2015 năm của đổi mới đột phá DNNN, đơn vị sự nghiệp công
Nghị quyết của Chính phủ đặt ra hạn chốt hoàn thành việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN giai đoạn 2014-2015 và đột phá về sự tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công theo hướng mô hình tổ chức kinh tế, quản lý minh bạch về giá dịch vụ…
Phương án thoái vốn chậm nhất cuối quý II
Cụ thể, Nghị quyết số 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 nêu rõ, các bộ, cơ quan và địa phương tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và các Đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển bền vững; khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý II năm 2015.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tập trung vào cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014-2015 đúng thời hạn đặt ra. Tiếp tục rà soát, phân loại, bổ sung phương án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước cho giai đoạn sau năm 2015
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng: Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản trị rủi ro, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ đi đôi với tiếp tục hiện đại hóa công nghệ ngân hàng; ban hành các chuẩn mực về hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời triển khai các bước tiến tới áp dụng Basel II.
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến và dịch vụ nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới hướng tới các mục tiêu đã đề ra; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, sản xuất vật tư và máy móc phục vụ nông nghiệp, vật liệu mới, khai thác chế biến dầu khí, năng lượng tái tạo, môi trường…
Tái cơ cấu thị trường chứng khoán theo định hướng đã đề ra, phát triển bền vững thị trường chứng khoán nhằm thu hút có hiệu quả vốn đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ công tác cổ phần hóa và xử lý nợ xấu.
Video đang HOT
Tự chủ tối đa dịch vụ y tế, giáo dục
Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng cường phân cấp và tăng tính tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính trên cơ sở có tính đến đặc điểm từng loại hình dịch vụ, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý. Thực hiện theo lộ trình việc xóa bao cấp qua tính đúng, tính đủ chi phí giá, phí dịch vụ sự nghiệp công.
Đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp dịch vụ công; công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá đối với các dịch vụ công thiết yếu, bao gồm dịch vụ y tế, giáo dục mà Nhà nước đang kiểm soát giá; kiên định thực hiện giá thị trường theo lộ trình phù hợp. Chuyển đổi cơ chế cấp phát kinh phí sang hình thức đặt hàng trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế-kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn của từng loại hình dịch vụ. Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách xã hội, các đối tượng nghèo. Bảo đảm công bằng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
Các bộ, cơ quan, địa phương trong năm 2015, căn cứ phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực quản lý; định mức kinh tế-kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công, đồng thời xây dựng lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện hoặc đấu thầu theo quy định.
Cải thiện rõ nét việc giảm quá tải bệnh viện Chính phủ cũng nhấn mạnh đến các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng cường y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh; duy trì tỷ lệ tiêm chủng, xây dựng và triển khai các hoạt động phòng chống và quản lý các bệnh không lây nhiễm. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, các dự án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới phục vụ công tác khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, cải thiện rõ nét việc giảm quá tải bệnh viện. Triển khai hiệu quả Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), chiến lược phát triển ngành dược, phát triển hệ thống bệnh viện y học cổ truyền. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu, sử dụng thiết bị y tế; có giải pháp chấm dứt việc sử dụng thiết bị y tế không bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn trong các cơ sở y tế; xử lý nghiêm tình trạng gian lận trong nhập khẩu trang thiết bị y tế.
P.Thảo
Theo Dantri
Vì sao dạy và học tiếng Anh mãi "giậm chân tại chỗ"?
Nhà giáo Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ: Đúng là trình độ tiếng Anh của chúng ta còn thấp, kể cả người thầy và học trò. Thực tế là có thầy cô ở nhiều vùng khác, ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không nói chuyện được bằng tiếng Anh, đặc biệt là giáo viên tiểu học. Học sinh phổ thông học 10 năm cũng không nói được bằng tiếng Anh. Ở góc độ chuyên môn, có nhiều cách nâng trình độ tiếng Anh nhưng không hiểu sao chúng ta chưa làm được việc này...
Cả xã hội từ thành thị đến nông thôn sẵn sàng đầu tư cho con em học ngoại ngữ nhưng kết quả lại không như mong đợi. Học sinh học xong phổ thông, thậm chí tốt nghiệp đại học, không giao tiếp được bằng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Ngay cả việc lựa chọn ngoại ngữ làm môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 vẫn chỉ có 16% thí sinh lựa chọn, 84% còn lại đã "nói không với ngoại ngữ". Chính vì thế Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 (Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020) của Bộ GD&ĐT, trong đó có vấn đề chất lượng dạy tiếng Anh đang thực sự thu hút sự quan tâm của cả xã hội.
Chuyên mục Trò chuyện chủ nhật của Báo CAND tuần này đã trao đổi với thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Hà Nội, một nhà giáo uy tín đã 25 năm gắn bó với chương trình dạy tiếng Anh trên truyền hình và hiện ông là chuyên gia tư vấn cho Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.
