3 triệu tiền thật đổi được 17 triệu đồng tiền giả
‘Mình chuyên cung cấp tiền giả đủ mệnh giá, tiền giống thật 98% mắt thường không thể phân biệt’, đó là lời mời chào của người bán tiền giả trên các trang mạng xã hội.
Sau thời gian ngắn lắng xuống, tình trạng rao bán tiền giả trên mạng có xu hướng quay lại. Chỉ cần gõ từ các khóa như: “mua bán trao đổi tiền…”, “mua bán tiền giả”, trên Facebook sẽ xuất hiện hàng loạt các trang chuyên cung cấp tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau.
Tại các trang cá nhân rao bán tiền giả đều sơ sài, không để lại thông tin, chỉ có thông tin rao bán và một số bình luận, hầu hết giao dịch thường qua tin nhắn riêng. Trong khi đó, các fanpage lại xôm tụ hơn với nhiều sự quan tâm, nhiều lượt like và chia sẻ của cộng đồng mạng. Song cũng rất nhiều ý kiến tỏ thái độ không đồng tình về việc buôn bán này.
Một tài khoản đăng thông tin bán tiền giả lên các fanpage. Ảnh: Facebook
Cụ thể, tại một trang mua bán tiền giả trên Facebook, người bán lập ra một fanpage trao đổi tiền gia qua thẻ cào với đủ mệnh giá từ 50.000-500.000 đồng.
Người bán sẽ hỏi thông tin người mua ở vị trí nào cụ thể, để tính toán thời gian giao hàng. Nếu ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội sẽ giao hàng trong khoảng từ 8-14 tiếng đồng hồ. Còn ở các vùng khác sẽ chậm hơn, do chuyển hàng chủ yếu là xe đò hoặc ship cod.
Tiền giả được fanpage này cung cấp với nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào số lượng người mua nhiều hay ít. Cụ thể, mức trao đổi được đưa ra là 1 triệu đồng tiền thật mua được 5 triệu đồng tiền giả, 2 triệu đồng tiền thật sẽ mua được 11 triệu đồng tiền giả và tương tự 3 triệu sẽ mua được 17 triệu đồng tiền giả. Tất cả không phân biệt mệnh giá.
Còn một trang bán tiền giả khác thì tiền này được chào bán với cách giao dịch bằng thẻ cào điện thoại. Nhưng để nhận được số tiền giả muốn mua thì bên mua phải đặt cọc trước một khoản tiền, sau khi giao tiền sẽ thanh toán khoản còn lại.
Video đang HOT
Điển hình, trang này đăng thông tin, khi mua tiền giả dưới 2 triệu đồng khách phải đặt cọc trước 100%, mua trên 3 triệu đặt cọc 50% khi nhận được tiền chuyển thêm 50% còn lại, còn trên 5 triệu khách đặt cọc trước 30%, 70% sẽ được thanh toán sau khi nhận tiền.
“Chỉ giao dịch qua thẻ cào, ai muốn giao dịch trực tiếp hay không cần cọc thì tìm chỗ khác mua dùm đỡ mất thời gian hai bên”, lời nhắn của fanpage này.
Điều đáng chú ý là hầu hết chủ tài khoản các trang cá nhân, hay fanpage cung cấp tiền giả đều không chịu gặp mặt giao dịch trực tiếp, mà chỉ trao đổi qua thẻ cào điện thoại, thẻ game hoặc thông qua các dịch vụ như PayPal. Họ cũng từ chối chuyển khoản ngân hàng, với lý do sợ bị lộ danh tính. Tất cả đều cam đoan sẽ chuyển tiền đến đúng địa chỉ mà người mua cung cấp.
“Mình đã nói rõ, bạn thật sự tin tưởng thì cọc, bên mình sẽ chuyển đủ và free ship cho bạn nếu mua lâu dài, về sau sẽ có giá tốt nhất cho bạn”, chủ một fanpage chuyên cung cấp tiền giả cho hay.
Một người bán tiền giả có tài khoản B.N trên Facebook cho biết, mệnh giá tiền càng nhỏ càng dễ sử dụng hơn. “Tiền giả chủ yếu sẽ được dùng đổ xăng, đi chợ, hay ra các cửa hàng tạp hóa. Chỉ khi đến giao dịch tại các ngân hàng có thể bị đối chiếu số seri mới bị phát hiện”.
Người bán này còn cam đoan: “Trừ ngân hàng và chỗ có máy đếm tiền ra thì tiền giả tiêu chỗ nào cũng tốt?”,
Các kiểu “mồi chài” khách mua tiền giả. Ảnh: Facebook
Khá nhiều tài khoản sau khi đăng thông tin bán tiền giả đã nhận rất nhiều phản ứng không đồng tình từ cộng đồng mạng. Song cũng có tài khoản bình luận như: “xài được hai lần rồi, rất ok”, hay “lấy thêm cho em 5 triệu nữa”,… Đây được cho là những bình luận kiểu “mồi chài” của chính người đăng thông tin mua bán phạm pháp này.
