3 quy định mới về ôtô có hiệu lực từ 1/4
Học và thi bằng lái xe sẽ khó hơn. Phí bảo hiểm xe cơ giới tăng 20%. Mức bồi thường bảo hiểm bắt buộc 100 triệu đồng/người/vụ. Đó là 3 quy định mới liên quan đến ôtô có hiệu lực từ ngày 1/4/2016 tới đây.
1. Học và thi lấy bằng lái xe sẽ khó hơn
Theo thông tư 58/2015/TT – BGTVT, từ 1/4 tới đây việc học và thi lấy bằng lái xe các hạng B1, B2, D và E… sẽ khó hơn.
Cụ thể, điểm mới trong các bài thi lái xe là người lấy các bằng B1, B2 và D, E còn phải thực hiện thêm bài thi mới là ghép xe ngang. Hình ghép ngang (tượng trưng cho việc bạn tiến, lùi xe tấp vào lề đường để đậu trong khi khoảng giữa còn trống và “bị khóa” ở đầu và đuôi bới hai xe đã đậu trước đó) có chiều dài chỉ 6,45 m và rộng 2,2 m.
Với người lấy bằng B1 và B2 có thêm phần học và thi sát hạch trên loại xe số tự động.
2. Phí bảo hiểm dành cho xe cơ giới tăng 20%
Kể từ ngày 1/4/2016, Thông tư số 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chính thức có hiệu lực.
Theo đó, mức phí bảo hiểm trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới sẽ tăng từ 10% – 20% đối với 13 dòng xe có tỷ lệ tai nạn, rủi ro cao.
13 dòng xe nằm trong danh mục điều chỉnh phí bảo hiểm gồm: Xe dưới 6 chỗ ngồi, xe 16 chỗ ngồi, 24 chỗ ngồi và trên 25 chỗ ngồi; Xe tải từ 8 đến 15 tấn, trên 15 tấn; Một số loại xe khác (taxi, xe chuyên dùng, đầu kéo rơ-moóc, xe máy chuyên dùng).
Như vậy, phí bảo hiểm đối với xe ôtô dưới 6 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải tăng lên mức 437.000 đồng/năm (tăng 40.000 đồng/năm so với trước).
Các xe ô tô 16 chỗ ngồi kinh doanh vận tải là 3,054 triệu đồng/năm (tăng 509.000 đồng/năm) và xe ôtô 24 chỗ ngồi kinh doanh vận tải là 4,632 triệu đồng/năm (tăng 772.000 đồng/năm).
Video đang HOT
3. Mức bồi thường bảo hiểm bắt buộc 100 triệu đồng/người/vụ
Theo Thông tư 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 có hiệu lực từ 1/4/2016, mức trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/vụ.
Cùng với đó, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
Theo Autodaily
Ẩn họa đi kèm thú chơi xe phân khối lớn
Vài năm trở lại đây, thú chơi môtô phân khối lớn đã nổi lên ở Hà Nội. Đặc biệt, từ khi có quy định mọi công dân từ 18 tuổi trở lên được phép thi lấy bằng lái xe môtô hạng A2, có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, thì những chiếc môtô "khủng" trên đường phố ngày càng phổ biến.
Hai chiếc xe phân khối lớn do tổ Y141 CATP HN tạm giữ
"Siêu" môtô giá "bèo"
Giới chơi xe phân phối lớn sành sỏi chỉ cần lướt mắt nhìn qua là có thể biết được nguồn gốc, giá trị của một chiếc xe. Giới này hiện được chia thành hai trường phái. Trường phái thứ nhất thuộc về những người có tiền, không quan tâm đến giá cả đắt rẻ... miễn là mua được xe có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Trường phái thứ hai là những người chơi xe theo kiểu chấp nhận "đỏ - đen", tức là mua xe nhập lậu, không có giấy tờ hợp pháp, hoặc xe cũ đã hết niên hạn sử dụng rồi "độ" lại, để thỏa mãn niềm đam mê tốc độ.
Thực tế, số lượng người chơi môtô phân khối lớn ở trường phái thứ hai luôn chiếm tỷ lệ cao hơn, bởi với số tiền bỏ ra mua một chiếc môtô phân khối lớn ở phân khúc trung bình, đầy đủ giấy tờ thì có thể mua được 3 chiếc xe không hợp pháp.
Nguyễn Mạnh Trường (27 tuổi), ở Hà Nội, dân chơi xe phân khối lớn tâm sự: "Muốn chơi xe phân khối lớn, nhưng túi tiền lại eo hẹp nên đành chấp nhận đánh cược với "đỏ - đen" và cho đến giờ, tôi vẫn sở hữu 1 "con xe khủng" với dung tích xi lanh 400cc".
Tuy nhiên, không phải dân chơi nào cũng có may mắn như Trường. Ngày 5-3 vừa qua, 2 chiếc xe có dung tích xi lanh 400cc và 600cc do hai 2 thanh niên điều khiển đã bị tổ công tác 141 - CATP Hà Nội kiểm tra, tạm giữ. Qua kiểm tra, CSGT xác định giấy đăng ký của 2 chiếc xe này là... "có vấn đề".