PV: Liên quan đến câu chuyện SGK tiếng Anh, hiện có hai luồng quan điểm, một là chúng ta tự viết sách, không cần kế thừa SGK nước ngoài; thứ hai, kế thừa trọn vẹn SGK nước ngoài tiên tiến đỡ gây tốn kém. Theo quan điểm của thầy, trong hoàn cảnh dạy và học ở Việt Nam, chúng ta nên theo xu hướng nào?
Nhà giáo Nguyễn Quốc Hùng.
Thầy Nguyễn Quốc Hùng: Trên thế giới hiện có nhiều nước dùng nguyên SGK tiếng Anh của nước ngoài. Có những nước kết hợp với Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục nước ngoài, ví dụ như Trung Quốc, họ kết hợp với NXB của Mỹ, làm một bộ sách theo hướng không dùng nguyên xi, mà hai bên cùng thảo luận nội dung viết SGK cho người Trung Quốc học. Về nguyên tắc, tôi thấy người Việt viết sách tiếng Anh thì rất khó thành công vì trước hết là về mặt ngôn ngữ, cũng ngữ pháp đấy nhưng không phải lối nói của tiếng Anh. Thứ hai là người viết phải được đào tạo chu đáo về "ngành viết sách", chứ không phải bất cứ giáo viên nào cũng viết được. Tuy nhiên, ở nước ngoài, họ viết sách không nhằm viết cho riêng từng nước, mà viết để sách sử dụng trên toàn thế giới, ở đâu cũng có thể dùng được, họ không biết hết được đặc thù của Việt Nam, ví như người Việt học tiếng Anh phát âm hay sai do tiếng Việt không có trọng âm từ, các âm tiết cứ nói ngang ngang nhau, nên người nước ngoài rất khó hiểu...
Quan điểm của tôi, giữa cái mình viết với cái người nước ngoài viết thì tôi chọn cái của họ vì phần ưu việt của họ lớn hơn, mình viết rất vất vả. SGK tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 10 do người Việt viết đã gặp nhiều trục trặc, sai cả về mặt ngôn ngữ, chỉnh lý đi chỉnh lý lại, mà lại không hay bằng của họ. Tôi nghiêng về hướng dùng bộ sách của nước ngoài và phải chọn lọc. Cần có một đội ngũ chuyên gia của mình làm việc với chuyên gia của họ, thống kê lại những vấn đề thích hợp với Việt Nam. Có thể làm thêm một phần bổ trợ, đính kèm vào sách, ví dụ phần giải thích những hiện tượng, văn hóa, ẩm thực xa lạ, đặc thù của nước ngoài, nên hiểu đấy là kiến thức của thế giới, người Việt cũng cần biết; hoặc thêm một số bài tập luyện âm giúp người Việt vượt qua những khó khăn về phát âm, hướng dẫn về mặt từ vựng, những điểm ngữ pháp khác mình...
PV: Nhiều chuyên gia cho rằng không nên có quá nhiều bộ sách giáo khoa tiếng Anh. Đồng thời cũng có ý kiến cho rằng, bộ tiêu đánh giá thẩm định SGK ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông còn rất mơ hồ, thiếu tính thực tiễn.
Thầy Nguyễn Quốc Hùng: Đúng là không thể trăm hoa đua nở về SGK tiếng Anh. Còn về bộ tiêu chí thì không phải do người Việt viết, mà là của người Anh viết. Nhưng bộ tiêu chí đó không hề sai hay mơ hồ đâu, vì hiểu hay không do trình độ tiếng Anh của mỗi người. Hiện chúng ta mới góp ý kiến được 1, 2 lần cho bộ tiêu chí nên đòi hỏi sự hoàn hảo ngay lập tức là rất khó, phải là người có chuyên môn mới góp ý kiến được. Trong Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, chúng ta vẫn giữ và củng cố bộ SGK đã viết, coi như đó là một bộ sách để tham khảo, chọn thêm một hoặc hai bộ của nước ngoài có phần bổ sung thêm. Như vậy vẫn đảm bảo tồn tại một chương trình nhiều bộ SGK. Các Sở GD&ĐT trên toàn quốc dựa theo bộ tiêu chí thấy hợp với bộ sách nào phù hợp thì chọn. Và theo tôi, nên thành lập hội đồng quốc gia giúp họ lựa chọn trước.
PV: Trở lại câu chuyện về học ngoại ngữ cho học sinh Việt Nam. Nhìn lại thành quả của việc dạy học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông khiến chúng ta hoài nghi, việc học rất phù phiếm, nhiều tỉnh không muốn đưa ngoại ngữ vào làm môn tự chọn. Để nâng hiệu quả học tiếng Anh, theo thầy, chúng ta cần điều chỉnh những gì?
