2016 có thể là năm dễ mất tiền
‘Việc tìm kiếm lợi nhuận trên TTCK không bao giờ là dễ dàng. Với số đông nhà đầu tư, 2015 đã là một năm khó kiếm tiền, 2016 có thể sẽ là năm dễ mất tiền, bởi 2016 là năm đầu tiên các cân bằng vĩ mô có thể xuất hiện những bất ổn’.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI Capital
Năm 2015, TTCK được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô đến các chính sách, tuy nhiên, chỉ số VN-Index lại không tăng nhiều. Ông đánh giá như thế nào về diễn biến TTCK năm qua?
2015 là năm kinh tế Việt Nam tiếp nối đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 7 năm qua, gần 6,7%. Lạm phát ở mức rất thấp nhờ sự đi xuống của giá dầu và các loại hàng hóa nguyên liệu, nhờ đó, lãi suất tiếp tục ổn định ở mức thấp.
Tuy là một năm tương đối ổn định và tích cực về vĩ mô, nhưng bức tranh TTCK lại không hoàn toàn thuận lợi. VN-Index có mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011. Nói ngắn gọn, TTCK đã có thêm một năm đi ngang trong biên độ 510 – 640 điểm và phân hóa rất mạnh. Trong một năm vĩ mô ổn định như 2015, tâm điểm thị trường là câu chuyện vi mô của từng ngành và từng doanh nghiệp.
Sự phân hóa mạnh mẽ xảy ra giữa các ngành và ngay trong từng ngành ở mức độ chưa từng có. Trong một năm VN-Index tăng nhẹ, chỉ số Index nhóm cổ phiếu dầu khí giảm 45%, nhóm vốn hóa nhỏ giảm 30%, bất động sản và chứng khoán đi ngang, ngân hàng tăng gần 30%, bảo hiểm tăng hơn 40%…
Ngay trong từng ngành như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sắt thép…, sự phân hóa giữa nhóm cổ phiếu đầu ngành và phần còn lại là rất rõ nét và khắc nghiệt. 2015 là một năm khá kỳ lạ khi chứng kiến không ít cổ phiếu có đáy mới và cũng không ít cổ phiếu có đỉnh mới.
Nhìn rộng ra khu vực và thế giới, TTCK Việt Nam vẫn là một điểm sáng, nếu so sánh với sự sụt giảm mạnh ở các thị trường cận biên hoặc mới nổi khác trong năm 2015. Câu chuyện kinh tế tăng trưởng cao, người nước ngoài được sở hữu bất động sản trong nước, mở room cho nhà đầu tư ngoại được sở hữu tới 100% tại doanh nghiệp trong nước, thoái vốn DNNN và tích cực tham gia các hiệp định tự do thương mại… là những câu chuyện lôi cuốn với NĐT nước ngoài.
Năm 2015, các nước trong khu vực ASEAN chứng kiến dòng vốn FII rút ra rất mạnh (hàng tỷ USD) thì Việt Nam vẫn thu hút được gần 100 triệu USD vốn đầu tư mới trên thị trường niêm yết. Dòng vốn đầu tư mua tài sản hoặc thâu tóm doanh nghiệp ngoài sàn qua M&A còn sôi động hơn rất nhiều.
Ông dự báo như thế nào về triển vọng TTCK trong năm 2016?
TTCK là tổng hòa rất phức tạp của nhiều yếu tố vĩ mô và vi mô, tác động qua lại lẫn nhau. Từ năm 2012 tới nay, TTCK được hưởng lợi từ sự ổn định và cải thiện của các yếu tố vĩ mô cả trong nước và thế giới, tạo nền tảng thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh.
Video đang HOT
ông Lê Chí Phúc
2016 là năm đầu tiên các cân bằng vĩ mô có thể xuất hiện những bất ổn và thu hút sự chú ý của thị trường. Cụ thể là giai đoạn gần 7 năm thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn chưa từng có của các nền kinh tế trên thế giới đang đi dần tới giai đoạn kết thúc. Mỹ – quốc gia đi đầu và quan trọng nhất – đã chính thức nâng lãi suất, thu hẹp quy mô tài sản của Fed.
Tổng cung tiền thu hẹp trong thời gian tới sẽ gây sức ép lên các kênh tài sản, đặc biệt là tài sản tài chính có độ nhạy cao với lãi suất. Đồng USD mạnh lên cũng gây sức ép phá giá cho hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có Nhân dân tệ và VND.
Trong chu kỳ kinh tế của riêng mình, Việt Nam cũng đã xuất hiện những tín hiệu vĩ mô kém thuận lợi đầu tiên. Thứ nhất, nhập siêu đã chính thức trở lại sau 3 năm. Nhu cầu nhập khẩu tăng cao trong giai đoạn kinh tế tăng tốc và sự suy yếu của các thị trường xuất khẩu có thể khiến nhập siêu tăng lên trong năm 2016, tạo thêm sức ép lên tỷ giá.
