3 sai lầm khi bị cúm khiến bệnh càng thêm nặng
Đa số mọi người cho rằng bệnh cúm là bệnh phổ biến nên rất dễ chữa khỏi. Không ít người chữa bệnh cảm cúm sai lầm khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Nhiều người mắc sai lầm khi bị cúm khiến bệnh càng thêm nặng. Hình minh họa.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa Đông – Xuân.
Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Trên thực tế, không ít người có những quan niệm chữa bệnh cảm cúm sai lầm khiến bệnh trở nên nặng hơn. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng dưới đây là các sai lầm khi điều trị cúm mà người dân thường mắc phải.
Bệnh cúm tự khỏi
Cảm cúm được coi là một trong những bệnh thông thường. Mỗi năm, người trưởng thành đều có thể bị cảm cúm 2-4 lần với những biểu hiện thông thường là đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, sốt, ho, đau đầu, đau nhức cơ thể. Cũng từ suy nghĩ cho rằng đây là bệnh thông thường mà nhiều người để bệnh tự khỏi, không cần uống thuốc hay đi khám.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo các bác sĩ, khi người bị cảm cúm có triệu chứng sốt, ho, đau đầu, đau nhức cơ thể… kéo dài, cần phải uống thuốc và điều trị tích cực, nếu không có thể dẫn tới một số biến chứng nghiêm trọng. Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất là đối với hệ thống tim mạch như gây ra viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, hô hấp, viêm phế quản cấp, viêm phế quản mãn tính, viêm phổi, viêm cầu thận cấp tính, tai mũi họng, viêm tai giữa, viêm xoang , viêm họng…
Video đang HOT
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn với một số đối tượng như trẻ nhỏ, sức đề kháng kém.
Tự ý truyền nước
Nhiều người mới bị cảm cúm đã nghĩ ngay truyền nước để có thể nhanh khỏi. Tuy nhiên việc tự ý truyền nước mà không theo khám, xét nghiệm và chỉ định của bác sĩ hoàn toàn có thể dẫn đến đe dọa tính mạng.
Không phải thời điểm nào truyền nước biển vào cơ thể cũng tốt. Nó sẽ có tác dụng trong một số trường hợp bệnh nhân bị sốt, mất nước… nhưng đều phải dưới sự theo dõi và quyết định của bác sĩ khám, điều trị khi đã xác định cơ thể bệnh nhân đang trong tình trạng như thế nào và cần những loại dịch truyền gì.
Nếu tự ý truyền nước một cách bừa bãi, truyền quá liều, truyền với tốc độ nhanh (tốc độ chảy của nước vào cơ thể) có thể gây ra dị ứng, sốc, nhiễm khuẩn, phù não, rối loạn điện giải, phù phổi, sưng tim, tình trạng nghiêm trọng sẽ nguy hiểm tới tính mạng, thậm chí còn gây sốc và dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng người bệnh chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước như những bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp, người bệnh không thể ăn, uống được. Còn trong trường hợp người bệnh bị cảm cúm, cơ thể mất nước nhưng vẫn ăn uống được thì nên bù nước qua đường uống sẽ tốt hơn.
Tự ý dùng thuốc để điều trị
Chuyên gia khuyến cáo không thể sử dụng tùy tiện Tamiflu để điều trị cúm.
Về việc nhiều người săn lùng Tamiflu để dự phòng hoặc tự điều trị cúm, PGS Dũng cho rằng thuốc này không thể sử dụng tùy tiện. Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75 mg) là thuốc chỉ được chỉ định với những trường hợp đặc biệt hoặc biến chứng và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu người không bị cúm mà vẫn cho uống Tamiflu sẽ rất nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Tamiflu là thuốc có thành phần hóa học, người không cúm uống vào sẽ gặp những tác dụng phụ không mong muốn như: buồn nôn, buồn nôn, ảnh hưởng thần kinh.
“Nếu dùng nhiều lần sẽ xảy ra tình trạng virus kháng thuốc. Ví dụ một người dù không cúm vẫn uống Tamiflu có thể 2,3 năm nữa họ an toàn, nhưng tới năm thứ 4,5 virus cúm lại quay lại khiến người này bị nhiễm bệnh. Lúc đó, virus có khả năng kháng thuốc, uống Tamiflu cũng chẳng còn tác dụng gì”, PGS Dũng khuyến cáo.
Một loại thuốc khác hay bị sử dụng tùy tiện khi điều trị cúm là kháng sinh. Nếu chăm sóc tốt, không bội nhiễm thêm vi khuẩn thì không phải sử dụng kháng sinh. “Về bản chất, thuốc kháng sinh không có tác dụng với các virus gây bệnh cúm. Ngoài ra, nó còn gây nguy cơ gây ra tình trạng kháng kháng sinh”, PGS Dũng cho hay.
Đặc biệt khi người bệnh bị cúm, sốt chỉ nên dùng Paracetamol khi nhiệt độ trên 38,5 độ C, không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt. Điều quan trọng là phải đảm bảo cân bằng nước điện giải và chế độ dinh dưỡng hợp lý để người bệnh tăng cường sức khỏe, nhanh hồi phục.
T.H
Theo Đời sống Plus/GĐVN
Bộ Y tế cảnh báo: Người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị cúm!
Hôm nay (19/12), trước tình hình bệnh cúm vào mùa khiến nhiều người dân đổ xô mua thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc Tamiflu, Bộ Y tế đã chính thức đưa ra cảnh báo.
Cha mẹ chăm sóc cho trẻ tại bệnh viện
Theo Bộ Y tế, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Thống kê của Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy, từ năm 2010, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm, với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong vì biến chứng viêm phổi do cúm.
Trong năm 2019, số ca mắc cúm và tử vong do cúm tại Việt Nam thấp hơn so với năm 2018, theo đó, 11 tháng năm 2019 ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong (giảm 10,4% số mắc và giảm 2 trường hợp tử vong so với cùng kỳ 11 tháng năm 2018).
Tuy nhiên, tại các bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt là ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số trường hợp mắc cúm nhập viện liên tục gia tăng, do người dân các tỉnh trực tiếp đến khám bệnh, mà không qua các bệnh viện tuyến trước, mặc dù mắc bệnh ở mức độ nhẹ.
Hiện, chưa ghi nhận chủng virus cúm mới, cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người. Các chủng virus cúm được ghi nhận chủ yếu là virus cúm A(H1N1) và virus cúm B.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
Tiêm vaccine cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết, sử dụng khẩu trang y tế.
Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Bộ Y tế cũng lưu ý, bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục từ 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch,.. bệnh cúm có thể diễn biến nặng, dễ bị biến chứng, có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo viettimes
Ngày nóng không nên uống nước lạnh Nước lạnh không làm giảm cơn khát, còn gây ra các vấn đề sức khỏe như đau họng, ho, co thắt ruột, ảnh hưởng tiêu hóa... Ngày hè nắng nóng, chắc hẳn việc đầu tiên của nhiều người khi về nhà là đến tủ lạnh lấy một chai nước lạnh uống để làm dịu cơn khát. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, uống...