2020 sắp kết thúc mà tình hình phim ảnh bết bát thế này, Oscar tới biết làm gì đây?
Chưa bao giờ tình hình điện ảnh lại ảm đạm và cô quạnh đến mức chúng ta phải đặt ra câu hỏi: mùa Oscar tới liệu có phim gì tranh giải?
Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là năm 2020 sẽ kết thúc, một năm mà thế giới phải hứng chịu nhiều thảm họa và dịch bệnh. Một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm chính là ngành công nghiệp điện ảnh: các bộ phim bị dời lịch chiếu liên tục, việc sản xuất cũng gặp nhiều trở ngại gây thất thoát lớn. Thậm chí, khi phòng vé bắt đầu mở cửa trở lại với Tenet, The New Mutants hay Mulan thì phản hồi của công chúng cũng không được như kỳ vọng. Điều này làm dấy lên câu hỏi, liệu năm 2020 đã mang đến cho chúng ta một bộ phim tử tế và hấp dẫn nào chưa? Và kỳ Oscar sắp tới liệu có đủ ứng viên tiềm năng để mà trao giải?
Một mùa Oscar dễ dàng?
Oscar 2020 kết thúc với chiến thắng lừng lẫy của bộ phim Hàn Quốc Parasite làm cả thế giới phải ngả mũ nể phục. Thế nhưng để xét đến thời điểm này, chưa một bộ phim nào chạm được tới tầm của Parasite hay đối thủ của nó là Joker hoặc Marriage Story.
Chiến thắng đầy thuyết phục vừa rồi của Parasite đặt ra những kỳ vọng mới cho Oscar 2021
Có thể thấy, phần lớn những tác phẩm ra mắt trong năm 2020 đều thuộc dạng phim hành động xem sướng mắt, phim kinh dị giật thót tim hoặc hoạt hình. Cho dù có những tác phẩm được đánh giá cao như The Invisible Man của Universal, Da 5 Bloods của Netflix hay The Father của Sony, tất cả đều không tạo nổi tiếng tăm lớn và được thưởng thức bởi đại đa số công chúng. Khán giả có thể thấy tình hình điện ảnh năm nay “toang” đến mức nào khi Harley Quinn: Birds of Prey – bom tấn thất thu nhà Warner Bros. vẫn đang đứng chễm chệ tại tốp 3 những bộ phim “cá kiếm” nhất năm nay.
Nhiều tháng sau khi rạp chiếu vắng bóng những cái tên mới, sự xuất hiện của một vài bom tấn khiến nhiều người mong đợi một sự hồi sinh của Hollywood, tuy nhiên mọi thứ cũng không khá khẩm gì.
Mọi sự chú ý dồn vào Tenet – bộ phim với kinh phí khủng 225 triệu đô của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan. Thế nhưng, kỳ vọng nhiều để rồi lại thất vọng. Tenet vấp phải phản hồi trái chiều từ phần lớn các nhà phê bình hay thậm chí là khán giả với nội dung quá phức tạp cùng tầng nghĩa thông điệp kém nổi bật. Mulan ra mắt sau đó được lòng giới chuyên môn phương Tây thì lại bị ném gạch không thương tiếc tại Trung Quốc và các nước châu Á vì sự kệch cỡm trong nội dung và văn hóa của phim. Antebellum – bộ phim kinh dị được mong chờ thì ăn ngay điểm Rotten Tomatoes 34%, đủ để biết nó dở thế nào. The New Mutants thì như một trò đùa chẳng ai muốn nhớ đến.
Được quảng bá như một sản phẩm 10 năm có một, Tenet vẫn thất bại trong việc hồi sinh phòng vé
Antebellum bị khán giả dập không thương tiếc vì nội dung nửa mùa
Một trong những cái tên đáng gờm của năm nay là The French Dispatch của đạo diễn Wes Anderson với sự tham gia của cả một dàn sao sáng giá: Tilda Swinton, Frances McDormand, Jeffrey Wright, Bill Murray và “bé đào” Timothée Chalamet. Tuy nhiên, Disney đã lựa chọn hoãn ra mắt phim vô thời hạn vì dịch bệnh.