Thầy Nguyễn Quốc Hùng: Đúng là trình độ tiếng Anh của chúng ta còn thấp, kể cả người thầy và học trò. Thực tế là có thầy cô ở nhiều vùng khác, ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không nói chuyện được bằng tiếng Anh, đặc biệt là giáo viên tiểu học. Học sinh phổ thông học 10 năm cũng không nói được bằng tiếng Anh. Ở góc độ chuyên môn, có nhiều cách nâng trình độ tiếng Anh nhưng không hiểu sao chúng ta chưa làm được việc này.
Tôi xin nói cụ thể những cái mà chúng tôi đã nghiên cứu. Trong kỳ tốt nghiệp năm học 2013-2014, có 16% học sinh chọn tiếng Anh là môn tự chọn, 84% học sinh không dám thi. Lý do về giáo trình, nhiều nơi dùng giáo trình của Việt Nam, nhiều nơi dùng giáo trình nước ngoài, nhưng không biết cách điều chỉnh phù hợp với học sinh ở từng tỉnh, học sinh ở Hà Nội khác ở Yên Bái... Điều chỉnh này phải có sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, chứ các Sở không ai dám làm.
Tiếp nữa là thi cử của chúng ta không chuẩn xác trong nhiều năm. Trước kia, bài thi chủ yếu kiểm tra về từ vựng và ngữ pháp. Khi đi thi chỉ lao vào hai nội dung trên, dù trong sách có đầy đủ 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Về cách học, hơn 30 năm chúng ta buông thả học trò, học thế nào thì học, không có hướng dẫn, không có phương pháp học tập. Trong 25 năm tôi làm truyền hình, tôi nhận đến hàng ngàn lá thư cảm ơn, trong đó đều có chung băn khoăn về phương pháp học tiếng Anh.
Trên thế giới có bộ sách hướng dẫn kỹ năng học tiếng Anh, nhưng toàn bộ các trường không động đến. Về yếu tố người thầy thì đáng buồn là trình độ thấp quá, đi huấn luyện mới thấy, trừ các thầy dạy ĐH, còn đa số là trình độ rất thấp. Đợt 1 thi kiểm định chất lượng trình độ B2, 92% đến 98% giáo viên trên tổng số 8.000 giáo viên được khảo sát, điều tra trên toàn quốc không đạt. Huấn luyện giáo viên vẫn đi vào lý thuyết khiến trình độ người thầy không nâng lên được. Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã đề ra nhiệm vụ cho 9 trường ĐH làm nhiệm vụ nâng chuẩn cho giáo viên lên trình độ B2, C1 và cần phải giải quyết một cách tích cực thì trình độ thật mới lên.
PV: Để Đề án có tính khả thi, theo thầy, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
Thầy Nguyễn Quốc Hùng: Theo tôi, có hai giải pháp cần phải tạo đột phá, đó là phương pháp học cho học sinh và phương pháp dạy của thầy. Cải tiến cách học của trò, cải tiến cách dạy của thầy.
PV: Nhưng dư luận cho rằng, có rất nhiều mục tiêu trong Đề án có vẻ như quá sức, khó có tính khả thi trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay.
Thầy Nguyễn Quốc Hùng: Quan điểm của tôi phải điều chỉnh. Đề án tiêu tiền tốn vào những thứ không cần thiết, trong 16 nghìn tỷ, chiếm gần một nửa cho thiết bị. Tìm phần mềm và công nghệ là cần thiết nhưng công nghệ đưa về vùng xa một chút là không hiệu quả. Ví dụ như đưa máy chiếu lên các trường phổ thông ở Lào Cai, nhưng khâu bảo trì thế nào, khi hỏng có thay thế hay không. Nếu dùng số tiền đấy để cung cấp máy chạy quay đĩa thì hợp lý hơn, chỉ tập trung công nghệ hiện đại vào những nơi có thể sử dụng được như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngay cả việc huấn luyện giáo viên, không cứ phải đưa chuyên gia nước ngoài vào huấn luyện, đôi khi hiện đại, vui vẻ nhưng lại không thực hiện được trong thực tiễn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện bổ ích này!
Theo Thu Phương - Thu Uyên
Báo Công an nhân dân
1.300 tỷ đồng cho chương trình trẻ em uống sữa miễn phí "Chương trình Sữa học đường sẽ tiếp tục triển khai theo Đề án đã được HĐND thông qua từ cuối năm 2013", bà Phạm Thị Hải - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai - khẳng định tại buổi sơ kết Thí điểm Đề án Sữa học đường năm 2014 tổ chức ngày 24/12. Theo đó, năm 2015, Đề án sẽ được...