3 bệnh nhân COVID-19 tái nhiễm: Kỹ thuật RT-PCR rất nhạy, khó có sai sót
Theo tin từ Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, tới sáng 27.4 đã ghi nhận thêm 3 ca mắc COVID-19 nghi ngờ dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bệnh. Dù vậy, theo chuyên gia, khó có khả năng lây nhiễm thứ phát từ bệnh nhân đã điều trị khỏi.
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh: Việt Nguyễn- Sơn Tùng
Bệnh nhân 74: được Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh điều trị và được công bố khỏi bệnh ngày 10.4, về nhà cách ly tại Phú Thọ. Trong quá trình cách ly, bệnh nhân không sốt, không ho, không khó thở.
Ngày 25.4, sau 14 ngày cách ly tại nhà, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, nghi ngờ dương tính lại với virus SARS-CoV-2, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Hai ca nghi ngờ tái dương tính còn lại là bệnh nhân 207 và bệnh nhân 224.
Bệnh nhân 207 được Bệnh viện Dã chiến Củ Chi công bố khỏi bệnh ngày 18.4; bệnh nhân này nhập viện ngày 1.4 và đã 3 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính (ngày 13, 15 và 17.4.2020).
Ngày 18.4, bệnh nhân đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Ngày 25.4.2020, được theo dõi tại nhà, xét nghiệm lại và cho kết quả dương tính trở lại.
Bệnh nhân 224 được bệnh viện Dã chiến Củ Chi cho công bố khỏi bệnh ngày 18.4. Bệnh nhân này vào viện ngày 30.3 và đã có 5 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính (ngày 12, 13, 15, 15 và 16.4.2020).
Video đang HOT
Bệnh nhân đủ điều kiện công bố khỏi bệnh ngày 18.4. Ngày 23.4.2020, sau khi theo dõi tại nhà, được xét nghiệm lại và cho kết quả dương tính trở lại.
Hiện cả hai bệnh nhân này đã được đưa vào Bệnh viện Dã Chiến Củ Chi theo dõi điều trị.
Trong thời gian cách ly tại nhà, các bệnh nhân trên đều được giám sát y tế chặt chẽ.
Khó có thể xảy ra sai sót trong xét nghiệm vì kỹ thuật RT-PCR rất nhạy
Trả lời về việc các bệnh nhân mắc COVID-19 dương tính trở lại, TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho hay thụ thể yêu thích của SARS-CoV-2 là ở phổi, không nhiều ở trên vùng hầu họng. Chính vì vậy, khi người bệnh có triệu chứng, virus đã tấn công xuống đến phổi. Khi điều trị 6-7 ngày đến hết triệu chứng, việc lấy mẫu hầu họng gần như khó có thể bắt được virus.
Khi bệnh nhân đã có 2 lần âm tính (hết triệu chứng và thêm 6 ngày chờ lấy mẫu), đa phần lần xét nghiệm tiếp theo là âm tính nhưng không loại trừ trường hợp có tổn thương ở phổi, tế bào nhiễm virus vẫn bị vỡ và giải phóng các vật liệu di truyền của virus. Lúc này, virus không gây bệnh nhưng vẫn bị bài xuất khỏi phổi, xét nghiệm ở những hệ thống nhạy vẫn cho kết quả dương tính.
“Cần lưu ý là dương tính khi phát hiện vật liệu di truyền của virus không có nghĩa là nhiễm bệnh. Trong những bệnh nhân phục hồi, có người không có triệu chứng, nhưng một số người có triệu chứng ho, khó chịu do tiết ra chất nhầy để đào thải những tế bào tổn thương còn sót lại, sẽ có những vật liệu di truyền của virus. Lúc này, khi lấy mẫu có thể có kết quả xét nghiệm dương tính”, bác sĩ Thái cho hay.
Theo chuyên gia này, đến nay, chưa thấy bằng chứng về khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sau khi đã hồi phục. Thế giới chưa ghi nhận những ca lây nhiễm thứ phát từ bệnh nhân đã điều trị khỏi. Tuy nhiên, các cơ sở y tế vẫn tiếp tục giữ những bệnh nhân sau hồi phục để phục vụ công tác giám sát, nghiên cứu nhằm hiểu biết rõ hơn về cơ chế gây bệnh của loại virus còn rất mới này.
“Việc sai sót trong xét nghiệm là khó có thể xảy ra vì kỹ thuật RT-PCR rất nhạy, chỉ cần thấy sót lại một vài vật liệu di truyền của virus là sẽ có kết quả dương tính. Dương tính trong xét nghiệm RT-PCR nghĩa là tìm thấy vật liệu di truyền của SARS-CoV-2, không có nghĩa là tìm thấy virus còn sống và đang gây bệnh”, bác sĩ Thái nhận định.
