2014 – Khó khăn, biến động kinh tế nhưng đời sống người dân vẫn đi lên
Đây là đánh giá khái quát của Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai nhiệm vụ điều hành năm 2015.
Kiểm điểm kết quả điều hành của Chính phủ, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, các địa phương đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01 ngay từ đầu năm, xây dựng kế hoạch hoạt động để thực hiện các mục tiêu đề ra.
Kết quả, nền kinh tế đất nước đã đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp. Chỉ số giá tiêu dùng ( CPI) tháng 12/2014 giảm 0,24% so với tháng trước, tăng 1,84% so với tháng 12/2013; bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định, 2014 là một năm thành công trong điều hành kinh tế – xã hội.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định, chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 tăng thấp không phải do sức cầu của nền kinh tế yếu, không có biểu hiện giảm phát, kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá.
Thu ngân sách nhà nước đạt cao, vượt kế hoạch đề ra. Hoạt động phát triển doanh nghiệp đã có những dấu hiệu tích cực bước đầu.
Video đang HOT
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 1.220 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm trước (bằng 31% GDP). Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện cả năm 2014 ước đạt 12,35 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước. Số dự án cấp mới tăng 24,5% với số vốn đăng ký cấp mới tăng 9,6% so với năm trước; số lượt dự án tăng vốn tăng 25,8%.
Bộ trưởng Vinh khẳng định, điều này cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc thu hút vốn FDI của nước ta, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư của nước ta tiếp tục được giữ vững.
Vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân cả năm đạt 5,5 tỷ USD, tăng khoảng 7,8% so với năm trước, được đánh giá là đạt khá.
Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế, báo cáo của Bộ KH-ĐT nêu nhiều con số, Tăng trưởng kinh tế lấy lại đà tăng trưởng cao, quý sau cao hơn quý trước (Quý I tăng 5,06%; Quý II tăng 5,34%; Quý III tăng 6,07%; Quý IV tăng 6,96%) và cả năm ước đạt 5,98%, cao hơn hai năm trước (2012: 5,25%; 2013: 5,42%); sau 3 năm, đây là năm đầu tiên tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề ra (5,8%).
Về lĩnh vực an sinh xã hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khái quát tích cực, nhờ quan tâm, thực hiện tốt các chính sách chăm lo, đời sống người dân từng bước được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và các huyện, xã nghèo giảm nhanh. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước giảm 1,8 – 2%/ năm so với cuối năm 2013 (từ 7,8% xuống còn 5,8 – 6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,2% năm 2013 xuống còn 33,2% năm 2014).
Một điểm sáng khác, so với năm trước, trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông đã giảm mạnh ở cả 3 tiêu chí: Số vụ tai nạn giao thông giảm 13,8%, số người chết giảm 4% và số người bị thương giảm 17,2%.
Chốt lại, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá, năm 2014 là một năm tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong nước có nhiều biến động, diễn biến phức tạp tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam. Với những kết quả đạt được trong năm vừa qua, có thể khẳng định, năm 2014 là một năm thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế – xã hội. Trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra của năm 2014, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.
“Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng GDP cao hơn hai năm trước, sau 3 năm thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015 thì đây là năm đầu tiên vượt mục tiêu đề ra” – báo cáo của Bộ KH-ĐT nêu rõ.
Bên cạnh những mặt tích cực đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng phân tích, trong một số lĩnh vực, hoạt động điều hành chưa đạt được kết quả như mong muốn. Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn ở mức cao; tỷ lệ lao đông qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, ngập lụt còn nhiều khó khăn. Thiệt hại do thiên tai còn lớn; tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông, tình hình cháy nổ, cháy rừng và chặt phá rừng, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp.
Chính phủ sẽ dành trọn ngày hôm nay, 29/12, để cùng lãnh đạo các địa phương thảo luận về báo cáo này cũng như kiểm điểm hoạt động điều hành năm 2014, góp ý về kế hoạch điều hành năm 2015.
P.Thảo
Theo Dantri
Kiến nghị thành lập công ty quản lý vận hành tuyến metro
UBND TP vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án thành lập công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM để vận hành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó, công ty có vốn điều lệ là 14 tỷ đồng, do UBND TP làm chủ sở hữu.
Thành lập công ty Đường sắt đô thị số 1 để quản lý, vận hành và khai thác tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên
Theo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP cho rằng, theo biên bản thảo luận ký kết ngày 26/11/2006 giữa Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Chính phủ, trong đó có nội dung, "Ít nhất 3 năm trước khi vận hành, sẽ thành lập một đơn vị/công ty vận hành và bảo dưỡng". Đây là một trong những điều kiện ràng buộc giữa hai bên để Nhật Bản ký kết Hiệp định cho vay vốn ODA ưu đãi để thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, theo UBND TP, tương ứng với kế hoạch vận hành, khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 dự kiến từ cuối năm 2018, việc tiến hành thành lập một doanh nghiệp thực hiện chức năng bảo dưỡng và vận hành cần được thực hiện từ năm 2014 để chuẩn bị nguồn nhân lực, điều kiện kỹ thuật cần thiết nhằm đảm bảo điều kiện tiếp nhận và vận hành khai thác an toàn dự án sau khi hoàn thành chuyển giao.
Đồng thời, ngoài yêu cầu cam kết với Nhà tài trợ, việc sớm thành lập doanh nghiệp tạo điều kiện phối hợp đơn vị tư vấn xây dựng Chương trình kế hoạch tuyển dụng nhân sự phù hợp công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ... hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhân lực tiếp nhận dự án hoàn thành, là tiền đề cho việc quản lý vận hành các tuyến metro tiếp theo trong hệ thống đường sắt đô thị TPHCM.
Theo đó, công ty quản lý vận hành có loại hình là TNHH MTV 100% vốn nhà nước, có vốn điều lệ 14 tỷ đồng (giai đoạn 2014 -2017) và gần 17 tỷ đồng (từ năm 2018 trở đi), do UBND TPHCM làm chủ sở hữu. Ngành nghề chính là cung cấp dịch vụ công ích: vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện ngầm.
Liên quan đến việc thành lập công ty quản lý vận hành tuyến metro số 1, UBND TP cũng đề nghị các Bộ: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính và Lao động - Thương binh và xã hội, có ý kiến bằng văn bản về Đề án thành lập công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM để UBND TP tiếp thu hoàn chỉnh Đề án, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Quốc Anh
Theo Dantri
Thủ tướng duyệt thêm 400 triệu Euro cho đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý bổ sung 393 triệu Euro (trong đó vốn ODA cần bổ sung là 304,99 triệu Euro, vốn đối ứng cần bổ sung là 88,01 triệu Euro) cho Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - ga...