20 năm trước “chôn những cây vàng” trên núi, giờ giàu nhất vùng
Lão nông “cất” tiền tỷ trong rừng là cách mà người dân nói về khu rừng cây với nhiều loài hỗ quý như vàng rộng tới hơn 18ha của gia đình ông Bùi Văn Thiệp ở bản Kiến Xương ( xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La).
Hiện, ông Thiệp đang sở hữu hàng ngàn cây gỗ quý như nghiến, lát, tếch, lõi thọ… có giá trị hàng tỷ đồng.
Chúng tôi từng nghe nhiều người kể về ông Bùi Văn Thiệp ở bản Kiến Xương, xã Phổng Lái là người có khu rừng giàu và đẹp nhất nhì huyện Thuận Châu.
Những năm 1996, ông Thiệp từng bị mọi người gọi là “khùng”, vì thời đó đói nghèo khắp nơi, ăn không đủ no, nhiều nhà chỉ lo kiếm kế sinh nhai trước mắt, nhưng ông Thiệp lại ngày ngày “mò” lên lên núi đá trồng cây gỗ nghiến, cây gỗ lát.
20 năm trước, ông Thiệp từng bị mọi người gọi là “khùng” vì đi trồng những thứ cây không biết đến bao giờ cho gạo, cho tiền thì đến nay sau khi có khu rừng với nhiều loài gỗ quý giá trị cả tỷ bạc, mọi người ai cũng đều cảm phục ý chí, nghị lực của ông.
Do đã điện thoại hẹn trước nên khi chúng tôi đến ông Thiệp đã ra tận quốc lộ 6 đón. Trong ngôi nhà khang trang mới xây, rót ly trà mời chúng tôi, ông Thiệp khoát tay ra khu rừng xanh ngút ngàn đằng sau nhà và nói với giọng thấp thỏm: “Thời tiết khô hạn quá! Đã mấy tuần nay chưa đêm nào tôi được yên giấc. Đêm nào 2 vợ chồng tôi cũng bồn chồn và lo lắng vì sợ thời tiết khô hanh thế này dễ gây cháy rừng. Bởi bao tâm huyết của gia đình tôi đều dồn hết vào cánh rừng với hàng ngàn cây gỗ quý này”.
Theo ông Thiệp, đã có người sẵn sàng trả tiền tỷ để mua diện tích rừng trồng toàn các loài gỗ quý như nghiến, lát, tếch…nhưng ông vẫn không chịu bán.
Tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, ông Thiệp kể: “Năm 1996, Đảng và Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ dân sinh sống gần rừng, tôi đã mạnh dạn nhận 18ha để chăm sóc và bảo vệ. Khi đó, rừng ở 2 núi đằng sau nhà chủ yếu đồi trọc, cây bụi và dây leo, những cây gỗ nghiến cổ thụ người ôm không xuể gần như bị phá hết, chỉ còn lại các cây nghiến con to bằng cổ tay”.
Ông Thiệp cho biết, lúc mới trồng cây lát chỉ to bằng gần cổ tay, nhưng đến nay, các cây gỗ lát đã có chu vi gần 40cm.
Sau khi được giao rừng, ngày ngày ông Thiệp lại ngược dốc lên núi, cứ chỗ nào trống là ông nhổ thêm cây nghiến và mua thêm cây lát ở ngoài về trồng. Cứ như vậy, ngày qua ngày, ông Thiệp đã trồng được gần 1.000 cây gỗ nghiến; trên 1.300 cây gỗ lát.
“Trước đây, khu núi đá này toàn rừng cây gỗ nghiến, tôi cứ nghĩ trồng xong sẽ sống hết nhưng không biết kiểu gì trong số cây nghiến tôi trồng chỉ sống được một nửa, còn cây lát thì sống gần hết” – ông Thiệp nhớ lại.
Video đang HOT
Một trong những cây tếch to lớn do chính tay ông Thiệp trồng.
Ông Thiệp cho biết: “Năm 2002, 18ha rừng được giao cho gia đình tôi chính được cấp sổ đỏ. Lúc này, tôi mua thêm cả nghìn cây tếch và cây gỗ lõi thọ về trồng. Sau hơn 20 năm trồng và chăm sóc, đến nay, số lượng cây nghiến, cây lát to nhất cũng đạt chu vi khoảng 40cm; còn lại cây tếch, lát cũng to bằng thân người trưởng thành.
Khu rừng tếch của gia đình ông Thiệp hiện đã to bằng vòng tay người ôm, thân cây thẳng tắp như những cột chống trời.
Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Thiệp ngỏ ý mời chúng tôi ngược dốc lên núi để mục sở thị khu rừng gỗ quý của ông. Khoảng 15 phút leo con dốc thẳng đứng như lên trời, trước mắt chúng tôi là cả khu rừng xanh. Các loài cây gỗ quý đều có thân cây to và đều thẳng tắp như những cột chống trời.
Hiện, ông Thiệp có 1.200 cây lát, 500 cây nghiến và hơn 4.000 cây tếch, cây gỗ lõi thọ.
Sải những bước chân thoăn thoắt ôm lấy một cây to bằng thân người, ông Thiệp tự hào bảo: Toàn bộ khu này là cây lõi thọ, dưới tán tôi trồng cây sa nhân; phía trên khu trồng cây lõi thọ là khu trồng cây tếch,cây lát và ở tít trên đỉnh núi đá kia là cây nghiến. Tất cả những cây này đều có tuổi từ 18 năm trở lên. Khoảng 10 năm nữa, cây lõi thọ và tếch đủ thời gian khai thác, cả khu này giá thấp nhất cũng từ 5 tỷ đồng trở lên.
Từ chỗ chỉ là đồi trọc, đến nay vào tay ông Thiệp, rừng đã được phục hồi và phủ kín màu xanh của nhiều loài cây gỗ quý.
Bên cạnh đó, khu rừng của ông Thiệp thuộc lưu vực sông Đà, mỗi năm, cứ “đều như vắt chanh” ông lại bỏ túi 9 triệu đồng từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ ngành chức năng.
“Mùa hanh khô, cán bộ kiểm lâm lo gấp 10 lần thì tôi lo gấp 100 lần bởi nếu xảy ra cháy rừng tôi là người thiệt hại hơn cả. Ngày nào tôi cũng phải tuần rừng 24/24. Những ngày bận quá thì phải móc hầu bao ra thuê người khác trông coi hộ, nếu xảy ra cháy là mất ăn ngay…” – ông Thiệp bộc bạch.
Trước khi chia tay chúng tôi, đứng dưới tán rừng gỗ quý cao vút tỏa bóng mát, ông Thiệp quả quyết: “Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục chăm sóc, bảo vệ tốt khu rừng của mình và trồng mới thêm những diện tích đất trống còn lại để khôi phục những cánh rừng nguyên sinh trước đây. Qua đó, góp phần giữ gìn “lá phổi xanh” chung cho mọi người…”.
Theo Danviet
Trồng thứ cỏ lạ ăn ngọt lừ, lão nông Tông Lạnh đổi đời
Trồng cỏ ngọt mà đổi đời đó là gia đình ông Quàng Văn Hồng, bản Dẹ (xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Bằng ý chí, nghị lực, lão nông Quàng Văn Hồng đã biết cách "đánh thức" vùng đất cằn này bằng cách chuyển trồng lúa, ngô sang trồng loài cỏ ngọt để bán làm nguyên liệu thuốc...
Có dịp lên công tác tại xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu chúng tôi được cán bộ Hội Nông dân xã giới thiệu về mô hình trồng cỏ ngọt của nông dân Quàng Văn Hồng ở bản Dẹ. Từ trồng cỏ ngọt, mỗi năm, ông Hồng thu nhập hơn 150 triệu đồng.
Theo ông Hồng, trồng cỏ ngọt cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa.
Di chuyển trên con đường nhựa rộng thênh thang từ quốc lộ 6 đi vào bản Dẹ, chúng tôi không mấy khó khăn để tìm được nhà ông Hồng. Ở mảnh đất rộng khoảng 1ha ngay cạnh nhà, chúng tôi nhìn thấy ông Hồng đang cùng chiếc máy xới đất để lên luống. Vừa nhìn thấy người lạ đến, ông Hồng vội lại gần và bắt tay chúng tôi. Ông bảo: "Tháng 2 mùa này đang là thời vụ tốt để trồng cỏ ngọt, nên hôm nay gia đình ra quân sản xuất đầu năm".
Để cỏ ngọt sinh trưởng và phát triển tốt, cần trồng hàng cách hàng 30cm, cây cách cây 25cm, cung cấp đầy đủ phân bón, nước tưới.
Mời chúng tôi vào nhà, ông Hồng nhanh tay pha ấm nước từ sản phẩm cỏ ngọt do chính mình làm ra và bắt đầu câu chuyện mưu sinh trên mảnh đất bản Dẹ.
