3 năm ra trường, cháu vẫn trắng tay
Khi mới vào làm ở công ty, cháu đã nhanh chóng trở thành bồ của anh phó phòng. Cháu thực sự không biết bắt đầu câu chuyện của mình như thế nào để có thể nói hết nỗi tuyệt vọng trong lòng cháu bây giờ? Cháu sẽ lần lượt kể về mọi thứ.
1. Công việc
Cháu tốt nghiệp Đại học năm 2008 với bằng Khá và điểm số khá cao. Cháu cũng xin nói thêm rằng từ bậc tiểu học đến đại học cháu đều học tốt. Khi tốt nghiệp đại học, bản thân cháu và mọi người xung quanh đều tin tưởng rằng cháu sẽ dễ dàng có một công việc tốt. Nhưng mọi thứ không bao giờ diễn ra theo cách mà mình nghĩ. Tốt nghiệp được một thời gian ngắn, cháu cũng đi xin việc ở một vài nơi nhưng không có phản hồi. Đúng lúc ấy một người quen xin cho cháu vào làm việc tại một công ty Nhà nước.
Cháu nhận lời và thực sự cháu cũng như người thân rất kỳ vọng vào chỗ làm ấy. Nhưng làm một thời gian thì cháu vỡ mộng bởi công việc vô cùng nhàn nhã, không phù hợp với chuyên môn cháu học và không có điều kiện phát triển. Cháu lại nộp hồ sơ đi các nơi khác để xin việc. Nhưng để xin được một công việc đúng chuyên môn sao mà khó khăn với cháu thế! Từ lúc cháu bắt đầu nộp hồ sơ đến lúc tìm được một công việc mới là hơn một năm. Trong quãng thời gian ấy, nhiều lúc cháu đã rất bế tắc và tuyệt vọng.
Những tưởng có một công việc mới thì mọi thứ sẽ khác. Nhưng công việc ấy cũng không phù hợp với những gì cháu đã được học, lặp đi lặp lại và cháu thấy nhàm chán. Cháu cũng không học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng, thêm một vài mâu thuẫn với người quản lý, cháu quyết định nghỉ làm để xin chỗ mới và đi học thêm tiếng Anh. Đã nhiều tháng trôi qua, cháu vẫn chưa xin được việc mới, việc học của cháu cũng trì trệ, cháu rất khó ghi nhớ và tập trung.
Cháu cũng đã thử thi công chức nhưng rồi cháu lại trượt. Cháu cũng nhờ mọi mối quan hệ để xem có thể xin được công việc gì đó không, nhưng không có kết quả.
Bạn bè xung quanh cháu đã dần ổn định hết, mỗi người đều có công việc và sự nghiệp riêng của mình.
Gia đình cháu cũng vẫn kỳ vọng vào cháu. Cháu nhìn lại mình, hơn 3 năm ra trường, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng là con số 0 tròn trĩnh. Cháu đang rất hoang mang, bế tắc và tuyệt vọng.
2. Tình cảm
Chuyện tình cảm lại là một khủng hoảng nữa của cháu. Khi vào làm ở công ty đầu tiên, cháu đã trở thành bồ của anh phó phòng. Không phải vì tiền bạc hay thăng tiến gì cả, mà thực sự đó là tình yêu. Anh phó phòng là người hoạt bát, giỏi giang, thành đạt, ân cần và đã có một gia đình hạnh phúc. Cháu mê đắm với cuộc tình ấy, dành tất cả tình cảm, tâm trí cho người ấy, không hề để ý đến bất kỳ người con trai nào khác. Với cháu, người ấy là cả thế giới này, là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần…
Cháu đã cố níu kéo dù đó là tình yêu vô vọng (Ảnh minh họa)
Video đang HOT
Anh đã động viên cháu nhiều mỗi khi cháu thất bại. Đã hai năm trôi qua, hai năm với tình yêu đam mê và luôn phải giấu diếm, hai năm với những lần bên nhau đếm được trên đầu ngón tay, với nhớ nhung, dằn vặt, với bất an và bế tắc khi biết rõ rằng anh ấy không bao giờ có ý định đến với cháu.
