3 tháng làm vú em, chồng tôi khóc không ra nước mắt
Tháng đầu, nhà cửa bề bộn, chồng thường xuyên quên giặt quần áo, thỉnh thoảng nấu cơm sống. Nhưng tôi vẫn mặc kệ.
Tôi viết tâm sự này, để truyền lại cho chị em một kinh nghiệm xương máu về việc đừng bao giờ ăn bám chồng, đừng vì ý nghĩ phụ nữ là phải nội trợ mà làm khổ đời mình.
Ba năm trước, tôi kết hôn. Chồng tôi là một nhân viên văn phòng thuộc cơ quan nhà nước. Công việc ít, lương thấp, đi làm cả ngày thứ 7, trở về nhà là nằm như ông kễnh. Chủ nhật thì ngủ tới trưa, dậy là đi trà đá hoặc bóng bánh với bạn bè.
Còn tôi do vừa tốt nghiệp đại học xong đã lấy chồng nên chưa kịp đi xin việc. Cưới xong, chồng tôi bảo ở nhà chăm lo nhà cửa, anh đi làm là được rồi. Vì mới cưới nên tôi cũng muốn chăm lo cho gia đình chồng nên đồng ý.
Được tiếng là không phải đi làm nhưng tôi ở nhà lại không khác gì ôsin. Làm hết việc này tới việc nọ, từ cơm nước, nhà cửa, quần áo… Bố chồng tôi ở với vợ chồng anh trai chồng, còn mẹ chồng thì ở với chúng tôi. Thế nhưng chẳng được nhờ ở bà điều gì hết.
Quá nhiều việc đổ lên đầu, đặc biệt là từ khi sinh con, tôi vừa là ôsin vừa là vú em. Tôi mệt đến mức thỉnh thoảng khóc tủi thân trách móc chồng. Nào ngờ chồng tôi bảo: ‘Đã ở nhà không phải lao tâm kiếm tiền còn than khóc gì? Mẹ chăm con mà lại kêu ca’. Mẹ chồng tôi không biết vì sao nghe được mà hôm sau cũng nói tôi: ‘Chồng chị đi làm vất vả, nó về nhà thì chị phải cho nó nghỉ ngơi chứ?’.
Ảnh minh họa.
Cực chẳng đã, khi con được 8 tháng, tôi nói với chồng rằng tôi muốn đi làm. Anh hỏi, tôi đi làm thì ai ở nhà trông con. Tôi bảo thuê người giúp việc hoặc anh nghỉ ở nhà mà trông con. Tôi sẽ đi làm kiếm tiền nuôi cả nhà.
Chồng tôi cười khẩy bảo một người không kinh nghiệm, có mỗi tấm bằng tốt nghiệp đại học loại khá như tôi thì làm được gì. Mẹ chồng tôi cũng hùa vào: ‘Để cho nó thử đi cho trắng mắt ra. Làm như kiếm tiền dễ lắm. Con cái cứ để đấy mẹ trông’.
Video đang HOT
Vậy là tôi được đi xin việc với điều kiện trong vòng 2 tháng mà không nộp được lương 10 triệu/tháng thì đừng bao giờ đưa ra ‘yêu sách’ gì nữa.
Dù lo lắng nhưng tôi cũng quyết thử. Tôi hỏi thăm bạn bè, các anh chị xem có nơi nào đang tuyển người. Họ giới thiệu cho tôi rất nhiều chỗ. Tôi chọn ứng tuyển vào làm marketing của một công ty truyền thông, cùng lĩnh vực mà tôi đã học.
Một tháng đầu tiên, tôi vất vả theo học hỏi và cố gắng hoàn thành những công việc được giao. Dần dần mọi việc cũng ổn định, tôi được nhiều đồng nghiệp giúp đỡ, chia sẻ bớt khách hàng cho, vì thế tháng thứ hai, mức lương của tôi đạt 8,5 triệu đồng/tháng.
Tuy không bằng mức quy định nhưng cũng khiến chồng tôi nể. Tháng thứ ba, lương của tôi được hơn 10 triệu đồng, lượng khách hàng đang có xu hướng tăng.
Từ khi đi làm, tôi áp dụng triệt để việc ‘lười’. Về nhà, tôi chỉ ôm con rồi lăn ra ngủ, hôm nào chồng đã nấu cơm thì tôi cùng ăn và dọn dẹp. Hôm nào anh đi đá bóng quên giờ thì tôi ăn bên ngoài.
Thời gian đó, con gái ở nhà với bố, do bố không biết chăm nên nhìn trông gầy hơn chút, mặc dù xót con song tôi vẫn quyết để chồng trở thành vú em.