THÙY LINH
Sự thật về chuyện 'tái nhiễm' SARS-CoV-2
Thông tin "3-10% bệnh nhân phục hồi ở Vũ Hán tái dương tính với SARS- CoV-2" xuất hiện trên các phương tiện truyền thông vừa qua khiến giới khoa học giật mình. Tuy nhiên, sự thật có phải như vậy?
Những thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 được nhiều người quan tâm. Do vậy, các thông tin liên quan đến khoa học của bệnh này cần phải có ý kiến kiểm chứng của các chuyên gia khoa học trong lĩnh vực này.
Thời gian gần đây xuất hiện một thông tin trên một số phương tiện truyền thông làm giật mình giới khoa học rằng, "3-10% bệnh nhân phục hồi ở Vũ Hán tái dương tính với SARS- CoV-2 theo các nghiên cứu khoa học của các bệnh viện ở Vũ Hán". Nếu tin này là đúng thì đây là một thảm hoạ cho thế giới. Vậy sự thật là gì?
TSKH Nguyễn Quốc Bình, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM
Xét trên khía cạnh chuyên môn, "tái dương tính" khác với "tái nhiễm". Tái dương tính có nghĩa là sự hiện diện của virus vẫn còn trong cơ thể bệnh nhân ở lần xét nghiệm sau mà những xét nghiệm lần trước không xác định được, có thể do sai sót cách làm xét nghiệm dẫn đến âm tính giả, hoặc bệnh nhân tái nhiễm bệnh. Trong khi đó "tái nhiễm" chỉ có thể là tái nhiễm bệnh.
Vậy thông tin tái dương tính trên có xác thực hay không? Cần hiểu thế nào cho đúng. Thứ nhất việc xét nghiệm trên diện rộng dẫn đến sai sót trong kết quả là chuyện rất dễ xảy ra, nhất là trong trường hợp chống dịch của thế giới hiện tại. Thứ hai: chưa có một bài báo khoa học nào được đăng (thông qua hội đồng khoa học) nói về sự tái nhiễm của virus SARS-CoV-2, nhất là với tỷ lệ tái nhiễm cao ngất trời như nêu trên. Thông tin chính thức của chính phủ Trung Quốc cũng không đưa tin về các ca nhiễm mới hay tái nhiễm ở Vũ Hán. Do vậy, tái dương tính có thể là tin không chính xác, hoặc giả là thông tin chưa xử lý của một số xét nghiệm không chính xác.
Trên khía cạnh khoa học, cơ thể con người có thể bị tái nhiễm cùng một loại vi khuẩn (bacterie) chứ ít khi có trường hợp tái nhiễm ngay lập tức cùng loại virus. Nguyên lý kháng virus là cơ thể tạo ra đội quân diệt virus của chính mình mới khỏi được bệnh. Các loại thuốc chỉ giúp cơ thể ngăn chặn hoặc giảm sự nhân lên của virus chứ không diệt được chúng.
Các bệnh nhân dịch bệnh COVID-19 đang được chăm sóc tại bệnh viên Trung ương Vũ Hán. Ảnh Bệnh viện Trung ương Vũ Hán
Mỗi khi đội quân này đã được tạo ra để diệt được hết virus (khỏi bệnh) thì khả năng tái xâm nhiễm của loại virus đó hầu như bằng không. Có thể có một tỷ lệ rất, rất nhỏ trường hợp (~1/1000000) bị tái nhiễm là do cơ thể bị suy kiệt hoàn toàn. Việc tái nhiễm với tỷ lện 3-10% là hoàn toàn không thực. nếu đó là thực thì đây là một thảm hoạ cho thế giới.
Theo kiến thức khoa học và tổng hợp những thông tin đã công bố chính thức trên thế giới ta có thể nói rằng thông tin 3-10% bệnh nhân khỏi bệnh tái nhiễm trên là không có cơ sở. Nếu có chăng đó là những sai sót xét nghiệm đã có một tỷ lệ nhất định âm tính giả trong quá trình hồi phục của các bệnh nhân gây ra một tỷ lệ "tái dương tính" và gây ra sự hiểu lầm gây hoang mang này.
Hiện nay, tất cả mọi người đều mong muốn góp sức chống dịch. Việc xác minh một tin khoa học phải cần có chuyên gia khoa học góp sức. Với tư cách là người làm khoa học, tôi muốn đưa đến đọc giả một góc nhìn khoa học về thông tin liên quan đến bệnh dịch nghiệm trọng này
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quốc Bỉnh
Nguyên Phó giám đốc Trung tâm CNSH TP HCM; Chuyên gia Y tế công ty TWG
HUY THỊNH (GHI)
Phát triển loại khẩu trang đặc biệt có thể phát hiện virus corona Một loại khẩu trang đặc biệt có thể nhận diện sự có mặt của virus corona trong hơi thở người mang, đang được phát triển, hứa hẹn sẽ mang lại bước đột phá lớn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Một trong những vấn đề mà ngành y tế các nước, trong đó có Việt Nam gặp phải trong cuộc chiến chống dịch...