30 năm trêu tức cảnh sát, hung thủ sát hại bé gái sa lưới vì những chiếc bao cao su
Trong suốt thời gian lẩn trốn, hung thủ từng không ít lần có hành động trêu ngươi cảnh sát và hù dọa sẽ ra tay với những bé gái khác khiến cho người dân hoang mang lo sợ cho tính mạng của con em mình.
Các chuyên gia cho biết, con người có thể thay đổi họ tên, thay đổi màu tóc, màu mắt hoặc phẫu thuật thẩm mỹ một số đặc điểm nhận dạng khác. Tuy nhiên, có duy nhất một thứ không thể thay đổi được, đó chính là mẫu ADN của họ. Đó là lý do vô số sự thật tưởng chừng không bao giờ có thể làm sáng tỏ nhưng cuối cùng cũng đã được giải quyết. Loạt bài “Bi kịch sau tờ giấy xét nghiệm ADN” sẽ phần nào hé lộ những câu chuyện kỳ lạ ấy.
Những mẩu giấy đầy ám ảnh
Ngày 1/4/1988, tại thành phố Fort Wayne, bang Indiana (Mỹ), trên đường từ nhà bạn về, cô bé April Tinsley bỗng nhiên mất tích. Ba ngày sau đó, thi thể của April được phát hiện tại một bãi đất trống trong một khu vực nông thôn cách vị trí cô bé 8 tuổi được nhìn thấy lần cuối cùng khoảng 32km.
Cô bé xấu số April Tinsley bị sát hại 30 năm trước
Theo báo cáo pháp y, nạn nhân nhỏ tuổi đã bị cưỡng bức trước khi bị siết cổ cho đến chết. Mặc dù mọi nỗ lực điều tra và tìm kiếm, cảnh sát đã không thể nào tìm ra được tên hung thủ.
2 năm sau, một dòng chữ được viết bằng bút sáp nghuệch ngoạc trên cửa một nông trại cách nơi phát hiện thi thể của April không xa với nội dung: “Ta đã giết April Tinsley, 8 tuổi. Ta sẽ giết một lần nữa”.
14 năm tiếp theo, tên hung thủ im hơi lặng tiếng, không có chút động tĩnh nào. Đến mùa xuân năm 2004, 4 cô bé tại khu vực Fort Wayne bỗng nhận được một mẩu giấy nhỏ được gắn trên xe đạp từ một kẻ giấu mặt nào đó.
Cả 4 mẩu giấy được bỏ vào một túi nhựa chứa một chiếc bao cao su đã được sử dụng, đi kèm với nội dung nhắc đến cái chết của April và ám chỉ các cô bé sẽ là nạn nhân tiếp theo. “Xin chào cô bé, ta đã theo dõi ngươi. Ta là kẻ đã bắt cóc, hãm hiếp và giết April Tinsley. Ngươi sẽ là nạn nhân tiếp theo của ta”, kẻ giấu mặt viết.
Video đang HOT
Lời nhắn đe dọa kinh hoàng mà kẻ thủ ác đã để lại.
Cảnh sát tiến hành kiểm tra ADN lấy từ bao cao su, phát hiện chúng trùng khớp với ADN lấy từ nạn nhân April nhưng ngoài ra, họ không thể tìm thêm chứng cứ nào khác để bắt được hung thủ. Một lần nữa, kẻ thủ ác lại thoát khỏi vòng vây pháp luật, tiếp tục trêu đùa lực lượng cảnh sát. Trong khi đó, các bậc phụ huynh tại Fort Wayne vô cùng lo sợ cho an toàn và tính mạng của con em mình.
Lộ tẩy do ADN trên những chiếc bao cao su
Vụ án bí ẩn đầy thách thức của April Tinsley từng được tái hiện lại qua nhiều chương trình truyền hình về tội phạm của Mỹ.
Năm 2009, đơn vị phân tích hành vi của FBI đã đưa ra bản miêu tả về tên hung thủ như sau: “Có khả năng đó là một người đàn ông da trắng ở độ tuổi 40-50 và có hứng thú tình dục đặc biệt với trẻ em. Tên này cũng có mối liên hệ mạnh mẽ tới khu vực phía đông bắc vùng Fort Wayne và hạt Allen. Có thể đó là nơi hắn sống, làm việc hoặc nơi hắn thường đi mua sắm”.