Cũng có một số trường hợp, những tài khoản này không có tiền giả, chỉ đăng thông tin để nhận được tiền cọc, hoặc thẻ cào, sau đó khách liên hệ đến thì bị chặn cuộc gọi, tin nhắn hoặc xóa hẳn tài khoản. Khi gặp trường hợp này, phía người mua chỉ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không biết kêu ai. Bởi ai cũng biết hành động mua bán, trao đổi tiền giả là phạm phá.
Theo Zing News
Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cách phân biệt tiền giả
Ngày 18-5, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM khẳng định việc chỉ dựa vào yếu tố vần hoặc số seri để xác định một tờ tiền là tiền giả (hay tiền thật) là không chính xác.
Qua đường dây nóng của NHNN chi nhánh TP HCM mấy ngày nay, một số người dân có phản ánh thắc mắc về việc phân biệt tiền polymer thật.
Theo vị đại diện NHNN chi nhánh TP cho biết người dân cần nắm rõ các yếu tố bảo an của tờ tiền thật. Các tờ tiền không đảm bảo đủ các yếu tố bảo an này được xác định là tiền giả và không do NHNN phát hành.
Đặc điểm bảo an của tiền Polymer
Cụ thể, người dân có thể kiểm tra nhanh, cơ bản một số yếu tố bảo an để phân biệt tiền thật/tiền giả như sau (lưu ý: các yếu tố bảo an sau đây có hầu hết trên các tờ tiền chất liệu polymer, riêng các tờ tiền trên chất liệu cotton sẽ sử dụng các yếu tố bảo an khác như:
1. Đưa tờ tiền lên trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dây an toàn (dây bảo hiểm). Ở tiền thật sẽ nhìn thấy trên cả 2 mặt tờ tiền: hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền giấy, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo; dây an toàn có các chữ và số rõ ràng, sắc nét và sáng hơn màu nền xung quanh.
Ở tiền giả: không có hình bóng chìm và dây an toàn; hoặc hình bóng chìm không tinh xảo như tiền thật, chỉ là hình mô phỏng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên bề mặt; các chữ, số trên dây an toàn không rõ ràng, sắc nét và tối hơn nền giấy.
2. Dùng tay vuốt nhẹ tờ tiền để kiểm tra các chi tiết in nổi (tại các vị trí: dòng chữ "CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM", Quốc huy, hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ và số mệnh giá...). Ở tiền thật sẽ có cảm giác nhám, ráp khi vuốt lên các chi tiết này.
Ở tiền giả: chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như tiền thật.
3. Chao nghiêng tờ tiền để kiểm tra yếu tố mực đổi màu (OVI) và yếu tố IRIODIN. Ở tiền thật yếu tố OVI có màu vàng đất khi nhìn thẳng và chuyển dần sang màu xanh lá cây khi nhìn nghiêng. Yếu tố IRIODIN là dải màu vàng chạy dọc tờ tiền, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng tờ tiền.
Ở tiền giả: không có yếu tố mực đổi màu, hoặc in giả màu vàng/xanh lá cây nên không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật; không có dải màu vàng lấp lánh khi chao nghiêng tờ tiền.
4. Quan sát các cửa sổ trong suốt trên tờ tiền: kiểm tra hình dập nổi trên cửa sổ lớn (ở tiền thật, hình dập nổi là cụm số mệnh giá được dập nổi tinh xảo); kiểm tra hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ bằng cách đưa cửa sổ tới gần mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ và hướng vào nguồn ánh sáng đỏ (bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa ...) sẽ thấy hình ẩn hiện lên xung quanh nguồn sáng.
Ở tiền giả: không có cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn, nếu có chỉ là các nét dập thô, không tinh xảo như tiền thật; trong cửa sổ nhỏ không có hình ẩn (DOE) như tiền thật.
Được biết thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phát hành tài liệu "Tiền Việt Nam và cách nhận biết" đến các xã phường để tuyên truyền trong nhân dân về cách nhận biết tiền thật/tiền giả nhằm ngăn ngừa thiệt hại phát sinh liên quan đến vấn nạn tiền giả và bảo vệ đồng tiền Việt Nam.
Thông tin Tài chính - Bất động sản, Thị trường chứng khoán, Giá vàng cập nhật liên tục và nhanh nhất
Theo_24h
Số lượng tiền giả bị thu giữ tăng Tiền giả thu giữ năm 2015 tăng 0,17% so với năm 2014 và 22,9% so với năm 2013. Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, lượng tiền giả thu giữ trong năm 2015 qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước tăng 0,17% so với năm 2014 và 22,9% so với năm 2013. (ảnh minh...