32 dự án “tái chế” đình đám của Hollywood (Phần 1)
Trào lưu làm lại (remake) và tái khởi động (reboot) các thương hiệu phim bom tấn dường như chưa bao giờ hết “hot” ở Hollywood.
Những năm gần đây, người hâm mộ điện ảnh thường xuyên phải thốt lên rằng “Chẳng lẽ “Chẳng lẽ Hollywood đã hết ý tưởng rồi sao?” khi chứng kiến hàng loạt những thương hiện điện ảnh, những tác phẩm kinh điển trở thành tầm ngắm reboot(tái khởi động) hoặc remake (làm lại) của các nhà sản xuất. Việc chuyển thể và làm lại một tác phẩm điện ảnh nào đó, có thể là giống hệt hoặc có những thay đổi nhất định để phù hợp với thời đại không hẳn là một hiện tượng mới của ngành công nghiệp này. Nhưng chưa bao giờ reboot và remake lại thực sự trở thành một “phong trào” được các hãng phim ưa thích như hiện nay.
Lý do để thực hiện một phiên bản reboot hoặc remake của một bộ phim thì vô số, nhưng thường là mục tiêu thương mại. Ở đó, nhà sản xuất muốn dựa hơi một thương hiệu đình đám từng làm mưa làm gió một thời, lợi dụng sự hoài cổ của khán giả để kéo họ ra rạp. Nhưng cũng có nhiều khi một bộ phim được xào nấu lại hoàn toàn với mục đích nghệ thuật, hoặc vì một đạo diễn tâm huyết nào đó muốn đưa tác phẩm mà họ thích đến với công chúng hiện đại. Đương nhiên, không phải lúc nào họ cũng đạt được điều họ muốn. Hãy cùng nhìn lại một số tựa phim remake hoặc reboot đáng chú ý nhất và xem xét sự thành bại của từng trường hợp.
1. Total Recall (1990) – Total Recall (2012)
Bản gốc là một trong số những tựa phim hạng B kinh điển nhất của siêu sao cơ bắp Arnold Schwarzenegger và được coi là một tựa phim quan trọng trong lịch sử phim viễn tưởng. Phim kể về một gã thám tử phải điều tra những sự kiện kỳ lạ xảy ra với ký ức của mình trong thế giới tương lai, nơi công nghệ thế giới ảo đã đạt đến độ không thể phân biệt nổi thật giả. Bản làm lại với diễn xuất của Colin Farrel mặc dù có phần hình ảnh và kỹ xảo máy tính ấn tượng, lại không tìm được sức cuốn hút của phim gốc và gần như đã trôi vào dĩ vãng chỉ sau vài năm.
2. Lara Croft: Tomb Raider (2001) – Tomb Raider (2018)
Nữ khảo cổ học đầy võ nghệ và tinh thông lịch sử Lara Croft
Dựa trên một tựa game kinh điển, Lara Croft chính là bàn đạp thăng tiến đã làm nên tên tuổi cho nữ minh tinh Angelina Jolie. Vào vai một nữ khảo cổ học đầy võ nghệ và tinh thông lịch sử, Jolie đã bay lượn, chiến đấu vô cùng “bá đạo” qua những khu rừng và thánh địa bỏ hoang để tìm thấy những bí ẩn ngàn năm của vũ trụ. Alicia Vikander là người kế tục sự nghiệp của Jolie trong bản làm lại năm 2018 với một phong cách hoàn toàn khác, sát với phiên bản game mới nhiều chất “bụi bặm” và hiện thực hơn. Nhưng Tomb Raider mới lại không thể gây tiếng vang như trước, dù Vikander đã có một màn trình diễn xuất sắc trong một bộ phim không tệ.