Sau 30 năm, kẻ giết người John D. Miller đã bị bắt giữ.
Mãi cho đến tháng 5/2018, sau khi cảnh sát California sử dụng công nghệ phân tích ADN di truyền để bắt giữ những nghi phạm hiếp dâm và giết người hàng loạt sau hàng thập kỷ tìm kiếm kể từ những năm 1980, vụ án giết hại bé Tinsley mới được mở lại lần nữa. Cảnh sát đã sử dụng ADN từ hiện trường và từ những thông điệp mà y đưa ra, sau đó nhập vào một cơ sở dữ liệu phả hệ.
Xét nghiệm thu hẹp các nghi phạm đã cho kết quả là John D. Miller, 59 tuổi và anh trai của hắn. Các nhà điều tra sau đó kiểm tra rác của Miller và nhận thấy ADN của những chiếc bao cao su đã qua sử dụng phù hợp với bằng chứng ADN của nghi phạm giết bé Tinsley.
Cảnh sát tiếp cận Miller tại nơi cư trú của y ở Grabill, Indiana. Thời điểm cảnh sát tới nhà tìm Miller, y dường như đã chuẩn bị sẵn cho điều này, chủ động nói đến cái tên “April Tinsley” trước khi cảnh sát kịp đưa ra lời cáo buộc.
Trong cuộc thẩm vấn, Miller thừa nhận vào năm 1988, y đã bắt cóc, hãm hiếp siết cổ nạn nhân. Ban đầu y chỉ định siết cổ để dọa nạn nhân không báo cảnh sát về những gì đã diễn ra, nhưng chỉ 10 phút sau, bé Tinsley tắt thở. Sau đó y ném xác cô bé vào một con mương.
Ngày 15/7 vừa qua, John D. Miller đã bị buộc tội giết người, quấy rối trẻ em và giam giữ một nạn nhân dưới 14 tuổi. Tên hung thủ hiện đang bị giam giữ tại nhà tù hạt Allen trong lúc chờ xét xử trong thời gian sắp tới.
Theo Danviet
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Nghiên cứu sinh Trung Quốc chật vật xin visa Mỹ
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và những quan ngại của Washington về việc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, các nghiên cứu sinh các ngành công nghệ cao của Trung Quốc rất vất vả trong quá trình xin thị thực sang Mỹ học tập.
Dòng người xếp hàng trước cổng đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh (Ảnh: SCMP)
Khi Sonia Sun quay trở lại Trung Quốc hồi cuối tháng 5 để xin cấp lại thị thực Mỹ cho chương trình tiến sĩ về kỹ thuật mà cô đang theo học, Sun đã gặp rất nhiều trở ngại.
Năm ngoái, nghiên cứu sinh 29 tuổi của trường Purdue ở West Lafayette, Indiana, phải di chuyển một quãng đường xa tới Quảng Châu và chờ trong 6 tuần để có thể lấy được thị thực J-1, thị thực không nhập cư Mỹ cấp cho các nhà nghiên cứu, giáo sư, tri thức trao đổi.
Trong nửa giờ phỏng vấn với nhân viên lãnh sự quán, Sun được hỏi rất nhiều về lĩnh vực nghiên cứu và lý do cô lựa chọn Mỹ là nơi học lên cao hơn. "Khi họ nhận ra ngành học của tôi là viễn thông, cuộc phỏng vấn đột ngột dừng lại và một nhân viên bảo tôi rằng hồ sơ của tôi cần kiểm tra thêm", Sun nói.
Điều này trái ngược hoàn toàn so với năm 2016, khi Sun dễ dàng nhận được thị thực chỉ sau 2 tuần nộp hồ sơ.
Sun cảm thấy rất lo lắng trong vòng 2 tháng sau khi cô nộp hồ sơ và lý giải cụ thể lý do cô chọn nghiên cứu ngành viễn thông. Cuối cùng, cô đã nhận được thị thực gia hạn vào ngày 1/8.
"Tôi không chỉ lo ngại về thị thực. Tôi phải kiểm tra các chuyến bay mỗi ngày và tính toán xem khi nào bay sang Mỹ vé sẽ rẻ nhất trong trường hợp thị thực bị muộn và tôi sẽ phải làm gì nếu hồ sơ của tôi bị từ chối", Sun chia sẻ.
