20 phút đấu súng tiêu diệt kẻ ám sát đại sứ Nga
Đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt kẻ ám sát sau 20 phút đấu súng, dù có nhiều cơ hội thuận lợi để bắt sống tên này.
Kẻ ám sát (khoanh đỏ) đứng ngay sau lưng đại sứ Karlov trước khi ra tay. Ảnh: Haberturk
Vụ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua, nhưng thông tin về động cơ giết người của hung thủ vẫn chưa được làm rõ, bởi kẻ ám sát đã bị tiêu diệt ngay sau khi gây án chứ không phải bị bắt sống, theo RBTH.
Vào lúc 19h30 ngày 19/12, đại sứ Karlov tới Trung tâm Nghệ thuật Đương đại ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự lễ khai mạc một triển lãm ảnh. Ông vừa đứng lên phát biểu chưa đầy một phút thì kẻ ám sát đứng ngay phía sau ông rút súng, lạnh lùng bắn nhiều phát đạn vào lưng đại sứ.
Đại sứ Karlov bị trúng 9 viên đạn vào người và bị thương nặng, nhưng lực lượng y tế đến hiện trường ngay sau đó không thể tiếp cận được với ông, bởi tay súng Mevlut Mert Altintash vẫn đang khua vũ khí đe dọa mọi người và hô to những khẩu hiệu Hồi giáo. 25 phút sau vụ nổ súng, lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai, và ngay sau đó là cuộc đấu súng kéo dài suốt 20 phút.
Theo Telegraph, lực lượng đặc nhiệm bao vây xung quanh tòa nhà đã nhiều lần kêu gọi Altintas đầu hàng, nhưng anh ta tiếp tục sử dụng khẩu súng Sarsilmaz K2P cỡ nòng 9 mm, loại trang bị tiêu chuẩn của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, bắn nhiều phát đạn về phía họ.
Altintas quyết không chịu buông vũ khí đầu hàng dù đã bị bắn 4 phát vào bàn chân và đùi. Cuối cùng, một đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ nổ phát súng quyết định, viên đạn găm vào cổ Altintas, khiến anh ta gục xuống chết tại chỗ. Lúc này các bác sĩ mới có thể tiếp cận được với đại sứ Karlov, nhưng tất cả đã muộn, ông đã thiệt mạng tại hiện trường vì vết thương quá nặng.
Theo Boris Dolgov, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Học viện Khoa học Nga, Altintas có thể là một sát thủ hành động đơn độc, nhưng nhiều khả năng anh ta là một phần trong kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, với nhiều kẻ đồng phạm có liên quan. Việc Altintas bị bắn chết tại chỗ đã gây khó khăn rất nhiều cho công tác điều tra thủ phạm.
Altintas bị bắn chết tại hiện trường. Ảnh: Twitter
Video đang HOT
“Tôi thấy thật lạ là Altintas bị bắn chết. Họ hoàn toàn có thể bắt sống anh ta, sau đó thẩm vấn và buộc anh ta khai ra những kẻ đứng sau lên kế hoạch thực hiện vụ ám sát”, Dolgov nói.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng nếu Altintas bị bắt sống, cuộc điều tra chung giữa các thanh tra Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều, thủ phạm thực sự sẽ nhanh chóng bị lôi ra ánh sáng và bị trừng phạt theo công lý.
Trung tá Andrei Popov, cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm Alpha của Cục An ninh Liên bang Nga (FSB), cho rằng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ có cơ hội rất thuận lợi để bắt sống Altintas, nhưng đáng tiếc là họ đã không làm được như vậy.
“Khi đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đến nơi, kẻ ám sát đại sứ đã tự bộc lộ mình là thủ phạm và không hề có ý định che giấu tội ác. Qua video tôi xem được, có thể thấy sát thủ không hề ngăn cản mọi người ra khỏi tòa nhà và cũng không có ý định bắt con tin. Khi đối tượng không giữ con tin, việc khống chế và bắt sống là rất dễ dàng”, Popov nói.
Trung tá này cho rằng các lực lượng đặc nhiệm thường được huấn luyện rất bài bản cho tình huống này. “Trong trường hợp đó, các hành động bắt sống đối tượng sẽ được triển khai. Đối tượng sẽ bị bắn ngay vào vai phải, khiến hắn không còn khả năng bắn trả hay tự sát. Đặc nhiệm sau đó chỉ việc tiếp cận và khống chế”, Popov khẳng định.
Popov cho rằng cơ hội này đã không được tận dụng có thể vì giữa các đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bất đồng về phương án tấn công, hoặc họ chưa được huấn luyện một cách chuyên nghiệp.
Ông cũng không loại trừ khả năng Altintas có đồng phạm trong lực lượng đặc nhiệm, kẻ đã “quyết định bắn chết anh ta để bịt miệng”. Altintas là một thành viên đơn vị cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Ankara, công tác trong lực lượng được hai năm rưỡi.
Cảnh sát đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ bao vây hiện trường. Ảnh: Reuters
Sau vụ ám sát, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng phong trào khủng bố FETO của giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen là thủ phạm gây ra tội ác. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dimitri Peskov hôm qua tuyên bố Ankara không nên vội vàng quy kết thủ phạm vụ ám sát khi cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành và chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Nga đã lập một đội điều tra 18 thành viên từ Ủy ban Điều tra Quốc gia và Bộ Ngoại giao tới Ankara để phối hợp với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tìm hiểu vụ việc. Nhóm điều tra chưa đưa ra bình luận nào sau khi tổ chức Jabhat Fatah al-Sham (tên mới của nhóm Mặt trận Al-Nusra) ở Syria đứng ra nhận trách nhiệm về vụ ám sát.
