24 giờ xanh ngát một màu Quy Nhơn
Quy Nhơn, bằng một sự vô tình mà giờ đây đã gần như chiếm được trọn tình cảm của tớ.
Nếu như trước đây, mỗi lần lên kế hoạch cho chuyến đi của mình, tớ đều bỏ qua các vùng biển đảo bởi vì ngại nắng gió, và vì cảm thấy bản thân dường như không mấy làm hứng thú với biển, thì sau chuyến đi này, mọi suy nghĩ của tớ đã hoàn toàn thay đổi. Cùng tớ khám phá xem Quy Nhơn có gì chơi khi bạn chỉ có một ngày ở đây nhé!
Tớ đến Quy Nhơn theo cái cách chóng vánh nhất, là một buổi tối lang thang trong chuyến đi Phú Yên, sau lời gợi ý của cậu bạn: “Hay sáng mai tớ chở cậu sang Quy Nhơn chơi cho biết, từ đây đi hơn 2 tiếng là đến nơi rồi”. Vậy là hai đứa ngồi mò mẫm một chút thông tin, và cũng may mắn khi có quen vài người bạn là dân địa phương Quy Nhơn nên được các bạn hỗ trợ sắp xếp lịch trình và các điểm ăn uống. 6 giờ sáng hôm sau hai đứa cùng nhau lon ton trên con xe máy sang đến Quy Nhơn.
Mặc dù chỉ có đúng 1 ngày duy nhất, nhưng với một lịch trình khá suôn sẻ, bọn tớ đã đi được 4 điểm nhất-định-phải-đi và ăn được 2 món nhất-định-phải-ăn, cũng gọi là đã được trải nghiệm trọn vẹn thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp.
1. Quy Nhơn có gì chơi vào buổi sáng?
Thiên đường biển đảo Kỳ Co
Hành trình 24 giờ của tớ bắt đầu tại bãi biển Kỳ Co, cách trung tâm thành phố khoảng 25 km. Tớ sẽ nói một chút về cách đến Kỳ Co trước nhé. Chắc 90% các cậu đều nghĩ rằng để vào được Kỳ Co, chỉ có một lựa chọn duy nhất đó là đi tàu hay cano đúng hông? Không phải đâu nhé, các cậu có thể vào Kỳ Co hoàn toàn bằng đường bộ luôn.
Kỳ Co một buổi sớm.
Một bên là núi, một bên là biển.
Thay vì lựa chọn đi cano với mức giá khá cao, từ 300 đến 400.000 VND (có bao gồm ăn trưa), thì đường bộ là lựa chọn có vẻ hợp lí hơn. Đầu tiên, để đi được đường bộ vào Kỳ Co, trên đoạn đường chạy vào khu du lịch này, các cậu phải cố gắng vượt qua những người chạy xe theo “mời đặt tour đi cano” bằng cách trả lời là “đã đặt tour rồi”, và cũng hãy hoàn toàn tin tưởng vào tớ rằng có “đường bộ”, vì những người đó sẽ nói với các cậu rằng cách duy nhất đến Kỳ Co là đi bằng cano mà thôi.
Sau đó thì nhớ chú ý ở bên phải, các cậu sẽ thấy có một cổng chào, cùng với một trạm thu phí, các cậu chạy theo lối này để vào nhé, giá vé chỉ 100.000 VND / người, bao gồm xe trung chuyển và vé vào Kỳ Co. Vì đường bộ để vào Kỳ Co khá khó, sau khi các cậu chạy xe vào từ cổng thu phí khoảng chừng 2 km thì sẽ có chỗ gửi xe để đi xe trung chuyển vào, nhớ là giữ xe xong phải đến chỗ người hướng dẫn để đăng ký tên nhé, không thì chờ mãi cũng không được trung chuyển đâu đó. Đúng là đoạn đường trung chuyển này không phải dạng vừa, uốn lượn vòng vèo ghê lắm, nên nếu các cậu bị say xe thì nên cân nhắc.
Đi sớm một chút để tranh thủ chụp vài chiếc hình.
