3 kịch bản lựa chọn cho Mỹ về Ukraine
Việc duy trì nguyên trạng không phải là giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng giữa Mỹ với Nga về Ukraine, vậy các lựa chọn khác của Washington sẽ là gì?
Scott Ritter, cựu sĩ quan tình báo của Thủy quân lục chiến Mỹ bình luận với kênh RT (Nga) ngày 11/2 rằng, khi châu Âu đang đứng trước bờ vực chiến tranh vì Ukraine, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhận thấy mình bị “mắc kẹt vào một cơn ác mộng chính sách mà không có giải pháp sẵn sàng”.
Binh sĩ Mỹ đến Đông Âu khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang. Ảnh: AFP
Chỉ hơn một tuần trước, Chính quyền Mỹ phải đối mặt với một vấn đề an ninh quốc gia trong khu vực – cuộc khủng hoảng với Nga về Ukraine – nơi tình huống xấu nhất có thể là một cuộc tấn công và Mỹ sẽ dẫn đầu một liên minh toàn cầu sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva. Hậu quả của một hành động như vậy là tổn thất kinh tế đối với châu Âu và Mỹ, cũng những rạn nứt có thể xảy ra đối với sự thống nhất EU/ NATO.
Hiện nay, Mỹ đang đối mặt với một thách thức hoàn toàn khác. Nga và Trung Quốc đã đoàn kết trong một mối quan hệ mới, thúc đẩy một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” mới, thách thức “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” của phương Tây. Sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân mà “không có người chiến thắng”, nếu Ukraine gia nhập NATO.
Cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng trở nên nghiêm trọng, và do đó Chính quyền Biden giờ đây phải bắt đầu cân nhắc các lựa chọn nghiêm túc để đối phó với cuộc khủng hoảng này.
Lựa chọn một: Chiến tranh
Nói một cách đơn giản, chiến tranh không phải là một phương án mà Washington sẵn sàng lựa chọn. Đầu tiên và quan trọng nhất, ngay cả khi Mỹ coi Ukraine là một thành viên NATO, Liên minh này cũng sẽ không thể nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên tiến hành chiến tranh, điều này tương đương với hành động tự sát tập thể.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang ra trong vài tuần qua, với việc Nga triển khai hàng chục nghìn binh sĩ tới Belarus (Moskva cho biết binh sĩ sẽ rời khỏi Belarus sau khi kết thúc các cuộc tập trận chung Giải pháp Liên minh 2022 sau đó trong tháng này), và việc Mỹ và NATO triển khai hàng nghìn binh sĩ ở Đông Âu, nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ nhỏ là rất cao, có thể bùng phát một cuộc xung đột lớn hơn.
Với Ukraine, nơi Ba Lan và Anh, cả hai là thành viên NATO, đã nói về một thỏa thuận an ninh ba bên với Kiev bên ngoài khuôn khổ của Liên minh trên. Việc một số nước phương Tây đổ hàng trăm triệu USD cùng các chuyên gia huấn luyện quân sự được gửi đến Ukraine đang khiến Kiev có cảm giác an toàn sai lầm. Nếu Ukraine tin rằng họ có sự hậu thuẫn trực tiếp của Ba Lan và Anh, và sự hỗ trợ gián tiếp từ phần còn lại của NATO và châu Âu, thì không thể loại trừ hoàn toàn rằng Kiev có thể bắt đầu một chiến dịch quân sự nhằm và khu vực Donbass. Điều này có thể dẫn đến một kịch bản tương tự như cuộc chiến Gruzia năm 2008.
Lựa chọn thứ hai: Thỏa hiệp
Nga đã đưa ra các yêu cầu của mình liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện tại khá rõ ràng, thể hiện chúng trong dự thảo hiệp ước được gửi cho Mỹ và NATO. Nói tóm lại, Nga không chỉ yêu cầu chấm dứt mở rộng NATO mà còn yêu cầu rút các lượng lượng NATO đã triển khai về mức trước năm 1997. Đến nay, Mỹ và NATO đã bác bỏ các yêu cầu của Nga, gây ra thế đối đầu hiện nay.
Video đang HOT
Mỹ cam kết hỗ trợ cho Ukraine khi lo ngại về sự tăng cường binh lực của Nga ở biên giới. Ảnh: AP
Cả Mỹ và NATO đều không thể từ bỏ quan điểm của mình về “chính sách mở cửa” của Liên minh quân sự liên quan đến tư cách thành viên là không thể thương lượng. Tuy nhiên, chuyến thăm gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Moskva cho thấy, NATO vẫn muốn tìm kiếm một giải pháp vừa giữ được chính sách mở cửa trong khi loại trừ việc xem xét tư cách thành viên Ukraine. Ông Macron đã ám chỉ đến khả năng “Phần Lan hóa” Ukraine, theo đó Ukraine sẽ áp dụng chính sách trung lập như Phần Lan.
