3 chị em ruột là sinh viên Y, cùng đi chống dịch ở TP.HCM
Tú Linh, Huyền Trang, Thanh Tuyền (quê Quảng Trị) cảm thấy may mắn khi được góp sức trong cuộc chiến chống dịch của TP.HCM suốt hai tháng qua.
Cuối tháng 7, 3 chị em Trần Thị Tú Linh, Trần Thị Huyền Trang (đều tốt nghiệp ĐH Y Dược Huế) và Trần Thị Thanh Tuyền ( sinh viên năm nhất Khoa Răng Hàm Mặt, trường Đại học Văn Lang) cùng lên tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM.
Ban đầu, cả ba không đi chung đội, ở đâu thiếu tình nguyện viên hỗ trợ họ lại đăng ký đến giúp. Sau khi nhân lực ổn định hơn, mấy chị em được chuyển về cùng làm việc tại đội tiêm vaccine của quận Gò Vấp và tham gia thêm đội cấp cứu lưu động tại quận 5.
“Đều là những người theo học ngành Y, được đào tạo bài bản nên chị em mình cảm thấy có trách nhiệm hỗ trợ chống dịch khi thành phố bùng phát Covid-19 trở lại. Sức lực mỗi người có hạn nhưng khi cả tập thể, cộng đồng cùng đồng lòng, đồng sức, mình tin cả nước sẽ sớm vượt qua đại dịch”, chị cả Tú Linh nói với Zing .
Thanh Tuyền, Tú Linh, Huyền Trang (từ trái sang phải) cùng tham gia chống dịch ở TP.HCM.
May mắn vì có chị, có em
Linh kể sau gần hai tháng tham gia chống dịch, cô và hai em đã quen với thời gian biểu mới.
Buổi sáng, không cần cài báo thức, cả ba vẫn thức dậy vào lúc 6h theo đồng hồ sinh học. Lau dọn phòng trọ, vệ sinh cá nhân xong xuôi, khoảng 7h, 3 chị em đèo nhau đến điểm tiêm chủng bằng hai chiếc xe máy.
Công việc không có thời gian kết thúc cụ thể mà phụ thuộc vào số lượng người dân đến tiêm vaccine hôm đó, ít thì xong sớm, nhiều thì có thể cấn sang cả giờ nghỉ.
“Những hôm đông chắc chắn sẽ mệt hơn. Thế nhưng, cuối ngày được nghe số lượng người dân đến tiêm nhiều hơn hôm trước thì mấy chị em lại thấy rất vui vì cảm thấy mọi người đã ý thức được việc tiêm vaccine có thể bảo vệ sức khỏe bản thân”, Linh kể.
Video đang HOT
3 chị em làm việc tại đội tiêm vaccine của quận Gò Vấp và đội cấp cứu lưu động của quận 5.
Nhỏ tuổi nhất trong 3 chị em, Thanh Tuyền chia sẻ lúc đầu cô có hơi lo lắng vì ngày tham gia tình nguyện bản thân mới tiêm mũi một vaccine khoảng 4 ngày.
“Thế nhưng, may mắn là mình có người thân luôn ở bên cạnh hướng dẫn và động viên. Các chị đưa nhiều tài liệu vaccine cho mình đọc, hướng dẫn rất kỹ về việc mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay, sát khuẩn. Mỗi ngày, mình cũng được hai chị đưa đón đến các điểm tiêm vaccine và khi có thắc mắc gì có thể hỏi ngay”.
Những hôm nào điểm tiêm nghỉ hoặc đủ nhân lực, 3 chị em lại đánh xe sang quận 5 hỗ trợ đội cấp cứu lưu động tại nhà. Công việc thường kéo dài tới 22h.
Đối với Huyền Trang, một trong những điều vui nhất khi đi chống dịch là 3 chị em được gần gũi và thấu hiểu nhau nhiều hơn.
“Vài hôm cũng nản lắm, nhất là những lúc bận đồ bảo hộ kín mít mà phải ngồi giữa trưa nắng hoặc dầm mưa, nhưng nhờ có chị, có em bên cạnh mà mọi chuyện đều trở nên đơn giản, nhẹ nhàng”, cô nói.
