3 nhân viên cứu đoàn tàu lao xuống sông khi cầu Ghềnh sập
Nhận được cảnh báo của nhân viên gác chắn, đoàn tàu đang chạy tốc độ 40km/h đã phanh gấp, kịp dừng trước cầu Ghềnh vừa sập 200 m, thoát khỏi tai nạn kép.
Một ngày sau khi cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập khiến tuyến đường sắt Bắc – Nam chia cắt, các chốt gác đường tàu gần khu vực cầu tạm thời dừng mọi hoạt động. Nhiều người dân tại đây cho rằng, tai nạn đường sắt sẽ nghiêm trọng hơn nếu những nhân viên gác tàu hôm đó không dừng kịp thời đoàn tàu đang lao tới cầu bị sập.
Ông Huỳnh Ngọc Hoàng, nhà gần cầu Ghềnh cho biết, trưa hôm đó, gia đình đang ăn cơm trưa, bỗng nghe một tiếng va chạm rất lớn từ hướng cầu sắt làm rung rinh cả căn nhà. “Chạy ra sông, tôi thấy cầu Ghềnh đã đổ sập trong khi hướng Bình Dương có tín hiệu báo tàu sắp tới. Tôi nhanh chân chạy ngược lên báo anh em trực gác biết để dừng tàu”, ông Hoàng kể.
Đoàn tàu 2542 được 3 nhân viên gác chắn cho dừng khẩn cấp tránh lao xuống sông. Ảnh: S.C
Tỏ ra mệt mỏi sau một ngày đêm căng thẳng cùng các lực lượng chức năng phong tỏa đường ray, giải quyết sự cố sập cầu, anh Phạm Tiến Dũng – Đội trưởng cung chắn Biên Hòa 2 – cho biết, hôm xảy ra sự cố anh cùng hai người nữa báo hiệu cho đoàn tàu dừng kịp lúc.
Theo anh Dũng, khoảng 11h30 ngày 20/3, tổ trực gồm anh, nhân viên gác chắn Ngô Việt Phái, nhân viên báo hiệu Phan Tiến Dũng nhận được lệnh chuẩn bị đón tàu số hiệu 2542 xin qua cầu Ghềnh. Tàu này chở hàng, xuất phát từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Biên Hòa (Đồng Nai).
“Như mọi lần khác, chúng tôi cũng tổ chức kiểm tra công tác an toàn, đóng đường để tàu qua. Tôi có nhiệm vụ cầm cờ thông báo cho lái tàu biết được phép qua hay dừng lại thôi”, đội trưởng Dũng nói.
Anh Phạm Tiến Dũng kể lại thời khắc dừng đoàn tàu chở hàng kịp lúc. Ảnh: S.C
Khi ba người chuẩn bị vào công việc, anh Dũng thấy phía xa có người từ cầu Ghềnh chạy tới quơ tay tỏ vẻ hốt hoảng. Thấy dấu hiệu bất thường, anh Dũng cử anh Phái chạy đến xem xét tình hình. Người còn lại được phân công cầm cờ chạy lên đoạn cong gần đó trực chờ chỉ thị từ anh.
Video đang HOT
Nghe người dân thông báo cầu sập, anh Phái vội vàng ra tín hiệu cho tàu dừng khẩn cấp. Đội trưởng Dũng cũng liền ra chỉ thị cho nhân viên còn lại phất cờ báo tàu dừng lại. “Lái tàu khi nhận được cảnh báo đã phanh gấp, cú phanh kéo dài cả 100 m và dừng cách cây cầu vừa sập đúng 200 m”, người đội trưởng kể.
Người cầm cờ báo hiệu tàu dừng cho biết, anh có nghe tiếng nổ lớn trước khi tàu đến nhưng không nghĩ sà lan đụng sập cầu. Khi phát hiện có người từ hướng cầu chạy lên như thông báo nguy hiểm, anh đã bình tĩnh cùng hai đồng nghiệp làm nhiệm vụ để dừng đoàn tàu kịp lúc.
Theo nam nhân viên này, đoàn tàu chở hàng lúc đó chạy ở tốc độ khoảng 40 km một giờ. Cung đường sắt đoạn này bị cong nên hạn chế tầm nhìn, nếu không phát hiện và cảnh báo sớm rất có thể tàu không dừng kịp.
“Dừng tàu là trách nhiệm công việc của mình thôi mà, có gì to tát đâu. Tôi thấy bình thường thôi, mọi chuyện phải xử lý bình tĩnh”, nhân viên gác tàu chia sẻ.
Sau khi tàu dừng, tổ trực ngay lập tức báo cáo cấp trên để xử lý tình huống khẩn cấp, kịp thời thay đổi lịch trình để tránh những tình huống dây chuyền đáng tiếc.
Trước hành động kịp thời của tổ gác chắn, ngày 21/3, ông Mai Thanh Phương – Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty đường sắt Việt Nam – đã ký quyết định thưởng nóng cho 3 nhân viên Trạm gác chắn tàu Bửu Hòa, vì “đã phản ứng nhanh, giúp một đoàn tàu chở hàng khỏi rơi xuống sông”.
Vị trí tàu dừng chỉ cách cầu Ghềnh khoảng 200 m. Ảnh: S.C
Trước đó, ngày 20/3, sà lan chở 800 tấn cát do hai tài công người miền Tây chưa có bằng lái điều khiển khi qua vùng nước xoáy đã đâm sập cầu Ghềnh. Vụ tai nạn khiến 2 nhịp cầu đổ xuống sông, nhiều người thoát nạn bỏ xe bò lên bờ.
