3 phu trầm mắc kẹt ở Malaysia đang trên đường về nhà
Được một “cai trầm” dẫn dắt ra nước ngoài tìm trầm, hứa hẹn sẽ kiếm được nhiều tiền, nhưng sau mấy tháng bị “vắt kiệt mồ hôi” nơi xứ người, nhóm tìm trầm ở xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch đã phải cầu cứu gia đình gửi tiền sang chuộc về.
Sáng ngày 6/9, chúng tôi có mặt tại nhà anh Nguyễn Bình Luận (trú tại thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Anh Luận là một trong số 4 người xuất ngoại tìm trầm tại Malaysia điện về báo gia đình gửi tiền sang trả nợ cho “cai trầm” để họ cho về nước.
Chị Mai Thị Hoa (vợ anh Luận) cho biết, sau khi nhận được tiền từ gia đình gửi sang, anh Luận cùng anh Nguyễn Văn Hài, Nguyễn Văn Quỳnh đã lên máy bay về đến TP Hồ Chí Minh, sáng nay họ đã lên xe trở về nhà.
Trước đó, vào giữa tháng 4/2013, anh Luận cùng các anh Nguyễn Văn Hài, Nguyễn Văn Báu (19 tuổi, cháu ruột anh Hài, đều trú thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh), Nguyễn Văn Quỳnh (19 tuổi, em vợ anh Hài, trú thôn Chay, xã Quảng Sơn, Quảng Trạch) được một người quen tên Phương ở cùng xã giới thiệu cho một lái trầm ở Trúc Ly, xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) sang Malaysia tìm trầm với thu nhập cao mà không phải lo tiền máy bay, nơi ăn, chốn ở. Anh này còn hứa hẹn sang đó làm mỗi tháng cũng được vài chục triệu đồng.
Chị Hoa kể lại những vất vả của chồng trong thời gian tìm trầm nơi xứ người
Video đang HOT
“Tin tưởng lời người quen nên nhóm của anh Luận mới đồng ý đi theo. Nhưng sau mấy tháng làm thuê, anh Luận không gửi được đồng nào về cho gia đình. Trong mấy lần điện về, anh Luận nói làm khá vất vả, tuy kiếm được rất nhiều trầm nhưng bị ép giá nên bán không được bao nhiêu, 40 kg trầm mà chỉ bán được hơn 10 triệu đồng. Không bán thì mất công mà bán giá cao cũng chẳng ai mua. Số tiền thu được không đủ chi phí đóng tiền gùi cho lái trầm nên nợ nần chồng chất. Ngày 3/9, anh Luận lại điện về cho tui bảo gửi sang cho anh 20 triệu để trả lại cho “cai trầm” thì họ mới cho về”, chị Hoa kể.
Cũng theo lời chị Hoa, nhận tin chồng, chị đã sang nói với vợ chồng ông Mục (bố mẹ anh Hài) để gom tiền gửi sang cứu người. Trong nhóm 4 phu trầm bị “mắc kẹt” tại Malaysia, chỉ có anh Luận, anh Hài và Quỳnh được “cai trầm” cho về, còn anh Nguyễn Văn Báu do gia đình không có tiền gửi sang nên phải ở lại làm tiếp để trả nợ.
Vừa bán con bò được hơn 11 triệu đồng, nghe con trai điện về thông báo sự việc, ông Nguyễn Văn Mục và bà Mến phải bán thêm ngô, đậu để gom góp tiền gửi sang cho con trả nợ. Bà Mến cho biết, hôm trước bà cùng chị Hoa mang tiền đi gửi sang cho con. Vì không gom đủ nên mới chỉ trả được 30 triệu/2 người, số còn lại đành phải khất nợ.
Trao đổi qua điện thoại với anh Nguyễn Văn Hài, được biết anh cùng anh Luận, Quỳnh đã ra đến Bình Định, đến đêm nay mới về đến nhà. Anh Hài cũng cho biết, vì hoàn cảnh khó khăn nên mới đi Malaysia tìm trầm với hy vọng thoát nghèo, không ngờ lại mắc thêm nợ.
Để cứu được con, bà Mến phải bán bò cùng nhiều nông sản trong nhà
Bà Mến chia sẻ, nghe con trai nói ra nước ngoài làm ăn, vợ chồng bà đã nhiều lần can ngăn, nhưng anh Hài quyết đi. Giờ đưa được con về rồi, dù mất tiền bà cũng thấy mừng. Bà nói từ nay có nghèo đến mấy cũng không cho con đi nữa.