Ông Hồng kể: "Tôi vốn xuất thân từ gia đình nông dân nghèo. Sau khi lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng tôi làm bạc mặt ngày đêm vẫn không thể thoát được cái đói, cái nghèo. Từ trồng ngô, lúa... đến chăn nuôi bò, tôi đều làm hết những vẫn không khá lên được".
Ông Hồng cho biết thêm: Trồng cỏ ngọt tuyệt đối không dùng thuốc trừ cỏ phun trừ cỏ trước khi trồng mà phải dùng tay nhổ bỏ các loại cỏ dại trong quá trình chăm sóc.
Chúng tôi hỏi nguyên nhân vì sao, ông Hồng nói: Đây vốn là vùng đất đồi cằn cỗi, khô hạn, một năm chỉ làm được một vụ lúa nên dù cố gắng bao nhiêu cũng chỉ đủ nuôi cái miệng.
Nhiều đêm, ông Hồng trăn trở: Tại sao gia đình mình cần cù, chịu khó lao động sản xuất mà đói nghèo vẫn cứ bám víu lấy cuộc sống gia đình mình. Tính kế thoát nghèo trên chính mảnh đất cằn cỗi này, ông Hồng lang bạt khắp các địa phương trong tỉnh để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của những mô hình làm kinh tế giỏi, cách làm hay về áp dụng.
Trong thời gian tới, ông Hồng sẽ mở rộng thêm diện tích trồng cỏ ngọt và hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ ngọt cho các hộ dân có nhu cầu trồng cỏ ngọt.
"Là một người đàn ông, tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó để giúp gia đình thoát cảnh đói nghèo. Sau đó, giúp hàng xóm, láng giềng cùng nhau thoát nghèo vươn để làm giàu. Nếu mình không động não, suy nghĩ tìm hướng đi thì chẳng biết bao giờ mới khá lên được" - ông Hồng thổ lộ.
Đang loay hoay tìm cách làm giàu, ông Hồng gặp được ông Cà Văn Chiu - nguyên Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu và được bày cách làm kinh tế từ trồng cây cỏ ngọt. Tin tưởng lời nói của vị lãnh đạo này, ông Hồng không chút đắn đo liên hệ ngay với Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Sơn La để mua giống.
Cỏ ngọt dễ uống và có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Cỏ ngọt là nguyên liệu để làm nhiều thuốc Đông y, Tây y...Cỏ ngọt tốt cho sức khỏe người bị bệnh tiểu đường...
Ông Hồng cho biết: "Để trồng được cỏ ngọt, tôi bỏ thêm tiền của gia đình tích góp được cộng với vay mượn thêm của người thân, bạn bè, thuê nhân công cải tạo 1ha đất ruộng; đầu tư hệ thống tưới nước; khu ươm giống cỏ ngọt và mua giống cỏ ngọt. Công ty cung cấp giống cỏ ngọt và cử cán bộ kỹ thuật lên tận nhà hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ ngọt. Tôi lấy sách vở ra ghi chép đầy đủ và làm đầy đủ theo hướng dẫn. Nhờ vậy, mà cỏ ngọt tôi trồng phát triển rất tốt".
"Bình quân mỗi năm cỏ ngọt cho thu hái 5 lần. Riêng năm 2019, tôi xuất bán được 5 tạ cỏ ngọt khô. Với giá bán 300.000 đồng/kg khô, tôi thu khoảng 150 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng" - ông Hồng phấn khởi thông tin thêm.
Ông Hồng tiết lộ: Thời vụ thích hợp trồng cỏ ngọt là vào tháng 2 hàng năm.
Theo ông Hồng: Cỏ ngọt được dùng cho người bị bệnh tiểu đường, giúp ổn định huyết áp, phòng chống sơ cứng động mạch ở người già; chống béo phì, chống sâu răng, chống ung thư vòm họng, trị mụn, làm sạch da... nên được thị trường rất ưu chuộng.
Bằng sự cần cù, chịu khó, quyết tâm làm giàu, ông Hồng đã bắt vùng đất khô cằn nở hoa. Ông là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, làm giàu. Với việc trồng thành công cây cỏ ngọt tại bản Dẹ, hứa hẹn đây sẽ là một hướng đi mới giúp bà con nông dân Tây Bắc nói chung, vùng Thuận Châu nói riêng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Theo Danviet
Luồn rừng hái "lộc trời", tay rớm máu bù lại mua được cả xe máy Bản Cửa Rừng (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển. Nơi đây nổi tiếng với những vạt rừng chít xanh ngút ngàn. Bà con đồng bào Mông ở đây coi bông chít là "lộc trời" ban tặng. Nhờ hái bông chít để bán, bà con nơi rẻo cao này sắm được...