3 phương án cứu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Theo nguồn tin riêng của Dân trí, do khách hàng trong nước đang giảm mạnh mua xăng, dầu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (LDDQ), Nhà máy này tiếp tục đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn. Đang có tới 3 giải pháp đặt ra nhằm cứu” LDDQ khỏi nguy cơ phá sản.
“Việc khách hàng trong nước giảm khối lượng cam kết tiêu thụ mà chỉ cam kết tiêu thụ sản phẩm trong ngắn hạn gây nhiều rủi ro tiềm ẩn cho LDDQ”, nguồn tin trên cho biết.
Xăng dầu Dung Quất đang rất khó cạnh tranh
Cụ thể hơn, thông tin từ các Bộ, ngành: Tài chính, Công Thương cho biết, mặc dù hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty TNHH Một thành viên Lọc hoá dầu (LHD) Bình Sơn (gọi tắt là Công ty Bình Sơn)-đơn vị quản lý Nhà máy LDDQ đã phải chấp nhận giảm giá bán xăng, dầu từ Nhà máy LDDQ hơn 1,3 USD/thùng so với 6 tháng cuối năm 2015 nhưng giá bán sản phẩm của Nhà máy này vẫn không làm sao cạnh tranh được với nguồn hàng nhập khẩu C/O Form D (nhập khẩu từ ASEAN) và C/O Form AK (nhập khẩu từ Hàn Quốc), do chênh lệch thuế.
“Vì sự chênh lệch này, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trong nước chỉ ý hợp đồng ngắn hạn 2-3 tháng đầu năm 2016 và giảm khối lượng đăng ký mua. Như Petrolimex, khách mua lớn nhất của LDDQ chỉ mới ký hợp đồng trong 2 tháng đầu năm nay và giảm khối lượng mua dầu ma dút tới hàng chục ngàn m3/tháng”, nguồn tin của Dân trí cho biết.
Video đang HOT
Để “giải cứu” Nhà máy LDDQ, hiện một số Bộ, ngành đang xem xét, trao đổi ý kiến để xử lý về chính sách cho nhà máy này. Mới đây nhất, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính đã gửi các cơ quan liên quan về 3 phương án xử lý về chính sách cho Công ty Bình Sơn.
Cụ thể, theo phương án 1, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên mức thuế nhập khẩu Tối huệ quốc-MFN (áp dụng chính sách thuế như nhau với các quốc gia) đối với mặt hàng xăng dầu như quy định hiện nay trong Thông tư số 182/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo phương án này thì Công ty Bình Sơn vẫn khó bán sản phẩm hơn so với năm 2015. Nếu Công ty này phải giảm số lượng sản phẩm tiêu thụ thì số thu điều tiết cũng phải giảm tương ứng.
Với phương án 2, nếu giữ nguyên mức thuế nhập khẩu MFN với xăng là 20% (bằng với mức thuế Atiga (Biểu thuế theo Hiệp định Thương mại với ASEAN), cao hơn mức Việt Nam-Hàn Quốc là 10%) để tiếp tục theo dõi lượng xăng dầu nhập từ Hàn Quốc; điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN với mặt hàng xăng dầu về mức thống nhất 7%, bằng mức cam kết của Chính phủ với sản phẩm LHD Bình Sơn. Theo phương án này, Công ty Bình Sơn sẽ dễ tiêu thụ các sản phẩm dầu hơn phương án 1 (trừ xăng vẫn như phương án trước) nhưng vẫn không xử lý được cơ bản khó khăn của Công ty này trong việc cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu khi thuế Atiga với các mặt hàng dầu giảm về 0% từ năm 2016.
Phương án 3 là tiếp tục giữ nguyên mức thuế nhập khẩu MFN với mặt hàng xăng dầu như phương án 1, đồng thời trình Chính phủ sửa đổi quy chế thu điều tiết cho phù hợp lộ trình giảm thuế của các biểu thuế theo các Hiệp định đã ký với ASEAN và Hàn Quốc. Phương án này được cho là khá khả thi do vừa giúp Công ty Bình Sơn tiêu thụ được sản phẩm, cạnh tranh được mà các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nếu nhập khẩu từ ASEAN hay Hàn Quốc, vẫn được hưởng lợi do mức thuế nhập khẩu tính trong giá bán lẻ là mức thuế nhập khẩu MFN. Nhưng việc thực hiện phương án này sẽ mất nhiều thời gian.
