3 máy bay quân sự Mỹ bị tấn công ở Nam Sudan
Máy bay Mỹ tới quốc gia châu Phi Nam Sudan trợ giúp hoạt động sơ tán vào ngày 21/12 đã bị tấn công, làm 4 quân nhân Mỹ bị thương. Trong khi đó giao chiến tại nước này vẫn tiếp tục leo thang.
Quân đội Mỹ trợ giúp sơ tán công dân nước ngoài ở Nam Sudan.
3 máy bay quân sự Mỹ Osprey đã bị tấn công khi đang hướng tới Bor, thành phố do phe nổi dậy chiếm giữ ở bang Jonglei. “Những máy bay bị hư hại đã chuyển hướng tới Entebbe, Uganda. Tại đây những người bị thương được chuyển lên một chiếc C-17 của không quân Mỹ và bay tới Nairobi,Kenya để điều trị”, tuyên bố của Lầu Năm Góc cho hay.
“Tất cả 4 quân nhân đã được chữa trị và hiện trong tình trạng ổn định.”
Các máy bay Boeing V-22 Osprey bị tấn công là máy bay hybrid, với động cơ cánh quạt lớn gắn trên cánh có thể nghiêng, cho phép máy bay cất cánh thẳng đứng như trực thăng, nhưng máy bay hoàn toàn giống máy bay tham chiến bình thường.
Giới chức Mỹ cho hay, Mỹ triển khai 3 máy bay trên là nhằm trợ giúp sơ tán các công dân nước ngoài khỏi Nam Sudan.
Hôm thứ tư vừa qua, Mỹ đã triển khai 45 binh sỹ tới Nam Sudan để bảo vệ sứ quán và các nhân viên người Mỹ.
Kenya và Uganda cũng phái quân tới để giúp sơ tán công dân bị mắc kẹt ở Nam Sudan.
Trong khi đó, chính phủ Nam Sudan cho biết một chỉ huy quân sự cấp cao ở khu vực sản xuất dầu lửa chủ chốt của nước này đã đào tẩu sang phe nổi dậy, phe chống Tổng thống Salva Kiir. Quân số của lực lượng này ngày càng gia tăng.
Thủ đô bị quân nổi dậy chiếm, xung đột leo thang
Nhiều người thiệt mạng sau một tuần giao tranh ở Nam Sudan.
Đất nước Nam Sudan non trẻ, mới giành được độc lập vào năm 2011, hiện đang phải trải qua cuộc nổi dậy, bất chấp Tổng thống đề nghị đàm phán với cựu Phó tổng thống Riek Machar, người mà ông Kiir cáo buộc đã “khơi chiến” vào tuần trước, khi tiến hành một cuộc đảo chính.
Ông Machar phủ nhận cáo buộc âm mưu đảo chính và cáo buộc lại ông Kiir tiến hành một cuộc thanh trừng bạo lực suốt một tuần qua. Những người trung thành với ông Machar hiện đang chiến đấu với chính phủ trung ương trên nhiều mặt trận.
Ít nhất 500 người đã thiệt mạng ở riêng thủ đô Juba trong 6 ngày giao chiến. Hàng chục ngàn người bị mất nhà cửa, nhiều người phải tị nạn ở các căn cứ của Liên hợp quốc. Nhiều người cảnh báo quốc gia nghèo này đang ở trên bờ vực một cuộc nội chiến.
Hai nhân viên gìn giữ hòa bình Ấn Độ đã bị giết vào ngày thứ năm khi những người tấn công xông vào một căn cứ Liên hợp quốc ở bang Jonglei. Có lo ngại 36 dân thường trú ở căn cứ cũng bị giết.
Video đang HOT
Chiến sự đã lan rộng tới Bor, nằm cách bắc Juba khoảng 200km. Juba đã bị quân nổi dậy chiếm trong tuần qua. Người phát ngôn quân đội Nam Sudan cho hay họ đang tiến hành hoạt động tái chiếm thành phố thủ đô.
Một trung tướng quân đội ở bang sản xuất dầu lửa chủ chốt của nước này, bang Unity, đã đào tẩu sang hàng ngũ của ông Machar. Ông Machar tuyên bố cũng đã chiếm được bang này.
