20.11, ngắm những giáo viên “hot” nhất mạng xã hội
Không chỉ tài giỏi, xinh đẹp mà còn rất thân thiện, thấu hiểu học trò… những giáo viên này được mệnh danh là “thầy cô triệu like” trên mạng xã hội năm 2017.
Nổi tiếng nhờ bị… chụp lén
Đó là cô giáo Bùi Thúy Ngân (sinh năm 1991) – giáo viên Trường tiểu học Tân Định (Hoàng Mai – Hà Nội). Tháng 9.2017, cô Thúy Ngân tình cờ lọt ống kính máy ảnh của một bạn trẻ với góc mặt nghiêng xinh đẹp, mặc áo dài dịu dàng và đang dùng quạt giấy quạt cho các học sinh trong ngày khai giảng. Loạt ảnh được chia sẻ trên một fanpage dành cho giới trẻ với bình luận: “Ngày khai giảng tại trường Tận Định. Đi chụp ảnh sự kiện lại thấy được cô giáo đã xinh còn chu đáo”.
Hình ảnh cô giáo Bùi Thúy Ngân bị chụp lén trong ngày khai giảng (ảnh: IT)
Ngay lập tức, những hình ảnh của cô giáo trẻ dịu dàng, chu đáo này được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Cô giáo Bùi Thúy Ngân được dân mạng săn lùng và mệnh danh “cô giáo triệu like”. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên cô giáo Ngân thu hút sự chú ý của dân mạng. Cũng vào tháng 7, bức ảnh chụp cô trong giờ dạy đã khiến cô giáo 9X bị “tấn công” Facebook vì có quá nhiều người xin kết bạn. Riêng bức ảnh chụp lén này đã nhận được 44.000 like và hàng nghìn lượn chia sẻ, bình luận.
Cô giáo trẻ rất xinh đẹp và thân thiện với học sinh (ảnh: IT)
Cô giáo Ngân đã có 5 năm đứng trên bục giảng. Ngân cho biết, cô đến với nghề giáo khá tình cờ. Ban đầu cô thi đại học 2 khối A và D, dự định theo học kế toán hoặc ngân hàng. Tuy nhiên, do kết quả thi thiếu 0,5 điểm nên cô đã quyết định nộp hộ sơ vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nối tiếp truyền thồng nghề giáo của gia đình.
Thầy giáo múa đàn gà con gây sốt
Thầy giáo được dân mạng biết đến nhờ clip múa ‘đàn gà con’ có tên là Nguyễn Duy Nhất (28 tuổi), hiện đang là giáo viên môn Âm nhạc, công tác tại Trường tiểu học Đông Thái, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo thầy chia sẻ thì clip được ghi lại trong một tiết học Nhạc của các em học sinh lớp 1 do thầy dạy.
Video đang HOT
Thầy giáo Nguyễn Duy Nhất bất ngờ nổi tiếng vì bài múa đàn gà con trong lớp học (ảnh: IT)
Chia sẻ về công việc của mình, thầy Nhất cho biết, hàng tuần 3 buổi thầy vẫn nhảy múa trên sân trường để hướng dẫn học sinh nên không có gì gọi là đặc biệt. Chia sẻ trên báo chí, thầy Nhất cho hay, đối với thầy, được nhìn thấy các bạn nhỏ thật vui và thoải mái trong các tiết học, được học sinh yêu mến trao tặng những ánh mắt hồ hởi thì đó là món quà vui nhất của thầy trong ngày 20.11.
Cô giáo xinh nhất… Vịnh Bắc Bộ
Cô giáo 9X Phan Hồng Anh – trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam không chỉ nổi tiếng với ngoại hình rất xinh đẹp mà còn là một giáo viên giỏi, gần gũi với học trò. Cô từng đoạt giải Olympic môn Hóa học, là thủ khoa đầu vào của khoa Toán (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), từng đồng thủ khoa của lớp Tài năng Toán. Trong suốt 4 năm đại học, năm nào Hồng Anh cũng nằm trong top đầu của lớp và thường xuyên được nhận học bổng của khoa và của trường. Những năm tháng sinh viên, cô giáo Hồng Anh còn tham dự cuộc thi Hoa khôi sinh viên Hà Nội (Miss Thăng Long 2010) và giành vị trí Á khôi.
Cô giáo Phan Hồng Anh.
Sau khi tốt nghiệp lớp Tài Năng Toán K58, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội với tấm bằng loại Giỏi, Hồng Anh được nhận về công tác tại bộ môn Toán Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, một trong những trường chuyên top đầu của cả nước. Mới đây, cô Phan Hồng Anh đã giành giải đặc biệt Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017″ sau khi vượt qua gần 50 giáo viên đến từ mọi miền đất nước.
