3 “chướng ngại vật” khi triệt bằng rởm
Theo GS Hoàng Tụy, để “chặn” đường đi của những tấm bằng thật chất lượng giả thì phải vượt qua được 3 “chướng ngại vật”: hậu duệ, quan hệ, tiền tệ.
“Lần đầu tiên một quan chức có trách nhiệm, có vị trí dám nói thẳng ra một sự thật đã tồn tại sờ sờ ra đó từ nhiều năm qua. Đó cũng là điều đáng trân trọng” – GS Hoàng Tuỵ nhận xét về phát ngôn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực.
Tạm gọi bằng thật chất lượng giả là “bằng rởm”, GS Hoàng Tuỵ cho rằng nạn bằng giả, bằng rởm “Là một trong những biểu hiện của tính gian dối từ mấy chục năm qua đã trở thành “đặc tính” của người Việt Nam”.
GS Hoàng Tụy.
Ông cho biết: Có chuyện là một người ngoại quốc khi được hỏi không thích điều gì nhất ở Việt Nam đã trả lời là “tính gian dối”.
Đó không còn là tính xấu bình thường, mà là tính xấu phổ cập đến mức nhiều người gian dối nhưng lương tâm không chút day dứt, coi đó là bình thường.
Nguy hiểm đến mức nó tồn tại không phải ở tầng lớp người dân không học thức, ít văn hoá mà ở cả tầng lớp trí thức, và phần nào tầng lớp trí thức cao cấp, hơn nữa ở cả cấp cao trong hệ thống chính trị.
Trong một xã hội như vậy, chống bằng giả, bằng rởm cực kỳ khó khăn. Khi đã để bệnh gian dối trầm trọng đến mức này thì gần như việc chữa bệnh bằng giả, bằng rởm là vô phương.
Bằng rởm có xuất xứ từ chính ngành giáo dục. Vậy có vô lý không khi Bộ trưởng ngành giáo dục “nhờ” ngành nội vụ “chữa bệnh”, giống như bên bán nhờ bên mua đừng mua hàng giả do mình sản xuất?
- Người ta hay nêu danh ngành giáo dục, đổ hết cho giáo dục, nhưng tôi thấy có phần oan. Giáo dục đã đành có trách nhiệm lớn, nhưng tôi nghĩ bất cứ ai đứng đầu ngành giáo dục cũng không thể ngăn chặn được căn bệnh này.
Tình hình nguy hiểm đến mức ai cũng biết vậy nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ. Những vị có trách nhiệm trong xã hội thường không muốn nhìn thẳng vào sự thật đó, một phần do bản thân mình cũng vướng vào đó, một phần không nhận thức rõ sự nguy hiểm của tình hình.
Trong ngành nào thì nạn bằng giả, bằng rởm cũng vậy, những ví dụ cụ thể đầy ra đó. Ngành giáo dục không phải ngành nặng nề nhất về gian dối. Có nhiều ngành còn dối trá gấp bội, nhưng vẫn yên thân, chẳng qua vì khó động tới họ.
Ai làm bằng rởm, ai dùng bằng rởm? Tôi không dám chắc quan chức tham gia làm bằng rởm, nhưng dùng bằng rởm là khá phổ biến. Cán bộ có bằng giả, bằng rởm leo lên những vị trí cao hơn thì càng có khả năng dễ chấp nhận những người có bằng rởm khác đang ngấp nghé muốn chui vào bộ máy.
Video đang HOT
Trong một cuộc họp về giáo dục cách đây hơn 10 năm do Thủ tướng Chính phủ khi đó là ông Phan Văn Khải chủ trì, tôi có nói phải nhận rắng Nhà nước ta chưa bao giờ thật sự nghiêm đối với những vụ vi phạm kiểu này. Dẫn chứng là có một ngành quan trọng còn ra hẳn thông tư cho các cán bộ trong ngành có bằng giả cần làm thủ tục để “hợp thức hóa” ! (thông tư này hồi đó đã đăng công khai trên báo).
Và ông đã nói là vô phương cứu chữa cho căn bệnh này?
- Nói như vậy không phải là bó tay. Không làm gì thì sẽ càng trầm trọng hơn.
