3 bước để Mỹ tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS)
Đúng vào kỷ niệm 13 năm ngày khủng bố tấn công Mỹ, 9/11/2001, Tổng thống Barack Obama sẽ vạch ra chiến lược chống nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS). Trong lúc chờ đợi, một kịch bản nước Mỹ tiêu diệt IS được đưa ra.
Tổng thống Obama họp bàn với lãnh đạo lưỡng viện quốc hội để trình bày kế hoạch chống IS tại Nhà Trắng ngày 9/9
IS chưa là tổ chức khủng bố có phạm vi quốc tế mà mới chỉ hoạt động tại Syria và Iraq. IS nhắm mục tiêu hình thành một Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, với lý tưởng sẽ phát triển một vương quốc Hồi giáo toàn cầu. Mục tiêu và lý tưởng này còn quá xa vời, nhưng nạn nhân của họ đã là những nhóm dân tộc thiểu số khác giáo lý và một hành động thể hiện sự tàn ác là vụ cắt đầu hai nhà báo Mỹ bị bắt giữ làm con tin. Ngoài ra, mối đe dọa tiềm tàng của nhóm này còn nằm ở chỗ những chiến binh Hồi giáo quá khích từ các quốc gia khác tới Syria tham gia IS, có thể trở về tiến hành những hoạt động khủng bố trong nước.
Video đang HOT
IS có lực lượng khoảng 30.000 chiến binh với tinh thần và khả năng chiến đấu cao, vũ khí cùng trang bị quân sự, kể cả một ít trang bị hạng nặng, thích ứng cho cuộc chiến đấu trên địa bàn Trung Đông. Theo tình báo Iraq, ngân quỹ IS khoảng 2 tỷ USD, thu nhập bằng nhiều nguồn khác nhau, trong đó 20% từ tống tiền, bắt cóc đòi tiền chuộc. Như vậy đây là nhóm giàu nhất trong các nhóm Thánh chiến Hồi giáo. IS có hệ thống tuyên truyền rất hiệu quả, sử dụng kỹ thuật thông tin để truyền bá lý tưởng và đặc biệt để chiêu mộ những phần tử cực đoan tham gia trở thành chiến binh.
Trong hoàn cảnh phức tạp của các phe phái, chủng tộc, tôn giáo ở Trung Đông, IS có sự hỗ trợ, hợp tác tự nguyện hay miễn cưỡng của rất nhiều nhóm, kể cả nhũng nhóm có vũ trang. Hiện nay, IS đã đoạn giao với al-Qaeda ở Iraq, nhưng có liên hệ với nhiều tổ chức khủng bố Hồi giáo từ châu Phi đến Đông Nam Á.
Tờ New York Times, dẫn nguồn tin từ các giới chức Nhà Trắng, nói rằng Chính quyền Obama chuẩn bị một chiến lược lâu dài để tiêu diệt IS trong nhiều năm kể cả sau khi Tổng thống đã mãn nhiệm kỳ. Ngày hôm nay (11/9) theo giờ Mỹ, Tổng thống Obama sẽ phác họa những kế hoạch ấy trong cuộc gặp gỡ các lãnh đạo quốc hội thuộc cả hai đảng ở Nhà Trắng. Theo New York Times, chiến lược đánh IS của ông Obama sẽ gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 là bằng không lực. Chiến dịch này khởi đầu từ ngày 8/8 khi Tổng thống Obama ra lệnh cho máy bay Mỹ tấn công lực lượng chiến binh Hồi giáo để trợ giúp quân đội Iraq chặn đứng đà tiến của IS và cứu các sắc dân thiểu số bị IS tàn sát. Cho đến nay, máy bay Mỹ đã xuất kích 143 phi vụ, giúp quân Iraq đẩy lui địch khỏi đập Mosul, bảo vệ được thủ phủ Erbil của dân Kurdnơi có lãnh sự quán Mỹ cùng nhiều chuyên viên các công ty dầu lửa Mỹ làm việcvà khu vực mỏ dầu quan trọng ở Kirkuk.
Giai đoạn 2 là gia tăng huấn luyện, cố vấn, trang bị cho quân đội Iraq, chiến binh người Kurd và bất cứ bộ tộc Hồi giáo Sunni nào chống IS. Giai đoạn 2 khởi đầu sau khi Iraq lập tân chính phủ, có nghĩa là có thể ngay trong tuần này.
Giai đoạn 3 nhiều ảnh hưởng đến chính trị, đòi hỏi không kích IS ngay trong lãnh thổ Syria. Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tháng trước không tỏ sự phản đối nhưng đã cảnh báo rằng Washington phải được sự chấp thuận trước. Không có thỏa thuận này, các máy bay Mỹ sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm vì hỏa lực phòng không của IS cũng như quân đội Syria.
Ngày 8/9, Tổng thống Obama thề sẽ tiến công chống các thành phần Hồi giáo quá khích. Ngoại trưởng John Kerry sẽ đi Trung Đông để bảo đảm có sự hậu thuẫn của các nước Arập trong chiến dịch chống IS. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel hôm 9/9 cũng đến vận động Thổ Nhĩ Kỳ và có thể đề nghị nước này đóng cửa biên giới Syria, con đường thông thường của các chiến binh Hồi giáo từ phương Tây.
Hôm qua, Liên đoàn Arập đồng ý thi hành những biện pháp khẩn cấp chống lại các phần tử quá khích như IS. Tuy nhiên, nghị quyết đưa ra vào lúc nửa đêm sau một ngày họp của 22 Bộ trưởng ngoại giao, không xác định ủng hộ hành động quân sự của Mỹ như mong mỏi của Tổng thống Obama về một liên minh quốc tế chống tổ chức này. Bản nghị quyết kêu gọi thi hành những biện pháp chính trị, quốc phòng, an ninh và pháp lý, tuy nhiên không nói thêm chi tiết.
Như thế, sau al-Qaeda, tổ chức khủng bố Hồi giáo IS đang là mục tiêu diệt trừ của các quốc gia phương Phương do Mỹ chủ đạo.
Tương lai của cuộc chiến này sẽ tùy thuộc phần lớn vào sự trợ giúp của Mỹ trong việc bảo vệ Iraq.
Theo PetroTimes