Theo Trí Dũng (Vnexpress)
Nhóm khủng bố nhận ám sát đại sứ Nga nguy hiểm thế nào?
Nhóm khủng bố Jabhat Fatal al-Sham ở Syria vừa tuyên bố nhận trách nhiệm vụ ám sát Đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là nguy hiểm không thua kém tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tay súng bắn chết Đại sứ Nga trong một phòng triển lãm tranh ở Ankara được cho là thành viên của nhóm khủng bố Syria Jabhat Fatal al-Sham ở Syria (Mặt trận al-Nusra)
Theo Sputnik News, nhóm khủng bố Syria đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ ám sát Đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov trong một bức thư lan truyền trên Internet.
Trước đó, tại buổi khai mạc triển lãm tranh ở Ankara ngày 19.12, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov bị một người đàn ông có vũ trang bắn 8 phát đạn và thiệt mạng. Tay súng Mert Mevlut Altyntash cũng bị bắn chết tại chỗ khi cảnh sát đột nhập hiện trường.
Mert Mevlut Altyntash đang phục vụ trong Lực lượng cảnh sát Ankara và đã làm được 2,5 năm. Vào ngày ám sát Đại sứ Nga hắn đã cáo ốm để xin nghỉ làm.
Theo tuyên bố của Jabhat Fatal al-Sham, tay súng người Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Mert Altyntash, kẻ đã bắn chết ông Karlov, là thành viên trong nhóm của chúng.
Mùa hè năm nay, các thủ lĩnh của nhóm khủng bố này đã đưa ra 2 quyết định lớn, đó là tách khỏi mạng lưới khủng bố khét tiếng al-Qaeda và đổi tên.
Thủ lĩnh của nhóm là Abu Mohammad al-Julani tuyên bố tách khỏi al-Qaeda vào ngày 28.7 và khẳng định nhóm này sẽ không liên kết với bất cứ tổ chức nào bên ngoài Syria. Abu Mohammad al-Julani cũng tuyên bố đổi tên nhóm từ Mặt trận al-Nusra thành Jabhat Fatal al-Sham.
Các thành viên của nhóm khủng bố Mặt trận al-Nusra ở Syria.
Nhóm khủng bố Mặt trận al-Nusra được đánh giá là nguy hiểm không kém tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Mỹ The National Interest, nhà phân tích Daniel R. DePetris cho biết, Mặt trận al-Nusra không từ một thủ đoạn nào chống những người bị chúng coi là "dị giáo" và đã phạm phải một loạt tội ác dã man tương tự như nhóm khủng bố IS.
Một số thủ lĩnh hàng đầu của Mặt trận al-Nusra từng là thành viên của nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông" (ISIL),
Thủ lĩnh Mặt trận al-Nusra Abu Mohammad al-Julani từng được thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi phân công mở một chi nhánh ISIL ở Syria để tận dụng môi trường an ninh đang ngày càng xấu đi khi nội chiến leo thang.
Khác với IS, Mặt trận al-Nusra tập trung vào các hoạt động chống lại quân đội, chính phủ Syria và đánh bom tự sát cũng là chiến thuật ưa thích của chúng
Mặt trận al-Nusra đã thực hiện các cuộc tấn công khủng bố làm chết nhiều người khiến truyền thông thế giới chú ý bao gồm cuộc tấn công liều chết tại Trụ sở Cơ quan An ninh Syria và một văn phòng quân đội ở Damascus, giết chết 44 người trong đó có nhiều tướng lĩnh cao cấp.
Trong tháng 5.2012, nhóm này cũng thực hiện một vụ đánh bom liều chết ở Damascus sát hại 55 người.
Hoạt động tấn công của Mặt trận al-Nusra bắt đầu tăng rõ rệt trong năm 2012 và nhóm này đã nhận trách nhiệm tiến hành 60 vụ tấn công trong tháng 8.2012.
Có một yếu tố khiến Mặt trận al-Nusra thậm chí trở nên nguy hiểm hơn cả nhóm khủng bố IS là nhóm này rất thực dụng, sẵn sàng "hợp tác" với các nhóm đối lập khác ở Syria để thực hiện các vụ tấn công chết người. Chẳng hạn, chiến dịch tấn công, đánh chiếm tỉnh Idlib (Syria) là do Mặt trận al-Nusra phối hợp với các nhóm khác ở Syria tiến hành.
Trong báo cáo gần đây, Tổ chức Quan sát Nhân quyền chi biết: "Lực lượng đối lập ở Syria (bao gồm Mặt trận al-Nusra) đã nổ súng vào dân thường, giết toàn bộ gia đình hoặc những thành viên chạy trốn. Lực lượng này giết chết cả đàn ông và giữ phụ nữ, trẻ em".
Theo Danviet
Putin tiết lộ lý do Đại sứ Nga không được bảo vệ lúc bị ám sát Các nhà ngoại giao chỉ được đảm bảo an toàn trên lãnh thổ đại sứ quán, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết khi đề cập tới thực tế Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov đã không được bảo vệ vào ngày xảy ra án mạng. Đại sứ Nga Larkov bị bắn khi đang phát biểu. "Một quy tắc chung...