Nhiều kỷ niệm
Ban đầu, khi báo tin mình và hai em sẽ cùng tham gia chống dịch, Linh không được gia đình ở quê ủng hộ. Cả ba phải thuyết phục gần một tuần mới nhận được cái gật đầu đồng ý từ mẹ.
“Kể từ đó, tối nào 3 chị em cũng gọi điện về để cả nhà an tâm. Mẹ mình động viên cả ba cố gắng và đặc biệt phải giữ gìn sức khỏe, cẩn trọng khi đi chống dịch”, Linh kể.
Sau hai tháng tham gia tuyến đầu, trải qua cảm giác lo sợ, bỡ ngỡ lúc đầu, giờ đây, Linh – Trang – Tuyền đều cảm thấy so với những gì bản thân đóng góp và cho đi, họ thậm chí nhận được nhiều điều quý giá hơn.
Có lần nghe người dân đi tiêm vaccine kể mắc nhiều bệnh nền, mắt kém do lớn tuổi, Linh thấy sống mũi mình cay cay vì thương. “Nhiều người được tiêm xong thì cảm ơn liên tục. Các cô chú trạc tuổi mẹ mình đối lúc lại hỏi tình nguyện viên có mệt, có đói không. Cảm giác được quan tâm lúc đó thực sự rất tuyệt”.
Thanh Tuyền thấy may mắn khi được hai chị gái đồng hành, tư vấn suốt thời gian chống dịch.
Trong khi đó, Huyền Trang nhớ mãi kỷ niệm vui khi bị nhiều người dân đến tiêm nhận nhầm là con trai, thậm chí còn ngỏ lời giới thiệu con gái của họ cho cô vì cảm thấy quý mến.
“Một phần do đồ bảo hộ kín mít, bọn mình cũng hạn chế nói chuyện, phần khác là vì thấy mình nhiệt tình, mạnh mẽ quá nên nhiều cô chú hiểu lầm. Giờ nhớ lại, mình vẫn thấy vui và buồn cười”, Trang kể.
Còn với Thanh Tuyền, khoảng thời gian chống dịch đã đem đến cho cô nhiều người bạn mới, có cơ hội được học hỏi các anh chị dày dặn kinh nghiệm hơn.
“Mình đã trưởng thành, tự lập hơn trước nhiều. Bây giờ, giống như bao người khác, mình chỉ mong mau mau hết dịch để cuộc sống trở lại bình thường, người dân bớt khổ. Chị em mình được về quê gặp và ôm mẹ thật chặt”, Tuyền chia sẻ.
Tấm lòng thơm thảo chủ trọ Sài Gòn: Giảm tiền phòng, tặng đồ ăn
Trong những ngày bùng phát dịch, anh Q. cùng vợ đã hỗ trợ giảm hoặc miễn phí tiền phòng, tặng rau củ cho bà con trong khu trọ.
Sài Gòn bùng phát dịch đợt 4, nhiều người bình thường bỗng nhiên trở thành "anh hùng" khi nhiệt tình hỗ trợ cho đời sống của bà con nghèo. Như mới đây, báo Thanh Niên đưa tin về câu chuyện của anh P.P.Q (48 tuổi), trú tại hẻm 79 đường Trần Văn Đang, quận 3, TP.HCM.
Là chủ trọ ở quận 3 nhưng trong những ngày qua, anh Q. rong ruổi tại nhiều nơi để giúp đỡ mọi người. (Ảnh: Thanh Niên)
Trước khi dịch bùng phát, anh Q. là chủ trọ, sở hữu khoảng 20 phòng trong căn nhà 4 tầng. Khách thuê chủ yếu là sinh viên và hộ gia đình nhỏ. Dịch diễn biến nhanh, nhiều người trong khu trọ của anh bị ảnh hưởng nặng, đặc biệt là một số bạn sinh viên không thể về quê.
Hiểu được nỗi lòng của những người ở lại, suốt 3 tháng vừa qua, anh Q. cùng vợ thường xuyên hỗ trợ rau củ tươi sạch, lương thực thiết yếu cho bà con trong khu trọ, các hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp. Không dừng lại ở đó, anh còn miễn phí toàn bộ tiền phòng, giúp mọi người giảm gánh nặng về áp lực kinh tế.