Muốn ngăn bằng giả, bằng rởm chui vào cơ quan Nhà nước đương nhiên trước hết phải làm từ Bộ Nội vụ, các cơ quan phụ trách tổ chức cán bộ ở trung ương, các bộ, ngành, cho tới các địa phương… Ngăn chặn bằng luật lệ, bằng các qui định về chính sách cán bộ, về tuyển người vào biên chế, lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Nếu chúng ta có quy định chặt chẽ về mấy vấn đề đó và thực hiện nghiêm chỉnh thì bằng giả, bằng rởm khó lòng chui vào được.
Nhưng ở đây, trên thực tế chúng ta đã thu nhận người vào cơ quan Nhà nước theo kiểu mà dân gian nói: Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, và thứ tư mới là trí tuệ.
Chính vì vậy mà sửa chữa cực kỳ khó khăn. Vô phương là ở chỗ đó.
Thôi thì, cứ giả sử, nếu bắt tay ngay vào chống bằng giả, bằng rởm, theo ông có cách nào và cần bao lâu để làm sạch được bộ máy?
- Bình thường ra có trăm nghìn cách chống bằng giả, bằng rởm. Nhưng có nhiều cách trong những xã hội khác có tác dụng, thì ở Việt Nam rất khó làm hoặc tác dụng rất hạn chế.
Về lý thuyết bằng giả rất dễ phát hiện, chỉ cần tìm đến những hồ sơ lưu trữ tại bộ hoặc các trường. Nhưng ở nước ta việc đó lại không hẳn đã dễ. Vì nếu người đi kiểm tra không vô tư hoặc móc ngoặc với người bị kiểm tra thì còn lâu mới làm được.
Phát hiện bằng dỏm cũng không khó, nhưng phải có hiểu biết, thông tin về các đại học dỏm ở các nước. Muốn xác minh về các cơ sở đào tạo ở nước ngoài, chỉ cần đến đại sứ quán các nước xin danh sách các trường trong hệ thống giáo dục của họ là có hết. Cơ quan tuyển dụng phải đủ trình độ và công tâm phân biệt cái gì dỏm, cái gì không.
Ở các nước phất triển, bằng dỏm không xài được. Còn ở ta, các quan chức, công chức mang bằng dỏm về cơ quan rất dễ lòe vì chẳng ai biết thực chất. Mà biết rồi thì có khi giải quyết cũng khó, bởi phải vượt qua 3 “chướng ngại vật” như đã nói – hậu duệ, quan hệ, tiền tệ.
Nói chung, chống được nạn này hay không tuỳ thuộc vào nhận thức và quyết tâm của cấp lãnh đạo cao nhất.
Cải cách việc tuyển dụng bằng năng lực thực tế liệu có phải là cú hích cho sự nghiệp đổi mới giáo dục không, thưa ông, khi mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu điều này ra tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực?
- Tất nhiên đây là việc rất quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Đổi mới giáo dục là phải tiến tới một nền giáo dục trung thực, lành mạnh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thế kỷ 21. Trong khi đó, từ hàng chục năm nay giáo dục của chúng ta không vượt qua được vòng kim cô ý thức hệ, toàn nói giáo lý viển vông cao xa ở đâu đâu, nhưng thực hiện trong xã hội thì hoàn toàn ngược lại. Bệnh gian dối, bệnh thành tích, v.v. trở thành thứ bệnh thâm căn cố đế là vì thế.
Xét cho cùng chừng nào cái lỗi hệ thống của thể chế chưa khắc phục được thì giáo dục sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Khi gian dối đã trở thành đặc tính, thì việc dạy sự trung thực cho thế hệ trẻ sẽ phải bắt đầu lại như thế nào, thưa ông?
- Tôi đã nêu lên vấn đề này từ rất lâu rồi, qua mấy đời bộ trưởng giáo dục. Trong nhiều đức tính cần rèn luyện cho lớp trẻ, thời nay có hai thứ cấp bách nhất là trung thực và sáng tạo.
