25% trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm chủng phòng bệnh
Hiện TP.HCM vẫn còn khoảng 16.269 trẻ em sinh từ tháng 6/2018 đến tháng 3/2019 (chiếm tỷ lệ 25%) nhưng vẫn chưa được tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ngày 29/5, thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, sau 3 tháng triển khai tiêm vắc xin ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP, đã có 23.316 liều vắc xin được tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi (gồm 11.670 mũi 1, 8.073 mũi 2 và 3.573 mũi 3).
Trong đó, ghi nhận 1.321 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, chiếm tỷ lệ 5,7% trên tổng số mũi tiêm; tương đương với tỷ lệ phản ứng thông thường của các vắc xin bạch hầu, uốn ván và ho gà khác; không có ca tai biến nặng sau tiêm chủng.
TP.HCM đã thực hiện tiêm hơn 23.000 liều vắc xin ComBE Five. Ảnh minh họa
Theo Đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, số liều vắc xin ComBE Five trên chỉ mới bao phủ khoảng 5% số trẻ cần tiêm chủng các mũi cơ bản phòng 6 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, HiB, bại liệt. Trong khi đó thì khoảng 70% số trẻ được tiêm chủng vắc xin này ở dịch vụ.
Video đang HOT
Như vậy, hiện TP.HCM vẫn còn khoảng 16.269 trẻ em sinh từ tháng 6/2018 đến tháng 3/2019 (chiếm tỷ lệ 25%) nhưng vẫn chưa được tiêm chủng phòng các bệnh này. Đây là nguy cơ rất lớn dẫn đến sự gia tăng số ca mắc các bệnh này trong thời gian tới nếu trẻ em không được tiêm chủng theo lịch.
Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo các bậc phụ huynh có con dưới 1 tuổi cần đưa con đi tiêm chủng theo đúng lịch tiêm bắt buộc do Bộ Y tế quy định.
Trẻ trên 1 tuổi thì cha mẹ cần xem lại sổ tiêm để biết đã tiêm đầy đủ cho con hay chưa. Phụ huynh có thể chọn vắc xin tiêm chủng mở rộng (miễn phí) hoặc dịch vụ (trẻ tiền) để hoàn thành mũi tiêm phòng bệnh cho con trẻ.
Trung tâm y tế dự phòng cũng lưu ý, theo Điều 8 Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế của Thủ tướng Chính phủ có quy định: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng”.
Theo congly
Sử dụng đồng thời 2 loại vắc xin 5 trong 1: Đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân
Bộ Y tế cho biết sẽ chính thức đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng thêm một loại vắc xin 5 trong 1, sử dụng song song với vắc xin ComBe Five (đã được sử dụng trong năm 2018)
Cần tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.
Vắc xin mới có thành phần tương tự vắc xin Combe Five
Theo đó, vắc xin được sử dụng đồng thời với vắc xin Combe Five là vắc xin DPT-VGB-Hib do Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất, có thành phần, lịch tiêm chủng và sử dụng tương tự như vắc xin Combe Five và vắc xin Quinvaxem đã được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ tháng 9 năm 2018. Tại Ấn Độ, vắc xin 5 trong 1 do SII sản xuất đã được cấp phép lưu hành và sử dụng tại Ấn Độ từ năm 2010, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đến nay, vắc xin đã được sử dụng trên 600 triệu liều tại 79 quốc gia trên thế giới, trong đó có Ấn Độ.
Vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) là vắc xin phối hợp có thành phần tương tự vắc xin Combe Five đã sử dụng gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, giải độc tố vi khuẩn uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt (toàn tế bào), kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn Hib. Vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) có tác dụng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib giống như vắc xin Combe Five và vắc xin Quinvaxem. Vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) có thành phần ho gà toàn tế bào, vì thế phản ứng sau tiêm vắc xin này sẽ tương tự phản ứng sau tiêm của vắc xin Combe Five và vắc xin Quinvaxem.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để đảm bảo an toàn tiêm chủng tại các địa phương cần tuân thủ đầy đủ quy trình tiêm chủng an toàn, thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng, tư vấn bà mẹ theo dõi phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Trong quá trình tiêm chủng, các bậc cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với các cán bộ y tế để theo dõi quá trình trẻ tiêm chủng và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.
Chưa ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm
Để chuẩn bị cho việc sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib (SII), thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc đảm bảo việc cung ứng vắc xin 5 trong 1 đầy đủ trong năm 2019, hiện nay Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã sẵn có cả 2 loại vắc xin 5 trong 1 nói trên, đảm bảo đủ nhu cầu trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ dưới 1 tuổi cũng như tiêm bù đầy đủ cho các trẻ chưa được tiêm vắc xin trong năm 2018. Theo đó, vắc xin DPT-VGB-Hib do SII sản xuất được sử dụng tiêm cho trẻ em tại 6 tỉnh là Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thừa Thiên-Huế, Bến Tre, Kon Tum từ tháng 5 đến tháng 7/2019.
GS.TS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vào ngày 16/5/2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) tại 5 huyện. Đến ngày 24/5, đã có 1.280 trẻ ở 59/152 xã được tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) và không ghi nhận bất kỳ trường hợp tai biến nặng nào sau tiêm chủng.
Tại 4 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Bến Tre, từ ngày 25/5 bắt đầu triển khai tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) và trong tháng 6/2019 sẽ triển khai tại KomTum. Dự án tiêm chủng mở rộng sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình tiêm và tiến hành tổng hợp kết quả, triển khai báo cáo Bộ Y tế vào cuối tháng 6/2019.
Hiện nay, nhiều dịch bệnh nguy hiểm đang có nguy cơ bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng. Với vắc xin mới được sử dụng đồng thời cùng vắc xin Combe Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng không chỉ giúp phòng ngừa các bệnh nguy hiểm mà còn giảm thiểu tình trạng khan hiếm vắc xin, đặc biệt là đối với những vắc xin nhập khẩu, cần nhiều thời gian để tiến hành các thủ tục mua vắc xin và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm định chất lượng của vắc xin.
Xuân Thủy
daidoanket
Việt Nam cấp phép lưu hành 8 loại vắc xin phòng nhiều bệnh giống Quinvaxem Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ngày 29/10 thông tin cơ quan này cấp phép lưu hành cho 8 loại vắc xin có tác dụng phòng nhiều bệnh, giống vắc xin Quinvaxem trong chương trình Tiêm chủng mở rộng đang bị hết tại các địa phương. Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, hiện nay, có...