Chính vì vậy, có thể dự đoán giải Oscar sắp tới sẽ là một mùa giải “dễ chơi dễ trúng thưởng” khi không có một tác phẩm nào thực sự nổi bật hay mang tính bứt phá.
Vẫn còn chút hy vọng le lói từ giờ đến cuối năm?
Năm 2020 vẫn còn vài tháng nữa, và thời điểm từ giờ đến cuối năm cũng có sự xuất hiện của nhiều cái tên sáng giá cho mùa giải Oscar năm nay (trong trường hợp không phim nào bị dời lịch nữa).
Đáng mong chờ nhất có lẽ là bom tấn hoạt hình Soul của Pixar với đoạn trailer nhận được phản hồi rất tốt từ phía khán giả. Bộ phim có sự tham gia lồng tiếng của Jamie Foxx và Angela Bassett, được kỳ vọng sẽ trở thành một sản phẩm thành công như Inside Out với sự thể hiện na ná. Soul được dự kiến ra mắt vào ngày 20/11 tại Mỹ, tuy nhiên xem xét tình hình hiện tại và các động thái của Disney, khả năng cao việc phim ra mắt tại rạp sẽ không xảy ra.
Ngoài ra, Hollywood cũng đang trông chờ vào một vài gương mặt như West Side Story – bộ phim dựa trên bản nhạc kịch Broadway từ năm 1957 của đạo diễn Steven Spielberg hay Ammonite – tác phẩm chủ đề đồng tính nữ với sự tham gia của Saoirse Ronan và Kate Winslet kể về cuộc đời của nhà khảo cổ học người Anh Mary Anning trong những năm 1840. Phim được dự kiến phát hành vào tháng 11 năm nay.
The Assistant, Emma, The Way Back… cũng là một vài cái tên phù hợp cho Oscar nhưng lại rất xa lại với khán giả đại chúng
Dune – một bom tấn giả tưởng khổng lồ khác của Warner Bros. với cậu chàng Timothée Chalamet đóng chính cũng được lên lịch ra mắt vào ngày 18/12 năm nay. Bộ phim với phần hình ảnh và nội dung được đánh giá cao rất có thể sẽ trở thành ứng cử viên tầm cỡ tranh giải Phim hay nhất tại Oscar tới.
2020 là một năm ảm đạm đến não nề cho điện ảnh thế giới và các nhà làm phim. Khi thậm chí các bom tấn lớn nhất còn có khả năng thất thu thì còn cơ hội nào cho những tác phẩm độc lập, hàn lâm vốn đã kén chọn người xem nhưng lại là “gu” của Oscar? Với COVID-19 như một bóng ma dõi theo chỉ chờ chực tấn công, dường như chẳng nhà phát hành nào còn tâm trí để chạy theo cuộc đua giành lấy tượng vàng khi vấn đề doanh số đang bị đe dọa nặng nề. Oscar 2021 nhiều khả năng sẽ trở thành cuộc chơi của những kẻ yếu, hoặc của những cái tên chẳng mấy ai biết đến.
"Parasite", "Frozen" và "Vũ trụ điện ảnh Marvel": Phim siêu anh hùng 1 màu sẽ hết thời, ranh giới của siêu phẩm giải trí và phim Oscar đang dần được xóa nhòa?
Những câu chuyện về xã hội, giai cấp đang được đón nhận nồng nhiệt và rộng rãi sẽ là xu hướng điện ảnh của thập kỷ mới.
Khi "Parasite" làm nên lịch sử với Oscar đầu tiên cho một bộ phim Châu Á ở hạng mục "Phim xuất sắc nhất", tác phẩm này còn đánh dấu một xu hướng mới của phim ảnh. Từ "Us", tới "Knives Out", "Joker" và đỉnh cao "Parasite", có thể nhìn thấy một đường nét rõ ràng ở trào lưu làm phim mới của thế giới: những câu chuyện về xã hội, giai cấp và con người đang dần được đón nhận hơn ở ngưỡng cửa của thập kỷ mới.