Mặc dù là đến thành phố biển, nhưng “tâm hồn núi rừng” của tớ vẫn vẹn nguyên, vậy nên khi thấy tầng tầng lớp lớp núi bao quanh một màu biển xanh ngắt, tớ đã reo lên vì sung sướng! Kỳ Co lạ lắm, cho dù là một điạ điểm nổi tiếng và thu hút rất đông khách du lịch hằng năm nhưng vẫn không để phai mờ đi vẻ đẹp thiên nhiên vốn có.
Núi xanh ngát xanh.
Cát thì trải dài trắng mịn.
Màu biển xanh ngọc bích, trong nhìn được cả đáy, bãi cát trắng mịn và vô cùng sạch sẽ, không có bất kì một rác thải nào. Một điều khiến tớ cảm thấy hài lòng nữa đó là ở Kỳ Co có rất nhiều các chòi nhỏ để trốn nắng, hay con đường dọc bên núi cũng được lợp mái che để các cậu có thể dễ dàng di chuyển từ khu này qua khu khác. Các dịch vụ du lịch ở đây cũng rất chuyên nghiệp, nhân viên hỗ trợ cũng nhiệt tình và thân thiện.
Hoạt động Dù bay tại Kỳ Co.
Nước biển và cả bầu trời đều xanh trong như này chơi Dù bay thì đúng là quá tuyệt luôn í.
Còn đây là mái che trải dọc suốt đường đi.
Khu vực nhà hàng để du khách nghỉ ngơi. Tips: Nếu lựa chọn đường bộ thì các cậu có thể vào Kỳ Co sớm để tha hồ sống ảo luôn nhen, vì hầu hết mọi người đều chọn đi cano đến Kỳ Co, nhưng đến 8:30 sáng thì chuyến cano đầu tiên mới khởi hành nha.
Con đường ven biển Eo Gió
Eo Gió chính là điểm mà tớ mong đợi nhất trong hành trình 24 giờ này, và tớ đã không hề thất vọng vì Eo Gió thật sự rất xinh. Từ Kỳ Co đi khoảng 10 phút là đến rồi, nhưng khi tìm kiếm trên bản đồ Google thấy gần đến Eo Gió thì các cậu nên hỏi người dân địa phương để đi tiếp nhé, vì Google sẽ chỉ các cậu đến một đường rất nhỏ, không thể vào được.
Video đang HOT
Eo Gió đẹp không diễn tả nổi luôn.
Bởi vì Eo Gió được xem là điểm nổi tiếng nhất Quy Nhơn, nên khó tránh khỏi tình trạng đông đúc. Và thay vì phải “rẽ người để đi”, tớ chọn ngồi nghỉ ngơi một chút ở Kỳ Co, đến khoảng 11:00 mới đến Eo Gió, thời điểm nắng gắt nên vắng hơn hẳn. Nhưng các cậu yên tâm, chỉ cần đem theo một cây dù và thoa một chút kem chống nắng là đủ rồi, vì cho dù là giữa trưa nhưng Eo Gió vẫn có gió thổi lồng lộng mát rượi luôn nha.
Đoạn lan can phía trên trước khi bắt đầu vào Eo Gió.
Tuy đã 12 giờ trưa nhưng vẫn có nhiều khách du lịch đến tham quan.
Với tớ, Eo Gió là một tuyệt tác thiên nhiên không thể diễn tả hết bằng lời, từ vách núi cao kì lạ ôm trọn cả vùng biển xanh trong vắt, đến hàng ngàn viên đá được bào mòn bởi nước biển hay con đường đi bộ bậc thang kéo dài men theo lưng chừng núi.
Đoạn bậc thang với lan can đỏ siêu xinh.
Nước trong xanh đến tận đáy.
Ở đây có một kính quan sát để các cậu ngắm xa xa (nhưng thật ra cũng chẳng thấy gì hết trơn).
