2000 tỷ đồng của bầu Đức và giấc mơ dang dở sau cuộc chia tay xôn xao làng bóng đá Việt
Hơn 14 năm trước, bầu Đức khiến tất cả ngỡ ngàng và thán phục khi chặt bỏ 5 hecta cao su và chi cả núi tiền để xây dựng học viện bóng đá HAGL JMG hợp tác với Arsenal. Nhưng rồi…
2000 TỶ ĐỒNG CỦA BẦU ĐỨC
“Gần 20 năm làm bóng đá, tốn rất nhiều tiền, khoảng 2000 tỷ đồng chứ không ít. Lúc này tôi đã đóng góp rất nhiều cho bóng đá Việt Nam. Lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường có thể nói khiến tôi rất hài lòng”.
Đó là những chia sẻ của bầu Đức trong một cuộc gặp gỡ truyền thông vào giữa năm 2020. Nghe ông nhắc đến con số 2000 tỷ đồng ông bầu này đầu tư cho bóng đá, nhiều người có lẽ cũng phải giật mình.
Bầu Đức rất tự hào với lứa Công Phượng.
Đầu những năm 2000, với sự chịu chơi của bầu Đức, bóng đá Gia Lai vươn mình mạnh mẽ và dần trở thành một thế lực ở V.League. Sau thành công ban đầu với 2 chức vô địch vào năm 2003 và 2004, bầu Đức dần thay đổi cách làm bóng đá. Những thương vụ bom tấn không còn xuất hiện thường xuyên, thay vào đó HAGL chuyển hướng sang đầu tư cho đào tạo trẻ.
5 hecta cao su đang sinh lợi không nhỏ bị chặt bỏ, nhường chỗ cho sự ra đời của học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG vào tháng 3 năm 2007. Dòng chữ “Vì tương lai bóng đá Việt Nam” được đặt trang trọng ngay ở lối vào học viện thể hiện thông điệp rõ ràng và đầy quyết tâm của bầu Đức.
Và quả thực, những sản phẩm của khóa 1 đã mang đến cho bầu Đức sự tự hào lớn. Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh Xuân Trường… khẳng định được tên tuổi từ rất sớm và dần vươn lên để đóng góp cho HAGL cũng như các cấp độ ĐTQG, điều mà bầu Đức vẫn luôn mong muốn.
Nhìn vào thành công của lứa cầu thủ này, người hâm mộ kỳ vọng vào sự xuất hiện của những “Tiểu Công Phượng”, “Văn Toàn đệ nhị”… ở các khóa tiếp theo. Tiếc rằng, mọi thứ đã không thể được như kỳ vọng.
Video đang HOT
CUỘC CHUYỂN GIAO BUỒN
Những ngày cuối tháng 11/2021, dư luận đón nhận thông tin bầu Đức quyết định ngưng hợp tác với mô hình đào tạo theo chuẩn của JMG, chuyển toàn bộ 15 học viên khoá 4 sang cho học viện NutiFood JMG.
Tuy nhiên trên thực tế, việc này đã diễn ra từ tháng 6. Những Gia Huy, Thanh Khôi, Việt Hoàng, Vĩnh Nguyên… đã không còn là quân của bầu Đức từ nửa năm nay. HLV Guillaume Graechen cũng đã về đầu quân về học viện bóng đá Nutifood JMG với vai trò Giám đốc Dự án JMG Việt Nam.
Điều này không có nghĩa HAGL không còn chú trọng việc đào tạo trẻ. Học viện của HAGL sau khi cải tổ nhiều khả năng sẽ mang tên Trung tâm đào tạo trẻ Hàm Rồng và có thể sẽ hợp tác với một đơn vị có tên tuổi. Nhưng rõ ràng việc phải thay đổi cách tuyển chọn và đào tạo trẻ theo một hướng khác cho thấy sự hợp tác với JMG đã không đạt được hiệu quả như bầu Đức kỳ vọng.
Khóa 1 học viện HAGL JMG.
Bầu Đức tiết lộ đã chi ra khoảng 2000 tỷ đồng trong gần 20 năm làm bóng đá. Và chắc chắn ngân sách dành cho dự án Học viện HAGL JMG chiếm phần không nhỏ trong số này. Nhưng sau sự thành công của lứa Công Phượng, Xuân Trường… các khóa tiếp theo của học viện không để lại được nhiều dấu ấn.
Một trong những minh chứng rõ nhất chính là việc trong danh sách U23 Việt Nam tham dự vòng loại U23 châu Á 2022, HAGL chỉ đóng góp 1 cái tên duy nhất là tiền vệ Trần Bảo Toàn.
