30 nguyên tắc an toàn bố mẹ cần nhớ giúp trẻ tránh hiểm họa khôn lường từ những vật dụng quen thuộc
Có rất nhiều mối nguy hiểm tồn tại xung quanh trẻ mà cha mẹ không lường hết được. Vì vậy, để phòng tránh tai nạn cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý những nguyên tắc an toàn sau.
Nguyên tắc an toàn phòng khách
1. Bọc mép bàn và những góc nhọn trong phòng khách, nhằm hạn chế nguy cơ trẻ ngã va đầu vào những góc “chết”.
2. Ngăn kéo và ngăn tủ cần có chốt chặn an toàn sẽ giảm nguy cơ trẻ bị kẹp tay khi bố mẹ không để mắt đến.
3. Không đặt đồ vật sắc bén như dao, kéo trên bàn, bởi trẻ có thể làm chính mình bị thương với bản tính tò mò.
4. Xác định chiều cao của trẻ với ổ cắm điện và cần có biện pháp che đậy ổ cắm điện.
5. Kiểm tra liệu chân tủ có vững chắc hoặc mép tủ có cố định vào tường hay không, bởi khi trẻ mở ngăn kéo có thể bất cẩn khiến tủ đổ ập vào người trẻ.
6. Kiểm tra kệ ti vi có bắt vít cố định hay dựa sát vào tường hay không, nếu kệ ti vi có chân đế không vững có thể trở thành hiểm họa đối với trẻ.
Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) thống kê, cứ 24 phút trôi qua sẽ có trẻ bị thương liên quan đến vật dụng trong gia đình, cứ 2 tuần trôi qua sẽ có trẻ tử vong liên quan đến vật dụng trong gia đình hoặc ti vi đổ ập vào người.
7. Những đồ vật nhỏ như pin, nam châm, nắp bút bi, khóa kéo nên đặt nơi xa tầm tay trẻ nhỏ, nhằm tránh trường hợp trẻ tự ý nuốt và bị nghẹn.
8. Chân và đầu cầu thang cần lắp cửa bảo hộ dành cho trẻ, tránh trường hợp trẻ nhỏ tự ý leo cầu thang và bị ngã.
9. Không kê ghế sofa ngay sát cửa sổ, cửa sổ cần có song chắn hoặc lan can bảo vệ, tránh trường hợp trẻ nghịch ngợm nhảy trên ghế sofa và xảy ra sự cố đáng tiếc.
10. Cố định màn rèm, tránh trường hợp trẻ nhỏ trượt ngã khi giẫm chân vào màn rèm.
Nguyên tắc an toàn nhà bếp
11. Những đồ vật sắc bén trong nhà bếp nên đặt cố định trong ngăn kéo, vật dụng thủy tinh nên đặt xa tầm tay trẻ nhỏ.
Video đang HOT
12. Kiểm tra van khóa bếp và chắc chắn trẻ không được tự ý mở bếp khi không có người lớn bên cạnh.
13. Hạn chế dán sticker trang trí trong nhà bếp hoặc dán ở nơi trẻ không thể với tới.
14. Ghế cho trẻ ngồi ăn cần có điểm tựa hoặc đai an toàn.
15. Khay thức ăn cho trẻ cần có đế hút hỗ trợ, tránh trường hợp trẻ làm đổ và bỏng thức ăn.
Nguyên tắc an toàn phòng ngủ
16. Trẻ khoảng 1 tuổi không nên nằm gối, tránh trường hợp trẻ bị ngạt khi trở mình, gối định hình cũng không nên dùng.
17. Cũi và giường của trẻ hạn chế xếp nhiều thú nhồi bông, chăn hoặc vật dụng mềm mại.
Nghiên cứu cho thấy, cho trẻ sử dụng gối hoặc chăn, gia tăng nguy cơ đột tử gấp 5 lần.