Sản xuất dầu mỏ chiếm hơn 95% nền kinh tế Nam Sudan.
Mặc dù xung đột hiện nay có vẻ như xuất phát từ chia rẽ chính trị, nhưng giao tranh lại diễn ra giữa những người dân tộc của Tổng thống Kiir, người Dinka, và cựu Phó Tổng thống Machar, người Nuer.
Nam Sudan giành được độc lập từ Sudan trong tiến trình hòa bình 2 năm sau cuộc nội chiến kéo dài 2 thập niên, làm 2 triệu người chết. Nhưng xung đột giữa hai tộc người trên chưa bao giờ có thể hàn gắn.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry hôm thứ sáu vừa qua cho biết sẽ cử đặc phái viên phụ trách Sudan và Nam Sudan tới khu vực để thúc đẩy đàm phán giữa các phe phái. Các bộ trưởng châu Phi cũng gia tăng áp lực đối với ông Kiir để đàm phán với ông Machar.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hôm thứ sáu vừa qua kêu gọi chấm dứt đối đầu và kêu gọi lãnh đạo các đảng phái giải quyết khác biệt qua đàm phán.
Theo Dantri
6 chiến dịch đột nhập biệt kích nổi tiếng trên thế giới
Liên tiếp trong 2 ngày 4 và 5-10 vừa qua, lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của Hải quân Mỹ (SEAL) đã tiến hành liên tiếp 2 vụ đột kích vào 2 quốc gia châu Phi là Somalia và Libya để bắt giữ những phần tử nghi can khủng bố. Đây không phải là lần đầu họ tiến hành những phi vụ đột nhập kiểu này và trên thế giới cũng xuất hiện rất nhiều những chiến dịch tương tự.
Trên thế giới có rất nhiều chiến dịch đặc biệt đã được tiến hành
1. Chiến dịch Chariot (28/3/1942)
Chiến dịch Chariot được tổ chức với mục đích phá hủy một ụ tàu nổi của phát xít Đức ở St Nazaire, Pháp (thời bị Đức tạm chiếm). Các sử gia đã gọi nó là "Cuộc tập kích vĩ đại nhất". Quân Anh đã xếp chất nổ lên tàu khu trục HMS Campbletown, đồng thời phái đi 18 tàu khác (2 tàu khu trục, 16 tàu hộ tống cỡ nhỏ) để hộ tống tàu Campbletown và đưa những người trên tàu này trở về.
Tàu Campbletown được cài thuốc nổ cháy chậm để binh lính Anh sau khi lao tàu vào trong ụ tàu kịp tẩu thoát sang các tàu khác. Thời gian quá ngắn nên quân Đức không thể biết nó chất đầy thuốc nổ, cho đến khi Campbletown nổ tung tại cầu cảng. Vụ nổ làm cho ụ tàu nổi này không thể hoạt động trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến, buộc các tàu chiến phát xít phải quay về Đức để sửa chữa.
Tuy nhiên, do cuộc đột kích không được yểm trợ bằng không quân nên quân Đức thoải mái bắn vào đội tàu Anh bằng toàn bộ lực lượng pháo binh vây quanh St. Nazaire. Chỉ có 3 tàu sống sót trở về Anh; tổ tấn công sống sót đã phải trốn chạy bằng đường bộ qua nước Pháp. Trong số 622 lính tham gia chiến dịch, cuối cùng chỉ có 228 người trở về nhà.
Tàu khu trục HMS Campbletown đã phá hỏng ụ tàu nổi của phát xít Đức ở St Nazaire, Pháp
2. Chiến dịch Eiche (12/9/1943)
Chiến dịch Eiche được Adolph Hitler ra lệnh tiến hành với nhiệm vụ hết sức đặc biệt là giải cứu tên độc tài Italia Benito Mussolini - một đồng minh thân cận của nước Đức phát xít, bị đại hội đồng phát xít của chính phủ Italia hạ lệnh thay thế và bắt giữ ngày 25/7/1943. Nhiệm vụ được giao cho phân đội lính dù Đức do đại úy SS khét tiếng Otto Skorzeny chỉ huy, sử dụng tàu lượn đổ bộ vào nơi giam giữ Mussolini là khách sạn Campo Imperatore trên đỉnh núi Gran Sasso.