Và cháu đang cảm nhận rằng tình cảm của anh ấy dành cho cháu đã phai nhạt đi nhiều lắm rồi. Cháu đã cố níu kéo dù đó là tình yêu vô vọng. Cháu sợ một ngày thế giới của cháu không còn người ấy nữa. Mỗi khi gặp người ấy, dù thời gian rất ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm cháu vui và hạnh phúc. Nhưng sau mỗi lần gặp gỡ trở về cháu chỉ thấy cô đơn, bế tắc và tuyệt vọng mà thôi.
3. Quan hệ xã hội
Cháu có rất ít bạn bè, chỉ có một vài người bạn thân, tuy nhiên chúng cháu cũng rất ít gặp nhau. Cháu là người khó làm quen, khó thích nghi với môi trường mới, ít giao tiếp. Cháu rất muốn cải thiện các mối quan hệ xã hội nhưng hình như cháu có vấn đề trong giao tiếp, cháu rất khó nói chuyện, kể cả với người thân quen. Tóm lại cháu là một ốc đảo cô đơn giữa cuộc đời.
Cháu đã nhiều lần nghĩ đến cái chết, chết là giải thoát mọi thứ, nhưng có lẽ cháu không dám tự tử. Chẳng lẽ cả đời cháu cứ bế tắc tuyệt vọng và cô đơn như thế này? Cho cháu xin một lời an ủi từ bác sỹ để cháu tìm được chút niềm tin mà sống. Cháu thực sự rất cần được tư vấn. Cháu cảm ơn bác sỹ rất nhiều!
Trả lời:
Cháu nêu ra 3 vấn đề và tôi cũng coi đây như là 3 trục chính trong cuộc trao đổi của chúng ta: Công việc, tình cảm và quan hệ xã hội. Tôi có hai mức (hai tầng) góp ý với nhau như sau:
Tầng thứ nhất là trong cuộc sống không nên phân biệt ba vấn đề này độc lập với nhau. Công việc nào cũng có ít nhiều phần lặp đi lặp lại, yêu cầu công việc dưới khả năng thật sự của mình.
Thông thường thì công việc của một người làm công ăn lương mất khoảng 80 – 90% thời gian cho những phần việc hành chính, bàn giấy hay “kỹ thuật”. Phần còn lại là khoảng trông chờ ta có sáng kiến, sáng tạo, biết dùng tâm trí và khả năng chưa khai thác đúng mức để đổi mới, cải tiến và hiện đại hóa công việc đang làm.
Do đó, nếu cháu nghĩ sẽ hài hòa và thỏa mãn 100% giữa công việc thực tế với những gì mình có là một quan điểm lãng mạn, nghệ sỹ. Sở dĩ con người ta “chịu” cảnh lao động là để gặp người khác giống mình, chia sẻ tâm tư, nói những chuyện ngoài đời mà không (rất ít) nói đến công việc. Do đó, có bạn đồng nghiệp là có tình đồng nghiệp. Đây là một ví dụ quan hệ xã hội biết thế nào là “tình”.
Tình là một cảm xúc để nói ra mà thấy có hồi âm, có người hiểu mình như mình hiểu họ. Tình yêu là một đối thoại chứ không phải là một liều thuốc chống cô đơn, hoặc trông nơi bạn để tìm cách sống cho mình, có ý kiến giùm mình. Nói cách khác, yêu nhau là để đi tới tiến bộ chứ không phải là một duyên cớ để sống mà khi không có/ hết thì muốn chết cho xong. Sống để yêu chứ không phải yêu để sống! Tình yêu không phải là để giải quyết những khó khăn không có bạn ở một hoàn cảnh/ tình cảnh xã hội nào đó. Thương yêu không phải là thương hại!