Nếu muốn tắm biển thì các cậu cũng có thể tắm ở đây luôn nha, bởi vì có vách núi cao che chắn nên có nhiều đoạn biển phía dưới im bóng, siêu mát. Tuy nhiên, một vài nơi dù nước cạn nhưng vẫn có bảng “Cấm Tắm”, các cậu nên tuân thủ nhen.
Lưu ý: Giá vé vào cửa là 20.000 VND
2. Buổi trưa
Đến trưa tớ quay ngược về lại thành phố để thưởng thức món bánh xèo tôm nhảy – một trong những đặc sản của Quy Nhơn. Được gợi ý từ một người bạn là dân địa phương, tớ chọn Bánh xèo tôm nhảy Anh Vũ ở địa chỉ 14 Diên Hồng. Ở đây có 3 quán bánh xèo liên tiếp, chỉ cần chạy xe đến ngó nghiêng một chút là được “mời chào” liên tục luôn.
Không gian quán bánh xèo Anh Vũ.
Tớ đến quán vào buổi trưa, tầm khoảng 13:00 nên khá vắng khách. Điều đầu tiên mà tớ thích nhất là không gian quán rộng rãi và siêu mát, sau quãng đường hơn 20 km từ Eo Gió lên đến thành phố thì đây đúng là thiên đường thật luôn. Tớ chọn 2 bánh xèo tôm nhảy, 1 bánh xèo bò và 1 bánh xèo mực cho hai người, mỗi bánh có giá 25.000 VND.
Phần ăn của bọn tớ gồm 2 bánh xèo tôm nhảy 1 bánh xèo bò 1 bánh xèo mực.
Tôm và bò tràn cả bánh luôn.
Bánh giòn và không bị thấm dầu mỡ nhiều, tôm bò khá ngon, riêng mực thì hơi bở nên tớ không thích lắm. Về phần phục vụ thì tớ đánh giá không cao lắm, các cô ở đây có vẻ không được nhẹ nhàng và thân thiện cho lắm, nhưng mà vẫn phục vụ đầy đủ, nếu thiếu rau hay bánh tráng cuốn, các cậu cứ thoải mái xin thêm.
Cuộn kèm rau, dưa và xoài nha.
3. Buổi chiều
Tháp Bánh Ít
Đến chiều, tớ lên đường khám phá một địa điểm mà theo tớ không được nhiều khách du lịch quan tâm đến – Tháp Bánh Ít – cách trung tâm thành phố chừng 15 km.
Đêm hôm trước, khi lựa chọn lịch trình, cậu bạn đi cùng cứ nhất quyết bảo tớ bỏ cái tháp này ra khỏi lịch trình, với lí do là “chẳng có gì đặc biệt đâu, tháp này chỗ nào cũng có…”, cũng may là tớ đã kiên định, nhất quyết đi cho bằng được. Đến rồi mới thấy, đây đúng là quyết định sáng suốt nhất trong chuyến đi.
Đường lên cụm tháp Bánh Ít.
Tháp bắt đầu xuất hiện rồi nè.
Tháp Bánh Ít là một trong những cụm tháp lâu đời nhất còn sót lại tại Việt Nam, bao gồm 4 tòa tháp lớn nhỏ với kiến trúc đặc sắc của người Chăm. Điểm đặc biệt là cả quần thể tháp đều nằm trên một ngọn đồi với 200 bậc thang, bao quanh là một khu vườn rộng, vậy nên lên đến đây gió thổi lồng lộng luôn, siêu mát nha.
Từ bên trong nhìn đến tòa tháp cao hơn.
Chất liệu gạch đỏ đặc trưng của người Chăm.
View từ bên trong tháp.
Các tòa tháp đều được xây từ những viên gạch đỏ thô ráp, được dính liền với nhau bằng một loại keo tinh chế từ thực vật mà sau hơn 100 năm mới được giải mã. Bởi vì nằm trên đồi cao, nên các cậu nên tham quan Tháp Bánh Ít vào buổi sáng hoặc chiều để có thể ngắm nhìn bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp.
Bậc thang đến một tòa tháp cao hơn.