12 tàu lượn do máy bay kéo đã được thả xuống không phận Gran Sasso, sau 4 phút quân SS đột kích khách sạn, chiến dịch thành công rực rỡ mà không cần bắn một phát đạn nào, không gặp một tổn thất nào (chỉ duy nhất một binh sĩ bị thương vì tai nạn tàu lượn). Mussolini sau đó trở lại nắm quyền tại khu vực Đức tạm chiếm ở Italia nhưng cuối cuộc chiến, ông ta lại mất quyền lực và bị treo cổ ngày 28/4/1945.
Sử gia chuyên nghiên cứu về đặc nhiệm Mỹ và đặc biệt là đặc nhiệm hải quân (SEAL) William McRaven viết rằng, cuộc giải cứu Mussolini thành công vì nó hội tụ đầy đủ cả ba yếu tố là "thời gian, nghi binh và khai thác những điểm yếu trong phòng thủ".
Toán biệt kích của SS đã giải cứu thành công Mussolini
3. Cuộc tập kích ở Cabanatuan (30/1/1945)
Chiến dịch này đã hoàn thành nhiệm vụ là giải cứu hơn 500 tù binh Mỹ khỏi trại tù binh gần thành phố Cabanatuan ở Philippines mà tổn thất lực lượng rất ít. Công tác lập kế hoạch chiến dịch được thực hiện rất thận trọng và chu đáo. Lực lượng Mỹ đã kiếm được các bức ảnh chụp trại tù binh và tiến hành quan sát trại giam. Trong 5 giờ đồng hồ, họ đã vẽ được sơ đồ trại giam để chuẩn bị phương án tối ưu trước khi tấn công.
Sau trận đánh Bataan năm 1942, quân đội Nhật đã tiến hành cuộc cưỡng bức di chuyển tù binh chết chóc kéo dài 3 tháng ở Philippines đối với 76.000 tù binh Mỹ và Philippines làm chết hàng ngàn người, một số tù binh Mỹ sống sót đã bị giam giữ tại trại tù ở gần thành phố Cabanatuan. Lo ngại các tù binh sẽ bị hành quyết hết giống như ở các trại tù binh khác của Nhật, các nhà lãnh đạo Mỹ đã chấp thuận tiến hành chiến dịch giải cứu.
Đại úy Kenneth Schrieber đã thực hiện một hành động nghi binh độc đáo bằng cách lái một máy bay tiêm kích đánh chặn P-61 Black Widow bay qua trên trại tù binh, tắt rồi lại khởi động động cơ liên tục tạo ra những tiếng nổ lớn khiến người ta tưởng là chiếc máy bay đang bay thấp của anh bị hỏng và sắp rơi đến nơi.
Lực lượng tham gia chiến dịch giải cứu tù binh Cabanatuan
Thủ đoạn đánh lạc hướng này đã thu hút sự chú ý của lính gác Nhật Bản để đội biệt kích bao gồm 133 lính Mỹ cùng khoảng 250 người Philippines tấn công trại tù binh. Trong cuộc tập kích, chỉ có 4 người Mỹ gồm 2 tù binh và 2 lính thuộc lực lượng giải cứu bị thiệt mạng.
4. Chiến dịch Kingpin (21/11/1970)
Đây là chiến dịch mạo hiểm nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chiến dịch Kingpin (Bờ biển Ngà) được tiến hành nhằm giải cứu 61 tù binh là phi công Mỹ bị giam ở tỉnh Sơn Tây ở miền Bắc Việt Nam. Chiến dịch được cho là đã thành công về chiến thuật khi Mỹ đã đổ bộ và rút lui thành công bằng đường không, song nó đã thất bại về mục đích khi không thể giải cứu được tù binh nào.
