3 cựu công an ‘tư lợi tiền tỷ’ được hoãn xét xử
Sáng 25/12, TAND tỉnh Tiền Giang mở phiên xét xử 3 cựu sĩ quan công an bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Hàng trăm người đã đến rất sớm để theo dõi phiên xử.
Tuy nhiên, ngay tại phần thủ tục, một trong 3 bị cáo tại ngoại là ông Nguyễn Văn Nên (nguyên phó phòng CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang) có đơn xin vắng mặt vì bị bệnh. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.
Sau một thời gian bị tạm giam, Phạm Văn Út đã được tại ngoại. Ảnh:Báo Công an TP HCM
Theo cáo trạng, tháng 10/2002, Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố gần 40 người liên quan vụ án buôn lậu tại Công ty TNHH Thành Phát, thành phố Mỹ Tho. Quá trình điều tra, cảnh sát tạm giữ của các bị can trên 12 tỷ đồng và 249.000 USD. Thấy số tiền lớn, Trưởng phòng CSĐT là ông Ngô Thanh Phong bàn bạc với cấp phó Nguyễn Văn Nên thống nhất mang gửi tiết kiệm tại 2 ngân hàng mang tên hai điều tra viên Bùi Văn Nhứt và Nguyễn Trường Sơn, lãi thu được nhập quỹ cơ quan.
Cuối tháng 5/2004, khi vụ án sắp kết thúc, ông Phong chỉ đạo thuộc cấp rút toàn bộ số tiền đã gửi tiết kiệm về nhập kho vật chứng, khi ấy lãi thu được gần một tỷ đồng.
Một tháng sau, tiền vật chứng chưa được chuyển cho cơ quan thi hành án nên lãnh đạo Phòng CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang chỉ đạo ông Phạm Văn Út (thủ kho vật chứng) đứng tên cá nhân gửi tiết kiệm 12,1 tỷ đồng dưới hình thức mua kỳ phiếu có kỳ hạn 3 tháng để lấy lãi 199 triệu đồng. Đến cuối tháng 9/2004 tổng tiền lãi thu được cho là “vi phạm Thông tư liên tịch số 06 (năm 1998) về việc hướng dẫn bảo quản, xử lý tài sản là vật chứng trong quá trình giải quyết án hình sự” tại Phòng CSĐT Công an Tiền Giang lên đến 1,16 tỷ đồng, ông Út trực tiếp quản lý.
Điều tra của VKSND Tối cao xác định, số tiền lãi nhập quỹ riêng tại Phòng CSĐT Công an Tiền Giang được sử dụng chủ yếu theo sự chỉ đạo của Phong và Nên. Trong đó, ông Phong nhiều lần chi tiếp khách trên 100 triệu đồng, cho sử dụng cá nhân không rõ mục đích gần 59 triệu, chi 100 triệu đồng mua 4 xe máy đồng thời đề nghị ông Nguyễn Chí Phi (khi đó là Phó giám đốc Công an Tiền Giang) duyệt cấp biển số trắng để 4 cán bộ lãnh đạo Phòng sử dụng. Ngoài ra, Phòng CSĐT còn duyệt cấp cho ông Phi một xe máy nhưng do vị này đã có xe công nên chi 25 triệu đồng tiền mặt. Các dịp lễ, Tết, chỉ huy phòng duyệt chi cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị mỗi người 500.000 đồng, chi cho ông Phi 5 triệu đồng.
Video đang HOT
Đến tháng 10/2004, Phòng CSĐT chuyển thành Văn phòng Cơ quan CSĐT, ông Phong và ông Nên quyết định chia hết quỹ riêng còn tồn hơn 320 triệu đồng. Theo đó, 4 chỉ huy phòng và Phó giám đốc Phi mỗi người nhận thêm 23 triệu đồng; 58 cán bộ, chỉ huy đội tùy theo thâm niên công tác mỗi người nhận từ 2,2 đến 8 triệu đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, tháng 12/2005, bị can Phạm Thị Ánh (vợ Trần Thế Hùng, tức Hùng “Xì Tẹc”) nộp 10 tỷ đồng. Ông Phong với cương vị là Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT đã chỉ đạo kế toán mở tài khoản gửi tiết kiệm thu về 199 triệu đồng tiền lãi. Như vậy, trong 3 lần cơ quan điều tra gửi tiền vật chứng để lấy lãi 1,36 tỷ đồng, ông Phi được chia 80 triệu đồng. Còn lại ông Phong, ông Nên và thuộc cấp chia nhau, chiếm hưởng 623 triệu đồng.