Chủ nhân hai chiếc xe khai nhận đã mua với giá 75 triệu đồng/xe, nhưng giá trị thực tế của mỗi chiếc xe lên tới 200 triệu đồng nếu đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Bằng biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an làm rõ số khung, số máy của 2 chiếc xe này không khớp với đăng ký mà người chủ sở hữu xuất trình.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên ANTĐ, để có những chiếc xe tương tự nhưng giá cực "mềm" không hề khó. Chỉ cần thông qua một diễn đàn chơi môtô phân khối lớn là có thể dễ dàng đặt mua 1 chiếc theo ý mình.
Chẳng cần phải gặp nhau bàn bạc mất thời gian, cuộc mua bán có thể diễn ra nhanh chóng bằng cách trao đổi thông tin, hình ảnh qua mạng xã hội và chuyển tiền vào tài khoản.
Một chiếc xe phân khối lớn gây TNGT tại phố Phan Chu Trinh bị CSGT Hà Nội xử lý
Xe "mẹ bồng con" gây hậu quả
Thuật ngữ "mẹ bồng con" thường được giới chơi xe nhập lậu nói đến khi hợp pháp hóa một chiếc xe không giấy tờ thành có giấy tờ, nhưng giá rẻ chỉ bằng 1/3 giá trị thực. Thành viên Hieu harley
davidson trong nhóm "xế khủng" của một diễn đàn mạng cho hay, những chiếc xe như vậy thường là xe nhập lậu từ khu vực biên giới Tây Nam. Những tài sản đó ở bên kia biên giới thường là xe gian, xe mất giấy tờ, xe trộm cắp...
Do không lưu hành được ở nước sở tại, giới buôn xe đã mua gom lại, sau đó tuồn về Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Để người mua tin tưởng, họ thường làm giả giấy đăng ký.
Tinh vi hơn, nhiều "đầu nậu" đã cử cả chân rết đi "thực tế" tại những bãi tạm giữ phương tiện để ghi lại BKS của những xe bị lưu giữ lâu năm tại đây. Sau đó, chúng làm giả BKS của những chiếc xe đó rồi đeo cho những chiếc xe nhập lậu, nhằm tránh bị trùng lặp khi chiếc xe mang biển số giả lưu thông trên đường.
Anh Hoàng Hải, một thành viên Câu lạc bộ môtô phân khối lớn Hà Nội chia sẻ: "Đây là điều đáng tiếc đối với những người đang sở hữu môtô phân khối lớn. Bởi hơn ai hết, họ thừa biết khi sử dụng những chiếc xe này, việc an toàn phải đặt lên hàng đầu.
Thế nhưng, với xe nhập lậu thì việc kiểm định chất lượng rất khó. Đó là chưa nói đến khi sự cố xảy ra như người điều khiển xe gây ra tai nạn rồi bỏ chạy thì việc truy tìm thủ phạm cũng rất khó khăn".
Nhiều thành viên khác cũng tỏ ra lo ngại trước thú chơi xe môtô phân khối lớn đang phát triển ngày càng rầm rộ, trong khi hạ tầng đường sá, ý thức người tham gia giao thông còn chưa đáp ứng được.
"Điều khiển chiếc xe có công suất hàng trăm mã lực, nếu không phải là người điềm đạm thì việc tăng tốc bất ngờ sẽ xảy ra hậu quả khôn lường. Thậm chí, nếu tai nạn thì mức độ nghiêm trọng cũng không khác gì ô tô gây ra" - những thành viên này cho biết.
Nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT), ngoài ý thức của người chơi xe, cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng để ngăn chặn "đầu vào", tránh thất thoát nguồn thu thuế cũng như gây áp lực cho an toàn giao thông.
Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra khám nghiệm TNGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho biết, những chiếc môtô phân phối lớn rất khác biệt so với xe máy mà chúng ta vẫn nhìn thấy hàng ngày.
Muốn điều khiển phương tiện này, ngoài bằng lái theo quy định thì chủ phương tiện cần phải có sức khỏe, bởi xe phân khối lớn rất nặng, cồng kềnh, khó điều khiển.
Do vậy nguy cơ xảy ra TNGT với hậu quả nghiêm trọng cũng tăng lên đáng kể. Việc sử dụng những chiếc xe không có giấy tờ, nguồn gốc rõ ràng để tham gia giao thông là hành vi vi phạm pháp luật.
Cơ quan chức năng sẽ tịch thu những phương tiện nhập lậu, gắn biển số giả, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, cũng như xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức mua bán xe bất hợp pháp.
"Tùy từng trường hợp cụ thể, CSGT có thể chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan CSĐT để truy tố về hành vi buôn lậu" - Thiếu tá Vũ Văn Hoài khẳng định.
Theo_An ninh thủ đô
Hôm nay, ô tô được phép đi nhanh hơn Theo quy định mới có hiệu lực từ hôm nay, 1/3, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ trong khu vực đông dân cư sẽ tăng từ 50 lên 60 km/h, ngoài khu vực đông dân cư tăng từ 80 lên 90 km/h. Từ hôm nay, 1/3/2016, ô tô được phép chạy nhanh hơn...