Tầng thứ hai là tìm nguyên nhân tâm lý tổng hợp của ba vấn đề này. Tránh nghĩ rằng khổ và bị gò bó trong công việc thì sẽ sướng trong những lúc tự do với bạn theo luật đền bù chịu đựng. Dĩ nhiên là có như vậy thật, nhưng tâm lý chung của những cảm xúc “đau đớn” trong công việc, trong tình cảm và trong cả mối quan hệ xã hội là tâm lý “Sợ”. Tâm lý “sợ” có hai vế mà nói ra thì người ta thường nghĩ: Tôi không có lúc nào như vậy đâu!
Vế thứ nhất là “sợ thành công” nên “thất bại thành công” hay “thành công cái thất bại của mình”, thì ít nhất cũng là thành công. Tôi đặt lý tưởng quá cao vì tôi không đủ tự tin nên tôi lấy lý tưởng đó là một công trình mà không bao giờ hoàn thành vì… tôi không đủ tự tin để thấy thực tế. Ví dụ tôi muốn người đẹp nhất trường yêu tôi, mà người ấy không hề để ý đến tôi. Tôi nghĩ là tôi có đủ tài năng để người đẹp để ý nhưng thật sự, tôi tự tạo điều kiện thất bại vì tôi không chấp nhận tôi là người bình thường.
Vế thứ hai là sợ bị đánh giá sai hoặc theo chủ quan của người khác mà mình không thể nào cải chính được. Cái sợ này đưa đến việc mất tự tin của vế trước. Nói cách khác, mình cho giá trị bên ngoài cao hơn giá trị đánh giá của mình. Do đó luôn luôn sống với cái sợ là người ta chê mình, không thương mình mà từ đó nghĩ rằng mình không có giá trị nào hết, không hấp dẫn với người khác, không có gì đặc biệt để nói, để làm, để người khác để ý đến mình. Cái sợ này thường xuất phát từ một cách giáo dục là cái gì cũng phải đề phòng, không nên “ra mặt”…
Điều đầu tiên tôi khuyên cháu là hãy bớt sợ, liệt kê hết những tính tốt của mình ra giấy, không nên nhìn tính tốt của mình từ ống kính lý tưởng mà thấy sao mình nhiều thiếu sót quá… Tôi tin là cháu sẽ vượt qua thời điểm khó khăn này vì đời rất đẹp khi ta biết nhìn thật nó.
Theo VNE
Ít có người chồng nào dại như tôi
Giờ tôi mới thấm thía kinh nghiệm của mấy ông anh đi trước: Tiền vào tay vợ là một đi không trở lại.
"Anh xài gì mà xài dữ vậy? Phải biết tiết kiệm chớ? Xài kiểu đó rồi mai mốt có chuyện gì thì cạp đất mà ăn". Vợ tôi giẫy lên như đĩa phải vôi khi tôi bảo đưa một ít tiền để tôi sắm sửa Tết, chuẩn bị quà biếu cho họ hàng ở quê.
Với cái kiểu trả lời như vậy, chắc chắn tôi xin 10 ngàn thì chỉ được 5 ngàn, xin 10 triệu thì chỉ được 5 triệu. Chính vì biết tính vợ như vậy nên tôi mới nói dư ra rồi trả giá dần dần...
Có lẽ trên đời này, ít có thằng đàn ông nào ngu như tôi. Ngày công ty phát cái thẻ ATM và bắt đầu trả lương qua tài khoản, tôi hí hửng khoe vợ: "Em sướng rồi nghen. Anh đăng ký dịch vụ SMS qua số điện thoại của em, từ giờ trở đi lương bổng của anh có bao nhiêu, tiền ra, tiền vô thế nào em biết hết".Phương Chi, vợ tôi cười tít mắt: "Nhưng nếu chỉ biết thì đâu có sướng? Anh phải đưa thẻ cho em giữ thì mới quản lý được. Đưa cho em đi, lúc nào anh cần tiền thì em sẽ đưa thẻ cho anh đi rút".