Tác phẩm "Parasite" không chỉ chiến thắng ở khía cạnh hàn lâm và thành tựu. Nếu nhìn ở khía cạnh kinh tế, con số doanh thu mà "Parasite" đã thu được trên toàn thế giới là không hề nhỏ: 266 triệu USD so với kinh phí khiêm tốn 11 triệu USD mà nhà sản xuất bỏ ra.
Nếu xét doanh thu của các phim mang đề tài xã hội như "Joker", "Us" hay "Knives Out", có thể thấy những bộ phim một thời từng được cho là "kén khán giả", với quá ít tính giải trí mà lại cài cắm nhiều thông điệp, đang có sự vươn lên dữ dội. Để bàn sâu hơn về hiện tượng này, chúng ta sẽ nhìn lại chặng đường của studio lớn nhất thế giới: Walt Disney.
Sau nhiều thập kỷ gieo vào đầu trẻ nhỏ những khái niệm có phần đã lỗi thời về tính nữ, về tình yêu và định kiến giới, "Frozen" mở ra kỷ nguyên mới của nhà chuột Disney. - Headline Story
Bạn có nhớ Disney đã thành công trong việc khiến cả thế giới phải chủ động xem và nghe đi nghe lại một bài hát về nữ quyền vào năm 2013?
"Frozen", bộ phim hoạt hình tưởng chừng chỉ dành cho trẻ em, trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất lịch sử với 1.28 tỷ USD trước khi nhường ngôi lại cho chính phần tiếp theo của mình là "Frozen 2" ra mắt vào cuối năm ngoái. Nữ hoàng băng giá Elsa chiếm trọn trái tim khán giả đại chúng lẫn giới phê bình với tính nữ mạnh mẽ và thông điệp nữ quyền tinh tế mà ai cũng có thể hiểu và cảm. Có thể nói, sau nhiều thập kỷ gieo vào đầu trẻ nhỏ những khái niệm có phần đã lỗi thời về tính nữ, về tình yêu và định kiến giới, "Frozen" mở ra kỷ nguyên mới của "nhà chuột" Disney - kỷ nguyên tạm gọi là "đập đi xây lại".
Làn sóng phim mới của Disney lẫn hãng con Pixar sau đó cá tính hơn, đụng chạm những chủ đề nhức nhối và âm thầm gieo vào đầu trẻ em thế hệ mới những khái niệm phức tạp, tinh tế hơn. Thế hệ mới biết thế giới này không chỉ có thiện - ác, trắng - đen mà còn có những uẩn khúc đau thương trong mỗi con người qua "Maleficent" (2014); biết về những mảnh ghép cảm xúc và những tâm tư đầu tiên khi đối diện với trưởng thành trong "Inside Out" (2015).
Tất cả những sản phẩm nêu trên, đều là những cái tên thương hiệu ăn khách hàng đầu của Disney, dành cho khán giả trẻ em phổ thông và đại chúng nhất. Đó là một dấu hiệu cho thấy, những bộ phim tưởng chừng dành cho đối tượng khán giả phổ thông nhất, dễ chịu nhất thì giờ đây đang mang những thông điệp xã hội gai góc và sâu sắc đến khó tin.
Vũ khí lợi hại nhất của nhà chuột - Marvel Studios cũng khẳng định thương hiệu của mình suốt hơn 1 thập kỷ qua mà đỉnh điểm là cột mốc "Avengers: Endgame". Ở thời đại nào, câu chuyện nghĩa hiệp - siêu anh hùng cũng phản ánh những cổ mẫu xa xưa nhất trong vô thức nhân loại về lý tưởng cái thiện. Tuy nhiên, giao thoa văn hóa dần dà khiến mô típ này trở nên dễ đoán, một màu và tô hồng hiện thực. Xây nên một vũ trụ điện ảnh với hơn 20 bộ phim, Disney và Marvel đã dốc rất nhiều công sức để không chỉ truyền tải một thiên truyện hấp dẫn. Họ còn phải đa dạng màu sắc văn hóa, thiết lập mối dây liên kết ở từng nhân vật với khán giả xem phim trong từng tác phẩm, tổng hòa nên một bức tranh xã hội hoàn hảo xuyên suốt ba giai đoạn với 22 bộ phim.