Do đó, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính hiện nay nghiêng về hướng trước mắt thực hiện theo phương án 2 để tháo gỡ khó khăn cho Công ty LHD Bình Sơn, còn về lâu dài, Vụ này dự tính sẽ cùng các cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo, trình lãnh đạo Bộ Tài chính thực hiện theo phương án 3-là phương án cả Công ty Bình Sơn và các Công ty nhập khẩu xăng dầu đầu mối đều có lợi.
Được biết, năm 2015, số thu điều tiết vào ngân sách từ Công ty LHD Bình Sơn khoảng trên 9.100 tỉ đồng. Năm 2016, theo dự kiến của Công ty này, số thu điều tiết sẽ chỉ còn khoảng 5.200 tỉ đồng do giá dầu giảm và kế hoạch sản xuất giảm khoảng 14% so với năm 2015.
Mạnh Quân
Theo Dantri
Không thể chỉ trông chờ giảm thuế
Năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - Petro Vietnam đạt sản lượng khai thác dầu 18,74 triệu tấn, về đích trước hơn một tháng, vượt 11,5% kế hoạch. Sản lượng khai thác khí đạt 10,67 tỷ m3, vượt 9% kế hoạch năm và đạt cao nhất kể từ khi bắt đầu khai thác khí (1981) đến nay.
PVN đã cung cấp cho lưới điện quốc gia 22,03 tỷ kWh điện, sản xuất phân đạm đạt 1,67 triệu tấn, vượt 9,4% kế hoạch năm. Sản xuất xăng dầu đạt 6,92 triệu tấn, vượt gần 25% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất công nghiệp của PVN trong năm 2015 đạt 510.000 tỷ đồng, vượt 14,4% kế hoạch năm, tăng 10,6% so với 2014. Tổng doanh thu của PVN đạt 560.000 tỷ đồng. Riêng nhà máy Lọc dầu Dung Quất có doanh thu gần 95.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 20.300 tỷ đồng và thu về khoản lợi nhuận 5.690 tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch năm 2015.
Theo tính toán của PVN, nếu giá dầu giảm một USD mỗi thùng, doanh thu của tập đoàn sẽ bị giảm 5.400 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước giảm 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất sau thuế giảm 560 tỷ đồng. Vì vậy, Petro Vietnam đang ráo riết thực hiện rà soát và tiết kiệm tối đa chi phí, nhằm bảo đảm thu ngân sách nhà nước và bảo toàn vốn PetroVietnam. Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ rà soát, tiết giảm thêm các loại phí từ 10 - 20%.
Tháng 4-2015, PVN đã cập nhật và được thỏa mãn đề nghị giảm mức thuế suất ưu đãi thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng của nhà máy này từ 35% về còn 20%; mặt hàng dầu diesel giảm từ 20% xuống còn 10% để ngang bằng các nước ASEAN. Tiếp tục cập nhật, mới đây PVN chính thức đề nghị được giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mức thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% mặt hàng xăng, dầu diesel...
Theo Chủ tịch HĐTV Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), từ tháng 1-2016, sản phẩm diesel nhập từ các nước Đông - Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc có thuế về 0%, trong khi sản phẩm này do nhà máy sản xuất ra vẫn giữ mức thuế 10%. Mặt hàng xăng, theo lộ trình đến năm 2021 mới bắt đầu đưa thuế nhập khẩu về 0%, nhưng hiện có thông tin thỏa thuận FTA với Hàn Quốc những sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc chỉ chịu 10%, trong khi xăng nhà máy lọc dầu Dung Quất là 20%. Thời gian tới, thỏa thuận FTA với Nhật Bản cũng sẽ đưa thuế nhập khẩu mặt hàng xăng từ Nhật Bản về 10%. Tối hậu thư đã được đưa ra: nếu không có sự điều chỉnh thuế như yêu cầu, trong vòng 2 - 3 tháng tới, dù vẫn đang được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% trong thời hạn 30 năm và được giữ lại mức thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hóa dầu khác..., có thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phải tạm ngừng sản xuất hoặc đóng cửa, khi các đơn hàng đã "cạn" và không có hợp đồng mới được ký kết, do sản phẩm của họ sẽ khó tiêu thụ so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu...
