3 nội dung chính được thảo luận tại Khóa họp 71 Đại Hội đồng LHQ
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ trả lời phỏng vấn về Khóa họp 71 Đại hội đồng Liên Hợp quốc
Nhân dịp Khóa họp 71 Đại hội đồng Liên Hợp quốc đang diễn ra tại New York, Mỹ, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc đã trả lời phỏng vấn về các nội dung Khóa họp và những đóng góp và các hoạt động của đoàn Việt Nam.
PV: Đại sứ có thể cho biết những vấn đề nổi bật được các nước quan tâm thảo luận tại Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) từ 20-26/9/2016 và sự tham gia đóng góp của Đoàn Việt Nam vào kết quả kỳ họp?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Phiên thảo luận cấp cao của ĐHĐ LHQ Khóa 71 là kỳ họp đầu tiên sau 1 năm thực hiện các định hướng lớn về phát triển như Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Chương trình Hành động Addis Ababa về Tài chính cho Phát triển, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Khung hành động Sendai về giảm rủi ro thiên tai.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc.
Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và không đồng đều, nhiều thách thức nghiêm trọng về an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng bố, cực đoan bạo lực, khủng hoảng di cư…, kỳ họp lần này có chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs): Thúc đẩy toàn diện nhằm chuyển đổi thế giới”.
Tại Phiên thảo luận chung cũng như các sự kiện cấp cao bên lề như Hội nghị cấp cao về giải quyết các làn sóng di cư và tị nạn quy mô lớn, Hội nghị cấp cao lần đầu tiên về kháng thuốc kháng sinh, Phê chuẩn để Thỏa thuận Paris sớm có hiệu lực, Cam kết đối với Quỹ xây dựng hòa bình, Nước – nguồn gốc của hòa bình, Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố về Quyền Phát triển, Phụ nữ và trẻ em gái trong việc thực hiện SDGs… các nhà lãnh đạo đã thảo luận về các phương hướng, biện pháp tăng cường hợp tác trên cả ba trụ cột hoà bình, an ninh, phát triển và quyền con người vì hoà bình, thịnh vượng trên toàn cầu và bảo vệ hành tinh, tập trung vào 3 nội dung chính.
Thứ nhất, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết triển khai thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Nhiều ý kiến nhấn mạnh mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa phát triển bền vững với hoà bình, an ninh và quyền con người, kêu gọi tăng cường hợp tác, thiết lập các quan hệ đối tác mới hiệu quả để xoá đói nghèo, bất bình đẳng, quản trị tốt và xây dựng xã hội hoà bình.
Tại kỳ họp đã có 31 nước công bố phê chuẩn Thoả thuận Paris về Biến đổi khí hậu, đưa tổng số nước đã phê chuẩn thoả thuận quan trọng này lên 60 nước. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí phối hợp hành động để ứng phó với tình trạng kháng thuốc kháng sinh, đe doạ sẽ cướp đi sinh mạng của 10 triệu người vào năm 2050 nếu không được khắc phục.
Video đang HOT
Thứ hai, các nhà lãnh đạo bày tỏ quyết tâm tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột kéo dài, tăng cường nỗ lực chung đấu tranh chống khủng bố, xây dựng hoà bình, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột và ngăn chặn xung đột, chấm dứt các cuộc khủng hoảng nhân đạo và ứng phó hiệu quả với dòng người di cư, tị nạn.
Nhiều phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ Hiến chương LHQ và LPQT, giải quyết xung đột bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực. Tại kỳ họp này, Đại hội đồng LHQ đã nhất trí thông qua Tuyên bố New York về tị nạn và di cư, đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề này.
Thứ ba, các nước đều nhấn mạnh cần tiếp tục cải tổ Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng, hệ thống phát triển của LHQ để tăng cường hiệu quả hoạt động của LHQ, bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, quyền tham gia bình đẳng và rộng rãi của tất cả các nước vào quá trình thảo luận, tham vấn và ra quyết sách đối với các nghị quyết, quyết định của LHQ.
Đoàn Việt Nam tham dự Phiên thảo luận cấp cao của ĐHĐ LHQ Khóa 71 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu. Kỳ họp diễn ra vào lúc chúng ta triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII và Chương trình hành động của Hội nghị ngoại giao 29, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao đa phương và sự tham gia của Việt Nam tại LHQ. Trên tinh thần đó, chúng ta đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng, chuẩn bị các văn kiện quan trọng của kỳ họp.
Tại Phiên thảo luận chung của ĐHĐ và tại Hội nghị cấp cao Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Quyền Phát triển Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh thông điệp của Việt Nam về sự cần thiết phải “tăng cường chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển”, khẳng định Việt Nam đánh giá cao vai trò và hoạt động của LHQ, mong muốn LHQ đảm nhiệm tốt hơn nữa vai trò trung tâm trong thực hiện SDGs và đề cao việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Phó Thủ tướng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỳ (MDGs), khẳng định Việt Nam cam kết nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 đồng thời kêu gọi các nước phát triển thực hiện vai trò tiên phong hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, về nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ mới, tạo thuận lợi trong thương mại.
PV: Đã tròn 1 năm kể từ khi các nhà lãnh đạo của các nước nhất trí thông qua Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Đại sứ cho biết những việc LHQ và các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đã triển khai để thực hiện Chương trình nghị sự?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Chương trình Nghị sự 2030 (CTNS 2030) cùng với các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) đã tạo ra bước ngoặt mới trong định hướng chiến lược phát triển của mọi quốc gia trên thế giới. Khác với các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) hướng tới xoá bỏ nghèo, đói, bất bình đẳng và không để một ai bị bỏ lại phía sau, cân bằng giữa ba trụ cột kinh tế-xã hội và môi trường, có tính toàn diện, đan xen, không thể tách rời và là đích hướng tới của mọi quốc gia, không phân biệt năng lực, hoàn cảnh, vị thế. Việc thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng này đòi hỏi LHQ cũng như từng nước thành viên phải đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và hành động.