Sun là một trong rất nhiều nghiên cứu sinh Trung Quốc nằm trong diện bị Mỹ siết chặt quy trình xác minh thị thực trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ -Trung đang leo thang mỗi ngày.
Siết chặt chính sách
Từ ngày 11/7, các nghiên cứu sinh tiến sỹ Trung Quốc học tại Mỹ về các ngành như hàng không, tự động hóa, robot, kỹ thuật công nghệ cao sẽ chỉ được cấp thị thực có hạn tối đa 1 năm. Sau 1 năm, để được cấp mới, họ sẽ phải vượt qua vòng kiểm tra của Mỹ nhằm xác minh xem công việc họ nghiên cứu và quản lý có liên quan tới những tổ chức nằm trong danh sách tình nghi của Mỹ hay không.
Theo AP, biện pháp trên nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của Mỹ trong khi Trung Quốc đang đẩy nhanh chính sách "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025". Đây là chương trình được Trung Quốc công bố từ năm 2015 nhằm chuyển trọng tâm từ nghiên cứu đầu tư trong nước sang đổ tiền vào các thị trường nước ngoài. Đứng đầu trong danh sách ưu tiên đầu tư là các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và du hành không gian. Tham vọng của Trung Quốc là trong tương lai, họ sẽ trở thành vị trí số 1 thế giới về khoa học và công nghệ.
Chính vì vậy, Mỹ đã có một số biện pháp nhằm ngăn chặn viễn cảnh Trung Quốc có thể sở hữu những bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ của Washington phục vụ mục đích của Bắc Kinh.
Từ khi nhậm chức đầu năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump để thể hiện quan điểm cứng rắn với vấn đề nhập cư, lo ngại những đe dọa về an ninh quốc gia. Giới truyền thông cho rằng sự cứng rắn trong chính sách thị thực của chính quyền ông Trump đã ảnh hưởng tới các trường kinh doanh của Mỹ. Theo thống kê, hai phần ba sinh viên nước ngoài đã không còn hứng thú với việc theo học tại các trường kinh doanh Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2016.
Một trong những lý do tụt giảm là vì các sinh viên lo ngại rằng chương trình nhập cư của ông Trump sẽ ảnh hưởng tới khả năng họ có thể nhận được thị thực H1-B sau khi tốt nghiệp. Loại thị thực này thường áp dụng cho những sinh viên theo nhóm ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán (STEM), cung cấp quyền cư trú để họ có thể làm việc trong các công ty về công nghệ.
Trong báo cáo chiến lược an ninh quốc gia hồi tháng 2, Mỹ khẳng định sẽ cân nhắc hạn chế cấp thị thực cho các sinh viên nhóm ngành STEM từ một số quốc gia nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ sẽ không rơi vào tay đối thủ của Mỹ.
Trong 362.000 người Trung Quốc sang Mỹ du học năm 2017, có 42% trong số đó theo học nhóm ngành STEM, theo số liệu của Bộ An ninh Nội địa Mỹ.
Không có số liệu chính xác về số lượng học giả Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chính sách siết chặt của Mỹ, nhưng các sinh viên, nghiên cứu sinh khoa học công nghệ của Bắc Kinh dường như bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Một giáo sư về viễn thông Trung Quốc họ là Wang cho biết, đồng nghiệp của ông tại một trường đại học hàng đầu Trung Quốc đã bị Mỹ từ chối không cấp thị thực để sang Honolunu, Hawaii tham gia một hội thảo về công nghệ. Trước đó, người bị từ chối đã đi sang Mỹ nhiều lần và tới lần này ông bị trả lại hồ sơ mà không có môt lời lý giải.
Đức Hoàng
Theo Dantri/SCMP
Bắt giữ tên tội phạm bệnh hoạn sát hại bé gái 8 tuổi 30 năm trước Ngày 15/7, cảnh sát Hoa Kỳ đã bắt giữ thành công nghi phạm sát hại bé gái 8 tuổi April Tinsley 30 năm về trước. Cô bé xấu số April Tinsley bị sát hại 30 năm trước John D. Miller, 59 tuổi, đã bị các sĩ quan của Sở cảnh sát Fort Wayne và Cảnh sát bang Indiana bắt tại nhà riêng ở...