3 người chết trong vụ bắt giữ con tin ở Thổ Nhĩ Kỳ
Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn chết hai thành viên một nhóm cực tả sau khi chúng bắt giữ và sát hại một công tố viên ở Istanbul để đưa ra yêu sách với chính phủ.
Hình ảnh công tố viên Mehmet Selim Kiraz bị chĩa súng vào đầu do nhóm khủng bố đăng (Reuters)
Theo Reuters, đảng Giải phóng nhân dân cách mạng ( DHKP) Thổ Nhĩ Kỳ, một nhóm cực đoan bị nhiều nước xếp vào danh sách tổ chức khủng bố, chiều tối ngày 31-3 cho đăng bức ảnh một công tố viên ở Istanbul bị chĩa súng vào đầu và nói sẽ giết ông nếu yêu cầu của chúng không được đáp ứng.
Sau 6 tiếng đồng hồ đàm phán trong căng thẳng giữa nhà chức trách và những kẻ khủng bố, các nhân chứng cho hay có tiếng súng nổ và khói bốc lên từ tòa án ở trung tâm thành phố Istanbul. Hai xe cứu thương bật còi rời khỏi hiện trường ngay sau đó.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói ông Mehmet Selim Kiraz bị bắn ba phát vào đầu và hai phát vào người. Ông qua đời dù đã được đưa đi cấp cứu.
Video đang HOT
Cảnh sát trưởng Selami Altinok thông báo họ đã liên lạc được với nhóm khủng bố nhưng buộc phải hành động ngay khi nghe tiếng súng nổ bên trong căn phòng nơi ông Kiraz bị giam giữ.
Công tố viên Kiraz đang dẫn đầu cuộc điều tra cái chết của một thiếu niên 15 tuổi tên Berkin Elvan, người đã qua đời sau 9 tháng sống thực vật do một vết thương vào đầu trong lúc tham gia phong trào chống chính phủ.
Trên trang web của mình, DHKP nói chúng muốn viên cảnh sát chịu trách nhiệm về cái chết của Elvan phải tự thú trên truyền hình, những người có liên quan phải bị xét xử “trước tòa án nhân dân”…
Trong cuộc đọ súng với cảnh sát, cả hai kẻ bắt giữ con tin đều bị bắn chết.
DHKP được cho là đứng đằng sau vụ đánh bom tự sát vào sứ quán Mỹ năm 2013. Năm 2001, hai cảnh sát và một khách du lịch người Úc thiệt mạng trong một vụ tấn công do DHKP thực hiện ở trung tâm Istanbul.
Theo Tuổi Trẻ
4 con tin Thái bị bắt giữ suốt 5 năm được phóng thích tại Somali
Liên hợp quốc ngày 27/2 cho biết cướp biển Somali đã trả tự do cho 4 công dân Thái Lan bị bắt giữ trên một tàu đánh cá hồi năm 2010, qua đó chấm dứt vụ bắt giữ con tin được coi là dài nhất trong lịch sử tại nước này.
Bốn con tin Thái Lan (đứng hàng trước, bên trai) chụp ảnh trước khi chuẩn bị lên máy bay trở về nước (Ảnh: AFP)
Trong thông báo, ông Nicholas Kay - Đặc phái viên của LHQ tại Somali cho biết: "Tôi xin thông báo rằng vụ bắt giữ con tin kéo dài nhất tại Somali đã chấm dứt. Tôi xin gửi lời cám ơn tới những người đã tham gia giúp giải quyết vụ việc này".
Hiện chưa rõ liệu có khoản tiền chuộc nào được trả để đổi lại sự tự do cho bốn con tin người Thái Lan hay không.
Cách đây năm năm, thủy thủ đoàn gồm 24 người của tàu FV Prantalay 12 đã bị bắt giữ. Sau đó, 6 người đã thiệt mạng trong thời gian bị giam giữ, còn 14 con tin người Myanmar đã được trả tự do năm 2011.
Hiện cướp biển Somali vẫn đang giam giữ thủy thủ đoàn 26 người của tàu FV Naham 3 mà chúng bắt hồi năm 2012. Đặc phái viên Nicholas Kay đã kêu gọi những kẻ bắt giữ thả ngay con tin mà không đòi điều kiện nào đi kèm.
Cướp biển đã trở thành "ác mộng" với các tàu chở hàng trong hành trình phải đi qua khu vực ở vùng biển ngoài khơi Somali. Những tên cướp biển thường đưa ra yêu cầu tiền chuộc lên tới hàng chục triệu USD để đổi lại tính mạng cho các con tin.
Tuy nhiên, nhờ sự can dự của các lực lượng hải quân quốc tế ở Ấn Độ Dương, nạn cướp biển ở vùng Somali đã giảm đáng kể từ năm 2012.
Ngọc Anh
Tổng hợp
Theo Dantri