HAGL vẫn đổ tiền để kết hợp với JMG, nhưng đã qua rồi thời kỳ dàn cầu thủ của lò đào tạo này là nòng cốt của các đội tuyển trẻ quốc gia. Bởi thế, cuộc chia tay với JMG là điều khó tránh khỏi khi HAGL cần tìm cho mình một hướng đi mới, đồng thời cắt giảm khoản chi phí không mang về hiệu quả như mong đợi.
Những cầu thủ khóa 3 học viện HAGL như Dụng Quang Nho, Lê Minh Bình… không được HLV Park Hang-seo lựa chọn cho vòng loại U23 châu Á 2022.
“Khóa 1, khóa 2 ở thời điểm đó bóng đá của HAGL rất nổi, có thương hiệu rất lớn trên khắp cả nước. Từ đó khi tuyển sinh thì các em trên cả nước đều tập trung về, muốn vào được học viện. Nhờ thế mà lò HAGL có nhiều tài năng để phát triển.
Còn những khóa sau này, việc tuyển chọn không còn được như xưa nữa. Các CLB khác có nhiều vệ tinh. Sau khi thấy HAGL làm thì họ cũng mở rộng việc tuyển chọn, có các vệ tinh trên cả nước. Từ đó khiến nguồn cầu thủ của lò HAGL cũng bị ảnh hưởng”, HLV Huỳnh Văn Ảnh, người đã có hơn 40 năm gắn bó với bóng đá Gia Lai và hiện đang đảm nhận công tác đào tạo trẻ ở HAGL chia sẻ với chúng tôi.
HLV Huỳnh Văn Ảnh.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, giáo trình của JMG đặt tiêu chí kỹ thuật lên hàng đầu nhưng chưa chú trọng việc cải thiện thể hình, thể lực cầu thủ, trong khi đây vẫn là điểm yếu của cầu thủ Việt Nam.
Ở Thái Lan, học viện bóng đá do CLB Chonburi và JMG hợp tác ra đời vào năm 2005 nhưng sau đó đã phải giải thể bởi các học viên đào tạo ra không đạt yêu cầu chất lượng. Điều đó phần nào cho thấy không phải cứ áp dụng mô hình đào tạo châu Âu vào môi trường bóng đá châu Á thì sẽ đạt được thành công. Cộng thêm việc chất lượng học viên ở đầu vào giảm sút khiến kết quả đào tạo không được như kỳ vọng, cuộc chia tay giữa HAGL và JMG là điều khó tránh khỏi.
HAGL sẽ phải tìm hướng đi mới cho công tác đào tạo trẻ để có được thế hệ kế cận đủ chất lượng.
Tất nhiên không thể phủ nhận hiệu ứng của học viện HAGL JMG với sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Sau màn đầu tư mạnh tay của bầu Đức, phong trào bóng đá trong nước được đẩy lên, nhiều trung tâm đã ra đời sau đó, đồng thời nhiều CLB cũng chú trọng hơn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo trẻ.
“Phải nói rằng bầu Đức là người đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Bởi vì muốn bóng đá phát triển thì khâu đào tạo trẻ là quan trọng nhất. Nếu đào tạo trẻ tốt thì sau này sẽ có một đội tuyển mạnh. Đầu tư bóng đá là đầu tư dài hạn, không thể nào đầu tư mà đòi thu được một sớm một chiều được.
HLV Park Hang-seo thành công cùng tuyển Việt Nam là nhờ đâu? Đầu tiên là ông ấy có trong tay một lực lượng cầu thủ có trình độ tốt. Người ta vẫn gọi là “có bột mới gột nên hồ”. Ông Park được hưởng lợi từ việc các CLB đào tạo bài bản. Nếu không nhờ một lứa cầu thủ được đào tạo bài bản thì sao đá được. Một nền bóng đá CLB phải là nền móng thì đội tuyển mới mạnh được”, HLV Huỳnh Văn Ảnh chia sẻ.
“Vì tương lai bóng đá Việt Nam” vẫn sẽ là mục tiêu mà bầu Đức hướng đến trong tương lai. Chỉ tiếc rằng sau hơn 14 năm được đầu tư, sự hợp tác giữa học viện của HAGL với JMG đã kết thúc một cách không trọn vẹn vì tốn kém và không mang lại hiệu quả như kỳ vọng ban đầu!
Lứa đàn em Công Phượng theo HLV Guillaume Graechen sang Học viện Nutifood JMG
Các cầu thủ khóa 4 của Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG chính thức thuộc biên chế của Học viện Bóng đá Nutifood JMG, thi đấu giải U21 quốc gia.