Bút tích của ông Nên trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc chỉ đạo thuộc cấp lấy tiền tang vật trong chuyên án 502X gửi ngân hàng. Ảnh:Đ.X.
Theo VKSND Tối cao, hành vi của ông Phong, Nên và Út “không chỉ trái với thông tư liên tịch số 06 mà còn làm trái công vụ vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn một tỷ đồng”. Vì vậy, 3 ông này bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Với 2 điều tra viên Bùi Văn Nhứt và Nguyễn Trường Sơn, cơ quan điều tra cho rằng tuy mang tiền đi gửi tiết kiệm và đứng tên tài khoản từ năm 2002 đến 2004 (thu lãi 968 triệu đồng) nhưng do thành khẩn khai báo, không hưởng lợi nhiều hơn các cán bộ bình thường trong đơn vị. Hơn nữa, họ “chỉ thực hiện theo chỉ đạo của thủ trưởng” nên không phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ cần xử lý kỷ luật để giáo dục, phòng ngừa.
Cũng với những lý do này, VKSND Tối cao không xem xét trách nhiệm ông Nguyễn Chí Kiên (nguyên phó trưởng phòng CSĐT) và 2 cán bộ cấp đội của Phòng CSĐT là ông Võ Quang Ái, Phạm Thế Kim.
Về ông Phi (hiện là thiếu tướng, Giám đốc Công an Tiền Giang), VKSND Tối cao cho rằng với trách nhiệm của người đứng đầu Cơ quan điều tra, ông đã để xảy ra sai phạm tại đơn vị, làm trái quy định trong vụ “duyệt” cho thuộc cấp đăng ký 4 xe máy biển số trắng và bản thân được “chia” 80 triệu đồng. “Song, ông Phi không biết số tiền này là lãi có được từ việc gửi tiết kiệm tiền tang vật của chuyên án 502X. Cơ quan điều tra kiến nghị Bộ Công an xử lý kỷ luật ông Phi”, cáo trạng nêu.
Theo VNE
Đề nghị truy tố 3 bị can nguyên là Công an Tiền Giang: Mang tiền vật chứng gửi tiết kiệm để chia chác
Theo Viện KSND tối cao, sau khi thu giữ tiền vật chứng của vụ án, các bị can nguyên là lãnh đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo cấp dưới gửi tiết kiệm hàng chục tỉ đồng lấy tiền chia chác, hưởng lợi bất chính.
Bị can Ngô Thanh Phong lúc được đưa về khám xét nhà riêng - Ảnh: H.P.
Kết thúc điều tra vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đề nghị truy tố ba bị can.
Các bị can bị đề nghị truy tố gồm ông Ngô Thanh Phong (56 tuổi, nguyên chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra, nguyên phó thủ trưởng thường trực Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang), Nguyễn Văn Nên (47 tuổi, nguyên trưởng Phòng cảnh sát điều tra, nguyên phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang), Phạm Văn Út (43 tuổi, nguyên thủ kho vật chứng, thủ quỹ Phòng cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang).
Ba đợt gửi tiết kiệm
Theo kết luận điều tra, ngày 28-10-2002 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố vụ án "buôn lậu" xảy ra tại Công ty TNHH Thành Phát (Tiền Giang). Sau khi khởi tố vụ án, ông Ngô Thanh Phong - người trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án - phân công 10 điều tra viên và cán bộ Phòng cảnh sát kinh tế tiến hành điều tra vụ án. Có 38 bị can bị khởi tố trong vụ án này về các tội "buôn lậu", "đưa hối lộ", "nhận hối lộ"... Vụ án đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử.
Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao cho rằng trong quá trình điều tra vụ án, bị can Ngô Thanh Phong - khi đó là trưởng Phòng cảnh sát điều tra, phó thủ trưởng thứ nhất Cơ quan cảnh sát điều tra - đã bàn bạc với Nguyễn Văn Nên, sau đó chỉ đạo cấp dưới đem toàn bộ tiền thu giữ trong vụ án gửi tiết kiệm tại ngân hàng thương mại để lấy lãi, nhập quỹ riêng của đơn vị, chi tiêu vì mục đích vụ lợi, cá nhân. Đây là một hành vi trái pháp luật, theo quy định thì tiền của vụ án phải được đưa vào Kho bạc Nhà nước để bảo quản.
Tổng số tiền thu giữ của các bị can, đương sự trong vụ án từ tháng 10-2002 đến năm 2004 gần 12,6 tỉ đồng và hơn 249.000 USD. Trong số này, cấp dưới của hai ông Phong và Nên là Bùi Văn Nhứt và Nguyễn Trường Sơn gửi tiết kiệm đứng tên cá nhân hơn 11,4 tỉ đồng và hơn 206.000 USD. Đến cuối tháng 5-2004, toàn bộ số tiền này được rút ra để nhập kho vật chứng, thu lãi gần 1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 6-2004, do chưa chuyển được tiền vật chứng của vụ án cho cơ quan thi hành án tỉnh Tiền Giang, theo chỉ đạo của chỉ huy Phòng cảnh sát điều tra, bị can Phạm Văn Út lại mang 12,1 tỉ đồng gửi vào ngân hàng, đứng tên cá nhân, thu lãi gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, năm 2005 bị can Ngô Thanh Phong còn chỉ đạo gửi tiết kiệm 5,8 tỉ đồng tiền xử lý vật chứng của vụ án vào ngân hàng, thu được gần 200 triệu đồng tiền lãi. Tổng số tiền lãi cả ba đợt là hơn 1,368 tỉ đồng.
Chia chác tiền lãi
Số tiền trên đã được chi dùng chủ yếu theo sự chỉ đạo của Ngô Thanh Phong và Nguyễn Văn Nên. Trong đó, bị can Ngô Thanh Phong chi tiếp khách nhiều lần hết hơn 100 triệu đồng, chi tiền sử dụng cá nhân không rõ mục đích, không có chứng từ gốc gần 59 triệu đồng; chi 100 triệu đồng mua bốn xe máy Honda Future và đề nghị ông Nguyễn Chí Phi (khi đó là phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang) duyệt cho đăng ký biển trắng và cấp cho bốn lãnh đạo Phòng cảnh sát điều tra sử dụng. Hai bị can Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên định duyệt cấp cho ông Nguyễn Chí Phi một xe máy Honda Future nhưng do biết ông Phi đã có xe máy công nên duyệt chi 25 triệu đồng tiền mặt.
Trong những dịp tết, các bị can quyết định chia cho mỗi cán bộ chiến sĩ 500.000 đồng. Chỉ huy phòng và ông Nguyễn Chí Phi được chia 5 triệu đồng/người. Tết năm 2004, các bị can chi cho ông Phi 7 triệu đồng. Đến tháng 10-2004, khi Phòng cảnh sát điều tra chuyển đổi thành Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra, hai bị can Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên quyết định chia nốt quỹ riêng của phòng cho bốn cán bộ chỉ huy và ông Nguyễn Chí Phi mỗi người được 23 triệu đồng; 14 cán bộ chỉ huy đội mỗi người được 8 triệu đồng; 34 cán bộ công tác lâu năm mỗi người được 4 triệu đồng; chín cán bộ mới mỗi người được hơn 2 triệu đồng.
Ngoài hành vi trên, bị can Nguyễn Văn Nên còn có dấu hiệu "lợi dụng chức vụ quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật" và "lạm quyền trong khi thi hành công vụ" trong vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra tại tỉnh Bình Dương, có dấu hiệu sử dụng 5,25 tỉ đồng của đương sự để gửi tiết kiệm lấy lãi. Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã có quyết định tách vụ án để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Tuổi Trẻ
Tấn công mạnh tội phạm buôn "hàng trắng" Theo thống kê của Công an tỉnh Lạng Sơn, từ đầu tháng 12-2012 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 15 vụ với 36 đối tượng phạm tội về ma túy; thu 74,145 gam heroin, 3.400 viên và 110 gam ma túy tổng hợp; 49,5 gam cần sa; 1 khẩu súng bắn đạn bi; hơn 133 triệu đồng; 4.600 Nhân...