3 trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp khó tăng trưởng
Nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc, và không loại trừ khả năng sự giảm tốc này có thể lan tới Mỹ vào năm tới – trang CNN Business nhận định.
Kinh tế Trung Quốc đang có nhiều dấu hiệu giảm tốc
Theo thống kê công bố hôm thứ Tư, kinh tế Nhật Bản và Đức cùng suy giảm trong quý 3, trái ngược hoàn toàn với sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Mỹ trong cùng kỳ báo cáo.
Tại Trung Quốc, đang xuất hiện ngày càng nhiều những dấu hiệu về sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Có nhiều lý giải được đưa ra về sự suy giảm của kinh tế Nhật và Đức trong quý vừa rồi, và các chuyên gia kinh tế dự báo hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư thế giới này sẽ tránh được cảnh rơi vào suy thoái và sớm tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, các con số đã cho thấy những thách thức lớn mà các nền kinh tế hàng đầu đang phải đối mặt.
Quý 3 đánh dấu lần đầu tiên kinh tế Đức suy giảm kể từ năm 2015. Việc áp dụng các thủ tục mới về kiểm tra khí thải của xe hơi đã khiến doanh số thị trường xe nước này chững lại. Ngoài ra, xuất khẩu của Đức cũng giảm, một phần do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Tác động từ thủ tục kiểm tra khí thải mới sẽ sớm lắng xuống, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu có thể tiếp tục yếu đi do nhu cầu suy giảm tại các nền kinh tế là đối tác thương mại chính của Đức như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Trung Quốc.
Về phần mình, Nhật Bản đã quen với sự trì trệ kinh tế, thậm chí là với những cuộc suy thoái, nhưng triển vọng kinh tế Nhật hiện nay không phải là quá tệ.
Video đang HOT
Sự suy giảm của kinh tế Nhật trong quý 3 có một phần nguyên nhân là thiên tai, và các chuyên gia kinh tế dự báo tiêu dùng ở Nhật sẽ tăng mạnh trong quý 4 này, bởi vào tháng 10 năm sau, Chính phủ Nhật sẽ triển khai kế hoạch tăng thuế tiêu thụ.
“Điều tồi tệ hơn còn chưa đến”
Số liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy Trung Quốc đang cùng lúc đối mặt với tăng trưởng tiêu dùng yếu đi, niềm tin suy giảm và tăng trưởng tín dụng gây thất vọng.
Theo các chuyên gia, Chính phủ nước này có thể sẽ sớm đẩy mạnh các biện pháp kích cầu để giảm bớt ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
“Chúng tôi tin là điều tồi tệ hơn còn chưa đến. Tăng trưởng sẽ suy giảm nhanh hơn vào đầu năm tới”, ông Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc thuộc ngân hàng đầu tư Nomura, nói trong một báo cáo.
Dù kinh tế Đức và Nhật có thể hồi phục trong quý 4, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 2,5% trong năm 2019, so với mức tăng 2,9% của năm nay.
Những “đám mây đen” đang phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu bao gồm chiến tranh thương mại và tác động của việc Mỹ nâng lãi suất đối với các thị trường mới nổi. Italy – quốc gia đang mâu thuẫn với Liên minh châu Âu (EU) về kế hoạch ngân sách quốc gia – có thể sẽ là nhân tố châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nữa ở châu Âu.
“Hiện tại, chúng tôi không nghĩ đến những khả năng như xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng tăng trưởng sẽ giảm nhiều vào năm tới. Rất có thể là như vậy”, chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu Andrew Kenningham của Capital Economics phát biểu. “Chúng tôi cho rằng dự báo của IMF là quá lạc quan”.
Nền kinh tế nào sẽ là đầu tàu?
Rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện đã được phản ánh phần nào trên thị trường. Hôm thứ Ba, nỗi lo này góp phần khiến giá dầu thô ở Mỹ sụt 7%.
Một câu hỏi lớn đặt ra lúc này là những nền kinh tế nào sẽ giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019?
