2019: Thị trường tiền số khởi sắc & tương lai của Blockchain
2019 là một năm sôi động đối với thế giới tiền số dù thị trường vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cơn địa chấn giảm giá hồi cuối năm 2017, đầu năm 2018. Tuy nhiên, blockchain – công nghệ phía sau những đồng tiền số lại đạt được những bước tiến vững chắc.
Bitcoin dần phục hồi
Thị trường tiền số, đại diện là Bitcoin đã trải qua nhiều diễn biến thiếu tích cực kể từ sau khi đạt đỉnh gần 20.000 USD vào cuối năm 2017. Từ vị trí đỉnh cao gần 20.000 USD, Bitcoin đã rơi xuống dưới 6.000 USD chỉ khoảng 2 tháng sau đó.
Trong một khoảng thời gian dài từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường có nhiều biến động lên/xuống nhưng tựu chung vẫn chưa thể quay trở lại thời kỳ đỉnh cao như cuối năm 2017. Trong một bài viết về tiền số, công ty cung cấp giải pháp phân tích Quantzig đã cho biết cá cược vào tương lai của Bitcoin giống như cá cược vào một ván cờ bạc. Thực tế đã chứng minh điều này là đúng.
Dựa vào biểu đồ Coinmarketcap, giá Bitcoin dao động từ 3.400 USD – 6.000 USD trong năm tháng đầu năm 2019. Đồng tiền số này có sự bứt phá mạnh mẽ lên mức 13.800 USD trong giai đoạn cuối tháng 6, đầu tháng 7. Từ tháng 8 đến nay, dù có lúc sụt giảm về dưới 7.500 USD nhưng đa phần thời gian còn lại giá Bitcoin dao động trong khoảng 9.000 USD – 10.000 USD.
Hai chất xúc tác ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường tiền số năm 2019 là việc hợp đồng tương lai Bitcoin Bakkt chính thức ra mắt trên Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) và Facebook kế hoạch ra mắt đồng tiền số Libra.
Do vướng phải nhiều vấn đề về pháp lý, nên phải mất hơn một năm kể từ lúc có thông tin về dự án thì Bakkt mới chính thức ra mắt. Nền tảng này là đơn vị đầu tiên được các cơ quan quản lý Mỹ phê duyệt và thuộc quyền quản lý của ICE, nhà điều hành sàn giao dịch chứng khoán New York. Hợp đồng tương lai Bitcoin thể hiện một bước tiến lớn trong việc chinh phục các tổ chức trên thế giới của tiền điện tử. Vì thế, giới đầu tư rất mong chờ Bakkt sẽ tác động tích cực tới tương lai của tiền số.
Bakkt có khởi điểm khá ảm đạm trong tháng 9 với lượng giao dịch thấp. Tuy nhiên, lượng hợp đồng tương lai Bitcoin Bakkt đã tăng dần và đạt mức kỷ lục hơn 700 hợp đồng vào cuối tháng 10. Khối lượng giao dịch hợp đồng của Bakkt tăng vọt được cho là do màn quay trở lại ấn tượng của Bitcoin, khi giá của đồng tiền số này tăng vọt hơn 1.000 USD chỉ trong vài phút.
Ngoài Bakkt, Libra – đồng tiền số do gã khổng lồ mạng xã hội khởi xướng là chất xúc tác có ảnh hưởng lớn tới thế giới tiền số. Được giới thiệu vào tháng 6/2019, Libra không được “đào” (mining) như các đồng tiền số dựa trên blockchain, mà được phát hành dựa trên “tài sản bảo chứng” gồm “tài khoản ngân hàng” và “trái phiếu chính phủ” để làm giá trị bảo chứng. Nhờ đó, tiền số Libra không có sự tăng giảm hỗn loạn và bị thao túng bởi một nhóm người hoặc bất kỳ ai.
Video đang HOT
Đồng Libra được quản lý bởi Hiệp hội Libra (Libra Association), một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, có trụ sở tại Thụy Sĩ. Hiệp hội này có 2 nhiệm vụ là xác thực những giao dịch dùng blockchain Libra và quản lý số tiền Libra đang lưu hành.
Dù được giới thiệu với những lời có cánh bởi ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, nhưng Libra lại vấp phải rất nhiều chỉ trích. Sau khi thông tin về dự án Libra xuất hiện, các nhà chính trị châu Âu đã bày tỏ thái độ “ghẻ lạnh” với đồng tiền số này. Pháp là nước đầu tiên phản đối, Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Bruno Le Maire đã tuyên bố: “Tôi muốn hoàn toàn rõ ràng rằng: trong những điều kiện này, chúng tôi không thể cho phép sự phát triển của Libra trên đất châu Âu”. Lý do các nước châu Âu không “mặn mà” với Libra bởi vì nó đe dọa đến chủ quyền tiền tệ của các chính phủ.