Vợ tôi nói ngon, nói ngọt, cuối cùng tôi nghĩ, thôi thì của chồng, công vợ. Phương Chi kỹ tính, biết dè sẻn chi tiêu, chắc chắn tiền bạc không thất thoát đi đâu mà lo. Vầy cuối cùng tôi cũng đưa thẻ cho vợ. Ngày đó cách nay đã gần 10 năm. Khi ấy việc trả lương qua thẻ còn hiếm hoi nên được cầm cái thẻ rút tiền trong tay, vợ tôi hãnh diện lắm; luôn làm ra vẻ văn minh, hiện đại lắm. Tôi nhìn thấy vẻ vui sướng của vợ thì cũng vui lây, bụng bảo dạ, thôi thì làm được cho người mình yêu thương hạnh phúc thì chính mình cũng hạnh phúc vậy.
Thế nhưng,chỉ ít lâu sau đó rắc rối bắt đầu nảy sinh. Trước đây, tiền lương tôi đưa cho vợ 2/3, còn giữ lại 1/3 để ăn sáng, cà phê với bạn bè và tiêu xài lặt vặt nhưng khi hữu sự. Thỉnh thoảng có dư một ít, tôi gởi về cho bà già ngoài quê hay cho mấy đứa cháu vô Sài Gòn học hành. Tôi chỉ xoay sở trong "hạn mức" của mình, không bao giờ lấy thêm của vợ.
Còn bây giờ, vợ thích ra cây ATM rút tiền nên cứ đưa cho tôi mỗi lần một ít, xài năm ba bữa hết lại phải xin. Mà tôi nhẩm tính, từ khi có cái thẻ, chưa bao giờ tôi được nhận đủ 1/3 hạn mức của mình. Chưa kể, mỗi lần xin tiền thì lại nhận được câu nói mát mẻ của vợ: "Ủa, hết rồi hả? Em nhớ mới đưa cho anh mà. Nhớ tiết kiệm đó nha, mình còn phải dành dụm để nuôi con...".
Trời ơi, tôi là thằng đàn ông tiết kiệm nhất trên đời này rồi. Chuyện gì đáng xài tôi mới xài chứ không đáng, 1 đồng tôi cũng không hoang phí. Thế nhưng là đàn ông mà trong túi không có tiền, tôi cảm thấy mình rất mất giá trị. Muốn làm gì cũng không còn tự chủ. Tôi bắt đầu suy nghĩ rồi ân hận về chuyện đã giao ví tiền cho vợ. Giờ tôi mới thấm thía kinh nghiệm của mấy ông anh đi trước: Tiền vào tay vợ là một đi không trở lại. Tôi có cảm giác mỗi lần ngửa tay xin tiền vợ là tình cảm vợ chồng lại sứt mẻ một chút vì chẳng bao giờ Phương Chi vui vẻ đưa tiền cho tôi.
"Thôi, em đưa trả cái thẻ cho anh rồi mỗi lần tới kỳ lương, anh lại rút ra đưa cho em như trước"- có lần bức bối quá, tôi nói với vợ như vậy. Đó là lần mẹ tôi bệnh, anh hai gọi điện thoại cầu cứu, tôi bảo Phương Chi đưa tiền thì nàng nói rằng tiền đã gởi tiết kiệm có kỳ hạn, không rút ra được. "Anh coi mượn đỡ ai đó rồi mai mốt trả lại, nhưng nhớ là đưa cho anh hai 2 triệu thôi nha, không có nhiều đâu"- nàng căn dặn.
Chỉ vì cái thẻ ATM mà vợ chồng tôi ra nông nổi này... (Ảnh minh họa)
Tôi bực mình vô công ty vay quỹ tương trợ nội bộ 10 triệu gởi về cho mẹ. Biết được, vợ tôi tru tréo: "Vậy thì tháng tới lấy gì mà ăn? Anh thì chỉ giỏi bao đồng; mẹ là mẹ chung, mấy anh, mấy chị đâu mà bắt anh phải lo? Mẹ ở với anh hai, đất vườn anh hai hưởng thì phải nuôi mẹ chớ?". Tôi không muốn đôi co nên bảo: "Nói nhiều quá!".