Tuy nhiên, Ukraine vẫn chưa đồng ý về một thỏa thuận như vậy (điều có thể dẫn đến việc kết thúc sự nghiệp chính trị của Tổng thống Ukraine Zelensky) và thực tế là Ukraine không thể quyết định về vấn đề này. Nếu Mỹ và châu Âu muốn tránh nguy cơ của một cuộc xung đột quân sự tốn kém (và có thể gây thương vong) với Nga, thì khả năng Ukraine trở thành thành viên của NATO phải được loại trừ vĩnh viễn.
Lựa chọn 3: Duy trì Nguyên trạng
“Không làm gì đôi khi được coi là lựa chọn hợp lý nhất, và do đó hấp dẫn nhất”. Từ quan điểm của Chính quyền Biden, điều này đã đẩy Nga vào một tình huống khó khăn: Tổng thống Nga Vladimir Putin, chứ không phải Tổng thống Mỹ Joe Biden, có trách nhiệm phải tìm kiếm sự thỏa hiệp. Tình huống này có nghĩa là Nga đang ở thế phòng thủ.
Tuy nhiên, giữ nguyên hiện trạng đang không có lợi cho chính quyền Biden. Thay vì bị phong tỏa, Nga dường như có nhiều không gian để hành động, như đã được chỉ ra qua chuyến thăm của ông Macron tới Moskva. Định dạng Normandy vẫn đang hoạt động và mối quan hệ ngày càng phát triển của Nga với Trung Quốc đang hạn chế các tính toán về khả năng bị tổn thương của Nga trước các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu.
Trong bối cảnh Mỹ sắp diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng, việc duy trì hiện trạng cho phép ông Biden thể hiện sự mạnh mẽ khi đối mặt với sự quyết đoán của Nga và sử dụng sức mạnh này để khôi phục lại NATO vốn đang hoài nghi về vấn đề rút quân khỏi Afghanistan. Theo quan điểm của Nhà Trắng, duy trì hiện trạng cho phép biến Nga ngày càng trở nên thù địch hơn trong mắt người dân Mỹ. Ông Biden có thể lợi dụng vấn đề này trước khi bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng.
Tuy nhiên, thực tế địa chính trị luôn thay đổi. Ông Biden càng tìm cách “đóng băng” cuộc khủng hoảng với Nga ở mức có thể kiểm soát được, thì Ukraine sẽ càng muốn gây chiến với Nga. Tương tự như vậy, với việc Trung Quốc ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine, bất kỳ nỗ lực nào nhằm khôi phục “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” của phương Tây sẽ khiến cho chính sách đối phó của Nga và Trung Quốc càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Từ quan điểm này, duy trì hiện trạng có lẽ không phải là một giải pháp khả thi, vì nó chắc chắn sẽ đẩy Mỹ quay trở lại với chiến tranh hoặc thất bại địa chính trị. Thật không may, đó là lựa chọ có khả năng xảy ra nhất, dựa trên thực tế chính trị trong nước Mỹ mà ông Biden đang đối mặt. Để một lựa chọn thực dụng hơn, ví như cam kết về sự trung lập của Ukraine, có thể khả thi, nó sẽ đòi hỏi sự quyết tâm lớn của cả châu Âu và Nga.
Cuộc tập trận rầm rộ của Nga khiến phương Tây lo ngại
Phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị cho cuộc xung đột với Ukraine khi tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày với Belarus.
Ảnh vệ tinh cho thấy binh sĩ và các đơn vị hậu cần gần Yelsk, Belarus, sát biên giới Ukraine (Ảnh: AP).
Nga và Belarus đã tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ hôm nay 10/2. Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov đã đến Belarus hôm 9/2 để giám sát cuộc tập trận.
Nga đã điều tới 30.000 quân, 2 tiểu đoàn tên lửa đất đối không S-400 và nhiều máy bay chiến đấu đến Belarus để tham gia cuộc tập trận chung với quân đội nước này. Hình ảnh vệ tinh cho thấy phần lớn khí tài quân sự đã được chuyển đến các địa điểm gần biên giới với Ukraine.
Cuộc tập trận không chỉ diễn ra ở khu vực gần biên giới Ukraine, mà còn gần biên giới Ba Lan và Lithuania, 2 nước thành viên của NATO. Trước cuộc tập trận, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga và Belarus đang phải đối mặt với những mối đe dọa "nguy hiểm chưa từng có".
Mặc dù Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung với Belarus, nhưng ông Peskov nói rằng cuộc tập trận lần này "có thể diễn ra với quy mô lớn hơn trước đây" để đáp trả sức ép từ NATO. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng khoảng 30.000 quân Nga được triển khai tới Belarus và là đợt triển khai "lực lượng quân sự lớn nhất ở đây kể từ Chiến tranh Lạnh".
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong tuần này rằng, quân đội Nga sẽ rời Belarus khi cuộc tập trận kết thúc vào ngày 20/2. Tuy vậy, cuộc tập trận này cho thấy sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đối với chính quyền Nga trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây leo thang.
Bản đồ khu vực Nga-Ukraine-Belarus (Ảnh: FT).
Các cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực biên giới Nga - Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt. Phương Tây cáo buộc Nga triển khai 100.000 quân tới biên giới Ukraine và nghi ngờ Moscow có động thái quân sự với nước láng giềng. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ kế hoạch tấn công Ukraine.
