3 tàu sân bay cùng có mặt Thái Bình Dương: Mỹ cảnh báo Trung Quốc?
Lần đầu tiên trong 3 năm qua, 3 tàu sân bay của Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thông điệp cứng rắn gửi đến Trung Quốc
Đây được coi là màn phô diễn sức mạnh của hải quân Mỹ tại một khu vực đang bị xáo trộn bởi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời là dấu hiệu cho thấy lực lượng Hải quân đã vững mạnh trở lại sau quãng thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan. Ảnh: US Navy.
Sự xuất hiện của 3 tàu chiến, cùng với tàu tuần dương, tàu khu trục, máy bay chiến đấu và các loại máy bay khác diễn ra trong bối cảnh Mỹ gia tăng chỉ trích Trung Quốc trong đối phó với dịch Covid-19, tăng cường kiểm soát Hong Kong và đẩy mạnh quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi lấp và xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông.
Chuyên gia về Trung Quốc Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS – trụ sở Washington, Mỹ) cho biết: “Một số ý kiến trong các bài viết của Trung Quốc cho rằng Mỹ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 vì thế sự sẵn sàng về mặt quân sự rất thấp, do đó, động thái mới nhất này có lẽ là nỗ lực của Mỹ để báo hiệu cho Trung Quốc thấy họ không nên tính toán sai lầm”.
“Trung Quốc chắc chắn sẽ coi điều này như một hành vi khiêu khích của Mỹ và như một bằng chứng cho thấy Mỹ là nguồn cơn của bất ổn trong khu vực”, bà Bonnie Glaser nói thêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh không kịp thời cảnh báo thế giới về mối đe dọa của Covid-19. Chính quyền ông Trump cũng ban hành lệnh cấm sinh viên và nhà nghiên cứu của Trung Quốc có mối liên quan với quân đội hoặc các cơ quan an ninh của Trung Quốc tới Mỹ.
Video đang HOT
Giới phân tích cho rằng sự xuất hiện của 3 nhóm tác chiến tàu sân bay trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là điều “bất bình thường” bởi số lượng tàu sân bay của Mỹ là hạn chế, hơn nữa chúng thường xuyên được luân chuyển trong quá trình bảo dưỡng, thăm các cảng biển, huấn luyện hoặc triển khai đến những khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong tuần này các chỉ huy của Hải quân cho biết họ có thể tận dụng thời gian, đặc biệt trong giai đoạn cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc để phô trương sức mạnh.
Chiến lược quốc phòng của Mỹ coi Trung Quốc là mối lo ngại về an ninh hàng đầu. Các nhà lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ đang nỗ lực huy động thêm nhiều nguồn lực và khí tài quân sự tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chống lại cái mà họ cho là ảnh hưởng kinh tế và năng lực quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
“Khả năng hiện diện một cách mạnh mẽ trong khu vực là một phần của cuộc cạnh tranh. Như tôi từng nói với các đồng nghiệp, bạn cần phải có sự hiện diện để chiến thắng khi bạn đang cạnh tranh. Các tàu sân bay, nhóm tác chiến tàu sân bay là biểu tượng cho thấy sức mạnh phi thường của hải quân Mỹ. Tôi thực sự rất tự hào vì chúng tôi có tới 3 tàu sân bay ở đây ngay lúc này”, Chuẩn đô đốc Steve Koehler, chỉ huy hoạt động tại Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cho biết.
Phát biểu với AP, ông Steve Koehler cho biết, Trung Quốc đang dần xây dựng các tiền đồn quân sự ở Biển Đông một cách có kế hoạch, lắp đặt các hệ thống tác chiến điện tử và tên lửa tại những tiền đồn này. Theo ông Steve Koehler, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác trong khu vực đã đẩy mạnh hoạt động gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp để ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh nhưng biện pháp này dường như không hiệu quả. Chuẩn đô đốc Steve Koehler cho biết, gần đây nhất, Trung Quốc đã triển khai máy bay quân sự tới đá Chữ Thập ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam – ND).
Khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực và đồng minh
Trước đó nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ mở rộng hoạt động khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tàu sân bay Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến của con tàu này đang hoạt động trên Biển Philippines, gần đảo Guam. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đang ở Thái Bình Dương ngoài khơi Bờ Tây nước Mỹ. Còn nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đã rời cảng Nhật Bản và đang hoạt động ở phía nam Biển Philippines. Các chỉ huy Hải quân Mỹ cho biết, có hàng chục tàu hải quân khác của Mỹ đang hoạt động quanh Thái Bình Dương nhưng sự xuất hiện của 3 nhóm tàu sân bay đã khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực và với các đồng minh một cách mạnh mẽ nhất.
Tàu Theodore Roosevelt vừa trở lại thực hiện nhiệm vụ sau hơn 2 tháng cách ly ở đảo Guam do sự bùng phát dịch Covid-19 trong thủy thủ đoàn. Một số ít các thủy thủ trên tàu Nimitz và Reagan cũng có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Điều đó khiến những con tàu này phải cách ly và áp dụng quy định mới về y tế trước khi tái triển khai. Cuộc sống hàng ngày của các thủy thủ cũng bị thay đổi do họ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa tái lây nhiễm dịch bệnh, nhằm đảm bảo những con tàu này có thể tiếp tục hoạt động.