Tin xấu dồn dập đến với Libra khi hàng loạt các thành viên chủ chốt của Hiệp hội Libra tuyên bố rút chân, khởi đầu là Paypal – ông lớn trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến. Sau đó không lâu, các ông lớn khác cũng lần lượt rời khỏi Hiệp hội Libra như Stripe, Visa, MasterCard. Ba sự ra đi tiếp sau Paypal này thực sự là cú tát mạnh vào Libra khi dự án đang phải vật lộn với những lời chỉ trích từ nhiều phía.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 23/10, Mark Zuckerberg cho biết Facebook sẽ rút khỏi Hiệp hội Libra nếu không nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý. Zuckerberg nhấn mạnh thêm rằng Libra được tạo ra không phải để thay thế tiền tệ có chủ quyền, mà chỉ phục vụ như một hệ thống thanh toán trực tuyến.
Giữa vòng vây của các nhà lập pháp và các tổ chức, Facebook lo ngại Libra có thể còn không có cơ hội ra đời, chứ chưa nói tới việc có được chấp nhận rộng rãi hay không. Còn khá sớm để nói về tương lai Libra nhưng có thể khẳng định một điều, việc giới thiệu Libra đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng đối với tiền số. Việc này được nhiều chuyên gia đánh giá là đã giúp Bitcoin “tiết kiệm” được rất nhiều thời gian trong việc xâm nhập vào đời sống xã hội.
Blockchain phát triển mạnh mẽ
Khi “thị trường gấu” – cách gọi hình tượng của sự suy giảm toàn thị trường ập đến, nhà đầu tư dường như tạm thời hướng sự tập trung sang công nghệ phía sau những đồng tiền số: Blockchain. 2019 là năm có nhiều điểm sáng với công nghệ được coi là phát minh vĩ đại hơn cả Internet này.
Sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dành những lời có cánh cho blockchain đã tạo một hiệu ứng mạnh mẽ, lan rộng trong thế giới công nghệ. Ông Tập thể hiện sự ủng hộ blockchain với lời kêu gọi: “Toàn quốc ứng dụng blockchain”. Ngay sau lời kêu gọi này, thị trường chứng khoán và thị trường tiền số đều phản ứng rất tích cực. Hơn 60 cổ phiếu công nghệ tại Thượng Hải và Thâm Quyến đã tăng 10% – chạm mức giá trần của ngày. Bitcoin bùng nổ từ 7.400 USD lên 10.000 USD chỉ trong vài giờ.
Nhưng Bitcoin không phải là “kẻ” được lợi nhiều nhất sau phát biểu của ông Tập, mà “kẻ” đó là Blockchain. Cụ thể, lượng tìm kiếm về từ khóa này trên hai nền tảng phổ biến tại “quốc gia tỷ dân” là Wechat và Yahoo đã tăng hơn 1.000%! Đây là một động thái rất tích cực cho tương lai của blockchain khi ngày càng nhiều người có nhu cầu tìm hiểu về nó.
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia dẫn đầu châu Á về nghiên cứu và triển khai công nghệ blockchain. Chính phủ những quốc gia này có cái nhìn tích cực và cách tiếp cận nghiêm túc với công nghệ của tương lai này. Bobby Ong, nhà sáng lập CoinGecko – nền tảng hàng đầu theo dõi và phân tích dữ liệu trong thị trường tiền số đã có nhận định như sau: “Châu Á đang dẫn đầu về blockchain, phần còn lại của thế giới đang cố gắng đuổi kịp”.
Trong khi tính pháp lý của Bitcoin tại Việt Nam vẫn là dấu chấm hỏi, thì công nghệ blockchain đã, đang được nhiều cá nhân, tổ chức nghiên cứu, áp dụng vào hoạt động kinh doanh.
Sự ưu việt của công nghệ này đã được minh chứng trong thực tế. Cụ thể, ngân hàng HSBC đã thực hiện thành công giao dịch Tín dụng thư trên nền tảng blockchain giữa CTCP Sản xuất Nhựa Duy Tân của Việt Nam, và Công ty INEOS Styrolution Korea của Hàn Quốc. Việc trao đổi chứng từ trong những giao dịch L/C truyền thống thường mất từ 5-10 ngày nhưng nhờ công nghệ blockchain, giao dịch giữa hai doanh nghiệp này rút ngắn lại chỉ trong vòng 24 giờ.
Hay mới đây nhất, vào đầu tháng 11, ngân hàng TPBank (Tiền Phong Bank) trở thành ngân hàng Việt đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ blockchain thông qua RippleNet, một nền tảng được phát triển bởi SBI Ripple Asia, liên doanh giữa Ripple Labs, Inc (USA) và Soft Bank Investment (Nhật Bản). Khách hàng của TPBank chỉ cần vài phút để hoàn thành những giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài về đồng thời vẫn đảm bảo an toàn, minh bạch, tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối cũng như các quy định về phòng chống rửa tiền (AML).
Rõ ràng, blockchain đang dần thoát ra khỏi cái bóng của Bitcoin để bước vào đời sống bằng những ứng dụng thực tiễn trong kinh doanh, mang đến hiệu quả, minh bạch và tiết kiệm chi phí. Giờ đây, khi nhắc tới Blockchain người ta không còn chỉ nghĩ tới Bitcoin hay những đồng tiền số khác nữa, mà họ nghĩ tới nền tảng công nghệ của tương lai, thứ công nghệ được nhiều chuyên gia công nghệ ví là phát minh vĩ đại hơn cả Internet.
