3 kịch bản CPI năm 2020
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính (Bộ Tài chính), mục tiêu lạm phát năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới…
Anh minh hoa nguôn Internet
Năm 2019: Thành công kép
Tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2019 và dự báo 2020″ do Học viện Tài chính tổ chức hôm qua, 3/1, nhiều chuyên gia nhận định, năm 2019 là một năm thành công trong việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế có nhiều biến động tác động đến thị trường hàng hóa thế giới, hàng hóa trong nước, tác động đến thị trường tài chính và tiền tệ trong nước nhưng nhờ điều hành vĩ mô và công tác quản lý điều hành giá nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79% so với bình quân năm 2018.
Đánh giá về CPI năm 2019, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, năm 2019 được coi là thành công trong việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam. “Đây là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm gần đây. Mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2019 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2019…”- Chuyên gia này đánh giá.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong 3 năm liền Việt Nam đã đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP đạt mức khả quan; lạm phát được kiềm chế ở mức thấp. Nền kinh tế đã thành công đạt “mục tiêu kép” là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.
3 kịch bản CPI năm 2020
Năm 2020, tại Nghị quyết 02/NQ- CP vừa ban hành, Chính phủ tiếp tục thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong công tác điều hành để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Nhiều dự báo cho rằng dù có nhiều khó khăn, lạm pháp chịu nhiều sức ép nhưng khả năng cao là sẽ đạt mục tiêu lạm phát thấp hơn 4%.
Video đang HOT
“Tuy nhiên, đáng chú ý là sau cú sốc giá thịt lợn tăng hơn 50% trong quý 4/2019, triển vọng kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 đã không còn chắc chắn khi CPI của tháng 12/2019 đã tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước…”- TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính nhận định.
Theo ông, mặc dù lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ có xu hướng giảm từ mức trên 5% hiện nay, nhưng việc mục tiêu lạm phát năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới.
Chuyên gia đến từ Viện Kinh tế – Tài chính đã đưa ra 3 kịch bản chính cho CPI 2020.
Theo kịch bản thứ nhất, nếu giá thịt lợn giảm mạnh ngay trong tháng Tết nhờ dịch tả lợn châu Phi kết thúc sớm, người nông dân tái đàn thành công, đồng thời Chính phủ bình ổn giá thịt lợn thông qua biện pháp nhập khẩu, lạm phát trung bình năm 2020 có thể chỉ ở mức 3%.
Trong kịch bản thứ hai, giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao như hiện nay trong quý 1/2020 do nguồn cung chỉ phục hồi đầy đủ từ quý 2/2019. Lúc đó, lạm phát trung bình cả năm 2020 có thể xoay quanh mức 3,5%.
Kịch bản tệ nhất xảy ra nếu dịch tả lợn châu Phi chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2020 và lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020. Trong trường hợp này việc kiềm chế lạm phát dưới 4% là tương đối khó khăn, nhất là nếu xu hướng tăng của lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục trong những tháng tới.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, trong cả 3 kịch bản nêu trên các yếu tố khác tác động đến lạm phát như giá dầu, tỷ giá, giá dịch vụ y tế, giáo dục được dự báo thay đổi không lớn. Cụ thể, giá dầu được cho là sẽ vẫn ổn định nhờ nguồn cung dầu đá phiến dồi dào, đồng thời kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại dẫn đến nhu cầu về dầu không cao.
Trong khi đó, tỷ giá cũng được dự báo sẽ chỉ dao động khoảng 1% trong năm 2020 nhờ nguồn cung USD dồi dào, dự trữ ngoại hối lớn, đồng thời quan trọng nhất là NHNN sẽ vẫn duy trì chính sách tỷ giá thận trọng nhằm giảm thiểu khả năng Mỹ áp đặt hạn chế thương mại đối với Việt Nam.
Giá dịch vụ y tế, giáo dục được dự báo sẽ chỉ điều chỉnh khi Chính phủ nhận thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2020 chắc chắn hoàn thành.
“Tóm lại, CPI được dự báo sẽ tăng trung bình khoảng 3,5% ( /- 0,5%) trong năm 2020…”- Chuyên gia này quả quyết.
Thanh Thanh
Theo Baophapluat.vn
Hội thảo về đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế
Hôm qua (31/10), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều". Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) và Tổng cục Thống kê (TCTK) phối hợp tổ chức.
Các chuyên gia đối thoại với Tổng cục Thống kê
Ý kiến băn khoăn
Đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế, TCTK cho biết GDP giai đoạn 2011-2017 mỗi năm tăng thêm 25,4% do bổ sung hơn 76.000 doanh vào đánh giá lại quy mô GDP. Việc tính toán lại quy mô GDP vừa qua đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, GS. TS Hoàng Văn Hoa (ĐH KTQD) đặt vấn đề: Tại sao cứ các nước đang phát triển như Việt Nam khi điều chỉnh lại quy mô GDP lại tăng lên rất nhiều trong khi các nước phát triển như Canada, Mỹ thì tỷ lệ này rất nhỏ. Chuyên gia này nghi ngờ có sự bất cập trong tính toán.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) lại cho rằng con số tăng thêm 25,4%/năm của TCTK còn thấp bởi nhiều khu vực kinh tế chưa đánh giá được như kinh tế hộ gia đình. "Tôi e rằng 3 - 5 năm nữa, TCTK đánh giá lại, con số này còn có khả năng tăng thêm nữa...", chuyên gia này phát biểu.