Khán giả xem Marvel không giới hạn trong fan truyện tranh, mà đế chế hùng hậu được thiết lập sau 10 năm gồm những khán giả dễ đồng điệu với một nhân vật hay một bộ phim của hãng, khi mà cốt lõi của những anh hùng kia nằm ở các giá trị mang tính toàn cầu (universal values). Những đề tài về chính trị, ý thức hệ, nữ quyền, bản dạng giới hay cả sắc tộc được đan cài khéo léo ở mỗi bộ phim mà đỉnh điểm đáng ghi nhận nhất chính là "Black Panther" (2018).
Trong lịch sử Oscar, các phim về đấu tranh sắc tộc và người da màu luôn được đánh giá cao. Tuy nhiên, những bộ phim đó không dành cho đại chúng bởi những câu chuyện và giá trị thiếu tính toàn cầu. "Black Panther" là một ví dụ điển hình cho chiến lược "xã hội hóa" thành công của Disney và Marvel: một bộ phim về người da màu nhưng không cần phải hô hào bản chất này. Lớp vỏ ngoài "siêu anh hùng" đã tự hút được khán giả đại chúng. Được đề cử Oscar cho Phim hay nhất năm 2019, rất nhiều khán giả nghĩ "Black Panther" là một bộ phim được "overrated" (đánh giá cao quá lố). Nhưng chỉ những khán giả nào hiểu được mâu thuẫn sắc tộc ở Mỹ hay những lý thuyết điện ảnh học, xã hội, văn hóa học về tính đại diện mới hiểu được vì sao "Black Panther" là thiên anh hùng ca đầy hân hoan của người da màu trên toàn thế giới.
Trải qua một lịch sử dài đối diện với áp bức và những rập khuôn phiến diện trên truyền thông (ví dụ như motif "gã da màu luôn chết đầu tiên" trong các phim Hollywood), "Black Panther" vẽ ra một bức tranh mang phong vị afrofuturism (thuyết vị lai châu Phi), một thế giới trong mơ mà người da màu trở thành cái nôi của văn minh, tân tiến. - Headline Story
Chất nhạc hiphop và những ngôi sao 100% gốc Phi tham gia vào dự án này không hề khó xem, khó cảm, mà thậm chí còn mang hào khí của văn minh châu Phi đến gần hơn với khán giả đại chúng. Với bộ phim này, Marvel như khẳng định rằng đã đến lúc, điện ảnh cần quan tâm hơn tới những xã hội nằm ngoài xã hội của người da trắng, với những góc nhìn đa chiều hơn và "toàn cầu hóa", "xã hội hóa" hơn.
Dù chưa thật sự mạnh mẽ nhưng các thông điệp xã hội gai góc trong phim giải trí đang thực sự bám rễ sâu dần vào Hollywood những năm gần đây. Sau sự tiên phong của Disney, các studio khác cũng đã có nhiều bước tiến lớn với các đề tài xã hội. Thông qua những thể loại đậm tính thương mại, dễ xem như rom-com hay kinh dị, các hãng phim đã liên tiếp ra đời nhiều tác phẩm vừa giải trí nhưng mang đến những thông điệp xã hội sắc bén.
Universal và Blumhouse đã đem đến đạo diễn Jordan Peele với "Get Out" (2017) và "Us" (2019). Là một người da màu, Peele luôn đào sâu chủ đề về phân biệt sắc tộc trong các phim của ông, và cũng như "Black Panther", ông không hề hô hào về cốt lõi đó. Kết hợp với thể loại kinh dị, giật gân cùng nhiều biểu tượng ẩn dụ, Peele khiến các tác phẩm của mình trở thành mô hình mẫu: Khán giả đại chúng xem phim của Peele không thể không vắt não phân tích để hiểu những thông điệp của ông.