Hiện, vẫn chưa có đánh giá chính thức nào về việc giảm thuế hồi tháng 4-2015 và dự kiến được giảm thuế về mức 0% theo đề nghị trên đã và sẽ mang lại cho Dung Quất cơ hội được giảm bao nhiêu tiền chi phí trong giá bán sản phẩm, nhưng điểm đáng lưu ý, theo thừa nhận của lãnh đạo nhà máy, chính sách giảm thuế hồi tháng 5-2015 trên chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy, việc nhà máy đạt doanh thu và lợi nhuận vượt kế hoạch là hoàn toàn bình thường.
Vậy mà, chỉ với chênh lệch 10% thuế nhập khẩu riêng dầu diesel thôi, thì nhà máy hiện hoạt động ổn định với 100% công suất sẽ có nguy cơ đóng cửa sau bao nhiêu hoạt động đầu tư hoành tráng và sự cưng chiều, ưu đãi chính sách đa dạng của nhà nước. Thế mới biết, sức chịu đựng và bản lĩnh thương trường, khả năng và trách nhiệm chủ động rà soát, cơ cấu lại quản trị để tiết giảm chi phí, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của người anh cả và niềm tự hào của nhà máy này nói riêng và cả hệ thống quản lý hoạt động của toàn bộ ngành xăng dầu Việt Nam nói chung, thật mỏng manh và dễ bị tổn thương biết bao.
Giảm thuế ưu đãi bằng mức các nước đối thủ cạnh tranh, kể cả để bằng mức thuế của các nước có mức độ ưu đãi cao nhất, là đúng và cần thiết để có môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp trong bối cảnh tự do hóa thị trường ngày càng cao. Việc giảm thuế có thể làm giảm nguồn thu NSNN trong bối cảnh đang giảm thu từ giá trị xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu. Nhưng không đơn giản và chỉ dừng ở việc giảm thuế theo đề nghị đơn phương này, mà cần nhiều kịch bản, phương án giả định và giải pháp cần có đặt trong tổng thể tính toán, đánh giá, giải trình và phản biện chính sách được thực hiện một cách dân chủ rộng rãi nhằm đổi mới và hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường ở nước ta.
Ngành xăng dầu Việt Nam vẫn đang hoạt động chủ yếu trong cơ chế độc quyền và do PVN chi phối. Kinh doanh thị trường cần phải có môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch; đồng thời, thực tế cũng cho thấy, để có môi trường kinh doanh lành mạnh, nhà nước càng cần hoàn thiện cơ chế tự do hóa kinh doanh và đấu thầu theo đúng cơ chế thị trường; tăng cường kiểm toán tuân thủ, lẫn kiểm toán hoạt động để đánh giá hiệu quả kinh doanh doanh nghiệp và hiệu quản quản lý nhà nước, nâng tầm trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm xã hội, thúc đẩy tinh thần và nâng cao bản lĩnh chủ động tái cơ cấu, tiết giảm chi phí, đổi mới công nghệ và năng lực quản trị, giảm thiểu cảnh "trông trời, trông đất, trông mây", so bì và chỉ muốn được hưởng thêm ưu đãi mà né tránh cạnh tranh thị trường trong bối cảnh hội nhập ngày càng đầy đủ, sâu rộng...
Theo_Báo Nhân Dân
Đề xuất của PVN có thể tạo ra độc quyền cung cấp xăng dầu Đề xuất của PVN buộc các doanh nghiệp xăng dầu phải mua hết sản phẩm trong nước mới được nhập khẩu có thể tạo vị thế độc quyền... Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nêu khả năng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đứng trước nguy cơ đóng cửa và đề xuất buộc các doanh nghiệp xăng dầu phải mua hết...