30 năm che giấu sự thật của người đàn ông Hồi giáo đồng tính nhiễm HIV
Shamal Waraich nhiều năm bị ám ảnh về căn bệnh của mình và phải giấu kín thân phận đồng tính.
Waraich 34 tuổi lớn lên trong một gia đình Hồi giáo Anh. Hơn 30 năm, anh luôn giữ kín bí mật với bố mẹ và họ hàng xung quanh việc mình là một người đồng tính. “Tôi từng quan hệ tình dục với nhiều người đồng giới nhưng tôi không nghĩ đến chuyện cần phải phòng tránh những nguy cơ xấu”, anh cho biết.
Một ngày tháng 10/2013, tại phòng khám sức khỏe tình dục, anh được chẩn đoán nhiễm HIV. “Đó thực sự là thời điểm suy sụp nhất trong cuộc đời tôi, thế giới trong tôi bắt đầu sụp đổ và tan vỡ”, anh chia sẻ. “Các bác sĩ đã mất gần một giờ để phân tích tình trạng sức khỏe, tuy nhiên tôi không còn tâm trí để lắng nghe”. Waraich nghĩ rằng không ai có thể giúp mình vượt qua căn bệnh HIV cũng như vượt qua sự khủng hoảng này. Anh sẽ mãi mãi rời xa bố mẹ, xa người thân khi vẫn còn giấu kín câu chuyện mình là một người đồng tính.
Shamal Waraich sống tích cực hơn sau thời gian khủng hoảng trầm trọng khi biết tin mình bị nhiễm HIV.
Anh cảm thấy xấu hổ và tội lỗi, khi vừa là một người Hồi giáo, một người đồng tính lại mang trong mình căn bệnh HIV. Cả cộng đồng Hồi giáo sẽ tẩy chay anh khi biết được điều này. “Tôi xứng đáng nhận sự ra đi và không màng đến dung thứ”, anh nghĩ.
Waraich sống trong chuỗi ngày dài lo sợ và tuyệt vọng. Hai năm giữ kín bí mật, Waraich trăn trở và luôn sống trong sự giày vò. Anh đi đến quyết định công khai là một người đồng tính nhưng không chia sẻ tình trạng nhiễm HIV. Tuy nhiên, “Tôi luôn cảm thấy cô đơn vì không ai thấu hiểu mình”, anh nói.
Bằng một cách nào đó, Waraich đã lấy hết can đảm để nói ra với bố mẹ tất cả sự thật ở nơi công cộng. Anh nghĩ rằng bố mẹ sẽ không dám tức giận hay quát mắng anh tại đây, cũng đã lường trước được “bố mẹ sẽ phát điên lên và dùng búa đập vào đầu anh”. Thế nhưng, một điều thật bất ngờ và tuyệt vời xảy ra, họ bao dung và động viên con rất nhiều.
“Cha mẹ thương con rất nhiều, con là con trai của ta và ta sẽ luôn ủng hộ con”, mẹ anh nói khi biết tin. Cả người thân anh chị em của anh cũng động viên và ủng hộ anh rất nhiều khi nói ra sự thật. Căn bệnh HIV không phải là án tử nếu biết cách sống chung với nó. Họ khuyên anh phải sống tích cực và nghĩ đến những điều tốt đẹp phía trước.
Video đang HOT
Shamal Waraich nhỏ bé trong vòng tay của mẹ.
Waraich nhẹ lòng hơn và cảm thấy thoải mái khi nhận được sự sẻ chia của những người thân. Anh cảm thấy cuộc sống tươi đẹp và có ý nghĩa trở lại. Waraich làm việc trong trung tâm giáo dục sức khỏe tình dục với tất cả kinh nghiệm và kỹ năng của mình. “Tôi không được chọn mình trở thành người đồng tính, đó là bản năng khi sinh ra. Tuy nhiên, tôi có nhiệm vụ giáo dục những người khác trong cộng đồng về sự an toàn trong quan hệ”, anh chia sẻ.
Anh cho biết hiện nay những người nhiễm HIV được chăm sóc ở Anh từ các nhóm người da đen, hoặc người thiểu số khác. Những người châu Á vẫn còn khá khó khăn trong việc chấp nhận căn bệnh này. Waraich cho biết nhiều bệnh nhân Nam Á do dự khi nói chuyện với anh. Họ cảm thấy mình bị đánh giá về phẩm chất và không thoải mái để chia sẻ. Trong tiếng Urdu không có từ ngữ về tình dục hay tình dục LGBT, cho dù những điều đó tồn tại ở Pakistan.
Shamal Waraich (trái) và bạn tình Paul.
Waraich dùng câu chuyện của bản thân để thuyết phục, động viên họ. Theo anh, chia sẻ chân thật và cởi mở về tình trạng sức khỏe của mình là điều tốt cho tâm trạng và lối sống của bản thân, tốt cho cả những người xung quanh.
“Nhiều căn bệnh các bác sĩ hoàn toàn có thể điều trị giúp tăng cơ hội sống chứ không phải nhiễm HIV là chắc chăn sẽ mang án tử hình”, anh cho biết.
Đến bây giờ, Waraich tự tin có thể nói rằng mình là một người đồng tính, một người Hồi giáo và sống chung với HIV. “Tôi sẽ theo tôn giáo của mình theo cách riêng của tôi. Thượng đế sẽ nhìn thấy những gì tôi đang làm”, anh nói.