Gia đình anh Q. sắp xếp từng phần quà để tặng cho bà khó khăn. (Ảnh: L.N)
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Q. cho biết mình từng là phượt thủ, thường xuyên làm đại sứ thương hiệu cho một số nhãn hàng nên thu nhập khá. Song song đó, vợ chồng anh cũng mở nhà trọ, tiền phòng đủ chi trả cho các hoạt động sống thường nhật. Anh cho biết thêm: " Mùa dịch đâu lấy tiền ai đâu, mới đầu cũng giảm giảm, sau đó tụi nhỏ khổ quá có lấy tiền đâu. Cứ nói quà đây này, ở dưới này có đầy đủ đồ ăn hết tụi con cứ xuống đây lấy, gạo đường trứng sữa cứ lấy tụi con ăn ".
Hiện tại, anh Q. còn đang thực hiện một số dự án nhỏ, vận động nguồn lương thực để hỗ trợ cho bà con nghèo trên địa bàn thành phố. Song song đó, những ngày dịch bệnh, chỉ cần nghe thấy ai đói hay là F0 tại nhà và khó khăn, anh lập tức chở oxy, thuốc men đến hỗ trợ. Có những ngày, làm việc xuyên đêm, chỉ được chợp mắt 1-2 tiếng nhưng anh Q. vẫn không từ bỏ. Dù khá lo ngại trước vấn đề lây nhiễm, thế nhưng khi thấy mọi người hạnh phúc vì được nhận quà thì lại có thêm động lực để vượt qua nỗi sợ đó.
Nhiều tình nguyện viên khuân bình oxy nặng trên vai, giúp đỡ cho F0. (Ảnh: Công an TP.HCM)
Chẳng riêng mình anh Q., rất nhiều chủ trọ khác ở Sài Gòn cũng tốt bụng chẳng kém. Điển hình là câu chuyện của gia đình ông N.V.T (quận Bình Thạnh, TP.HCM), vừa giảm tiền trọ, vừa nấu ăn tặng cho khách thuê khó khăn.
Cụ thể, báo Thanh Niên đưa tin, ông T. hay còn được mọi người ưu ái gọi là "Chú Út", hiện đang sở hữu dãy nhà trọ tại hẻm 352 đường Bình Quới. Trong thời gian dịch bùng, ông đã giảm 50% tiền trọ và dặn dò bà con phải giữ phòng sạch sẽ, tuân thủ nghiêm túc quy định phòng dịch của Bộ Y tế. Được biết, trước đó, chú Út từng giảm 2 tháng tiền trọ cho bà con nghèo vào đợt dịch năm 2020.
Bà con hỗ trợ nhau từng chiếc bánh, gói mì trong thời điểm dịch khó khăn. (Ảnh: Người Lao Động)
Điều này cũng được anh N. - con trai chú Út ủng hộ và hưởng ứng nhiệt tình. Sau khi bố giảm tiền trọ cho khách thuê, anh đã nấu đồ ăn và gửi tặng bà con. Ngoài ra, anh N. còn vận động bạn bè quyên góp lương thực, chia đều cho hàng xóm sống trong khu hẻm. Với những hành động tử tế đó, gia đình chú Út, anh N. chỉ mong dịch bệnh sớm qua để bà con được trở lại bình thường.
Người Sài Gòn rất hào sảng, dù ở trong tâm dịch vẫn cố gắng san sẻ chút nghĩa tình ít ỏi để hỗ trợ cho bà con khó khăn. Từ những câu chuyện trên, bạn có suy nghĩ như thế nào? Hãy cùng chia sẻ nhé!
1.500 sinh viên, giảng viên trường CĐ Y tế Bạch Mai lên đường chi viện TP.HCM Chỉ sau 24 giờ kêu gọi, 1.500 sinh viên và giảng viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai (Hà Nội) đã xung phong lên đường tham gia chống dịch tại TP.HCM. Chiều 21/8, gần 200 thành viên trong đoàn xuất quân trước, nhóm còn lại dự kiến rời Hà Nội vào các ngày 22 và 23/8. 1.500 sinh viên, giảng viên trường...