Warner Bros cũng dần có những chiến lược với đạo diễn John M.Chu sau thành công của ông với "Crazy Rich Asians" (2018). Cũng tương tự như "Black Panther", "Crazy Rich Asians" là bữa tiệc đầy tinh thần tự hào của người châu Á khắp mọi nơi, khi hệ giá trị Á Đông được đặt lên cán cân văn hóa để đối chất với hệ giá trị của phương Tây. Dự định trong năm nay, Warner Bros cùng John M.Chu sẽ cho ra mắt "In The Heights", một bộ phim được chuyển thể từ sân khấu nhạc kịch lấy chất liệu âm nhạc Latin, Mexico làm xương sống. Tất cả đều là dấu hiệu của một nền công nghiệp điện ảnh đang chuyển hóa và một xã hội đang cởi mở hơn với những chủ đề này.
Là một người da màu, Peele luôn đào sâu chủ đề về phân biệt sắc tộc trong các phim của ông, và cũng như "Black Panther", ông không hề hô hào về cốt lõi đó. Kết hợp với thể loại kinh dị, giật gân cùng nhiều biểu tượng ẩn dụ, Peele khiến các tác phẩm của mình trở thành mô hình mẫu: Đại chúng xem phim Peele không thể không vắt não phân tích để hiểu những thông điệp của ông.
Headline Story
Khi mạng xã hội ngày càng phát triển, những vấn đề có xuất phát điểm mang tính cá nhân dần trở thành tâm điểm chung của xã hội, vấn đề của một người có thể là chủ đề bàn tán của hàng triệu người. Các thước đo chuẩn mực được áp đặt, định kiến được thiết lập, còn phán xét dần dà trở thành một bản năng trước màn hình. Không có đúng hay sai, chỉ có điểm nhìn. Điện ảnh từ đó có thể chơi đùa với sự phân hóa dư luận này, để kể những câu chuyện không có tính trắng đen, mà chỉ mang sự thách thức về trải nghiệm văn hóa, đạo đức của mỗi khán giả. Đi theo chuyển biến xã hội, điện ảnh cũng dần hướng đến sự phức tạp của một xã hội không thể hoàn hảo.
Như một lẽ tất yếu, khi văn hóa đại chúng với những công thức đơn giản, những bộ phim dễ đoán đã phục vụ tinh thần cho khán giả đến mức nhàm chán trong hơn một thập kỷ qua, đây là lúc mà khán giả đang dần dà cần tìm thấy sự thay đổi trong những sản phẩm giải trí. Đó là dấu hiệu của sự biến chuyển về thị hiếu khán giả trong xã hội hiện đại.
Những tác phẩm như "Parasite", "Joker" là những món ăn tinh thần đặc sắc, cả giới "quý tộc" lẫn giới "bình dân" đều thích và đều muốn ăn thêm. Một khi đã được nếm trải một tác phẩm hài hòa giữa sự tinh tế của những bậc thầy về làm phim, vừa có tính giải trí bởi có thể cười, khóc, hay bàn về nó một cách tự nhiên nhất mà không cần quá nhiều kiến thức, thì tại sao phải đi lùi để tiếp tục nếm những món ăn tinh thần đơn giản, không đọng lại gì sau khi bộ phim đã kết thúc?
Mạng xã hội ngày càng phát triển, những vấn đề có xuất phát điểm mang tính cá nhân dần trở thành tâm điểm chung của xã hội, vấn đề của một người có thể là chủ đề bàn tán của hàng triệu người.
Headline Story
Dẫu "Parasite" hay "Joker" đã chứng minh được vị thế của mình nhờ con số phòng vé ấn tượng, mưa lời khen từ giới chuyên môn hay sự bàn tán sôi nổi nơi khán giả, chúng ta vẫn không thể chối bỏ một điều rằng sự thành công của những tác phẩm trên vẫn đến từ nhiều yếu tố khác, bên cạnh yếu tố đề tài.
Bản chất những phim có đề tài xã hội vẫn chưa phải là lựa chọn hàng đầu của khán giả. Những ứng cử viên Oscar hay những tác phẩm thắng giải trước năm 2019 vẫn là những bộ phim khá xa lạ với khán giả đại chúng, như "Roma", "Ladybird", "The Three Billboards Outside of Ebbing, Missouri" hay "12 Years a Slave". Dù những nhà làm phim trên đều được xem là các "bậc thầy" điện ảnh, với nhiều thông điệp xã hội muốn gửi gắm, song, việc cân bằng giữa tính triết lý của điện ảnh với tính dễ xem, dễ tiếp cận luôn là một bài toán khó. Rất khó để xem hết một phim thuần xã hội, tâm lý khi hầu hết khán giả đại chúng đều đã quen với nhịp phim nhanh, nhiều tình huống, âm nhạc bắt tai, dàn diễn viên đình đám.