3. The Mummy (1999) – The Mummy (2017)
Lại là một ứng cử viên có thể coi là “kinh điển” cuối thập niên 90, The Mummy với diễn xuất của Brendon Fraser thực sự đáng nhớ với tất cả những tinh thần của một bộ phim hành động giải trí hài hước và sến rện. Dù không được đánh giá cao bởi các nhà chuyên môn, người hâm mộ vẫn luôn thích thú với sự tưng tửng mà Fraser từng mang lại trong series này. Trong khi đó phiên bản ra mắt năm 2017 dù được dẫn dắt bởi một tên tuổi hạng A như Tom Cruise lại không thể khởi động nổi tham vọng Vũ Trụ Điện Ảnh của Universal.
4. It (1990) – It (2017)
Hai phiên bản hề Pennywise đều đạt đượct hành công rực rỡ.
Diễn xuất của cố tài tử Tim Curry trong vai hề Pennywise trong bản phim gốc chuyển thể từ tiểu thuyết của Stephen King đã trở thành tượng đài quá vĩ đại trong lòng khán giả phim kinh dị. Chính vì thế nên quá trình thực hiện và ra mắt của It năm 2017 đã gặp không ít sự nghi ngờ, thậm chí phản đối vì những đổi khác so với bản mà Curry từng tham gia. Tuy nhiên, diễn viên trẻ Bill Skarsgard và dàn bạn diễn nhỏ tuổi của anh đã gây bất ngờ cho người hâm mộ. Bộ phim không chỉ thành công trên các mặt trận phòng vé và phê bình, mà còn chiếm trọn niềm tin của các fan khó tính của bản gốc. Thậm chí nhiều người còn cho rằng bản làm lại này hay hơn cả bản phim trước đây.
5. Ghostbusters (1984) – Ghostbusters (2016)
Đối với giới nghiền phim, Ghostbusters là một trong số những bộ phim viễn tưởng kinh điển nhất mọi thời đại, sẽ mãi mãi không gì có thể thay thế được 3 phần phim đầu tiên từ thập niên 80. Điều đó đã được khẳng định lại khi bản “chế” lại câu chuyện của những chuyên gia bắt ma này vào năm 2016 đã không được đón nhận như mong đợi. Mặc dù vậy, đó vẫn là một bộ phim gây nhiều sự chú ý và tranh luận của công chúng khi thay toàn bộ dàn diễn viên chính thành nữ.
6. Baywatch (1989) – Baywatch (2017)
Baywatch của năm 1989 từng làm mưa làm gió màn ảnh truyền hình nước Mỹ với những cô đào cứu hộ nóng bỏng bên bờ biển, nổi bật nhất chính là “biểu tượng sex” Pamela Anderson. Năm 2017, Baywatch được làm mới lại với dàn diễn viên có bề ngoài cũng không kém phần “hấp dẫn” như Alexandra Dadario, Dwayne Johnson hay Zac Effron. Mặc dù có một câu chuyện không dở, nhưng bộ phim cũng chưa đủ “duyên” để tạo ra điều gì quá khác biệt đáng nhớ cho thương hiệu này.
7. Dr. Strange (1978) – Doctor Strange (2016)
Hầu hết các phim siêu anh hùng của thế kỷ 21 nếu đem so với phiên bản gốc của mình từ những thập niên xa xôi như 70, 80 thì đều là những câu chuyện “dậy thì thành công”. Phiên bản điện ảnh đầu tiên của Dr. Strange gần như đã trôi vào dĩ vãng của hầu hết khán giả vì quá rẻ tiền theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đã thễ còn không có chút gì giống với nguyên tác truyện tranh. Bản làm lại nghiêm túc với diễn xuất của Benedict Cumberbatch đã lột xác hoàn toàn, xứng đáng đứng trong hàng ngũ những phim xuất sắc của Vũ trụ Điện ảnh Marvel lừng lẫy ngày nay.