Không chỉ gia đình ông Mục, bà Mến, chị Hoa mà nhiều người khác ở xã Quảng Minh cũng có người thân đang đi nước ngoài tìm trầm. Vụ 5 phu trầm ở 2 xã Quảng Minh, Quảng Sơn bị sát hại vào giữa năm trước là một ví dụ đau đớn nhất. Đi tìm trầm, các phu luôn phải đối mặt với muôn vàn nguy hiểm, thậm chí có thể phải đổi bằng mạng sống…
Đăng Đức – Đặng Tài
Theo Dantri
Toàn cảnh vụ truy bắt ba hung thủ giết năm phu trầm
Năm phu trầm của hai xã Quảng Sơn và Quảng Minh (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đi tìm trầm bị giết hại khiến làng quê xao xác, tang tóc và gây hoang mang, chấn động khắp cả nước. Người dân bất an, tình hình an ninh vùng biên giới Việt - Lào hết sức nóng bỏng. Dư luận cũng như một số bài báo đã nghi vấn cho những người thoát chết sau vụ thảm sát là đồng phạm hoặc trực tiếp giết năm phu trầm...
NẾM MẬT NẰM GAI PHÁ ÁN
Nhận tin báo của những người đi trầm kể lại chuyện năm người bị bắt cóc, sáng 26-3-2013, Đồn Biên phòng Cù Bai (Quảng Trị) tức tốc lên đường và phải vất vả lắm mới đến được hiện trường. Khu vực này nằm trên lãnh thổ nước Lào. Khi bộ đội biên phòng đào một lớp đất còn mới bên dưới các cành cây thì chứng kiến cảnh rùng rợn, hãi hùng: những nạn nhân bị xếp chồng lên nhau. Toàn bộ thi thể đã bốc mùi hôi thối, tay vẫn bị trói, đầu bị thủng, đa chấn thương... Việc đưa các thi thể ra khỏi rừng rất khó khăn.
Bộ đội biên phòng và Công an tỉnh Quảng Trị thành lập Ban chuyên án do thiếu tướng Lê Công Dung, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, làm trưởng ban; đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng của Lào tiến hành phá án. Từ ngày 28-3 đến 2-4, một đội quân hùng hậu, tinh nhuệ đã được huy động với quyết tâm cao để phá án. Ngày 29-3, Ban chuyên án xác định được hai nghi phạm là Hồ Văn Công (38 tuổi, trú bản Pà Tăng, xã Hướng Việt) và Hồ Văn Thành (37 tuổi, trú xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Nhiều ngày băng rừng vượt suối, có những lúc các trinh sát gần như đã tiếp cận được hai tên này thì chúng khôn ngoan nhanh chóng tẩu thoát. Khi xác định được Công và Thành đang lẩn trốn ở khu rừng ma thuộc thôn Tà Rùng (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa), thượng tá Lê Quang Công, quyền Trưởng phòng CSĐTTP về TTXH Công an tỉnh Quảng Trị, được cử trực tiếp chỉ huy tổ chức mai phục.
Lực lượng chức năng triển khai truy tìm và bắt gọn Hồ Văn Thành (dấu X) tại lèn đá Tà Rùng.
Chó nghiệp vụ cũng được huy động để tìm đối tượng. Khoảng 14 giờ ngày 2-4, Công đang lấy nước ở một con suối thì các trinh sát ập đến bắt giữ. Nhận định có thể tên còn lại không thấy Công về sẽ tẩu thoát nên lực lượng trinh sát tiến lên đỉnh núi. Sau hơn hai giờ, trinh sát đã tìm và bắt được Thành khi hắn đang trốn trong một hang đá. Nghi phạm thứ ba trong vụ án là Hồ Văn Nguyên (trú huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào) không có dấu vết.
Đối tượng này được Ban chuyên án xác định có tham gia vụ án bởi trong quá trình các trinh sát đến các bản làng hai nước ở dọc biên giới thì được biết Nguyên từng nói với bà con phải đi trốn kẻo sẽ bị bắt do vừa cùng với Công và Thành giết những người đi tìm trầm. Khoảng 14 giờ ngày 4-4, Ban chuyên án phối hợp với Ty An ninh Savannakhet (Lào) bắt được Nguyên tại bản Huổi Lay, huyện Viraboly, tỉnh Savannakhet khi hắn đang trên đường trốn chạy. Trước đó, ngày 31-3 lực lượng chức năng đã thu khẩu súng cùng băng đạn còn năm viên tại khu rừng thuộc huyện Sê Pôn (Savannakhet, Lào) mà các đối tượng đã sử dụng.