"Ladybird" (2017) ở dòng phim "coming of age" vốn là một tác phẩm chiếm trọn tình cảm của khán giả Mỹ, bởi đây là thể loại phim cực kỳ được yêu mến ở phương Tây, khai thác chủ đề học đường cùng các phức cảm đầu đời, những bối rối của tuổi dậy thì trong hành trình tìm kiếm chỗ đứng của mình trong xã hội. Tuy nhiên, với câu chuyện mang tính cá nhân của Greta Gerwig cùng những năm tháng ở tiểu bang Sacramento dường như khiến bộ phim trở nên thiếu kết nối với đông đảo khán giả toàn cầu. Bộ phim dường như thiếu đi yếu tố hấp dẫn giải trí thương mại để khán giả phải đi xem, bàn tán trên mạng xã hội.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với nhiều tác phẩm Oscar khác, mà cốt lõi vẫn chỉ nằm ở mâu thuẫn giữa hai trường phái làm nghệ thuật: personal story (câu chuyện cá nhân) hay universal story (câu chuyện toàn cầu). Câu chuyện càng cá nhân, càng dễ gây xúc cảm thì càng dễ biểu đạt phong cách nghệ thuật, nhưng nếu thật sự muốn hướng mình về khán giả đại chúng, về phòng vé, về sự định hướng thẩm mỹ, phim xã hội cần được thương mại hóa bằng một vỏ bọc "ưa nhìn" hơn. Những thành công của "Get Out", "Us" hay "Crazy Rich Asians" cho thấy thương mại đi trước, xã hội theo sau. Khi phim đã có tính thương mại, ắt hẳn các thông điệp xã hội sẽ được khai phá, bóc tách.
Gần đây, "The Platform" của Netflix cũng là một bộ phim được đón nhận nồng nhiệt, mang chủ đề về phân tầng xã hội và mâu thuẫn giai cấp nhưng được khoác lên mình lớp áo máu me, man rợ dễ hút view. Hay bản chất "Joker" là bộ phim lấy tư liệu gốc từ "hoàng tử tội phạm" khét tiếng trong vũ trụ của "Batman". Câu chuyện về nguồn gốc của ác nhân này vốn dĩ đã là một lợi thế rất mạnh để quảng bá, còn đề tài xã hội lại là một đặc sản gây sốc để khán giả đón nhận sau khi đã xem phim. Khán giả nhận ra rằng nguồn gốc đã sinh ra kẻ phản diện này chính là bất công xã hội, mâu thuẫn giai cấp và cả căn bệnh trầm cảm. Đó đều là những vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện đại, là câu chuyện mang tính "universal" được thương mại hóa bởi một nhân vật tượng đài trong văn hóa đại chúng.
Câu chuyện càng cá nhân, càng dễ gây xúc cảm và càng dễ biểu đạt phong cách nghệ thuật, nhưng nếu thật sự muốn hướng mình về khán giả đại chúng, về phòng vé, phim xã hội cần được thương mại hóa bằng một vỏ bọc "ưa nhìn" hơn.
Headline Story
Với "Parasite", điện ảnh châu Á nhiều năm nay vẫn luôn độc lập với tinh thần Hollywood của phương Tây bởi những câu chuyện mang tính bản địa, những mâu thuẫn mang tinh thần dân tộc. "Parasite" là một câu chuyện rất Hàn Quốc, với nhiều biểu tượng mang đậm tính văn hóa. Tuy nhiên, bằng việc kết hợp nhuần nhuyễn nhiều thể loại khác nhau trong 132 phút phim, "Parasite" không đơn thuần là một phim xã hội. Nhiều khán giả gọi nó là "hài đen", một thể loại phim châm biếm. Nhiều khán giả khác lại gọi nó là "social thriller", phim li kì xã hội với những yếu tố giật gân, gây sốc. Có người lại cho nó là phim thuần drama với những nét diễn tâm lý và tình huống phức tạp.