8. The Man from U.N.C.L.E. (1964) – The Man from U.N.C.L.E. (2015)
Nếu nước Anh có James Bond 007 trên màn ảnh rộng, thì nước Mỹ có The Man from U.N.C.L.E. trên màn ảnh nhỏ đại diện cho dòng phim điệp viên trinh thám. Nhưng phải đến năm 2015, The Man from U.N.C.L.E. mới lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh với bộ phim được đạo diễn bởi Guy Ritchie. Ritchie là một nhà làm phim có phong cách hết sức đặc trưng, quả nhiên ông đã mang lại một luồng gió mới cho series này trong bộ phim của mình. Vừa có gì đó tưng tửng hiện đại, chút hoài cổ của thập niên 60 – 70, cách dựng phim độc lạ cùng sự quyến rũ của dàn diễn viên gồm Henry Cavill, Alicia Vikander, Armie Hammer, The Man from U.N.C.L.E. có thể nói là một thành công không nhỏ.
9. Captain America (1944) – Captain America (1990) – Captain America (2011)
Captain America có 3 phiên bản ở 3 thời kỳ hoàn toàn khác nhau.
Bộ phim đầu tiên là một chuyển thể song hành cùng bộ truyện tranh cùng tên mới lần đầu ra mắt tại Mỹ giữa bối cảnh Thế Chiến thứ II dưới định dạng hoàn toàn đen trắng. Phiên bản thứ 2 năm 1990 lần đầu tiên mang tới cho nhân vật này một chút “nghiêm túc”, nhưng do đầu tư có hạn, Captain America vẫn chưa thể cạnh tranh được với những bom tấn cùng thể loại thời đó như Batman hay Superman. Phải đến khi Vũ trụ Điện ảnh Marvel được khởi động cùng diễn xuất của tài tử Chris Evans, cái tên Captain America mới thực sự được đón nhận một cách rộng rãi.
Không chỉ trung thành với những yếu tố truyện tranh, bộ phim còn cân bằng được sự nghiêm túc và viễn tưởng, không khí Chiến Tranh Thế Giới và những màn hành động mãn nhãn. Captain America của Chris Evans sau đó đã tham gia nhóm Avengers trong các bộ phim sau này. Đội trưởng Mỹ cũng sở hữu những phần kế tiếp được coi là xuất sắc nhất của Marvel cho tới thời điểm này: The Winter Soldier và Civil War.
10. The Addams Family (1964) – The Addams Family (1991) – The Addams Family (2019)
The Addams Family là một trong số những cái tên được yêu thích nhất mọi thời đại với khán giả Mỹ. Khởi đầu bằng một series hài truyền hình đen trắng về một gia đình ma quái gây khá nhiều tiếng vang, The Addams Family đã xuất hiện trong 2 phiên bản hoạt hình khác nhau trên màn ảnh nhỏ. Tới năm 1991, gia đình này lần đầu bước qua thế giới điện ảnh và hoàn toàn chiếm trọn trái tim khán giả ở mọi lứa tuổi. Sự kỳ quặc của họ trong phiên bản gốc được truyền tải hết sức thuyết phục bởi dàn diễn viên tên tuổi và đầy quyến rũ. Thậm chí bản làm lại này còn nâng tầm một số nhân vật như Wednesday Addams (Christina Ricci) và làm nên tên tuổi của cô từ khi tuổi đời còn rất trẻ. The Addams Family sắp tới sẽ tái ngộ khán giả màn bạc trong một bộ phim hoạt hình 3D vào năm 2019 tới.
11. Spider-man (2002) – The Amazing Spider-man (2012) – Spider-man: Homecoming (2016)
Spider-man có thể coi là nhân vật ăn khách nhất của nhà Marvel trên truyện tranh. Nhưng chỉ vì một phút sa cơ lỡ bước, họ đã bán đi đứa con của mình cho hãng Sony Pictures trong giai đoạn công ty khủng hoảng về kinh tế. Để rồi Spider-man dưới bàn tay của Sony đã trải qua 3 phiên bản khác nhau liên tiếp, trở thành thương hiệu điện ảnh được làm lại nhanh nhất trong lịch sử. Hai phần phim đầu tiên do Tobey Maguire thủ vai cho tới nay vẫn là một trong số những tượng đài vĩ đại của dòng phim siêu anh hùng. Nhưng Spider-man 3 lại chính thức khởi đầu cả một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng cho “Nhện nhọ”.
