3 tháng sau vụ vỡ kênh thoát lũ, dân vẫn dựng lều giữa đường
Một số người dân ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) bị hỏng nhà sau vụ vỡ kênh thoát lũ Đường Đệ vào cuối năm 2016 đã dựng lều giữa đường để ở sau khi tiền thuê nhà do địa phương hỗ trợ 3 tháng đã hết…
Người dân dựng lều ở giữa đường sau 3 tháng vỡ kênh thoát lũ, gây hỏng nhà ở Nha Trang
Đó là trường hợp của ông Nguyễn Quang Hưng và ông Phạm Văn Hạnh, thuộc khu tái định cư Hòn Xện (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang).
“Căn nhà cũ bị đất đá vùi lấp, còn tiền hỗ trợ 3 tháng mà chính quyền cấp là 6 triệu đồng chỉ đủ trả 1 tháng thuê nhà. Nhà cửa giờ không ai dám sửa sang để ở vì lỡ xảy ra chuyện gì ai chịu trách nhiệm cho tính mạng chúng tôi?”, ông Hưng nói như mếu.
Còn ông Hạnh cho biết, vụ vỡ kênh khiến ông bị thương ở chân dẫn đến hoại tử và cưa chân. Mỗi ngày, tiền thuốc men, thay băng… của ông Hạnh lên tới 300.000 đồng. Do gia đình túng quẫn nên đành dựng lều ở tạm trước căn nhà cũ bị hư hỏng.
“Cuộc sống cả nhà 8 người hết sức tạm bợ, tiền thuê nhà hết 4 triệu đồng/tháng mà cuối tháng này người ta không cho thuê nữa”, người thân ông Hạnh cho biết.
Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang), cho biết, địa phương đã nắm được sự việc nói trên và đang vận động người dân tháo gỡ lều bạt để không ảnh hưởng đến giao thông.
Theo ông Đông, phường đã kiến nghị TP Nha Trang sớm giải quyết việc bố trí tái định cư cho người dân, đồng thời đề nghị tiếp tục hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà; hỗ trợ mỗi hộ dân 80 triệu đồng từ nguồn kinh phí phòng chống thiên tai.
Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, vào giữa tháng 12/2016, kênh thoát lũ khu dân cư Đường Đệ bị vỡ gây lũ quét kinh hoàng, làm hư hỏng 4 nhà dân.
Video đang HOT
Được biết, dự án hệ thống thoát lũ nói trên được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt năm 2002 nhằm xây dựng tuyến kênh dài hơn 1.000m để bảo vệ khu dân cư bên dưới. Dự án được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Khánh Hòa làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Kênh thoát lũ của hệ thống này nằm trên sườn núi, cách nhà dân dưới chân núi 6-10m.
Nhà dân ở khu tái định cư Hòn Xện (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) bị hư hỏng sau vụ vỡ kênh thoát lũ
Điều đáng nói, vài năm trước, người dân đã phát hiện tình trạng thấm nước dưới đáy kênh, bờ taluy xi măng trong lòng kênh có nhiều vết nứt dài, dưới đáy kênh có nhiều vị trí bị xói lở…. Trước lo lắng của người dân về nguy cơ vỡ kênh nếu mưa lớn, vào tháng 10/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh này lập dự án xử lý nước thấm qua đáy kênh.
Đến cuối năm 2014, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa về dự án chống thấm, trong đó nêu kinh phí khắc phục là hơn 23 tỷ đồng, vượt hơn 3 tỷ đồng so với mức đầu tư dự án ban đầu.
Sau khi xem xét, UBND tỉnh Khánh Hòa đã từ chối phương án này và yêu cầu tìm một phương án khác thì xảy ra vụ vỡ kênh. Được biết hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất Khánh Hòa đã có phương án chỉnh sửa kênh thoát lũ bị vỡ, với kinh phí 14-18 tỷ đồng, đang chờ UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt.
Viết Hảo
Theo Dantri
Dân tái định cư khóc vì phải trả hơn 1 triệu đồng/tháng tiền điện
Chiều 15/3, tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa tháng 3/2017, một đại biểu cho biết, người dân tái định cư ở TP Nha Trang từng khóc với đại biểu về việc họ từng bế tắc trong việc bắt điện, phải đi "bắt ké" tốn 1 triệu đồng/tháng...
Nhà dân ở khu tái định cư Hòn Xện (TP Nha Trang, Khánh Hòa) bị thiệt hại nặng nề sau khi kênh thoát lũ bị vỡ trong đêm.
Khu tái định cư không trường học, trạm y tế, xử lý nước thải...
Trả lời chất vấn của đại biểu nêu một loạt các bất cập tại các khu tái định cư (KTĐC) ở TP Nha Trang, trong đó cá biệt là KTĐC Đất Lành (xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang) chưa có trạm y tế, không có trường mầm non - tiểu học, hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, hiện nay các hạng mục nói trên đã có chủ trương đầu tư và đang khởi động.
Theo ông Thiên, KTĐC Đất Lành hiện có hơn 1.400 lô đất tái định cư, trong đó đã bố trí hơn 950 lô tái định cư đã được đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản đủ điều kiện giao đất cho các hộ dân tái định cư, làm nhà ở ổn định sau giải tỏa.
Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự án trường mầm non Đất Lành (giai đoạn 1) đã được UBND TP Nha Trang phê duyệt, báo cáo nghiên cứu khả thi, đầu tư xây dựng vào tháng 10/2016, với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ đồng. Hiện nay, hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công, dự toán đã thẩm định và dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 4/2017; dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 11/2017.
Về dự án Trường Tiểu học Đất Lành, ông Đào Công Thiên cho hay, hiện UBND TP Nha Trang đã phê duyệt, báo cáo nghiên cứu khả thi, với tổng mức đầu tư hơn 26 tỷ đồng. Công trình dự kiến khởi công vào tháng 6/2017; hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 1/2018.
Về hệ thống thoát nước thải, ông Thiên nói rằng, trước đây UBND TP Nha Trang đã xây dựng xử lý hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt vào năm 2015. Tuy nhiên, trong khu tái định cư này xen kẽ một số điểm có nền đá cứng nên khó xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt.
"Về vấn đề này, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo TP Nha Trang nghiên cứu, xây dựng đường ống để xử lý đấu nối hệ thống thoát nước sinh hoạt của các hộ dân để đảm bảo vệ sinh môi trường", ông Thiên cho biết.
Về trạm y tế: Công trình trạm y tế xã Vĩnh Thái đã đầu tư hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng vào năm 2003, trước mắt người dân tái định cư Đất Lành khám, chữa bệnh tại trạm y tế này.
Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa - ông Lê Đức Vinh đã phê bình một số địa phương "chưa làm tròn trách nhiệm" trong việc hỗ trợ người dân ở KTĐC
Chủ tịch Khánh Hòa: "Một số địa phương chưa làm tròn trách nhiệm"
Nói về các bất cập cơ sở hạ tầng ở các KTĐC tại TP Nha Trang, đại biểu Nguyễn Ngô phát biểu, khi ông xuống KTĐC Đất Lành thì thấy rằng cơ sở hạ tầng, đường điện đã được xây dựng về cơ bản. Tuy nhiên, người dân phản ánh là mỗi khi họ có người thân đưa đi cấp cứu, đang nguy cấp thì xe cấp cứu tới rất chậm, gây nên không ít bức xúc.
"Dân hiện ở KTĐC Đất Lành là ít nên cần xét lại quy mô, không làm nhiều dẫn đến lãng phí. Tôi về KTĐC Hòn Rớ 2 thì cũng được đầu tư rất bài bản mặc dù chưa láng nhựa. Nhưng mà vấn đề trách nhiệm là cái không nhìn thấy được nên có một câu chuyện của người dân là gần 2 năm rồi không biết gõ cửa cơ quan nào mà bắt điện, phải bắt ké mà trả hơn 1 triệu đồng/tháng. Người ta khóc đấy! Rồi nước nữa, rồi bàn giao mặt bằng, định vị lại cột mốc để người ta cất cái nhà thì phải chạy lên chạy xuống nhiều vòng", ông Ngô cho biết.
"Về vấn đề này, tỉnh nên xác định lại việc phân cấp, trách nhiệm của ai; có thấy được trách nhiệm không? Trước khi nhìn thấy những hình ảnh đó, chưa chắc tỉnh biết được những bức xúc của dân", đại biểu Nguyễn Ngô nêu một loạt trăn trở.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Lê Đức Vinh, khẳng định, khi đưa dân vào KTĐC, tỉnh luôn quán triệt tinh thần là cơ sở hạ tầng ở nơi mới phải đảm bảo đầy đủ, tốt hơn chỗ cũ.
"Tuy nhiên trong quá trình thực hiện do một số điều kiện khách quan nên một số dự án tái định cư chưa được hoàn chỉnh. Có nơi cơ sở hạ tầng, đường, điện, cấp nước hoàn chỉnh nhưng trường mầm non, tiểu học chưa kịp thời xây dựng. Cái này tỉnh đã có cái khắc phục, yêu cầu các địa phương tiến hành khẩn trương hoàn thiện", ông Lê Đức Vinh khẳng định.
Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa đã phê bình một số địa phương "chưa làm tròn trách nhiệm" trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân khi đến nơi ở mới như: vấn đề hộ khẩu, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự...
"Riêng về vấn đề điện nước, người dân phải liên hệ với các cơ quan quản lý về điện, cấp nước để được hợp đồng và cung cấp các dịch vụ. Các ngành, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đối với điều kiện ăn ở, sinh hoạt của người dân khi đến nơi ở mới", Chủ tịch Khánh Hòa nhấn mạnh.
Viết Hảo
Theo Dantri
Kết quả dương tính chất tạo nạc tại cơ sở mổ lợn ở Nghệ An là "ảo" Tại cơ sở giết mổ lợn lớn nhất Bắc Trung Bộ này, cơ quan chức năng test nhanh có kết quả dương tính với chất tạo nạc. Thế nhưng kết quả cuối cùng lại hoàn toàn ngược lại với thông tin trước đó. Tin tức thời sự ngày 28/5, Trung tâm kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương 1 đã có kết...