Gió thổi lồng lộng luôn. Lưu ý: Giá vé vào cửa là 15.000 VND
Điểm đến cuối cùng cho hành trình 24 giờ của tớ là khu dã ngoại Trung Lương. Mặc dù cùng đường đến Eo Gió và Kỳ Co, nhưng vì không kịp thời gian cho buổi sáng, và một phần cũng muốn quay về thành phố để thử món bánh xèo cho buổi trưa nên tớ đã chọn quay trở lại Trung Lương vào lúc hoàng hôn. Từ Tháp Bánh Ít qua đến đây chừng khoảng 20 km nhé.
Trung Lương một chiều hoàng hôn.
Khu dã ngoại này cũng được bao bọc bởi núi.
Chắc tớ không cần phải nói nhiều thì các cậu cũng biết Trung Lương là khu cắm trại xinh bậc nhất Quy Nhơn rồi đúng không? Ở đây đúng như kiểu tớ thích, cỏ cây xanh ngút ngàn chen giữa những tảng đá vôi, thêm một vài giàn hoa giấy hồng, lại một vài căn nhà mái tranh nhỏ nhỏ xinh xinh, còn cả nước biển xanh ngắt ở bên dưới nữa chứ. Tha hồ cho các cậu sống ảo luôn, đáng tiếc là tớ đến nơi hơi muộn nên không chụp được nhiều hình.
Khu chụp hình, cũng là khu để các cậu cắm trại luôn nhen.
Một chiếc xích đu sống ảo.
Vẫn là một bãi biển xanh và vô cùng sạch.
Mặt trời đã khuất sau rặng núi.
À, vì ở đây là khu du lịch nên các cậu cần gì cũng có nha, từ khu tắm nước ngọt, xích đu ngồi nghỉ ngơi, khu nhà hàng ăn uống, tất tần tật luôn.
Lưu ý: Giá vé vào cửa là 35.000 VND
4. Buổi tối
Tớ chọn kết thúc một ngày rong ruổi bằng một tô bánh canh cua, đặc sản Nha Trang ở quán O Huệ ngụ tại số 30 Trường Chinh.
Chắc các cậu đang thắc mắc vì sao đến Quy Nhơn mà lại đi ăn món ăn của của Nha Trang phải không? Thật ra thì tớ cũng không biết đây là món của Nha Trang, cho đến khi tới quán và thấy bảng hiệu, nhưng vì đây là quán ăn mà người bạn địa phương của tớ cực kỳ đề cử nên tớ cứ thế đi thôi, và kết quả là tớ đã được thưởng thức một tô bánh canh cua mà phải nói là ngon nhất từ khi sinh ra tới giờ luôn.
Toàn bộ không gian quán.
Quán bán 2 loại bánh canh là bột mì và bột gạo, điểm đặc biệt là quán sẽ cắt sợi trụng tại chỗ chứ không nấu sẵn như những chỗ khác. Tớ chọn bánh canh bột gạo, sợi bánh canh cắt vừa phải, vừa chín ngon, nước dùng tuy nhìn hơi trong có vẻ nhạt, nhưng lại đậm vị và ngọt thanh, không dầu mỡ.
Nếu có dịp đến Quy Nhơn, bằng mọi giá các cậu phải ăn cho được một tô bánh canh ở đây thì mới xứng đáng nha.
Cua cũng nhiều mà thịt lại rất chắc nữa. Phục vụ thân thiện và siêu nhanh, mặc dù quán rất đông nhưng sau khi gọi chừng 5 phút là đã có rồi. Và trời ơi, tin được không, một tô bánh canh xuất sắc như vậy mà chỉ có giá 25.000 VND thôi đấy các cậu ơi.
Vậy là kết thúc 24 giờ chóng vánh ở Quy Nhơn, dù thời gian ngắn ngủi nhưng cũng không ngăn được tớ đi và yêu thành phố biển này. Điều khiến tớ yêu mến Quy Nhơn chính là cho dù là một điểm đến “du lịch hóa”, đón vô số khách hằng năm nhưng những cảnh đẹp ở đây vẫn giữ được nét thiên nhiên hoang sơ vốn có, một vài điểm được xây dựng thêm cũng chỉ là để tạo thuận tiện hơn cho khách du lịch chứ không hề làm ảnh hưởng đến cảnh quan.