Nền kinh tế Ấn Độ đã tăng tốc trong năm nay, đạt mức tăng 8,2% trong quý gần nhất. Tuy nhiên, là quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, kinh tế Ấn Độ đã chịu tác động bất lợi từ đợt tăng giá của dầu thô năm nay.
Ngoài ra, đồng Rupee là một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất năm 2018, khiến lạm phát ở Ấn Độ tăng mạnh.
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể giảm tốc trong năm 2019 khi những ảnh hưởng tích cực của chương trình cắt giảm thuế mà chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện giảm dần đi.
“Chúng tôi cho là kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc đáng kể”, ông Kenningham dự báo. “Gói kích cầu tài khóa chỉ là tạm thời, mà FED lại đang nâng lãi suất”.
Theo vneconomy.vn
Lao dốc mạnh, giá dầu chạm đáy 7 tháng
Giá dầu thế giới giảm gần 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, trong đó giá dầu WTI xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4.
Cụ thể, khép lại phiên này tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu Brent Biển Bắcgiảm 2,15 USD, hay 2,9%, lên 72,89 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,62 USD, hay 2,5%, và được giao dịch ở mức 63,69 USD/thùng, mức đóng phiên thấp nhất kể từ ngày 9/4 - TTXVN đưa tin.
Giá dầu hiện đã giảm 17% so với mức đỉnh thiết lập hồi đầu tháng 10 - Ảnh: Internet
Tháng 10 vừa qua, cả hai loại dầu trên đều ghi nhận các mức giảm theo tháng (tính theo tỷ lệ phần trăm) cao nhất kể từ tháng 7/2016, trong đó giá dầu Brent giảm 8,8% còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm gần 11%.
Nguyên nhân chính khiến giá dầu sụt giảm phiên này là nỗi lo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu yếu đi giữa lúc sản lượng khai thác của các nước sản xuất dầu lớn đang tăng mạnh.
Theo hãng tin Reuters, thông tin về sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ và Nga, cùng với việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nâng sản lượng, đã dẫn tới việc giới đầu tư bán tháo "vàng đen".
Ngoài ra, dầu cũng chịu áp lực mất giá từ mối lo ngày càng lớn về nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa được giải quyết. Xung đột thương mại được cho là đã bắt đầu có ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi.
Giá dầu hiện đã giảm 17% so với mức đỉnh thiết lập hồi đầu tháng 10. Giới phân tích dự báo dầu sẽ tiếp tục bị bán mạnh trong những phiên sắp tới. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc giá dầu không thể tăng dù đồng USD xuống giá trong phiên ngày thứ Năm, và cũng không tăng nổi theo sự hồi phục của thị trường chứng khoán Phố Wall.
"Điều này cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế", ông Gene McGillan, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu thị trường thuộc Tradition Energy, nhận định.
Hôm thứ Tư, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu thô của nước này đạt kỷ luc 11,35 triệu thùng/ngày trong tháng 8, đồng thời dự báo mức sản lượng sẽ tiếp tục tăng. Nga hiện đang khai thác dầu với tốc độ 11,41 triệu thùng/ngày, còn một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy xu hướng của OPEC từ năm 2016 đến nay là khai thác ngày càng nhiều dầu.
Sản lượng dầu cao đang lấn át những lo ngại rằng thị trường sẽ không thể bù đắp cho việc lượng dầu xuất khẩu của Iran sụt giảm, khi lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực vào tuần tới.
Bên cạnh đó, dầu cũng đang chịu áp lực trước những lo ngại gia tăng về khả năng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa được giải quyết và bắt đầu ảnh hưởng đến các nền kinh tế thị trường mới nổi.
Anh Minh (tổng hợp)
Theo thuonghieuvaphapluat.vn
Khủng hoảng đồng rupee ở Ấn Độ: Điềm lành hay thảm họa? Các nhà phân tích tài chính cho rằng, việc Ấn Độ đang chao đảo giữa cuộc khủng hoảng vì đồng rupee mất giá thực chất lại là "điềm lành" cho đất nước. Bởi lẽ, vốn dĩ đồng rupee đã bị trì hoãn do giá dầu tăng vọt cũng như mức lãi suất vươn lên trong năm nay, khiến nó bị mất giá tận...