Bản làm lại với diễn xuất của Andrew Garfield mặc dù không quá tệ, thậm chí còn được một bộ phận khán giả yêu thích, nhưng vẫn bị cái bóng quá lớn của bản gốc làm lu mờ. Garfield lại tiếp tục ra đi chỉ sau 2 phần phim, say này Người Nhện đã chính thức được quay trở lại với mái nhà Marvel trong Vũ trụ Điện ảnh của riêng họ. Tom Holland là diễn viên hiện tại đang nắm trong tay chiếc mặt nạ Người Nhện, nhưng thỏa thuận giữa Sony và Marvel vẫn luôn khiến chàng anh hùng tuổi teen này phải song hành cùng các tên tuổi lớn khác trong Vũ trụ Marvel như Iron Man hay sắp tới đây là Nick Fury.
12. King Kong (1933) – King Kong (1976) – King Kong (2005) – Kong: Skull Island (2017)
Một trong số những nhân vật điện ảnh được reboot nhiều lần nhất trong lịch sử lại không phải là con người. King Kong là một chú linh trưởng khổng lồ từng khiến khán giả cả thế giới năm 1933 phải hoảng sợ qua tài năng hoạt hình búp bê của nhà làm phim Willis O’Brien. Sau đó, câu chuyện người đẹp và quái vật của thời đại mới này đã được kể lại 2 lần vào năm 1976 và sau đó là 2005 qua bàn tay của “phù thủy” Peter Jackson.
Lần gần đây nhất mà Kong tung hoành màn ảnh rộng là vào năm 2017 với tên đệm Skull Island đã được khán giả hết sức đón nhận vì sự khác biệt trong cách thể hiện, bối cảnh, câu chuyện cũng như ý nghĩa nhân văn được cài cắm tinh tế trong phim. Bộ phim được đặt trong cùng vũ trụ với Godzilla (2014) để hứa hẹn một màn giao đấu giữa 2 quái thú khổng lồ này trong tương lai gần.
13. Godzilla (1998) – Godzilla (2014)
Thật ra ngay cả bản gốc Godzilla ra mắt năm 1998 cũng có thể coi là một phim “làm lại” từ dòng phim đình đám cùng tên đến từ Nhật Bản. Nhưng nếu chỉ tính Hollywood, thì đây chính là lần đầu tiên người Mỹ thử sức mình với quái vật có kích cỡ đồ sộ này. Bộ phim hoàn toàn không được đón nhận bởi bất cứ fan trung thành nào của Godzilla cũng như giới chuyên môn, thậm chí vẫn thường xuyên được lấy làm ví dụ về sự bất lực của người Mỹ khi nắm trong tay các thương hiệu nước ngoài. Thế nhưng Godzilla của năm 2014, trong một nỗ lực khởi động Vũ trụ Điện ảnh quái vật khổng lồ, lại làm được điều tưởng như không thể. Tạo hình của Godzilla lần này khá sát với phiên bản tới từ nước Nhật, cùng với kết cấu phim tốt, được làm nghiêm túc và thuyết phục đã hoàn thành sứ mệnh quan trọng của mình.
14. Batman: The Movie (1966) – Batman (1989) – Batman Begins (2005) – Batman v Superman: Dawn of Justice (2016)
Mặc dù hàng loạt diễn viên khác nhau đã từng khoác lên mình tấm áo choàng Dơi, nhưng số lần Batman được tái khởi động chưa nhiều đến thế. Lần đầu tiên ra mắt khán giả trong các rạp chiếu phim của nhân vật này là vào năm 1966 với diễn xuất nay đã trở thành kinh điển của Adam West và Burt Ward. Batman của thời kỳ đó vừa nhí nhố, vừa màu mè như một bộ phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, nhưng vẫn có sự hấp dẫn trong sáng hết sức độc đáo. Tới năm 1989, dưới bàn tay của Tim Burton, lần đầu tiên Batman thực sự trùm lên màn đêm tăm tối và đáng sợ, dù vẫn giữ khá nhiều yếu tố khuếch đại của các trang truyện tranh.