Như vậy, toàn bộ các nghi phạm giết năm phu trầm đã bị bắt. Các chiến sĩ công an, biên phòng dù đã trải qua nhiều ngày gian khổ, hiểm nguy đến tính mạng để đấu tranh phá án, giờ mới thở phào nhẹ nhõm vì nhiệm vụ đã hoàn thành.
Đại tá Trần Đức Việt (phải) - Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, đại diện cho Ban chuyên án - trao thưởng cho lực lượng phá án
GIẾT NGƯỜI VÌ THUA BẠC
Công và Thành được dẫn giải về trụ sở Công an tỉnh Quảng Trị. Đặc điểm chung của hai tên này là nước da đen, tóc bù xù, ánh mắt dữ dằn, mặt lạnh lùng. Tiến hành lấy lời khai các đối tượng, Ban chuyên án làm rõ Công là người chủ mưu của vụ án. Từ ngày 16 đến 18-3, Thành đến xã Hướng Việt đánh bài với Công cùng một số người dân khác. Cả hai đều bị thua. Thành cầm chiếc xe máy mà y mượn của bố vợ để trả tiền thua bạc. Với ý định kiếm tiền chuộc xe, Công và Thành lên kế hoạch bắt cóc, khống chế những phu trầm đòi tiền chuộc và giết luôn để bịt đầu mối. Cả hai sang Lào tìm Nguyên (có súng AK) để thực hiện kế hoạch.
Ngày 22-3, chúng khống chế được ba người đi tìm trầm và cướp sạch tiền, tư trang, thực phẩm rồi trói lại bằng dây phanh xe đạp. Do dây trói không chặt nên nhóm này thoát được và trên đường chạy trốn thì gặp được nhóm tìm trầm sau này bị giết hại. Ngày 23-3, sau khi dùng súng khống chế được bảy phu trầm, chúng cho một người (anh Hà) về lấy tiền chuộc rồi trói sáu người lại. Chúng bàn bạc sau khi nhận được tiền sẽ giết hết để tránh bị lộ. Đêm đến, chúng thay nhau đào hố và trong lúc này thì anh Hiền trốn được. Chúng áp giải từng người đến miệng hố, dùng gậy đánh vào sau cổ cho đến chết rồi đạp xuống hố. Ba tên hung hãn thay nhau hành động man rợ cho đến người thứ năm thì chúng lấp hố lại, phủ cành cây lên trên rồi bỏ trốn vào rừng.
Thành và Công là những đối tượng sinh ra trong những gia đình cán bộ, có nhiều đóng góp với địa phương. Tuy nhiên, do chúng ham chơi, mê cờ bạc nên ngày càng lún sâu vào tội lỗi. Công có hai tiền án về tội trộm cướp, tổng hợp hai lần bị tù giam gần bảy năm và ra tù năm 2008. Công có vợ và hai con đang ở xã Hướng Việt. Thành đã có vợ và hai con. Nhưng cả hai đối tượng đều mù chữ, hư hỏng, ham ăn nhậu, mê đánh bài hay trộm cắp. Theo thượng tá Nguyễn Hữu Mạnh, Phó trưởng phòng CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị, thì Công và Thành khai sẽ giết tất cả những ai mà chúng bắt được để bịt đầu mối sau khi lấy tiền của họ.
"Việc nhanh chóng vào cuộc, phá án thành công một vụ án đặc biệt nghiêm trọng thể hiện sức mạnh tổng hợp, sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng, của cơ quan chức năng nước bạn Lào, sự giúp đỡ của nhân dân, lời kể của những người thoát chết. Ngay từ đầu, Ban chuyên án đã xác định chính xác các nghi phạm và có hướng điều tra trọng tâm. Mọi người đã âm thầm khắc phục khó khăn trở ngại, hiểm nguy; nỗ lực hết mình, đóng góp lớn lao trong việc phá án" - đại tá Trần Đức Việt, Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị, cho biết.
Chiến công của Ban chuyên án đã phần nào chia sẻ với nỗi đau, mất mát của các nạn nhân cùng người thân; xứng đáng là lực lượng bảo vệ sự bình yên của nhân dân; tạo được niềm tin, được quần chúng hoan nghênh, ca ngợi. Đây cũng là sự giải oan, chấm dứt nghi ngờ cho những người may mắn thoát chết là Đỗ Văn Hiền và Hoàng Văn Hà (cùng trú H. Quảng Trạch).
Theo vietbao
Phát hiện hai mặt trống đồng Đông Sơn Chiều 2/4, ông Biền Ngân, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết, người dân địa phương vừa phát hiện hai mặt trống đồng được nhận định cùng thời với trống đồng Đông Sơn. Ông Ngân cho biết, sau khi phát hiện hai mặt trống đồng trên, UBND xã đã giao lại cho Bảo tàng...