Trung thực là không gian dối, trung thực với người khác, trung thực với chính mình. Trước sự thật mà cố tình nhắm mắt không thừa nhận cũng là gian dối. Thiếu trung thực với mình thì không tiến bộ được, thiếu trung thực với người khác thì mất lòng tin, không thể hợp tác dài lâu với ai cả. Trong quan hệ cá nhân như vậy, mà trong quan hệ quốc tế thì càng như vậy.
Còn thiếu sáng tạo, chỉ ưa lối mòn, chỉ bám vào những tập quán, giáo điều cũ rích, thì trong thế giới văn minh tri thức ngày nay sẽ mãi mãi lẹt đẹt theo sau thiên hạ, không cạnh tranh nổi thì bị bỏ rơi, bị đào thải là chắc chắn.
Ngoài ra, để khăc phục bệnh gian dối, bệnh thành tich, ngành giáo dục cần xem xét lại việc thi đua, khen thưởng. Thi đua chính là một trong những cơ chế khuyến khich, thúc đẩy gian dối, rất không hợp với giáo dục, cần mạnh dạn bãi bỏ.
Xin trân trọng cảm ơn giáo sư.
Theo Chi Mai
VietNamnet
Các đại học 'né' tổ chức tuyển sinh riêng năm 2014
Dù được phép tự chủ trong tuyển sinh nhưng nhiều lãnh đạo đại học vẫn dè dặt và tỏ ý muốn tiếp tục "thi nhờ" 3 chung thêm 3 năm nữa. Bộ trưởng Giáo dục cho rằng, trong đầu lãnh đạo các đại học đang có một chiếc phanh vô hình.
Tại Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học tổ chức ngày 28/12, Hiệu phó ĐH Công nghệ TP HCM Lưu Thanh Tâm ủng hộ việc năm 2014 thí sinh sẽ được thi 3 đợt gồm một đợt thi chung, 2 đợt thi riêng. Dù cho rằng đổi mới tuyển sinh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh nhưng theo ông Tâm, thi 3 chung có nhiều ưu điểm như đề thi khó - dễ không quá chêch lệch nhau, công tác ra đề thi an toàn, bảo mật.
"Đề thi vẫn là khâu các trường lo nhất, không phải trường nào cũng đủ giảng viên hiểu rõ nội dung ở phổ thông để ra đề thi, công tác bảo mật cũng khó khăn hơn", ông Tâm lo lắng khi đề cập đến việc các trường được tự tuyển sinh.
Lãnh đạo ĐH Quy Nhơn thì nhận định, năm 2017 các trường tự chủ tuyển sinh sau lộ trình 3 năm tiếp tục thi 3 chung là hợp lý. Hiện nay, chưa có phương án nào tốt hơn 3 chung nhưng để thực hiện đổi mới giáo dục phải tuyển sinh riêng. Nhưng tuyển sinh riêng lại phải bảo đảm kiểm soát được chất lượng đầu vào.
"Nếu thực hiện không tốt thì tuyển sinh riêng dễ xảy ra tiêu cực, nhất là khâu đề thi. Giáo viên giỏi được ra đề thi có thể mở các lớp luyện thi gây bất bình cho xã hội", lãnh đạo ĐH Quy Nhơn nói và cho rằng, để đổi mới tuyển sinh thành công phải có sự chuẩn bị từ cả phía học sinh lẫn nhà trường. Học sinh phải thay đổi cách học và thi, còn trường phải chuẩn bị khoảng 2 năm nữa, đi học hỏi kinh nghiệm.
Đồng quan điểm, ông Lê Công Cơ, Hiệu trưởng ĐH Duy Tân cũng đồng ý lộ trình 3 năm nữa sẽ tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có chuẩn tối thiểu về giáo dục phổ thông, cần phải quan tâm nhiều đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm thi khách quan, trung thực và đó là điều kiện để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Theo vị hiệu trưởng của đại học tư thục lớn nhất miền Trung, tuyển sinh riêng phù hợp với những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ. "Còn như chúng tôi rất khó, nhất là đề thi. Bộ nên có ngân hàng đề thi, và nếu thí sinh không trúng tuyển vào kỳ thi chung thì các trường được xét tuyển vào trường", ông Cơ đề xuất và cho biết 3 năm tới, ĐH Duy Tân vẫn thi 3 chung, vì phải cần thời gian chuẩn bị.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, trong giai đoạn chuyển giao, những trường chưa đủ điều kiện có thể nhờ Bộ ra đề thi. Ảnh: Hoàng Thùy.