Thứ hai, lãi suất sau khi tạo đáy đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Tín dụng tăng cao hơn huy động và cung tiền M2 sẽ tạo thêm sức ép tăng lãi suất thời gian tới, tuy mức độ không đột biến.
Thứ ba, nguồn cung cổ phiếu tăng mạnh kể từ cuối năm 2014 thông qua việc các doanh nghiệp phát hành thêm, IPO, thoái vốn, niêm yết mới, sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2016. Trong khi đó, dòng tiền vào thị trường từ khối ngoại đang suy giảm, cộng với dòng tiền nội bị thu hút bởi kênh bất động sản sẽ khiến tương quan cung – cầu cổ phiếu có thể kém khả quan. Những câu chuyện tích cực về TPP hay Việt Nam sẽ đạt chuẩn để lên thị trường mới nổi đều chưa sớm khả thi và có ít ảnh hưởng trong năm 2016.
Trong bối cảnh không còn tích cực một chiều, với kịch bản lạc quan, VN-Index sẽ tiếp tục duy trì kênh giá đi ngang 510 – 640 điểm và phân hóa. Kịch bản không tích cực khi thị trường thế giới có những biến động mạnh, khối ngoại bán ròng kéo dài có thể khiến VN-Index hình thành kênh giá giảm trong năm 2016.
Rủi ro lớn nhất đối với TTCK năm sau có lẽ không nằm ở nội tại nền kinh tế Việt Nam, mà ở những tác động tiêu cực có thể xảy ra từ thị trường tài chính thế giới và tốc độ đi xuống của kinh tế Trung Quốc.
Theo ông, ngành nào sẽ gặp thách thức nhiều nhất trong năm tới và ngược lại, ngành nào được hưởng lợi?
Về tổng thể, năm 2016 sẽ tiếp tục chứng kiến sự phân hóa trong kết quả kinh doanh của các ngành và doanh nghiệp.
Nhóm ngân hàng có quy mô lớn sẽ có sự cải thiện về lợi nhuận, nhờ tín dụng tăng trưởng, dự phòng nợ xấu giảm và tăng nguồn thu từ thu hồi nợ xấu.
Một số doanh nghiệp bất động sản đã đẩy mạnh triển khai và bán dự án từ năm 2014 – 2015 sẽ tăng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận.
Nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi từ chi phí đầu vào giảm và nhu cầu trong nước tích cực như sữa, nhựa, xây dựng… tiếp tục duy trì biên lợi nhuận và kết quả kinh doanh khả quan. Nhóm công ty chứng khoán sẽ khó có thay đổi đột biến trong kết quả kinh doanh.
Ngược lại, nhóm doanh nghiệp dầu khí sẽ chứng kiến doanh thu và lợi nhuận suy giảm mạnh, phản ánh sự đi xuống liên tục của giá dầu về tiệm cận mức giá vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ngành thép tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh và suy giảm biên lợi nhuận từ việc mở rộng công suất và sức ép cạnh tranh từ thép nhập khẩu, khi độ mở của thị trường tăng lên.
Nếu xét theo quy mô, nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ hoặc tăng vốn nhanh nhưng quản trị kém sẽ tiếp tục gặp khó trong cạnh tranh để tăng doanh số và có lợi nhuận.
Nhóm doanh nghiệp có vay nợ nước ngoài hoặc nhập khẩu có thể sẽ chịu áp lực suy giảm lợi nhuận khi biến động tỷ giá trong năm tới sẽ gia tăng.
Tuy vậy, diễn biến giá cổ phiếu có thể không hoàn toàn “đồng pha” với diễn biến kết quả kinh doanh nói trên, đặc biệt là khi thị trường đã có sự đồng thuận về các triển vọng này và phản ánh vào giá cổ phiếu.
Vậy nhà đầu tư nên đầu tư theo chiến lược nào để đạt được hiệu quả cao, thưa ông?
Mỗi nhà đầu tư đều có thế mạnh và chiến lược của riêng mình. Từ tháng 10/2012 đến cuối năm 2014 là giai đoạn tạo đáy phục hồi trên diện rộng với sự tăng giá của hầu hết các ngành và nhóm cổ phiếu. 2015 là năm của phân hóa và chọn lựa cổ phiếu tăng trưởng. 2016 với cá nhân tôi sẽ là năm của ưu tiên bảo toàn vốn và chờ mua tài sản tốt bị bán rẻ.