Nhà cửa bẩn, mẹ chồng đã bắt đầu động tay dọn dẹp thay con trai. Đến bữa bà cũng xay thịt, rau nấu bột cho cháu. Còn chồng tôi, ngoài việc chơi với con, anh còn phải giặt giũ, chợ búa, cơm nước. Tháng đầu, nhà cửa bề bộn, chồng thường xuyên quên giặt quần áo, thỉnh thoảng nấu cơm sống. Nhưng tôi vẫn mặc kệ.
Tôi luôn ngồi làm thêm ở văn phòng cho tới gần 19h mới về. Sáng ra thì đi thật sớm để tránh tắc đường và cũng để chồng hiểu buổi sáng khi anh nhàn nhã dậy ăn sáng và đi làm, thì tôi đã từng cực khổ như thế nào.
Ba tháng ở nhà làm vú em, chồng tôi đã khóc không ra nước mắt. Một đêm anh nằm ôm tôi từ phía sau, thì thầm xin lỗi tôi vì trước kia anh đã đối xử tệ với tôi. Anh không biết nội trợ lại lắm thứ việc không tên như vậy. Anh nói, anh không thể tiếp tục sống cảnh như ôsin với vú em thế này được, anh cũng muốn đi làm.
Anh bảo tôi bớt chút thời gian giúp anh công việc nhà cửa nữa, từ sau anh sẽ phụ tôi một tay.
Mặc dù anh nói như vậy khiến tôi rất thích, tôi cũng không có ý định để anh trông con như vậy nữa. Nhưng tôi giả vờ như miễn cưỡng làm. Buổi sáng tôi chăm con giúp anh, để anh lo các việc khác. Buổi chiều tôi nấu cơm, để anh chơi với con. Khi tôi cho con ăn, anh phải phụ tôi tất cả các việc, từ lau nhà, phơi quần áo cho tới cọ toilet.
Mẹ chồng tôi cũng không thờ ơ với con dâu nữa, bà chịu khó bế cháu hơn trước kia. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi đi làm về, đã thấy bà nấu cơm xong. Mỗi tháng, tôi đưa bà vài triệu, tươi cười bảo mẹ cầm thích ăn gì hoặc có bộ quần áo nào đẹp thì mua, con bận quá, không đi chọn được. Làm ra tiền, nắm vững tài chính là có lợi như thế đấy!
Cuộc sống gia đình đối với tôi càng ngày càng dễ chịu. Mẹ chồng và chồng không còn coi thường và đổ hết việc lên đầu tôi nữa. Ai cũng có nhiệm vụ của mình và cùng xúm tay vào. Vì thế tôi nghĩ, các chị em đừng nhượng bộ mãi, đừng trở thành ôsin trong chính ngôi nhà mình.
Theo Phunutoday
Vì phụ nữ sinh ra không phải để mang danh "ăn bám chồng"
Hãy để các ông chồng chung tay giúp bạn làm việc nhà, trông nom con cái thậm chí là chăm sóc cha mẹ vợ, thay vì ném vào mặt bạn cọc tiền lương hàng tháng.
Chào tác giả bài viết "Vợ tôi là đàn bà, mà đàn bà thì chỉ nên thế!". Đúng như anh nói, mới đọc câu tiêu đề này tôi đã cảm thấy anh quả là người đàn ông gia trưởng. Và càng đọc nội dung bài viết, thì tôi thấy, ngoài gia trưởng ra, anh còn có những suy nghĩ vô cùng ấu trĩ và nông cạn.
Tôi không biết vợ anh, vì vậy tôi không thể gặp tận mặt để hỏi chị ấy một câu rằng "Chị làm vợ như vậy có thật sung sướng như lời chồng chị nói?". Đúng rằng, tiền bạc vô cùng quan trọng trong cuộc sống, và nguồn tài chính ổn định cũng là một trong những điều làm nên hạnh phúc gia đình. Nhưng ngoài tiền ra, còn rất nhiều thứ đàn ông cần phải san sẻ với phụ nữ và phụ nữ cũng cần phải đòi hỏi ở đàn ông nhiều hơn nữa. Bởi có người cùng làm việc nhà, phụ giúp chăm con cái mới không cô đơn.
Một người phụ nữ không làm nên một gia đình, mà cần phải có chồng và con cái. Vì vậy, nếu người chồng không xốc vác cùng vợ, thì làm sao gọi là gia đình được, mà hãy gọi là nhà trọ. Chồng về nhà trọ, vợ là bà chủ cho thuê nhà. Cuối tháng, trách nhiệm của người đi thuê là trả tiền cho chủ nhà.
