ 5.000 tỷ đồng thôi. Ngoài ra còn chỉ cho 7-8 khoản khác mà tôi không nhớ cụ thể là những khoản nào.
Theo ANTD