Artyom Shraibman, nhà phân tích chính trị Belarus, cho rằng Tổng thống Lukashenko sẵn sàng hỗ trợ Nga "vì bất kỳ mục đích nào" mà Moscow cần, như cho phép Nga sử dụng cơ sở quân sự, căn cứ không quân, thậm chí hệ thống phòng không của Belarus.
"Chúng tôi rất cảnh giác với mọi động thái mà Nga đang thực hiện. Thực tế cho thấy, sự dịch chuyển lực lượng Nga vào Belarus rõ ràng mang lại cho người Nga một hướng tiếp cận khác nếu họ quyết định thực hiện thêm hành động quân sự chống lại Ukraine", một quan chức Mỹ nhận định.
Phương Tây cho rằng Nga đang triển khai lực lượng áp sát Ukraine từ mọi hướng, bao gồm Belarus. Biên giới của Belarus chỉ cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 210 km và phương Tây lo ngại cuộc tập trận chung sẽ tạo ra "mặt trận" mới cho cuộc xung đột tiềm tàng Nga-Ukraine. Ngoài ra, phương Tây còn lo ngại mối đe dọa từ phía nam, nơi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, và từ phía đông, nơi Nga bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng ly khai chống chính quyền Ukraine và tập trung quân gần biên giới.
Thông điệp của Nga
Xe tăng Nga khai hỏa trong cuộc tập trận (Ảnh: AP).
Trong các chuyến thăm tới Moscow và Kiev trong tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý không leo thang căng thẳng với Ukraine, mặc dù Điện Kremlin từ chối xác nhận tuyên bố này. Tuy nhiên, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas hôm 9/2 cho biết "không có dấu hiệu giảm leo thang" căng thẳng từ Nga.
Tổng thống Lukashenko, một đồng minh của Nga, từng tuyên bố cuộc tập trận chung với Nga là cần thiết trong bối cảnh NATO hiện diện quân sự tại Đông Âu và các nước Baltic, cũng như việc Ukraine triển khai quân ở biên giới với Belarus để đề phòng cuộc khủng hoảng nhập cư lan sang quốc gia này.
"Tại sao chúng tôi và Nga lại bị chỉ trích vì tổ chức các cuộc diễn tập, tập trận... trong khi các bạn còn từ rất xa đến đây?", ông Lukashenko nói, đồng thời nhấn mạnh việc các nước phương Tây đã đóng gần 30.000 quân gần biên giới Belarus.
Bất chấp sức ép và sự cô lập của Mỹ và phương Tây, Tổng thống Lukashenko vẫn tăng cường quan hệ với Nga. Ông cũng công khai ủng hộ Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hồi tháng trước cảnh báo nếu "Belarus cho phép lãnh thổ của mình được sử dụng cho một cuộc động binh vào Ukraine, nước này sẽ phải đối mặt với phản ứng nhanh chóng và dứt khoát từ Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của Washington".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gọi quyết định của Tổng thống Belarus khi cho phép số lượng lớn quân đội Nga hiện diện trên lãnh thổ của mình là hành động "xâm phạm chủ quyền của Belarus". Đáp lại, một quan chức cấp cao của Belarus nói rằng ông thấy phản ứng của Mỹ là "hài hước".
Mikhail Barabanov, chuyên gia quốc phòng tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moscow, cho biết Nga hiện chưa tập trung đủ lực lượng gần Ukraine để tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn, mặc dù các cuộc tập trận có thể cho phép Moscow thiết lập sự hiện diện quân sự thường xuyên ở Belarus.
"Cuộc tập trận là phản ứng từ phía Nga đối với việc tập hợp lực lượng của NATO ở Ba Lan và Lithuania", ông Barabanov nói.
Nga và Belarus khẳng định các cuộc tập trận giữa 2 nước mang tính phòng thủ nhằm bảo vệ biên giới chung khỏi sự can thiệp từ bên ngoài. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết các lực lượng Nga sẽ quay trở lại căn cứ sau khi tập trận tại Belarus kết thúc. Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vào tuần trước rằng Belarus muốn thành lập các trung tâm huấn luyện chung mới cho các hệ thống phòng không tiên tiến như một phần của việc tăng cường an ninh dọc biên giới với Ukraine.
Yahor Lebiadok, nhà phân tích quân sự độc lập tại Minsk, cho biết Nga có thể để lại thiết bị quân sự ở Belarus gần biên giới Ukraine và cuộc tập trận có thể nhằm gây áp lực buộc phương Tây phải nhượng bộ hơn là mở đầu cho một cuộc tấn công vào Ukraine.
Khủng hoảng Ukraine: Hai lựa chọn khó khăn của ông Putin Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đối mặt với 2 lựa chọn khó khăn: hoặc dùng sức mạnh quân sự áp đặt ảnh hưởng lên Ukraine hoặc duy trì quan hệ với châu Âu. Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters). Mối quan hệ phụ thuộc giữa Nga và các nước châu Âu là điều từ lâu không thể phủ nhận. Bất chấp...