Có bao nhiêu người phụ nữ muốn quanh quẩn làm việc nhà? (Ảnh minh họa)
Anh nói anh bận sự nghiệp, không thể phụ vợ làm việc nhà? Nhưng anh có biết, dù phụ nữ có thiên chức là chăm sóc gia đình nhưng đó hoàn toàn không phải trách nhiệm của một mình người vợ. Vợ anh có làm mọi việc hoàn hảo thì vẫn mong chờ người đàn ông của mình sẽ san sẻ cả những việc cỏn con với cô ấy. Anh không giúp cô ấy rửa cái bát, quét cái nhà, hay lau cái cửa kính, thì cũng nên giúp cô ấy vứt đôi tất của anh vào đúng chỗ, cũng bớt nằm như ông phỗng rồi sai phái. Cũng bớt lôi bạn bè về nhà bù khú để vợ hầu hạ tới đêm khuya. Tôi nghĩ, không có bà vợ nào thích thú khi bị chồng hạch họe và tỏ vẻ gia trưởng như vậy.
Ngoài ra, tôi thấy lương 30 triệu của anh không phải là cao, cũng không phải đủ tiêu xài thoải mái cho hai vợ chồng. Chắc anh không bao giờ nghĩ tới chuyện đưa vợ đi du lịch, mua sắm cái này cái nọ cho nhà cửa tiện nghi. Rồi còn tiền quà cáp biếu xén hai bên họ hàng nội ngoại. Tôi không hiểu anh đã từng làm việc này chưa? Hay anh chỉ biết đưa tiền cho vợ và kệ cô ấy "muốn làm gì thì làm"? Vậy thì 2 năm qua, vợ anh cũng là người "khéo co cho ấm" thật. Liệu rằng cô ấy có nghĩ mình không khác gì osin được trả lương nhưng vẫn phải phục vụ trên giường cho anh không?
Ở đây anh không nói về chuyện nhà cửa nên tôi cũng không biết hiện giờ anh ở biệt thự hay chung cư, xe máy 40 triệu hay ô tô 7 tỷ mà lại huênh hoang như vậy nên sẽ không bàn tới việc này.
Nhưng chẳng lẽ anh không nghĩ tới chuyện sau này có con, chi tiêu từ cái áo cái quần, rồi nào bỉm nào sữa, tiền sách vợ, học phí và đủ thứ lặt vặt khác? Với đồng lương 30 triệu nuôi ít nhất là một cặp vợ chồng và một con liệu có đủ? Đến lúc đó, anh có dám khẳng định rằng mình sẽ không chì chiết vợ vì không biết tằn tiện chi tiêu? Anh có dám thề mình sẽ không bao giờ xích mích với vợ về chuyện tiền bạc?
Phụ nữ hãy đòi hỏi đàn ông nhiều hơn nữa, đừng vò võ làm mọi việc một mình. (Ảnh minh họa)
Thêm nữa là, hiện tại anh cảm thấy anh yêu vợ vì vợ chiều chồng. Nhưng đến khi có con cái, vợ anh bận quay cuồng với con, thì ai sẽ là người chiều anh, ai sẽ là người ngồi nhà lật sách nấu ăn? Đến lúc đó, trông cô ấy nhếch nhác, người đầy mùi sữa và nước tiểu của con, anh có còn cảm thấy yêu? Bây giờ vẫn đang là thời điểm mới mẻ, vợ chồng trẻ. Nhưng thời gian còn dài, tương lai còn xa, anh cũng chưa phải đối mặt với những điều khó khăn, thử thách trong cuộc sống nên anh lạc quan và tự tin.
Vợ anh không đi làm, cô ấy có thể chịu được cảnh ngồi nhà được bao lâu? Nếu cô ấy đi chơi, giao lưu với bạn bè tối ngày, lâu dài thì anh có chấp nhận được không? Suy nghĩ vợ chỉ nên quanh quẩn ở nhà chăm lo cho gia đình, săn sóc bữa cơm, san sẻ lo âu với chồng của anh là suy nghĩ ích kỷ. Ích kỷ thì mới không muốn vợ có địa vị xã hội. Tôi thấy phụ nữ cần ra ngoài xã hội để làm việc, gặp gỡ những con người khác nhau. Dù lương ít hay nhiều thì cũng có chút kinh tế tài chính do bản thân làm ra. Không thể phụ thuộc rồi trở thành dây leo ăn bám chồng.
Đây là ý kiến cá nhân của tôi./.
Theo Blogtamsu
Đàn ông hài lòng với mức lương 5 triệu là tai họa Đàn ông không nuôi nổi vợ thì chí ít cũng phải nuôi được con, đằng này nuôi miệng còn không đủ thì không thể chấp nhận được... Ai bênh vực cho người đàn ông hài lòng với mức thu nhập 5 triệu đồng/ 1 tháng và chẳng bao giờ động chân động tay vào giúp vợ làm việc nhà tôi cho họ cũng...