Sau khi cầu sập, tuyết đường sắt Bắc – Nam bị đứt mạch, tàu đến ga Biên Hòa sau đó khách được trung chuyển về Sài Gòn. Tuyến giao thông thủy qua khu vực cũng bị phong tỏa. Hai tài công và chủ sà lan đã bị bắt. Phương án khắc phục được đưa ra là xây mới hai trụ và ba nhịp cầu, ngày 15/7 sẽ thông xe tuyến đường sắt qua cầu Ghềnh.
Sơn Hòa
Theo VNE
Sập Cầu Ghềnh, ghe chở vật liệu xây dựng kẹt cứng trên sông Đồng Nai
Ngày 21.3, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3, cho biết lực lượng chức năng vẫn đang phong tỏa tạm thời tuyến đường thủy qua khu vực Cầu Ghềnh để phục vụ công tác điều tra.
Nhiều ghe, sà lan chở cát nằm chờ trên sông Đồng Nai - Ảnh: Xuân Đức
Do tuyến đường sông độc đạo bị phong tỏa, nhiều phương tiện ghe, tàu, sà lan chở cát, đá, vật liệu xây dựng bị kẹt lại và nằm chờ ở phía thượng lưu Cầu Ghềnh.
Khác với không khí sôi động như thường lệ, tại các bến thủy nội địa và cơ sở kinh doanh cát, đá, vật liệu xây dựng (VLXD) nằm dọc sông Đồng Nai thuộc địa bàn các xã Hóa An, Tân Hạnh (TP.Biên Hòa), nhiều xáng cạp, xe múc, xe tải, sà lan chở cát, đá đóng cửa, "án binh bất động".
Anh Nguyễn Đức, chủ cơ sở VLXD T.C (xã Hóa An) cho biết từ trưa 20.3 sau khi xảy ra vụ sập Cầu Ghềnh, ghe tàu chở cát của cơ sở anh ngưng xuất bến. "Hiện tại chúng tôi chỉ cung ứng đơn hàng vận chuyển nhỏ lẻ xe tải bằng qua đường bộ, còn đường sông thì đang phải tạm ngưng", anh Đức nói.
Nhiều phương tiện chở cát, đá "án binh bất động trên sông Đồng Nai" - Ảnh: Xuân Đức
Ông Lê Hoàng Danh (47 tuổi, ngụ Bến Tre) người hơn 20 năm chuyên chở thuê VLXD trên sông Đồng Nai, cho biết ông đi ghe nổi (ghe không) từ Bến Tre về TP.Biên Hòa chở đá về phân phối cho các vựa VLXD ở miền Tây. Ông Danh nói với việc ghe phải "nằm bờ" như hiện tại thì ông thiệt hại bình quân khoảng 1 triệu đồng/ngày.
Vừa nói vừa chỉ ra khúc sông dày đặc ghe tàu chở cát, đá đang nằm chờ, ông Danh cho biết do hôm nay mới ngày đầu tuần nên nhiều ghe, sà lan từ mỏ đá Thiện Tân chưa xuống. "Vài ngày nữa mà chưa thông tuyến được thì khúc sông này sẽ kẹt cứng. Chúng tôi cũng đang nghe ngóng tình hình hàng giờ, khi nào có lệnh là đi", ông Danh nói.
Ông Trần Tuấn Anh, phụ trách kinh doanh Công ty CP kinh doanh và sản xuất VLXD Biên Hòa, cho biết đã nhận được lệnh không cho sà lan "ăn" hàng.
Theo ông Tuấn Anh, mỗi ngày công ty xuất bến khoảng 5-6 sà lan (mỗi sà lan chở ít thì 500-600 tấn cát, đá các loại, nhiều thì từ 1.200-1.300 tấn) đi các tỉnh miền Tây. Hiện tại do cầu Ghềnh sập nên công nhân sản xuất tạm nghỉ, lau chùi phương tiện nằm chờ.
Ghe chở đá về miền Tây phải nằm chờ chưa biết khi nào thông tuyến
Theo ông Mai Thành Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hạnh, trên địa bàn xã hiện có gần 20 bến thủy nội địa chuyên kinh doanh cát, đá, VLXD. Sự cố sập Cầu Ghềnh ngày 20.3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của các phương tiện giao thông đường thủy trên sông Đồng Nai. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, địa phương chưa nhận được bất cứ thông báo bằng văn bản nào của cơ quan chức năng để khuyến cáo bà con về việc đi lại trên sông qua địa phận xã. "Chúng tôi nghĩ cũng nhanh thôi, khoảng vài ba ngày nữa là có thể thông tuyến", ông Phương nhận định.
Xuân Đức
Theo Thanhnien
Hàng trăm người trả vé tàu lửa vì cầu Ghềnh sập Hành khách từ Sài Gòn phải đi xe buýt gần 30 km xuống Biên Hòa mới đi tàu được nên hàng trăm người đã đến trả vé, có đoàn tàu chỉ khởi hành với 68 hành khách. Nhân viên ga Sài Gòn làm thủ tục hoàn trả tiền cho khách. Ảnh: Hữu Công Sáng 21/3, trong số hơn 100 người đến ga Sài...