Trên góc độ toàn thị trường, với những bất ổn đang dần tăng lên ở cả trong và ngoài nước, khả năng xuất hiện những thông tin tiêu cực ảnh hưởng tới triển vọng thị trường và tâm lý nhà đầu tư cũng sẽ tăng lên. Chiến lược mua và nắm giữ trong thị trường giá xuống có thể gặp rủi ro khi xu hướng thị trường chung bất lợi. Những đợt bán tháo của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước khi xuất hiện sẽ mang đến những cơ hội mua tốt nhất.
Kế hoạch thoái vốn và IPO trong năm 2016 có thể cũng mở ra các cơ hội tốt, đặc biệt đối với các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và khả năng khai thác hiệu quả tài sản.
Giá nhiều loại hàng hóa như dầu mỏ, khoáng sản, nông sản… đã giảm 60 – 80% từ mức đỉnh, làm giảm mạnh kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong các ngành này. Một số cổ phiếu đã giảm giá 60 – 70% từ mức cao nhất, đưa định giá về mức thấp nhất trong lịch sử. Nếu tin rằng giá cổ phiếu sẽ tạo đỉnh trước đỉnh lợi nhuận và tạo đáy ở đáy của khó khăn, thì cơ hội mua các doanh nghiệp tốt trong những ngành này sẽ xuất hiện trong năm 2016.
Việc tìm kiếm lợi nhuận trên TTCK không bao giờ là dễ dàng. Với số đông nhà đầu tư, 2015 đã là một năm khó kiếm tiền, 2016 có thể sẽ là năm dễ mất tiền.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Chính phủ chỉ đạo tập trung phát triển hệ thống tài chính vi mô
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ để đảm bảo mục tiêu và các giải pháp về xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 6/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020.
Tín dụng vi mô giúp nhiều chị em phụ nữ thoát nghèo. Ảnh: TTXVN
Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam để xây dựng và triển khai các chương trình tuyên truyền về hoạt động tài chính vi mô theo quy định của Quyết định 2195/QĐ-TTg.
Đồng thời khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành trước ngày 1/12/2015 các văn bản theo thẩm quyền hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tổ chức tín dụng về hoạt động tài chính vi mô, theo hướng khuyến khích phát triển để góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, giảm tệ nạn cho vay nặng lãi, phù hợp với hoạt động thực tế trong thời gian qua, tạo điều kiện để phát triển ở các vùng khó khăn, phục vụ người nghèo, cận nghèo.
Bên cạnh đó, nghiên cứu áp dụng cơ chế lãi suất phù hợp với đặc thù của hoạt động tài chính vi mô, đảm bảo đủ bù đắp chi phí, phát triển bền vững, không vì mục tiêu lợi nhuận để góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý bất cập về quy định lãi suất của Bộ luật Dân sự đối với hoạt động tài chính vi mô.
Trước ngày 1/11/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định về nguồn vốn đối với các chương trình, dự án tài chính vi mô để cho vay người nghèo.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai nghiên cứu cơ chế hỗ trợ vốn cho hoạt động tài chính vi mô theo hướng khuyến khích sự tham gia các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/11/2015.
Hỗ trợ Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam trong việc thành lập Hiệp hội tài chính vi mô theo hướng kế thừa các hoạt động hiện tại của mạng lưới tài chính vi mô tại Việt Nam, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách thuế, phí, cơ chế tài chính, chế độ hạch toán, kế toán phù hợp với hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, chương trình, dự án tài chính vi mô theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2195/QĐ-TTg, phù hợp với qui định về chính sách ưu đãi theo Luật Đầu tư năm 2014; nghiên cứu, ban hành quy định phù hợp đối với hoạt động bảo hiểm vi mô.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ các chương trình, dự án tài chính vi mô, tổ chức tài chính vi mô được cấp phép tiếp cận các nguồn vốn vay ODA hoặc vay trực tiếp từ nước ngoài, các nguồn vốn vay ưu đãi khác, được hưởng nguồn vốn dành cho xóa đói giảm nghèo từ các quỹ quốc tế tài trợ.
Phó thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về tài chính vi mô để tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu rõ, hiểu đúng về vai trò của hoạt động tài chính vi mô đối với công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giảm tệ nạn cho vay nặng lãi; tạo điều kiện về thủ tục hành chính cho các chương trình, dự án tài chính vi mô triển khai hoạt động trên địa bàn và mở rộng hoạt động ra các xã, huyện mới.
UBND các tỉnh, thành phố phân bổ hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn khác cho hoạt động tài chính vi mô, các chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn; tạo điều kiện về việc cơ sở vật chất (cấp đất xây dựng trụ sở, tiếp cận các chính sách ưu đãi của địa phương...) cho các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn.
Theo Hải Đăng
baodautu.vn
Khung pháp lý chung điều chỉnh hoạt động tài chính vi mô Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô (TCVM) của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ. Ảnh minh họa Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo số liệu thống kê, hiện có 30 chương trình, dự án TCVM...