Minh Anh
Theo congluan.vn
Libra của Facebook lại phải đối mặt với rào cản mới từ các nước G7
Báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc G7 khuyến cáo những dự án như đồng Libra có thể sẽ cản trở những nỗ lực phòng chống nạn rửa tiền xuyên biên giới.
Nguồn ảnh: Reuters
Vào 17/10, đồng tiền số Libra của Facebook lại đối diện với những thử thách mới, khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) kêu gọi những đồng tiền stablecoin (*) không nên cấp phép phát hành, cho đến khi những rủi ro mà đồng tiền này đặt ra được giải quyết.
"Khi được phát hành trên quy mô rộng lớn, stablecoin có thể đe dọa hệ thống tiền tệ thế giới và ổn định tài chính", nhóm nghiên cứu thuộc G7 cho biết trong một báo cáo đến các Bộ trưởng tài chính trong cuộc họp hằng năm của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Washington,
Trong báo cáo, nhóm còn nói thêm, những dự án như đồng Libra cũng giống như các loại tiền điện tử khác, có thể cản trở những nỗ lực phòng chống nạn rửa tiền xuyên biên giới, tài trợ khủng bố, đe doạ đến các vấn đề an ninh mạng, thuế và các quyền riêng tư.
Ông Benoit Coeure, thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho biết, "nhóm G7 cho rằng, không nên có dự án stablecoin toàn cầu hoạt động cho đến khi các thách thức pháp lý, quy định và giám sát và rủi ro được giải quyết".
Đáp lại, Hiệp hội Libra cho biết, họ sẽ làm việc với các nhà quản lý. "Hiệp hội Libra đang phối hợp với các cơ quan quản lý, để đáp ứng các quy tắc chống rửa tiền và cùng các nỗ lực khác để ngăn chặn tài chính bất hợp pháp", đại diện Hiệp hội Lira cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi các cơ quan quản lý đang rà soát rất kỹ dự án Libra, ngày 14/10, 21 công ty vẫn cam kết ủng hộ thực hiện dự án, bất chấp sự ra đi của các công ty lớn như Visa, Mastercard.
Tháng 6 vừa qua, Facebook đã công bố một kế hoạch phát hành tiền số Libra vào năm 2020. Facebook muốn khắc phục đặc tính cực kỳ biến động, điều khiến các đồng tiền ảo không thể được sử dụng trong thanh toán và thương mại. Facebook tin tưởng, Libra sẽ trở thành đồng tiền số toàn cầu, ổn định và có thể giúp hàng tỷ người không thể tiếp cận dịch vụ tài chính truyền thống tham gia vào hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, dự án tiền Libra đang gây lo ngại cho các nhà lập pháp và các giới chức quản lý tài chính nhiều quốc gia. Cụ thể, các nhà hoạch định chính sách bày tỏ lo ngại về việc libra có thể gây bất ổn hệ thống tài chính toàn cầu và làm suy yếu sự kiểm soát của các quốc gia với chính sách tiền tệ. Những người khác nói rằng đồng có thể làm suy yếu quyền riêng tư của người dùng.
Báo cáo của G7 cho biết các nhà chức trách nên áp dụng các quy tắc hiện hành, về thanh toán và chống rửa tiền, cũng như các tiêu chuẩn thị trường vốn và ngân hàng, cho các stablecoins.
Báo cáo này nói thêm rằng cần có các quy tắc mới dành cho các công nghệ mới nổi, khi Ủy ban Ôn định Tài chính - cơ quan được tạo ra sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - sẽ đánh giá các vấn đề pháp lý liên quan, trước khi báo cáo cho Nhóm 20 quốc gia giàu có vào tháng 4 tới.
Trước đó, Uỷ ban Dịch vụ tài chính Hạ Viện Mỹ cho rằng, Libra đang gây ra các nguy cơ vi phạm quyền riêng tư, thương mại, an ninh quốc gia và chính sách tiền tệ. Họ đã yêu cầu Facebook ngừng triển khai kế hoạch này, cho tới khi các cơ quan quản lý và quốc hội thông qua một cơ chế pháp lý phù hợp.
Ngày 23/10, Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg sẽ ra điều trần trước Hạ viện Mỹ về dự án Libra.
(*) Stablecoin là một loại đồng tiền số đảm bảo bởi các đồng tiền truyền thống và các tài sản khác. Đồng tiền số này có mức giá cố định, giá trị thị trường của Stablecoin thường được gắn chặt với giá của một tài sản cố định, như USD.
Trang Lê
Nguồn Reuters
Sự phát triển của tiền điện tử như Libra gây khó khăn trong chống rửa tiền quốc tế Việc các loại tiền điện tử tương tự như Libra của Facebook được sử dụng rộng rãi sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực phát hiện, ngăn chặn các mô hình rửa tiền và đấu tranh chống tài trợ cho khủng bố. Ảnh minh họa từ Internet Tin từ TTXVN cho biết, Lực lượng đặc nhiệm Tài chính quốc tế (FATF) ngày 18.10...