Thầy giáo “hóm hỉnh” nhất Facebook
Chỉ bằng một câu nói được lưu lại trên màn hình chiếu bài giảng, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ánh – giảng viên khoa Môi trường và Công nghệ Hóa, ĐH Duy Tân Đà Nẵng đã “bỗng dưng” nổi như cồn trên mạng xã hội. Cụ thể, để nhắc nhở học sinh không dùng điện thoại trong giờ dạy của thầy ở môn Đồ án CDIO, thầy Ánh đã viết: “Các bạn thân mến, tôi biết các bạn thường xuyên nhắn tin trong lớp. Nghiêm túc mà nói, chẳng ai nhìn xuống bẹn mình mà cười cả”.
Thầy giáo “hóm hỉnh” với lời nhắc nhờ sinh viên không dùng điện thoại trên lớp (ảnh: IT)
Được biết, thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Ánh sinh năm 1986 không chỉ là một giáo viên nhiệt huyết mà rất thân thiện với sinh viên. Chia sẻ trên báo chí, thầy Ánh cho biết: “Hiện tại, tôi đã công tác tại trường được 2 năm, thời điểm có bức ảnh đó là lúc tôi vừa về trường được vài tháng. Tôi rất bất ngờ nhưng cũng thấy thú vị vì chỉ bằng một bức hình mà bây giờ đi đâu ai cũng nhận ra mình là thầy giáo có lời nhắc nhở đó”.
Cô giáo “sống ảo” nhất Nam bộ
Đó là “biệt danh” mà cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo – giáo viên sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) được học sinh yêu mến gọi mình.
Cô Huyền Thảo cho biết, cô bị học sinh gọi là “cô Thảo hay sống ảo” vì thường chụp ảnh và tương tác với học sinh trên Facebook. Cô coi đó là một kênh giúp cô thấu hiểu, dễ dàng chia sẻ và gần gũi với học sinh của mình nhiều hơn. Chính vì vậy mà học sinh của cô không chỉ coi cô là giáo viên mà còn coi cô như là một người bạn, những lời chúc gần gũi, nhí nhảnh cũng từ đó mà hình thành.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo (ảnh: IT)
Những lời chúc “bá đạo” của học trò dành cho cô giáo Huyền Thảo nhân ngày 20.11 (ảnh: IT)
Không chỉ gần gũi với học trò, cô giáo Huyền Thảo còn có phương pháp giảng dạy môn lịch sử rất độc đáo khiến học sinh không cảm thấy nhàm chán với môn học này. “Trên lớp mình hay đặt các câu hỏi để các em đi đến tận cùng của vấn đề. Các câu hỏi logic và đòi hỏi phải tư duy lập luận nên các em rất thích thú vì được thể hiện bản thân. Để trả lời được những câu hỏi mà các em cho rằng “hại não” này, các em phải tích lũy từ việc đọc sách, xem và quan sát từ thực tế nữa” – cô Thảo nói.
20.11 năm nay, cô Huyền Thảo nhận được hàng trăm lời chúc hóm hỉnh, trong đó có lời chúc: “Mong cô xinh đẹp, sống ảo và làm học sinh… hại não nhiều hơn”.
Theo Danviet
20.11: Đừng tặng quà thầy cô như thế!
Cận kề ngày 20.11, nhiều phụ huynh đang phải "căng não" nghĩ việc tặng quà gì cho giáo viên. Tuy nhiên, nếu không thực sự hiểu biết, những món quà của cha mẹ vô tình sẽ trở thành vô duyên và khiến các thầy cô khó xử.
Hỏi chuyện tặng quà cho cô ngày 20.11, chị Phạm Thị Thu Trang có con học tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, mấy năm nay, vì quá bận rộn, ngày 20.11 chị toàn mua thiệp, nhét tiền vào phong bì và bỏ vào balo cho con mang đến trường tặng cô.
Rất nhiều phụ huynh chọn cách tặng quà 20.11 cho cô bằng... tiền. Ảnh minh họa: IT.
Chị Trang kể: "Hiện ngoài các cửa hàng tạp hóa bán mấy loại thiệp chúc mừng tiện lắm, vừa có thiệp vừa có phong bì màu trắng. Mẹ chỉ cần bỏ tiền vào thiệp ghi chúc mừng cô này, cô kia rồi bỏ vào balo của con. Nếu ngại đưa cho cô trước lớp thì chỉ cần vào lớp gặp cô chúc mừng rồi nhắn cô là mẹ gửi quà tặng cô trong balo của con lát tiện cô lấy nhé". Khi được hỏi như vậy có cảm thấy quá xuề xòa và hình thức không thì chị Trang tặc lưỡi: "Không biết ở trường khác thế nào chứ trường con mình phụ huynh toàn rỉ tai nhau làm thế, các cô cũng biết cả rồi, mình lại đỡ phải nghĩ quà cáp".