Trước đa số ý kiến đều bày tỏ năm 2014 sẽ tiếp tục tuyển sinh theo kỳ thi chung do Bộ tổ chức, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang được thực hiện và đổi mới tuyển sinh là việc dứt khoát phải làm.
Để chuyển hoàn toàn việc tổ chức thi, tuyển sinh cho các trường, Bộ Giáo dục dành 3 năm làm thời gian chuyển tiếp. Theo đó, trong 3 năm tiếp theo, bên cạnh những trường có đề án tuyển sinh riêng, Bộ vẫn duy trì kỳ thi 3 chung. Những trường chưa chuẩn bị đủ điều kiện có thể tham gia, nhưng đồng thời phải tích lũy kinh nghiệm và nghiên cứu, chuẩn bị phương án mới.
"Việc đổi mới phải chắc chắn, cẩn thận nhưng không được trì trệ, chậm chễ; khẩn trương, tích cực nhưng không hấp tấp, vội vã", Bộ trưởng nói.
Sau khi một số trường "than thở" về việc khó tổ chức thi riêng, ông Luận cho rằng, ngay trong chính người đứng đầu các trường đại học cũng đang có một cái phanh vô hình bởi khi chưa giao quyền tự chủ thì ra sức đòi quyền lợi, khi được phép tự chủ thì lại nêu khó khăn. "Chính những người đứng đầu phải đổi mới tư duy, nhận thức, từ đó mới tạo được sự đồng thuận trong dư luận", ông Luận nói.
Rồi lãnh đạo Bộ Giáo dục cho biết thêm, khi tự ra đề thi tuyển sinh các trường sẽ đối mặt với nhiều khó khăn nhưng không thể vì khó mà chùn bước. "Nếu xem đổi mới giáo dục là một mặt trận thì tất cả mọi người phải cùng cố gắng, các trường phải mạnh dạn nhận phần khó về mình. Bộ sẽ xem xét hỗ trợ các trường sao cho không trái luật giáo dục đại học", Bộ trưởng Luận nói thêm.
Việc thi tuyển sinh riêng không phải là mới khi ĐH FPT từ nhiều năm qua được tự tổ chức thi 2 đợt mỗi năm. Hay như năm 2013, 10 đại học, học viện khối văn hóa, nghệ thuật đã tuyển sinh riêng và cho kết quả tốt.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cũng cho biết, việc tuyển sinh riêng đã tạo nguồn tuyển dồi dào và giúp các trường tuyển được thí sinh giỏi theo đặc thù các ngành nghề đào tạo. Cũng nhờ thi riêng, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào một số trường tăng đột biến so với những năm trước như ĐH Mỹ thuật Việt Nam tăng 75%, ĐH Mỹ thuật TP HCM tăng 67%. Ngoài ra, thí sinh cũng có thêm cơ hội dự thi kỳ thi 3 chung do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Phương thức tuyển sinh của các trường này cũng rất linh hoạt như các ngành đào tạo năng khiếu thì tuyển sinh năng khiếu kết hợp xét tuyển môn văn hóa, các ngành văn hóa thì tuyển sinh theo 3 chung. Trong mùa tuyển sinh 2014, đại diện Bộ Văn hóa đề nghị Bộ Giáo dục tiếp tục cho phép 10 trường này tổ chức tuyển sinh riêng, đồng thời cho phép thêm các trường cao đẳng của khối này tự nguyện xây dựng đề án trình lên 2 Bộ phê duyệt.
Theo VNE
Hàng trăm học sinh "hít" khí độc mỗi ngày Gần 300 học sinh và rất nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực khu phố 10, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân đang phải "hít" mùi hôi độc hại và khói bụi đen phát ra từ khu nhà xưởng tái chế hạt nhựa nằm ngay giữa khu dân cư đông đúc. Ông khói của cơ sở tái chế hạt nhựa...