Sau khi HAGL ngừng hợp tác với JMG từ giữa năm 2021, Học viện Bóng đá Nutifood hiện đang là đơn vị duy nhất tại Việt Nam hợp tác với JMG.
HLV Guillaume Graechen chính thức đầu quân về Học viện Bóng đá Nutifood JMG với vai trò Giám đốc Dự án JMG Việt Nam. Trước đó, từ tháng 6/2020, vị HLV người Pháp đã dẫn dứt đội U17 và U19 của Học viện Nutifood JMG giành hạng nhì tại giải vô địch quốc gia.
Ngoài HLV Graachen, với mong muốn các học viên Khóa 4 của HAGL tiếp tục được đào tạo trọn vẹn theo giáo án của Học viện JMG toàn cầu để phát triển những nhân tố tài năng, đồng thời duy trì lối đá tấn công đẹp mắt, Học viện Nutifood tiếp nhận 15 cầu thủ tiềm năng này.
Những tài năng trẻ khóa 4 của HAGL gia nhập Học viện Nutifood JMG gồm Nguyễn Thanh Khôi (2001), Hoàng Vĩnh Nguyên (2002), Phan Nhật Thanh Long (2002), Trần Đình Hùng (2003), Trần Gia Huy (2003), Nguyễn Thái Quốc Cường (2004), Nguyễn Duy Tâm (2002), Nguyễn Quốc Việt (2003), Lâm Gia Đức (2003), Võ Hữu Việt Hoàng (2002), Huỳnh Tuấn Vũ (2002), Phan Hồ Khải (2003), Nguyễn Nhật Minh (2003), Bùi Quốc Bảo (2003) và Hồ Thanh Hóa (2003).
Trong đó, Trần Gia Huy là một trường hợp đặc biệt, có duyên với Học viện Nutifood. Năm 2013, khi còn trong biên chế của HAGL, thần đồng bóng đá này được chẩn đoán bị suy dinh dưỡng, thấp còi và thiếu hoóc môn tăng trưởng nghiêm trọng. Dưới sự tài trợ và điều trị của đội ngũ bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng Nutifood trong 5 năm liên tục với tổng chi phí lên đến 5 tỉ đồng, Gia Huy đã đạt được sự phát triển thần kỳ với chiều cao 172cm và tiếp tục theo đuổi con đường bóng đá chuyên nghiệp.
Tiền vệ Nguyễn Thanh Khôi
"Các cầu thủ Khóa 4 HAGL JMG và Khóa 1 của Học viện Nutifood JMG có sự tương đồng về độ tuổi, về thể hình và cùng được đào tạo bài bản theo giáo trình kỹ thuật từ JMG, cùng triết lý chơi bóng tấn công dưới sự dẫn dắt của HLV Guillaume Graechen - người thầy của thế hệ Công Phượng, Văn Toàn... Do đó, sự tiếp nhận này tương đối thuận lợi để các cầu thủ cùng hòa hợp, tiếp tục theo đuổi đam mê và phát triển sự nghiệp thể thao trong môi trường chuyên nghiệp của chúng tôi", ông Lê Nguyên Hòa, Trưởng đoàn của Học viện Bóng đá Nutifood JMG cho biết.
Sau khi đầu quân về Nutifood, các cầu thủ trẻ không chỉ được tiếp tục đào tạo bởi HLV Graechen và giám đốc kỹ thuật Franck Durix mà còn được các chuyên gia dinh dưỡng của Nutifood chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Tất cả các cầu thủ đều có cơ hội được đào tạo và phát triển như nhau để trở thành lứa cầu thủ mạnh về kỹ thuật, khỏe về thể chất, tiến đến con đường thi đấu chuyên nghiệp trong tương lai.
Tại giải U21 Vô địch Quốc gia 2021 bắt đầu vào 2/12 sắp tới, U21 Học viện Bóng đá Nutifood JMG chung bảng C với Viettel, Sông Lam Nghệ An, Becamex Bình Dương.
Giải Futsal HDBank VĐQG 2021: Tân Hiệp Hưng có chiến thắng đầu tay Tân Hiệp Hưng có khởi đầu thuận lợi ở Futsal HDBank VĐQG 2021 khi đánh bại Cao Bằng 3-1. Hai đội Tân Hiệp Hưng và Cao Bằng từng gặp nhau ở vòng loại và khi đó Tân Hiệp Hưng có chiến thắng ngược 4-2 trước đối thủ. Các học trò HLV Trương Quốc Tuấn càng thể hiện sự gắn kết trong lối chơi...