Chuẩn đô đốc Jim Kirk của tàu Nimitz cho biết, không có ca mắc mới Covid-19 nào kể từ khi con tàu này được triển khai và ông tin tưởng tình hình sẽ diễn ra theo chiều hướng lạc quan như vậy. Trên tàu Nimitz và các tàu khác của Mỹ tại Thái Bình Dương, thủy thủ được kiểm tra sức khỏe. Giờ ăn được kéo dài giúp cho việc thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả hơn. Lối đi cũng được thiết kế lại để giúp các thủy thủ không va chạm vào nhau.
Những chuyến thăm cảng cũng bị hạn chế phần lớn và tàu chỉ cập cảng khi cần tiếp nhận nhu yếu phẩm cần thiết. Cho đến nay, Guam được chỉ định là bến cảng an toàn nhất mà các con tàu có thể dừng nghỉ tại Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các thủy thủ chỉ được phép đi lại trên bến tàu và không thể đi lại tự do trong thành phố.
Chuẩn đô đốc Steve Koehler cho biết, các con tàu này sẽ tiếp tục phối hợp với đồng minh và đối tác trong khu vực, thực hiện các cuộc tập trận trên biển và tuần tra những khu vực có tranh chấp. Theo ông Steve Koehler, dù 3 nhóm tác chiến tàu sân bay này không có khả năng hiện diện liên tục tại Thái Bình Dương trong thời gian dài nhưng hải quân Mỹ vẫn có thể làm điều này khi họ muốn./.
Phục hồi sau COVID-19, 2 tàu sân bay Mỹ đến Thái Bình Dương
Hôm 8/6, tàu USS Ronald Reagan và USS Nimitz bắt đầu di chuyển đến Thái Bình Dương sau thời gian cách ly, ngăn lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Hạm đội 7 của Mỹ cho biết, tàu USS Ronald Reagan hôm 8/6 rời cảng Yokosuka, Nhật Bản, để bắt đầu đợt tuần tra cùng các tàu sân bay khác của Mỹ. Trước khi thực hiện nhiệm vụ, tàu sân bay này đã hoàn thành công việc bảo dưỡng hàng năm vào tháng 4 và có các cuộc chạy thử vào tháng 5.
Trước đó, 5.000 thủy thủ trên tàu đã bị cách ly 14 ngày, thực hiện các xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Tàu sân bay USS Ronald Reaga hoạt động trở lại sau thời gian chống dịch COVID-19. (Ảnh: US Navy)
Tương tự, tàu sân bay USS Nimitz hôm 8/6 cũng rời cảng San Diego, Mỹ để thực hiện nhiệm vụ tại Tây Thái Bình Dương. 8.000 thủy thủ của tàu USS Nimitz và phi đội bay Carrier Air Wing 17 (CVW-17) đã được cách ly vào đầu tháng 4. Tàu chiến này hoạt động trở lại vào tuần trước khi thực hiện các bài tập thử nghiệm.
Hải quân Mỹ cũng đã phát triển và hoàn thiện các quy trình phòng ngừa COVID-19 sau khi bùng phát dịch bệnh trên tàu USS Theodore Roosevelt. Hơn 1.000 thủy thủ trên tàu mắc nCoV, 1 người chết. USS Theodore Roosevelt đã phải lưu lại đảo Guam trong gần hai tháng.
"Các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm COVID-19, bao gồm đeo khẩu trang, tuân thủ giãn cách xã hội, giảm thiểu các cuộc họp và gặp mặt, và làm sạch không gian nhiều lần mỗi ngày. Các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus, đảm bảo an toàn sẽ được tiếp tục trong thời gian tới", thông cáo của lực lượng Hải quân Mỹ cho biết hôm 8/6.
Tàu sân bay USS Nimitz đang di chuyển đến khu vực Tây Thái Bình Dương. (Ảnh: US Navy)
Trước đó, trang web của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ hôm 5/6 đưa tin tàu sân bay USS Theodore Roosevelt rời cảng Apra trên đảo Guam để tiếp tục nhiệm vụ theo kế hoạch tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo đó, tàu đến vùng biển Philippines vào ngày 4/6 và sẵn sàng đảm bảo an ninh hàng hải, duy trì tự do trên biển theo luật pháp quốc tế, cũng như cùng các đồng minh, đối tác duy trì ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Kịch bản buộc Mỹ tung hai nhóm tàu sân bay cùng tham chiến Mỹ phải kết hợp hai nhóm tác chiến tàu sân bay cho một mặt trận nếu muốn đối phó những đối thủ ngang hàng như Nga, Trung Quốc. Tàu sân bay là công cụ phô diễn sức mạnh quân sự của Mỹ nhờ khả năng triển khai hàng chục tiêm kích, cường kích và máy bay hỗ trợ, lực lượng tương đương không...