Thúy Quỳnh
Theo Vnexpress
Hiểm họa HIV/AIDS ở huyện nghèo Mường Chà
Cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 50 km, nằm dọc với trục đường quốc lộ 12, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) là địa bàn trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Trung tâm y tế huyện Mường Chà, tính đến tháng 9/2018, số người nhiễm HIV tích lũy ở Mường Chà là 259 người, trong đó số chuyển sang giai đoạn AIDS tích lũy là 110 và 114 trường hợp tử vong do AIDS. Hiện tại số trường hợp nhiễm HIV được quản lý là 145 người. Trên toàn huyện có 12/12 xã, thị trấn có người nhiễm HIV, tỷ lệ nhiễm HIV/dân số là 0,3%.
Những năm qua tình hình HIV/AIDS trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm đã phát hiện thêm là 5 người nhiễm mới và 3 người đã tử vong.
Sống tại bản nghèo Co Đứa, xã Na Sang, huyện Mường Chà (Điện Biên), hơn 5 năm về trước, chị Lò Thị Sen (36 tuổi) bị lây nhiễm HIV từ chồng, chị có 2 con, đứa con sau cũng bị lây nhiễm HIV. Con gái đầu ở với bà, chị và con trai sống ở trong túp lều nhỏ làm bằng tre, chồng chị bỏ đi làm ăn xa nhưng chỉ đủ tiền để lo cho bản thân.
Hàng ngày, chị cùng con đi bộ lên trung tâm huyện để uống thuốc, công việc ruộng nương phải bỏ do ốm đau liên tục. Cái đói, bệnh tật đeo bám chị, nhiều lúc chị và con phải đi xin ăn. Vì sợ lây bệnh, nên người dân trong bản không muốn nói chuyện hay gần chị, sống đơn côi giữa láng giềng chị đã nhiều lần bị trầm cảm. Trớ trêu hơn nữa, chị mới phát hiện mình mang thai, cái thai đã được một tháng, chị không biết giải quyết thế nào khi không có tiền. Chị Sen tâm sự: "Bị bệnh lâu rồi, ốm đau chả muốn ăn cơm, rụng hết tóc, xong mới lên đi xét nghiệm, bác sĩ mới bảo mình bị bệnh HIV. Hiện tại, đi làm không đi làm được, đói đi xin ăn, ốm đau triền miên, con cũng phải xin nghỉ học vì đau bệnh".
Trước hiểm họa lan tràn của căn bệnh thế kỷ, huyện Mường Chà đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động đối tượng nhiễm HIV gặp không ít khó khăn, nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông chia cắt, nhân viên y tế khó có thể vào tận nơi thường xuyên, nên việc vận động, nắm thông tin người bị bệnh còn hạn chế. Ngoài ra, nhiều trường hợp bệnh nhân mặc cảm, không muốn tiếp xúc với cán bộ y tế dẫn đến kiến thức của họ về bệnh HIV bị sai lệch, không biết cách phòng, tránh lây truyền cho người khác.
Anh Lò Văn Phui, cán bộ y tế bản Co Đứa (xã Na Sang, huyện Mường Chà) cho biết: Nhiều bệnh nhân nhiễm bệnh HIV/AIDS chưa nhận thức rõ về mối nguy hiểm của căn bệnh này, họ không chịu tuân theo phác đồ điều trị, đang điều trị thì bỏ thuốc... Có những cặp vợ chồng đều nhiễm HIV nhưng không dùng biện pháp tránh thai dẫn đến lây truyền sang con, cái nghèo đói bám theo không dứt ra được...
Theo Bác sĩ Lương Hậu Tân, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Mường Chà, công tác phòng chống HIV/AIDS của Mường Chà còn gặp nhiều vướng mắc, trước hết là địa bàn rộng, dân cư thưa, điều kiện đi lại khó khăn, đa số là hộ nghèo. Bên cạnh đó, ảnh hưởng phong tục tập quán cũng như nhận thức của người nhiễm bệnh HIV/AIDS còn thấp, nhiều trường hợp điều trị đỡ nên chủ quan không tiếp tục điều trị nữa, sau khi tái bệnh mới trở lại uống thuốc khiến cho bệnh càng thêm nặng, khó chữa trị.
Tới đây, dự án quốc tế về cấp phát thuốc miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS sẽ dừng lại, bệnh nhân phải chuyển sang dùng bảo hiểm y tế để uống thuốc, khám chữa bệnh và bắt buộc mọi người phải đến tại trung tâm y tế, thông qua nhiều thủ tục, điều này sẽ gây khó khăn cho những người bị nhiễm bệnh ở xa không thể thường xuyên khám bệnh được, hiệu quả ngăn ngừa lây truyền sẽ giảm so với trước đây.
Bác sĩ Tân cho biết, số người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu lây qua tiêm chích ma túy và đường máu. Số người nhiễm mới vẫn xuất hiện trong từng năm, chủ yếu ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa rất khó kiểm soát. Để giảm thiểu số người nhiễm mới, hàng năm Trung tâm y tế huyện Mường Chà đều thực hiện phát bơm kiêm tiêm sạch, bao cao su miễn phí, thu và tiêu hủy nhiều bơm kim tiêm bẩn; triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại HIV/AIDS; tư vấn xét nghiệm cho đối tượng có nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, vợ hoặc chồng nhiễm HIV...
Việc ngăn chặn hiểm họa lây truyền của HIV ở huyện Mường Chà gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự chung tay của cả toàn xã hội, đòi hỏi sự nỗ lực, tích cực trong công tác truyền thông, cũng như hỗ trợ về mọi mặt mới có thể ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi HIV trên địa bàn huyện nghèo Mường Chà.
Võ Văn Dũng
Theo TTXVN
Cao điểm bệnh tay chân miệng, cả nước có 12,2 nghìn người mắc Trong tháng 9, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng nhanh với 12,2 nghìn bệnh nhân trên cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng Chín, ngoài 12,2 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết cũng đang có dấu hiệu bùng phát với 13,5 nghìn trường hợp mắc bệnh, 2 trường hợp tử...