Đây chính là phiên bản Batman được thay đổi diễn viên nhiều nhất, vì dù nằm trong cùng một tuyến truyện, nhưng Bruce Wayne/Batman đã từng được thủ vai bởi Michael Keaton, Val Kilmer và George Clooney. Sau đó, với sự dẫn dắt của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan trong Batman Begins, nhân vật này một lần nữa làm rung chuyển thế giới. Phần nối tiếp The Dark Knight và diễn xuất của Heath Ledger trong vai kẻ ác Joker đã đi thẳng vào lịch sử điện ảnh vì sự xuất thần của anh và cả vì việc anh ta đã tự tử ngay khi bộ phim ra mắt. Phiên bản Batman gần đây nhất được coi là một phần của Vũ trụ Điện ảnh DC lần đầu xuất hiện qua diễn xuất của Ben Affleck là khi anh ta đối đầu với chính người đồng nghiệp anh hùng Superman. Đây là phiên bản gây ra nhiều tranh cãi nhất trong giới hâm mộ, dù Affleck đã tái hiện thêm một lần nữa vai diễn này trong Justice League (2017).
15. Superman (1978) – Superman Returns (2006) – Man of Steel(2013)
Ba soái ca từng được trao chiếc áo choàng đỏ
Siêu anh hùng đầu tiên – Superman, cũng là người đầu tiên bước ra từ truyện tranh có thể phá đảo phòng vé các rạp chiếu phim. Christopher Reeve trong vai Clark Kent/Superman đã trở thành cái bóng quá lớn cho bất cứ ai sau ông khoác lên bộ áo mang nhiều tính biểu tượng cho nước Mỹ này. Và quả thật, Brandon Routh đã không có được một thành công như mong đợi khi vào vai này trong Superman Returns vào năm 2006. Bộ phim cố gắng tìm lại tinh thần của người tiền nhiệm vĩ đại, nhưng lại quên mất việc tìm tiếng nói chung với khán giả của thời đại mới.
Trong khi đó Man of Steel ra mắt vào năm 2013 cùng diễn xuất của Henry Cavill, dù với trình độ kỹ xảo và dựng phim đã rất cao, lại gánh một trọng trách quá nặng: Làm người tiên phong cho cả một Vũ trụ Điện ảnh mới cho hãng DC. Áp lực quá lớn của sự cạnh tranh với Marvel, kèm theo sự kỳ vọng không tưởng từ phía khán giả đã khiến cho tiếng nói riêng của đạo diễn Zack Snyder không được đón nhận như mong đợi. Phim không tệ và vẫn giúp cho Vũ trụ DC có một khởi đầu, nhưng quá nhiều mâu thuẫn để có thể bùng nổ như Iron Man của Marvel năm 2008.
16. Predator (1987) – The Predator (2018)
Một bộ phim làm lại khá đình đám đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc hiện nay là The Predator (Quái Thú Vô Hình), dựa trên một trong số những tựa phim hành động, kinh dị nổi tiếng nhất mọi thời đại từ thập niên 80. Đây chính là một trong số những bộ phim từng làm nên tên tuổi của siêu sao cơ bắp Arnold Schwarzenegger. Cuộc rượt đuổi và trốn chạy con quái thú ngoài hành tinh cực kỳ thiện chiến này đã có 2 phần nối tiếp, chưa kể một phim crossover với Alien, nhưng chưa bao giờ thực sự để lại dấu ấn như bản gốc. Cho tới hôm nay, dưới tay đạo diễn Shane Black (Iron Man 3), quái thú săn mồi này cũng vẫn chưa thể phá vỡ được lời nguyền “phim làm lại” không hay.