Hành trình 24 giờ của tớ tuy đã đi qua những điểm nhất-định-phải-đi, nhưng chắc chắn không thể nào khám phá được hết cái đẹp của Quy Nhơn, vậy nên dĩ nhiên tớ sẽ quay lại thành phố này vào một ngày không xa.
Theo blog.traveloka.com
Surf Bar: quán cafe "nhắm mắt thấy đại dương" đẹp từng đường nét ở Quy Nhơn
Đến Quy Nhơn mùa biển, ngoài những Eo Gió, Kỳ Co, đừng quên ghé thăm vô số quán cafe view biển đẹp thơ mộng. Ví như thiên đường Surf Bar chẳng hạn.
Surf Bar nằm trên một bãi cát vàng óng ả ven bờ biển Quy Nhơn, trên con đường Xuân Diệu thơ mộng. Mang phong cách những quán cafe ven biển Địa Trung Hải lãng mạn và mộng mơ, Surf Bar đem đến cho du khách bầu không khí khoáng đạt tràn ngập hơi thở biển, decor đèn nháy lung linh như ánh sao rực rỡ trong đêm. Nội thất gỗ đơn sơ cùng gối tựa màu xanh ngọc bích - cam nổi bần bật biến Surf Bar thành địa điểm check-in ảo diệu bậc nhất thành phố biển xinh đẹp này.
Bàn ghế gỗ ở Surf Bar được sơn gam màu trắng - xanh biển tươi mát mà bạn có thể tìm thấy ở kiến trúc truyền thống vùng biển đảo Hy Lạp; hoặc để màu thuần gỗ dung dị và đơn sơ. Từ Surf Bar, khung cảnh bình minh lên hoặc hoàng hôn buông trên biển Quy Nhơn trở nên đẹp đẽ đến lặng người.
Du khách có thể ghé Surf Bar mọi lúc trong ngày, nhưng buổi tối là thời điểm tuyệt vời nhất để thưởng thức ly nước mát lạnh vùng nhiệt đới và lắng nghe sóng biển rì rào. Những câu chuyện thêm rôm rả trong bầu không khí rất tình, ánh đèn vàng và những tấm rèm xanh lam bay phấp phới trong gió biển tô điểm thêm chút lãng mạn trong một đêm hè duyên dáng.
Surf Bar không chỉ nổi tiếng bởi background sống ảo đẹp long lanh. Surf Bar còn được biết đến với những thức đồ uống pha chế đặc biệt mà giá tiền lại rẻ đến bất ngờ. Bạn có thể tìm thấy ở đây những ly matcha đá còn nguyên vị trà xanh tươi mới mát lành, cafe Lâm Đồng sánh mịn ngọt đắng đan xen hay sinh tố, nước ép mát lịm tan chảy cả ngày hè.
Tuyệt vời là thế nên Surf Bar giờ đây có hẳn hai cơ sở đều nằm ven bãi biển trên đường Xuân Diệu, với phong cách decor khá tương đồng. Sự khác biệt giữa Surf Bar 1 và Surf Bar 2 chủ yếu nằm ở gam màu sắc tinh tế, hài hòa. Tựu chung lại, bạn nên thử ngắm hoàng hôn ở cả hai quán cafe đẹp nhất Quy Nhơn này để cảm nhận được vẻ đẹp lãng mạn nơi thành phố biển đáng mến này.
Một số hình ảnh check-in ảo diệu tại Surf Bar gây bão MXH:
Theo TTVH
Lịch trình gợi ý nếu bạn chỉ có một ngày ở Quy Nhơn Sau khi đón bình minh trên cầu Thị Nại, du khách có thể đến bãi Kỳ Co, Eo Gió và nhâm nhi đồ uống trên bãi biển vào cuối ngày. 5h: Ngắm bình minh trên cầu Thị Nại Cây cầu dài gần 7 km nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai, từng là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam....