2/3 phim truyện dài dự thi LHP quốc tế Hà Nội không gây ấn tượng
Bước sang ngày thứ 3 của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 5, có 7 trong tổng số 12 phim truyện dài đã được trình chiếu, nhưng chưa thực sự có phim nào gây ấn tượng và chạm tới trái tim khán giả.
Ngày thứ 3 của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 5 đã diễn ra với rất nhiều hoạt động, trong đó gây chú ý là các suất chiếu phim tại các cụm rạp với những bộ phim dài dự thi được các nhà báo và khán giả chờ đợi.
Phim “Nhắm mắt thấy mùa hè” của Việt Nam tranh giải tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 5
Trong tổng số 12 phim tranh giải phim truyện xuất sắc nhất, 7 bộ phim đã được trình chiếu cho Ban giám khảo, các nhà báo và giới chuyên môn xem. Tuy nhiên, nhận xét chung về các bộ phim đó, nhiều nhà báo cũng như giới chuyên môn đều thống nhất chưa có phim nào thật sự xuất sắc, gây ấn tượng.
“Đêm yên lặng” của Ba Lan là câu chuyện kể về chàng trai trở về quê nhà ở Ba Lan trong mùa Giáng sinh. Anh đã cùng gia đình có một khoảng thời gian ngắn để cùng đón lễ Giáng sinh và thông báo rằng vợ chồng anh sắp có em bé. Anh dự định sau đó sẽ trở về Hà Lan để tiếp tục cuộc sống của mình. Adam đã vạch ra một kế hoạch sẽ đưa vợ con sang đó ở cùng mình và dự định bữa tối sum họp sẽ là lúc Adam thông báo chuyện của mình…
Cách kể câu chuyện khá đơn giản, xoay quanh trong ngôi nhà với sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Phim cũng không có kịch tính, chỉ một chút cao trào được đạo diễn đẩy lên. Thậm chí phim có lối kể còn hơi rườm rà ở phần đầu của phim. Tuy nhiên, phim cũng phần nào toát lên được nét riêng, đời sống, sinh hoạt của một gia đình người Ba Lan và văn hoá truyền thống đón Giáng sinh quây quần bên gia đình.
Video đang HOT
Khán giả Hoàng Thanh, ở khu tập thể Kim Liên, Đống Đa chia sẻ, phim hơi dài dòng, khiến người xem bị mệt mỏi, bởi vốn dĩ từ đầu tới cuối phim đã ở không khí trầm.
Còn với phim “ Danh xưng” của Nhật Bản, thì cách kể chuyện còn khiến người xem khó hiểu với quá nhiều phân cảnh đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Nội dung câu chuyện xoay quay cuộc sống của nhân vật Masao (45 tuổi), khi anh thất bại trong kinh doanh và không một xu dính túi, bị vợ bỏ, con gái chết yểu. Cuộc sống đang dần đi vào bế tắc thì xuất hiện một nữ sinh tự nhận là con gái. Kể từ đó, cuộc sống của Masao đảo lộn, nhưng đây cũng là khoảng thời gian vui vẻ, có ý nghĩa đối với anh…
So với hai phim có cách kể chuyện có phần phẳng lặng thì phim “Tín hiệu trên đỉnh núi” của Phippines có một chút kịch tính. Cậu chuyện xoay quanh chàng trai Intoy sống vô tư và muốn giúp chị gái (đang sống tại Phần Lan) trong cuộc chiến giành quyền nuôi con khi chị gái ly dị. Để có thể liên lạc với chị gái, Intoy phải leo lên một ngọn núi trên đảo thì điện thoại mới có sóng. Đây cũng là nơi duy nhất người dân trên đảo có thể nói chuyện qua mạng với thế giới bên ngoài.
Trở lại cuộc chiến giành quyền nuôi con của chị gái Intoy, gia đình anh đã phải vượt biển trên con thuyền nhỏ trong lúc đang bão với gió to sóng lớn để vào đất liền, gặp gỡ thanh tra của Phần Lan chứng minh chị mình có tài sản, cuộc sống tốt để nuôi con…
Đây cũng là phần kịch tính, cao trào duy nhất trong phim, tuy nhiên phần này cũng không đem lại cho khán giả nhiều ấn tượng.
Nhìn chung, những phim đã trình chiếu chưa thực sự chạm tới trái tim khán giả, giống như lời chia sẻ của ông Oguri Kohei (Nhật Bản) – đạo diễn, biên kịch, Trưởng Ban Giám khảo phim truyện dài. Dù phim ở thể loại nào, cách kể chuyện ra sao, nhưng nếu như bộ phim tạo được cảm xúc, chạm tới trái tim khán giả thì đó là một bộ phim hay và thành công.
Ngày hôm nay 29.10, những phim tranh giải phim truyện dài của Việt Nam, Pháp… sẽ được trình chiếu tiếp. Rất nhiều khán giả Việt Nam đang hy vọng bởi phim Việt Nam “Nhắm mắt thấy mùa hè” dù không mang nhiều nét riêng, tính dân tộc nhưng cũng sẽ phần nào mang lại cảm xúc tới hội đồng Ban giám khảo cũng như các nhà báo.
Cũng trong ngày hôm nay 29.10, các hoạt động khác của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội được diễn ra như: Hội thảo với chủ đề “Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran” tại khách sạn Daewoo Hà Nội; Chiếu phim ngoài trời tại vườn hoa Lý Thái Tổ.
Điều gây bất ngờ và thú vị trong những ngày diễn ra Liên hoan phim Hà Nội là các rạp chiếu phim Việt Nam đương đại hầu như đều chật kín khán giả. Suất chiếu phim “ Cô ba Sài Gòn” đã không còn chỗ trống với nhiều thế hệ cả trẻ và người già đều đến xem và khen bộ phim làm chỉn chu, xúc động.
Theo Danviet.vn
Phim Việt Nam tranh giải LHP quốc tế Hà Nội thiếu nét riêng và tính dân tộc?
Ban tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 5 vừa công bố danh sách 12 phim dài dự thi, trong đó có phim Việt Nam "Nhắm mắt thấy mùa hè" của đạo diễn trẻ Cao Thuý Nhi.
Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2018 diễn ra từ 27-31.10 có sự tham dự của gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 500 phim truyện, phim ngắn (tài liệu, khoa học, hoạt hình). Trong đó, điều khiến giới điệu mộ điện ảnh quan tâm là danh sách phim truyện nhựa tranh giải tại Liên hoan, đặc biệt là đại diện phim Việt Nam tham dự.
Phim "Nhắm mắt thấy mùa hè" tham gia tranh giải phim truyện dài tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 5
Theo đó, Ban tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2018 vừa công bố 12 phim dài tham gia tranh giải bao gồm: "Anna Karenina: Chuyện kể của Vronsky" của Nga; "Buồng tối" của Iran; "Con nhộng" của Ấn Độ; "Danh xưng" của Nhật Bản; "Dân quê" của Serbia; "Đêm yên lặng" của Ba Lan; "Eva" của Pháp; "Luật đầu tiên - Câu chuyện của Pháp sư" của Argentina; "Muối đang rời xa biển" của Indonesia; "Nhắm mắt thấy mùa hè" của Việt Nam; "Nữ sinh A" của Hàn Quốc và "Tín hiệu trên đỉnh núi" của Philippines.
"Nhắm mắt thấy mùa hè" của đạo diễn Cao Thuý Nhi kể về cô gái tên Hạ đến thị trấn Higashikawa, Hokkaido, Nhật Bản để tìm cha và phát hiện ra ông đã mất vài năm trước. Lần theo những bức ảnh của cha để lại cũng là hành trình mà Hạ khám phá vùng đất Higashikawa, nơi cha cô sống và để lại tình yêu ở đó. Cũng trong hành trình này, Hạ gặp và nảy sinh tình cảm với chàng trai Nhật Bản Arika - học trò nhiếp ảnh của cha mình. Nhưng Arika mang bệnh nặng mà cô không hề hay biết...
Nhiều khán giả yêu điện ảnh khá bất ngờ khi bộ phim của đạo diễn trẻ Cao Thuý Nhi đã được Hội đồng tuyển chọn chấm để tham gia tranh giải tại Liên hoan năm nay. Bởi bộ phim chưa mang được nét riêng, đậm nét văn hoá của Việt Nam. Xem phim khán giả không thấy được đời sống, con người, cảnh vật Việt Nam trong khi phim chủ yếu là các cảnh quay tại Nhật Bản. Vì vậy, nhiều khán giả yêu điện ảnh cảm thấy tiếc vì Việt Nam ít cơ hội giới thiệu văn hoá, phong cảnh và đời sống của người Việt với bạn bè quốc tế.
Nhận xét về chất lượng các phim dài tranh giải, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ: "Tôi đánh giá cao chất lượng phim tham gia tranh giải năm nay, dù chưa xem hết các phim để nhận xét cụ thể. Nhưng nhìn chung chất lượng phim năm nay tốt, đồng đều. Mỗi nước đều có đời sống của họ, cho dù mình không đến nước của họ nhưng khi xem phim thấy được phong tục, đời sống, sinh hoạt hàng ngày của họ. Những mối quan hệ, cha con, chồng vợ... đều được thể hiện ở mỗi phim. Mỗi nước có một nét riêng của họ.
Tuy nhiên những phim do Việt Nam sản xuất thì có vẻ chưa được thực tế, chưa sát với đời sống. Tôi xem phim Việt Nam thì thấy như ở thế giới nào đó, toàn nhà đẹp, xe đẹp, quần áo hàng hiệu, đời sống giàu có, sanh chảnh. Tức là tính dân tộc, đời sống đương đại trong phim Việt Nam hơi ít".
LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 5 sẽ diễn ra ngày 4 ngày tại Cung Văn hoá Hữu Nghị, Hà Nội. Lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp vào 20h ngày 27.10 trên VTV2. Lễ bế mạc và trao giải vào 20h ngày 31.10 trên kênh VTV1.
Chia sẻ về 12 bộ phim dài tham gia tranh giải, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục điện ảnh, Trưởng ban tổ chức cho biết: "Từ hàng trăm bộ phim gửi đến tham dự, BTC Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã chọn ra 12 bộ phim chất lượng cao và đáp ứng quy định của Liên hoan phim để đưa vào hạng mục Phim dài dự thi. Đây là những tác phẩm mới được sản xuất không chỉ gây được ấn tượng ở chính quốc gia nơi bộ phim ra đời mà còn tham dự một số Liên hoan phim quốc tế tên tuổi trên thiế giới ngoài khu vực châu Á trong năm 2018 như Liên hoan phim Cannes, Liên hoan phim Berlin...
Nét độc đáo của chùm phim dài dự thi Liên hoan phim Hà Nội là những bộ phim do các đạo diễn ở các thế hệ khác nhau thực hiện. Có đạo diễn mà tên tuổi và sự nghiệp đã được điện ảnh thế giới ghi nhận, nhưng cũng có những đạo diễn trẻ, sinh vào giữa thập niên 1980. Mỗi nhà làm phim, bằng thế giới quan riêng, sẽ chuyển tải trong tác phẩm mới và đặc sắc những câu chuyện của cá nhân họ.
Các phim đều tập trung khắc hoạ rõ nét thế giới nội tâm nhân vật khi đặt trong mối quan hệ gia đình và xã hội. Dù có những suy nghĩ khác biệt về lối sống, cách ứng xử nhưng cuối cùng tình yêu thương đã vượt lên tất và đây chính là sợi dây xuyên suốt, kết nối cảm xúc, tìm được đồng cảm của khán giả, bất kể sự khác biệt về ngôn ngữ, vùng miền, văn hoá, dân tộc".
Theo danviet.vn
Phim dài duy nhất của Việt Nam tại LHP Quốc tế Hà Nội "Nhắm mắt thấy mùa hè" là tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Cao Thúy Nhi từng gây thiện cảm với nhiều khán giả vào cuối tháng 5/2018 vừa qua. Đây cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF 2018) ở hạng mục phim dài. Theo lịch chiếu phim chính thức...