Nhưng có một điều chắc chắn, nhịp phim của "Parasite" với cấu trúc ba hồi rõ ràng chính là nhịp của một bộ phim thương mại. Khán giả không cảm thấy lê thê mà bị cuốn hút bởi các tình huống nhân vật mắc phải, cũng như bị "ngã ngửa" với cú "twist" thần sầu thay đổi toàn bộ cảm giác của phim. Sự hài hòa gần chạm đến mức hoàn hảo ở kịch bản chính là yếu tố quyết định thành công của "Parasite".
Chính vì những phương thức trên, mà dù có rất nhiều cách để định danh những tác phẩm như "Joker" hay "Parasite", bản chất cốt lõi của cả hai vẫn là những phim xã hội với lớp vỏ ngoài hấp dẫn. Nói cách khác, đây là một hướng tiếp cận khéo léo. Bằng việc thương mại hóa, biến dòng phim xã hội khá nặng nề thành một đề tài xã hội gần gũi để giúp khán giả nhận ra rằng đời sống tinh thần của họ cần lắm những bộ phim tương tự. Đó là khao khát giao tiếp, đồng điệu với những trăn trở về cá nhân, về thân phận trong xã hội hiện đại mà những phim giải trí thuần tuý với công thức sáo rỗng không còn khả năng khỏa lấp.
Dù có rất nhiều cách để định danh những tác phẩm như "Joker" hay "Parasite", bản chất cốt lõi của cả hai vẫn là những phim xã hội với lớp vỏ ngoài hấp dẫn. - Headline Story
Thị hiếu khán giả và điện ảnh đang hậu thuẫn và định hướng nhau bước vào một thập kỷ mới. Đó là một thập kỷ bỏ lại sau lưng sự huy hoàng của những siêu anh hùng một màu, sự nhẹ nhàng của những miếng hài, tình cảm dễ đoán hay cả sự máu me của các phim kinh dị thuần túy về cảm giác. Đó là một thập kỷ mà tất cả mọi bộ phim đều phải có những thông điệp xã hội mang tính toàn cầu (universal), chạm đến cảm xúc của khán giả ở bản chất câu chuyện và xung đột nhân vật. Đó là một thập kỷ mà phim thương mại đang dần được "xã hội hóa", còn các phim xã hội thì dần có tính thương mại.
Rõ ràng, điện ảnh thương mại không nên chỉ là giải trí thuần túy, tô hồng hiện thực một cách sáo rỗng mà còn phải mang đến những thông điệp xã hội chân thực hơn. Giống như những bộ phim xã hội cũng phải mang yếu tố thương mại với hướng tiếp cận thông minh hơn, dễ chạm đến khán giả hơn và từng bước một định hướng họ về tầm quan trọng của thể loại phim này trong cuộc sống. Bằng cách này, phim xã hội và phim thương mại sẽ tìm được một điểm giao hoàn hảo trong tương lai.
Thị hiếu khán giả và điện ảnh đang hẫu thuận và định hướng nhau bước vào một thập kỷ mới. Đó là một thập kỷ bỏ lại sau lưng sự huy hoàng của những siêu anh hùng một màu, sự nhẹ nhàng của những miếng hài, tình cảm dễ đoán hay cả sự máu me của các phim kinh dị thuần túy về cảm giác. - Headline Story
Xem lại khoảnh khắc Parasite đại thắng tại Oscar
Lucas
BXH doanh thu phòng vé (6-8/3): Dù vươn lên dẫn đầu, Onward vẫn mang về con số đáng thất vọng Đúng như dự đoán, Onward đã vươn lên vị trí dẫn đầu trên BXH doanh thu tuần này, thế nhưng, con số mà nó mang về trong tuần mở màn không thật sự cao! Với việc thu về ước tính khoảng 40 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ, bộ phim Onward của Pixar đã nhanh chóng vươn lên dẫn đầu BXH doanh...