Những chuyện nhỏ nhặt như vậy làm cho cuộc sống của chúng tôi ngày càng kém vui vẻ. Tôi là người biết nghĩ, biết lo cho gia đình chứ đâu phải kẻ ăn chơi hoang phí mà vợ tôi lại quản lý theo kiểu phát xít như vậy? Chung quy mọi chuyện cũng tại cái thẻ ATM mà ra. Khổ nỗi, công ty tôi giờ không cho phép trả lương bằng tiền mặt nên chắc cả đời này, tôi bị cái thẻ mỏng manh ấy cột chặt và chi phối.
Gần 10 năm qua rồi nhưng không có cái Tết nào đối với tôi vui vẻ, trọn vẹn. Không phải chỉ chuyện không có tiền bạc rủng rỉnh trong túi mà là vì bắt đầu từ khi công ty trả lương, thưởng vô thẻ thì vợ chồng cũng bắt đầu cuộc chiến "bên anh, bên tôi; bên vợ, bên chồng". Vợ tôi mua sắm cái gì, biếu tặng ai ra sao tôi đều không được biết. Thế nhưng tôi muốn làm gì với đồng tiền của mình cũng phải báo cáo, giải trình và luôn luôn không được phê duyệt dự toán.
Tết năm nay cũng không là ngoại lệ. Tôi còn ông bà nội năm nay đã ngoài chín mươi nên muốn mua tặng ông bà nội mỗi người một bộ đồ mới và biếu ông bà ít tiền để ông bà lì xì lại cho con cháu. Mẹ tôi thì Tết nào tôi cũng gởi về vài triệu để mẹ phụ anh chị hai lo đồ cúng kiếng mấy ngày Tết. Năm nay công ty tôi có sếp mới, tôi cũng muốn có một món quà tặng sếp để ra mắt... Nói chung là những khoản chi năm nay có nhiều hơn năm ngoái một chút nhưng đều là chính đáng.
Thế nhưng vợ tôi lại không duyệt. Tôi bực quá bảo: "Bây giờ em còn bao nhiêu tiền trong sổ tiết kiệm, đưa đây cho anh coi". Nhưng vợ tôi nhất quyết không đưa và còn lu loa rằng tôi làm như vậy là bỉ mặt vợ, là không tin tưởng, là hằm bà lằng đủ thứ...
"Không đưa hả? Vậy thì cứ ôm tiền đó mà ăn Tết một mình đi. Tôi đi về quê đây". Nói rồi tôi đùng đùng xếp quần áo, gọi nhà xe mua vé. Đến lúc này, vợ tôi mới mếu máo: "Tại em không có tiền chớ không phải có mà không đưa cho anh. Hôm qua em rút trả nợ hết rồi... nhưng vẫn chưa đủ...". Tôi chưng hửng: "Nợ ai? Nợ gì?".
Trời ơi, vợ tôi đánh số đề, bao nhiêu tiền bạc nướng hết vô đó. Vậy mà bao nhiêu lâu nay tôi cứ đinh ninh mình nàng là một tay hòm, chìa khóa tin cậy. Những điều vợ tôi nói khiến tôi chết đứng như trời trồng. Hóa ra bao nhiêu năm nay, tôi giao trứng cho ác.
Tết đã cận kề một bên vậy mà tôi không có một đồng xu dính túi. Đi làm thì thôi chứ về đến nhà, thấy mặt vợ là bao nhiêu ấm ức bị dồn nén lại bung ra. Tôi chỉ muốn đập cho vợ một trận nhưng giờ đây ngay cả chuyện ấy tôi cũng không có hứng thú để làm. Tôi đã nói với Phương Chi: "Ăn Tết xong, anh sẽ ly dị em".
Tôi nói thật lòng mình chứ không phải dọa dẫm gì nàng. Chỉ vì cái thẻ ATM mà vợ chồng tôi ra nông nỗi này...
Theo VNE
Cho con gái yêu Nhớ hồi đầu năm học, con gái thỏ thẻ với mẹ: "Mẹ ơi, ước gì ngày nào con cũng được ba mẹ đưa đi học như các bạn của con". Ôi, con gái của mẹ, điều tưởng như đơn giản ấy lại trở thành mong ước của con. Ngẫm lại, suốt những năm con đi học mẫu giáo và lớp 1, công việc...