Nếu trẻ nằm sấp và ngủ say với gối hoặc chăn, nguy cơ đột tử sẽ tăng 21 lần.
18. Không nên cho trẻ ngủ với gối chèn, gối kê, nếu trẻ không ngủ với bố mẹ, không nhất thiết phải sử dụng gối chèn, gối kê.
Năm 2007, Tập san uy tín The Journal of Pediatrics đã tiến hành nghiên cứu và phân tích, có 27 trường hợp trẻ sử dụng gối chèn, gối kê dẫn đến tử vong:
- 11 trường hợp trẻ tử vong do mặt trẻ dựa sát gối chèn, gối kê dẫn đến ngạt thở.
- 13 trường hợp trẻ tử vong do bị kẹp giữa gối chèn, gối kê với giường.
Năm 2015, Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), đã đưa ra kim chỉ nam bảo đảm chất lượng ngủ an toàn của trẻ, kêu gọi bố mẹ dừng cho trẻ sử dụng gối chèn, gối kê khi ngủ.
19. Không nên cho trẻ đắp chăn dày, biện pháp an toàn là cho trẻ sử dụng túi ngủ.
Nguyên tắc an toàn phòng tắm
20. Trong phòng tắm cần lắp thiết bị tránh rò rỉ điện.
21. Nên nhớ trải thảm chống trượt trước khi cho trẻ tắm.
22. Bảo vệ đôi mắt của trẻ, tránh cho trẻ nhìn trực diện vào đèn chiếu phòng tắm.
23. Dung dịch tẩy rửa phòng tắm nên đặt xa tầm tay của trẻ nhỏ.
24. Tuyệt đối không để trẻ một mình trong phòng tắm, cho dù trẻ nằm trong bồn tắm với mực nước thấp, nhưng nếu trẻ trở mình hoặc lật úp người sẽ rất nguy hiểm, bởi có thể bị sặc hoặc ngạt do nước.
25. Khi tắm cho trẻ, cần giữ một tay đỡ trẻ.
Nguyên tắc an toàn thường ngày
26. Khi thay bỉm, áo quần hoặc tất cho trẻ, mẹ nên cẩn thận buộc tóc của mình, tránh trường hợp tóc của mẹ quấn vào ngón tay, ngón chân của bé hoặc những phần phụ khác khiến máu không thể lưu thông, gây hoại tử cục bộ.
27. Khi mặc áo quần cho trẻ, mẹ nên lộn trái áo quần kiểm tra bề mặt vải, sợi chỉ thừa bởi chúng có thể cọ xát vào làn da mỏng manh của trẻ khiến trẻ cảm thấy khó chịu.
28. Kiểm tra cẩn thận tất và găng tay của trẻ, cắt sợi chỉ thừa để tránh quấn vào tay hoặc chân của trẻ.
29. Hạn chế cho trẻ mặc áo có mũ dây rút, bởi khi trẻ vận động có thể bị ngạt do mũ dây rút siết chặt.
30. Không nên để trẻ ở nhà một mình, trong xe hoặc bất cứ nơi đâu.
Tại Trung Quốc, nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ dưới 14 tuổi tử vong liên quan đến vật dụng trong gia đình. Hiện trường xảy ra những sự cố đáng tiếc là ngay tại nhà – nơi được đánh giá là an toàn, nhưng thật ra chứa nhiều nguy hiểm tiềm tàng so với đường phố và công viên.
Nguồn: Sohu
Suýt mất con chỉ vì một miếng dưa chuột, mẹ trẻ đưa ra lời cảnh báo về an toàn khi cho con ăn dặm tự chỉ huy
Mặc dù đã nắm vững hầu hết các kiến thức về ăn dặm tự chỉ huy nhưng người mẹ trẻ vẫn suýt mất con vì sơ suất nhỏ đến không ngờ.
Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (baby led weaning - BLW) vốn không còn xa lạ gì đối với các mẹ có con trong độ tuổi ăn dặm. Thế nhưng không phải mẹ nào cũng có thể lường trước được những hiểm nguy khi áp dụng BLW cho con, đặc biệt là ngay cả trường hợp mẹ đã nắm chắc các kiến thức cần thiết. Trải nghiệm kinh hoàng của gia đình chị Nguyễn Ngọc (hiện đang sống tại Hà Nội) với việc bé Na (15 tháng tuổi) bị hóc miếng dưa chuột đến tím đen, suýt nghẹt thở mới đây là một trong số đó.
Bé Na (ngồi bên phải) và người em sinh đôi của mình.
Hai mẹ con chị Ngọc và bé Na.
Sau khi đã lấy lại được bình tĩnh sau tai nạn bất ngờ của con gái, chị Ngọc mới đủ sức để kể về sự việc: "Bình thường, nếu cho con ăn BLW, mình sẽ cho con ngồi vào bàn. Nhưng buổi chiều hôm qua, sau khi ăn xong, bé Na đang chơi rất vui vẻ cùng với hai bạn khác thì được ba vào bếp, tiện tay cắt cho mỗi chị em một miếng dưa chuột, vừa ăn vừa chơi. Chỉ một chốc sau, Na bị hóc. Con hóc tím tái toàn bộ cơ thể, tím đen - mọi sự diễn ra chưa đầy 2 phút - nhưng thực sự quá đáng sợ".
Khi ấy, chị Ngọc, vốn là một người mẹ đã đọc rất nhiều sách về BLW hay các kỹ năng xử lý hóc, nghẹn... cũng không đủ tỉnh táo, bình tĩnh để xử lý hóc nghẹn cho con. Chị bối rối vỗ 2 cái không được, thấy không ổn liền nhờ chị gái mình vỗ hộ. Bác của Na vừa vỗ được 2 cái, ngay lập tức thấy miếng dưa chuột to khoảng bằng ngón tay cái văng ra ngoài. Sau khi miếng dưa chuột rơi ra, chị Ngọc vẫn thấy con thở gấp, miệng không ngậm được và khóc to.
Bé Na được thăm khám tổng quát sau khi đã lấy được miếng dưa chuột ra.
Chị Ngọc nhớ lại kiến thức đã đọc, rằng nếu như con đã khóc được là đã hết hóc. Thế nhưng chị vẫn sợ con mình không giống như trong sách nói, liền quyết định gấp gáp đưa con vào bệnh viện gần nhà.
Quãng đường đi từ nhà đến bệnh viện chỉ mất 10 phút, nhưng với chị tưởng chừng như dài cả thế kỷ. "Trên đường đi, cả hai vợ chồng mình như chết lặng, ai cũng ngây người lo sợ, chẳng ai nói với ai câu nào. Mình chỉ biết ấn nhân trung (phần rãnh môi trên thẳng từ mũi xuống) của con, con thở hổn hển, tay chân mềm nhũn lạnh ngắt... Mình khóc, không thể im lặng nổi nữa, hét lên: "Anh ơi, con cứ há miệng!". Chồng mình vừa lái xe vừa gọi "Na ơi, Na ơi!"".
Miếng dưa chuột được vỗ ra lần 1 tại nhà.
Khi đến bệnh viện, bé Na được chuyển thẳng vào phòng cấp cứu. Chị Ngọc kể lại, khoảng 4-5 bác sĩ, y tá lao ra, cho bé thở oxy và thực hiện sơ cứu ngay tức khắc. Và kết quả là suy nghĩ của chị Ngọc đã đúng: Bé vẫn bị hóc, miếng dưa chuột chưa ra hết. Toàn bộ đờm và bã dưa chuột chưa được vỗ ra, cũng mắc không xuống được khiến con không thở được, không ho được. "Bác sĩ lấy ra 2 cục đầy đờm và bã dưa chuột, dính cả sữa. 5 phút sau đó, mặt con hồng hào trở lại, bắt đầu ê a cười. Lúc đó mình mới hoàn hồn và tin con được cứu thành công, thoát khỏi tay tử thần".