GS Hoa cũng thẳng thắn đặt vấn đề về tính độc lập của cơ quan thống kê. Liên quan đến quy mô GDP đã được tính lại, chuyên gia này chất vấn: "Xin hỏi đại diện TCTK, khi nào công bố? Có công bố không? Việc công bố có bị can thiệp không?".
PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý rằng số liệu thống kê là cực kỳ quan trọng. "Năm nào tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng cao mà tại sao chúng ta vẫn tụt hậu? Cải thiện chất lượng thế nào, cần đánh giá sâu hơn", ông Long đề nghị và cho rằng số liệu thống kê phải tạo niềm tin cho công chúng.
"Nó là cơ sở hoạch định chính sách chứ hỏi anh Lâm có độc lập hay không thì bao giờ anh Lâm cũng trả lời là độc lập", chuyên gia này phát biểu.
Tổng cục Thống kê nói gì?
Trước chất vấn của các chuyên gia, Tổng cục trưởng TCTK, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, theo thông lệ quốc tế, các nước đều đánh giá lại quy mô GDP, kể cả các nước tiên tiến. Ông Lâm cũng khẳng định đây không phải là áp dụng cách đánh giá mới, cách tính mới. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên TCTK đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam.
Nhưng lần trước (năm 2013) , khi đánh giá quy mô GDP giai đoạn 2008- 2012, chỉ tập trung đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, trong khi nền kinh tế có 21 ngành kinh tế cấp 1. Còn lần này là đánh giá toàn diện.
"Dựa vào kết quả điều tra, dữ liệu hành chính thì khi đánh giá lại, chúng tôi đưa ra con số tăng thêm 24,5%/năm. Đây là con số phù hợp!", ông Lâm nói.
Giải thích về việc các nước phát triển khi đánh giá lại quy mô GDP con số tăng lên thường thấp, ông Lâm dẫn báo cáo của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) cho biết ở các nước này luật pháp tốt, chế tài nghiêm nên không ai dám báo cáo sai. Do đó họ điều chỉnh chỉ là cập nhật mới.
Mặt khác, do quy mô nền kinh tế các nước phát triển rất lớn, ví dụ ở Mỹ, nên khi cập nhật tăng 356 tỷ USD cũng chỉ tương đương 3,6%. Trong khi các nước phát triển như Việt Nam, chưa có chế tài với báo cáo sai và với quy mô nền kinh tế cực nhỏ, nên khi thay đổi thì số thay đổi lớn.
Về ý kiến nghi ngại tính trung thực, độc lập, khách quan của số liệu thống kê, Tổng cục trưởng TCTK nói: "Với trách nhiệm của người làm thống kê, công tác thống kê và biên soạn số liệu thống kê là hoàn toàn độc lập, không chịu sức ép của bất kỳ ai. Bộ KH&ĐT hay Chính phủ hoàn toàn tôn trọng tính độc lập của chúng tôi. Quan điểm làm thống kê của chúng tôi là trung thực, vì đất nước và đổi mới".
Liên quan đến phương pháp đánh giá lại quy mô GDP, ông Lâm nói phương pháp tính của Việt Nam hoàn toàn theo thông lệ quốc tế. "Chúng tôi tiến hành đánh giá lại quy mô GDP vào năm 2018, đến đầu năm 2019 đã đánh giá xong. Chúng tôi đã báo cáo Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ. Và để khách quan, TCTK đã mời các tổ chức quốc tế vào thẩm tra lại như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chuyên gia độc lập, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc...", ông Lâm nói.
"GDP là thước đo quan trọng để đánh giá tình hình kinh tế. Điều quan trọng là việc tính toán GDP phải chắc chắn, phương pháp tính toán phải minh bạch.
Nền kinh tế Việt Nam đang trải qua những thay đổi nhanh chóng, thể hiện ở: Tốc độ tăng trưởng cao; Cải cách kinh tế, hội nhập đầu tư và thương mại mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu; Cơ cấu kinh tế cũng thay đổi nhanh, từ nông nghiệp sang công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ... Cho nên thống kê tài khoản quốc gia là chìa khóa để theo dõi và hiểu những chuyển dịch kinh tế, những chuyển dịch làm cho việc đo lường trở nên khó khăn hơn.
Cập nhật thống kê tài khoản quốc gia là việc bình thường và được khuyến nghị khi biên soạn tài khoản quốc gia. Căn cứ cập nhật là thay đổi gốc, các cuộc điều tra mới hoặc sử dụng dữ liệu hành chính, sửa đổi phương pháp luận, nắm bắt các ngành mới nổi. Tuy nhiên, các yếu tố chính thúc đẩy việc điều chỉnh số liệu là tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia. TCTK điều chỉnh các tài khoản quốc gia là một bước tiến đáng hoan nghênh". - Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam
Thanh Thanh
Theo Baophapluat.vn
'Lãi suất của Việt Nam vẫn còn cao' "Ngân hàng không lo tết cấp trên, mà lo cho cấp dưới!" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "Những kết quả tích cực của kinh tế-xã hội năm 2019 là nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ trong năm vừa qua và tôi nhắc lại ở đây để hệ thống ngân hàng phải có trách nhiệm làm tốt hơn nhiệm vụ của mình...