Tổng thống Mỹ Nixon đã phê chuẩn chiến dịch và lựa chọn một lực lượng gồm 103 lính đặc nhiệm. Lực lượng tham gia chiến dịch Kingpin đã diễn tập xâm nhập đường không và đột kích mặt đất trong nhiều tháng tại một mô hình trại giam Sơn Tây được xây dựng tại căn cứ không quân Eglin ở Florida. Nhờ được huấn luyện kỹ càng, đội giải cứu tiến vào và rút ra khỏi trại giam mà chỉ có 1 người bị thương nhưng không đạt mục tiêu đề ra của chiến dịch.
Mô hình trại giam phi công ở Sơn Tây
5. Chiến dịch Entebbe (4/7/1976)
Dưới sự chỉ huy của Trung tá Yonatan Netanyahu (anh trai của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu), một chiến dịch giải cứu hơn 100 con tin còn lại là hành khách chuyến bay Air France Flight 139, bị giam giữ tại nhà ga sân bay Entebbe. Kết quả là 103 con tin được giải cứu an toàn, chỉ có 3 con tin và chỉ huy đặc nhiệm Israel giải cứu bị thiệt mạng trong vụ giải cứu con tin này.
Ngày 27/6/1976, một chuyến bay của hãng Air France bị không tặc trên đường bay từ Tel Aviv đến Paris. Bọn khủng bố bắt các phi công hạ cánh xuống sân bay Entebbe - Uganda và thả toàn bộ các hành khách không phải là người Do Thái sau khi hạ cánh. Điều đáng lo ngại là Tổng thống Uganda Amin lại ưu ái và hậu thuẫn đối với lực lượng du kích thuộc tổ chức PFLP - thủ phạm gây ra vụ khủng bố này.
Không nhân nhượng, Israel đã quyết định sử dụng lực lượng đặc nhiệm bí mật di chuyển bằng 4 chiếc máy bay vận tải C-130 từ Israel đến Uganda dưới sự giúp đỡ của Kenya để giải cứu con tin, kể cả có phải đánh lại quân đội chính phủ Uganda. Kết quả, biệt kích Israel đã tiêu diệt được toàn bộ 4 tên khủng bố, nhưng chỉ huy lực lượng giải cứu Netanyahu và 3 con tin đã bị bắn chết trong khi đấu súng với binh lính Uganda.
Chiếc xe Mercedes đã từng chở đặc nhiệm Israel tham gia chiến dịch Entebbe
6. Vụ giải cứu con tin tàu Maersk Alabama (12/4/2009)
Ngày 8/4/2009, 4 tên cướp biển Somalia xông lên tàu chở container Maersk Alabama của Mỹ. Cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài 4 ngày bắt đầu giữa bọn hải tặc và tàu khu trục USS Bainbridge của Hải quân Mỹ được cử đến để giải cứu 20 thành viên thủy thủ đoàn tàu Maersk Alabama.
Luống cuống và lo sợ vì bị truy đuổi cộng với vấp sự phản kháng của thủy thủ đoàn tàu Alabama vốn được huấn luyện và chuẩn bị tốt cho tình huống bị hải tặc tấn công, bọn cướp biển tìm cách chuồn về Somalia trên chiếc xuồng cứu sinh cùng với con tin là thuyền trưởng tàu Alabama Richard Phillips.
Đặc nhiệm hải quân (SEAL) của Mỹ truy kích chiếc xuồng bỏ trốn với mệnh lệnh nổ súng nếu tính mạng của Phillips bị đe dọa. Đội biệt kích đã nổ súng bắn chết 3 tên cướp biển, tên thứ tư bị bắt và đưa về Mỹ để xét xử. Toàn bộ các thành viên thủy thủ đoàn được giải thoát, chiến dịch kết thúc một cách hoàn hảo.
Vụ giải cứu con tin tàu Maersk Alabama đã thành công mỹ mãn
Nguyễn Ngọc
Tổng hợp
Theo ANTD
Hậu Haiyan, khi cứu trợ trở thành công cụ chính sách của Mỹ Hậu thảm họa bão Haiyan cho thấy nhiều người Philippines sẽ có cách nhìn nhận khác đi về hiện diện quân sự của Mỹ ở nước này. Nỗ lực cứu trợ hậu thảm họa của Mỹ dành cho Philippines cũng là nhân tố giúp thúc đẩy hiệp định quân sự song phương vốn được hai bên khởi động thời gian qua. Tại sao...