Sau khi lấy được đờm và vụn dưa chuột, bé Na được nội soi tai mũi họng, chụp phim đầy đủ và thăm khám tổng quát, kết quả không có vấn đề gì. Thế nhưng, câu chuyện này mãi mãi là một bài học nhớ đời của cả gia đình chị Ngọc.
Kết quả khám sau khi đã lấy được toàn bộ các miếng dưa chuột ra khỏi họng bé Na.
Cũng theo chị Ngọc cho biết, bé Na vốn ăn thô rất tốt vì được mẹ cho ăn dặm theo phương pháp 3 trong 1 (bao gồm BLW, ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật) từ nhỏ. Bản thân chị cũng là một người mẹ tìm hiểu rất kĩ càng về các nguyên tắc an toàn khi ăn dặm, nhưng đôi khi tai nạn lại xảy ra theo những cách thật khó ngờ: "Bé Na nhà mình là "thần BLW" mà hôm qua còn hóc tím tái đen cả người, môi thâm đen như quả mận tây... Thế mới hiểu rằng sách vở và thực tế rất khác nhau. Dù trong sách vở có dạy cách xử lý bị hóc khi cho con ăn, nhưng bạn phải đặt mình vào hoàn cảnh đó mới hiểu được rằng tâm lý lo sợ và mất kiểm soát là có thật. Bạn có đọc 100 quyển sách mà chưa từng thực hành thì vẫn là số 0".
Chia sẻ lại câu chuyện của mình, chị Ngọc cũng muốn gửi lời cảnh báo đến các bố mẹ khác: "Mình mong các mẹ hay mọi người trong gia đình khi cho bé ăn BLW thì nên cho con ngồi vào bàn. Tuyệt đối không tiện cái gì là đưa cho con theo kiểu "quen tay" dù cho con có đang chơi hay đang chạy nhảy. Bố mẹ cũng luôn phải để con trong tầm kiểm soát của người lớn vì sự việc diễn ra rất nhanh, nên dù con có BLW thành thạo tới đâu cũng không được chủ quan. Vì vậy, mỗi gia đình chọn phương pháp nào khi cho con ăn dặm đi nữa, thì cũng phải đặt sự an toàn lên hàng đầu. Đó mới là điều quan trọng hơn tất cả".
Các nguyên tắc an toàn khi cho con ăn dặm theo phương pháp BLW
Trong trường hợp cho con ăn dặm theo phương pháp BLW, bố mẹ phải tuyệt đối lưu ý các nguyên tắc an toàn:
- Cho bé ngồi đúng tư thế, thoải mái (ngồi thẳng trên ghế ăn, tay dễ dàng lấy được thức ăn).
- Kiểm tra tiền sử dị ứng của gia đình trước khi cho bé ăn.
- Phân biệt rõ hóc, ọe, học kĩ năng sơ cứu hóc dị vật.
- Tuyệt đối không để bé một mình với thức ăn.
- Không cho bé ăn nguyên hạt.
- Cắt nhỏ những loại quả có lõi, hạt như ô liu hoặc anh đào ra làm hai và bỏ hạt đi. Một số loại thức ăn dễ hóc, nghẹn như xúc xích, nho cũng cần cắt nhỏ.
- Không đưa thức ăn vào miệng bé.
Theo Helino
Bão số 3 đã vào bờ, ghi nhớ ngay những nguyên tắc này để giữ an toàn cho sức khỏe trong mùa bão Tình hình thời tiết nguy hiểm do những cơn mưa và dông lớn trong bão có thể gây mất an toàn cho người dân sinh sống ở khu vực bị ảnh hưởng. Chiều 18/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: "Bão số 3 đã vượt qua đảo Hải Nam, đi vào Vịnh Bắc Bộ và tiếp tục...