LHQ và các quốc gia đã khẩn trương bắt tay vào thực hiện CTNS 2030. Với vai trò lãnh đạo, dẫn dắt, có khả năng tập hợp nguồn lực, xây dựng chuẩn mực và tạo dựng các quan hệ hợp tác, trong năm qua LHQ đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tham vấn các nước thành viên thay đổi, điều chỉnh các kế hoạch mang tính chiến lược của LHQ cho phù hợp, đồng bộ với CTNS 2030.
LHQ đang tiến hành cải tổ toàn hệ thống để đảm bảo tính toàn diện, tránh “chồng chéo”, “đánh đổi” giữa các lĩnh vực hoạt động. Đồng thời, LHQ cũng tăng cường huy động, đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện CTNS, chú trọng phát triển quan hệ đối tác với các tổ chức đa phương, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội.
Về phía các quốc gia, năm 2016 đã có 22 quốc gia tiến hành rà soát tự nguyện quá trình thực hiện SDGs. Hầu hết các nước đều đã tiến hành tham vấn rộng rãi với sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội để phổ biến sâu rộng và “nội địa hóa” CTNS 2030 trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, đồng thời giữ vững các nguyên tắc rường cột của CTNS.
Chúng ta nhận thức rất rõ CTNS 2030 hoàn toàn phù hợp với đường lối phát triển của đất nước ta và việc thực hiện thành công các SDGs sẽ đưa đất nước ta phát triển vững mạnh, hoà bình, không bị tụt hậu, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Với nhận thức đó, chúng ta đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện CTNS có tính chuyển đổi toàn diện và sâu sắc này.
Một thuận lợi lớn là chúng ta đã có Chiến lược Phát triển bền vững 2011-2020 với các mục tiêu cụ thể của quốc gia. Kế hoạch phát triển Kinh tế-Xã hội 2016-2020 của Việt Nam đã lồng ghép, “nội địa hóa” các SDGs với các chỉ số cụ thể về kinh tế – xã hội – môi trường, như đến năm 2020, phấn đấu đạt 80% dân số có bảo hiểm y tế, 95% dân số thành thị và 90% dân số nông thôn có nước sạch, tỉ lệ che phủ rừng đạt 40%…
Hiện chúng ta đang tích cực hoàn thành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các SDGs; nhiều Bộ ngành đã tổ chức các hội thảo để tuyên truyền, phổ biến về SDGs và thảo luận về các biện pháp thực hiện thành công SDGs.
PV: Dự ĐHĐ cũng là dịp Lãnh đạo ta có tiếp xúc, hoạt động bên lề. Xin Đại sứ cho biết kết quả của những hoạt động này?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Trong dịp tham dự Kỳ họp cấp cao của ĐHĐ LHQ Khóa 71, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc tiếp xúc hiệu quả và thực chất với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Bungaria, Hungaria, Bỉ, Arghentina, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Italy và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ để thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn của LHQ cũng như quan hệ song phương.
Trong dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng có cuộc Tọa đàm với lãnh đạo hơn 25 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, để trao đổi về chính sách phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, triển khai các thỏa thuận FTA của Việt Nam và các biện pháp phát huy vai trò của các doanh nghiệp Mỹ như một nhân tố tích cực, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ phát triển thực chất, hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!.
Theo VOV
Việt Nam cảnh báo xung đột Biển Đông tại Liên Hợp Quốc
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ tranh chấp Biển Đông đang đe dọa hòa bình và an ninh ở khu vực, trong khi luật pháp quốc tế bị xem nhẹ.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tại Đại hội đồng LHQ. Ảnh: UN
"Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tiềm ẩn những nguy cơ xung đột, nhất là tại bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung. ", ông Phạm Bình Minh nêu rõ tại Phiên thảo luận cấp cao Khóa 71 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) cuối tuần qua tại New York, Mỹ.
Phó thủ tướng Việt Nam cho rằng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương là những nhân tố cốt yếu xây dựng châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, giúp ổn định cấu trúc an ninh quốc tế. Tuy nhiên các chuẩn mức, nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vẫn bị xem nhẹ. Một số nước có biện pháp áp đặt, đơn phương, cường quyền, sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề an ninh, điều đó đã và đang gây căng thẳng, đối đầu, cản trở các nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Trên phạm vi thế giới, khi căng thẳng và bất ổn diễn biến phức tạp, tuy duy đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế cũng đang đe dọa an ninh chung.
Ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ luật pháp, đề nghị LHQ tăng cường vai trò trong giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Đề cập tới những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đại diện Việt Nam kêu gọi tất cả bên liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN, sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Phó thủ tướng đề nghị các nước tăng cường chủ nghĩa đa phương, cam kết Việt Nam sẽ thúc đẩy các tiếp cận này để đóng góp cho hoà bình, hợp tác và phát triển giữa các nước. Ông Phạm Bình Minh cũng thông báo Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.
Việt Anh
Theo VNE
Trump đánh bóng thành tích chính trị cạnh tranh bà Clinton Trump đang nỗ lực đánh bóng thành tích chính trị để tăng sức cạnh tranh với bà Clinton vốn từng là ngoại trưởng và thượng nghị sĩ bang New York. Bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ khai mạc ngày 19-9 (giờ địa phương) tại Mỹ, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton sẽ có hai cuộc gặp với Tổng...