"Của cho không bằng cách cho", rất nhiều giáo viên chia sẻ, họ cảm thấy buồn vì món quà mình nhận được trong ngày 20.11 không thể hiện được sự tôn trọng của phụ huynh. Thầy cô cho rằng, nếu không thể tặng quà bằng tấm lòng chân thật thì xin cha mẹ đừng tặng quà.
Cô Nguyễn Thị T - giáo viên tiểu học tại TP.Hải Dương nhớ mãi về lần được một phụ huynh lớp 3 của con tặng quà. "Vì năm đó 20.11 trùng vào ngày nghỉ nên hôm 18 khi đi đón con, mình vừa tan lớp vào phòng hội đồng thì chị phụ huynh đó tìm đến. Không đợi gọi cô giáo ra ngoài, phụ huynh đó xông vào, đến chỗ mình ngồi dúi vào tay bông hoa và chiếc phong bì. Trong khi đó, phòng hội đồng còn rất nhiều cô giáo khác ngồi xung quanh, cô hiệu trưởng cũng ngồi đó nhưng không được một lời chúc. Mình từ nói rõ với phụ huynh là cảm ơn và chỉ xin phép được nhận bông hoa còn trả lại chiếc phong bì nhưng chị ấy đôi co mãi, nói rất to lý do và chạy theo đút chiếc phong bì vào cặp mình. Ngượng chín mặt, mình phải mời chị ra ngoài để nói chuyện và trả lại phong bì" - cô T kể.
Những món quà nhỏ nhưng thật lòng sẽ làm các thầy cô vui và hạnh phúc hơn nhiều. Ảnh minh họa: IT.
Sợ nhận quà của phụ huynh, cứ đến ngày 20.11, cô giáo Trần Thị H (Đông Anh - Hà Nội) phải tắt điện thoại, buổi tối cả nhà trốn lên nhà ngoại đến khuya mới về để tránh phụ huynh đến nhà tặng quà. Cô H kể: "Nhiều phụ huynh tặng quà, phong bì cho cô với tâm lý "hối lộ" ý rằng, cô nhận quà của tôi thì phải có trách nhiệm quan tâm đến con tôi, nâng đỡ cho nó nhiều hơn. Đến cuối năm học nếu con kết quả không tốt lại quay ra trách móc: "Tôi "đóng góp" đầy đủ tại sao con tôi vẫn học kém?" Chính vì vậy, tôi rất sợ những món quà tri ân kiểu đó của phụ huynh" - cô H tâm sự.
Lý do này cũng đã khiến nhiều giáo viên và các trường học, sở, phòng giáo dục phải đưa ra thông báo không nhận quà, hoa của phụ huynh, học sinh vào những ngày lễ, Tết, đặc biệt là ngày kỷ niệm 20.11.
Đăng tải trên Facebook cá nhân của mình, mới đây GS Phan Thanh Sơn Nam - ĐH Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh (người được công nhận giáo sư trẻ tuổi nhất nước vào năm 2014) cũng nhắn nhủ sinh viên vui lòng không mua hoa, tặng quà mình trong ngày 20.11. Thay vào đó, GS Nam cho rằng, nếu có lòng, sinh viên nên gửi số tiền dùng để mua quà cáp đó vào Quỹ học bổng cựu sinh viên khoa Hóa để cùng chung tay chung sức với mọi người giúp đỡ cho các em sinh viên nghèo.
Thầy Nam khẳng định, không phải thầy là một người thanh cao hay cố làm ra vẻ thanh cao nhưng những món quà, hoa thực sự không cần thiết. Chia sẻ trên báo chí, thầy Nam cho biết: "Thỉnh thoảng cũng có bạn tìm mọi cách để tặng quà, có bạn bị mình từ chối thẳng, có bạn mình phải nhận trong hoàn cảnh rất khó xử, rồi sau đó mình phải mất công đi tặng lại cho các sinh viên có nhu cầu".
Theo GS Nam, chỉ cần sinh viên của mình học tốt, ra trường có việc làm, tự lo được cho bản thân là thầy đã mừng lắm rồi, không cần phải lăn tăn gì cho ngày 20.11 nữa.
Theo Danviet
Ngày Nhà giáo VN: Chuyện phi thường ở ngôi trường giữa rừng thẳm Vượt núi cõng học sinh đến trường, đi xin quần áo cho các em, nhường phòng họp làm nhà nội trú, dạy thêm không biết đến thù lao... là những việc làm phi thường của các thầy cô giáo ở ngôi trường lọt thỏm giữa rừng già Krong. Băng rừng, vượt thác cõng học sinh đến trường Trường phổ thông Dân tộc bán...