The Predator hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
(còn tiếp)
Theo Trí Thức Trẻ
Một nhân vật của 'Kong: Skull Island' trở lại ở 'Godzilla 2'
Đạo diễn Michael Dougherty cho một gương mặt của "Kong: Skull Island" tái xuất nhằm tạo ra kết nối cho vũ trụ điện ảnh quái vật MonsterVerse.
Trailer đầu tiên bộ phim 'Godzilla: King of the Monsters' Phần tiếp theo của vũ trụ phim quái vật MonsterVerse sau "Kong: Skull Island" (2017) có sự góp mặt của Godzilla cùng ba quái thú khác.
Godzilla: King of the Monsters (2019) là tác phẩm tiếp theo của vũ trụ điện ảnh quái vật mang tên MonsterVerse do hãng Legendary Pictures sản xuất. Gần nhất, khán giả mới được thưởng thức Kong: Skull Island (2017) - bộ phim có nhiều cảnh quay tại Việt Nam và do đạo diễn Jordan Vogt-Roberts thực hiện.
Tác phẩm mới đồng thời là phần tiếp theo dành cho Godzilla (2014), lấy bối cảnh thời gian hiện tại, thay vì thập niên 1970 như bom tấn xoay quanh King Kong trên đảo Đầu Lâu.
Tuy nhiên, đạo diễn Michael Dougherty mới đây khẳng định trong cuộc phỏng vấn với trang Rotten Tomatoes về kết nối trực tiếp giữa Godzilla: King of the Monsters do anh thực hiện với Kong: Skull Island.
"Chúng tôi sẽ đưa một nhân vật từ Kong: Skull Island trở lại. Các bạn phải theo dõi bộ phim mới biết chắc đó là ai", nhà làm phim phát biểu.
Ngay lập tức, người hâm mộ đã đưa ra dự đoán, và số đông cho rằng Charles Dance sẽ vào vai James Conrad lúc về già. Đây là chàng sĩ quan người Anh dẫn đường cho quân đội Mỹ trên đảo Đầu lâu, và từng do Tom Hiddleston thể hiện ở Kong: Skull Island.
Số đông hiện cho rằng Charles Dance - tài tử của Game of Thrones - chính là người vào vai James Conrad của Tom Hiddleston ở Kong: Skull Island khi về già. Ảnh: Screen Rant.
Trước đó, khán giả biết chắc chắn rằng gia đình ba thành viên nhà Russell đều là các nhân vật hoàn toàn mới, và lần lượt do Kyle Chandler, Vera Farmiga và Millie Bobby Brown thể hiện.
Có hai nhân vật của Godzilla (2014) được xác nhận trở lại là Ishiro Serizawa và Vivienne Graham, lần lượt do hai ngôi sao Ken Watanabe và Sally Hawkins khắc họa. Họ cũng đã thoáng xuất hiện ở trailer đầu tiên của Godzilla: King of the Monsters.
Liệu Charles Dance có thực sự vào vai của Tom Hiddleston khi về già hay không, câu trả lời sẽ đến khi Godzilla: King of the Monsters chính thức khởi chiếu từ 31/5/2019.
Tuấn Lương
Theo Zing
Các quái vật khổng lồ oanh tạc và ghi danh lẫy lừng theo dòng phát triển của kỹ xảo điện ảnh Trong những năm trở lại đây, người hâm mộ điện ảnh có thể nhận thấy sự trở lại của hàng loạt quái vật trong phim. Trước thềm "Rampage" ra mắt, cùng nhìn lại lịch sử điện ảnh của những sinh vật khổng lồ phá làng phá xóm trên màn bạc nhé! Bom tấn mới nhất có sự góp mặt của "trái núi" Dwayne...