20 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Chặng đường ngắn, bước tiến dài
TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ (12/7/1995-12/7/2015).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Sau đây là nội dung bài viết:
Đối với một đời người, 20 năm là khoảng thời gian khá dài nhưng trong lịch sử bang giao giữa các dân tộc, 20 năm chỉ như một khoảnh khắc. Ít ai có thể hình dung chỉ sau hai thập kỷ kể từ khi bình thường hóa, quan hệ hai nước đã đạt được nhiều bước tiến ấn tượng đến thế. Dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ (12/7/1995-12/7/2015) là thời khắc quan trọng để chúng ta chiêm nghiệm lại quá khứ, hướng về phía trước để cùng nhau định hình một tương lai tốt đẹp hơn cho hai dân tộc cũng như cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Những động lực mạnh mẽ của quan hệ Đối tác toàn diện
Vào thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, đa số người dân Hoa Kỳ mới chỉ biết đến Việt Nam như một cuộc chiến tranh hơn là một đất nước nhưng ngày nay, hai tiếng Việt Nam đã trở nên quen thuộc trong đời sống thường nhật của người dân Hoa Kỳ. Hiếm có siêu thị lớn nào ở Hoa Kỳ mà không có hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, từ nông sản, giày dép cho đến các mặt hàng thiết yếu khác.
Trong 20 năm qua, nhất là từ sau khi Hiệp định Thương mại song phương (BTA) được ký kết năm 2000, quan hệ kinh tế-thương mại song phương đã thực sự cất cánh. Từ con số nhỏ bé 400 triệu USD năm 1994, kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp 90 lần lên 36,3 tỷ USD năm 2014. Với kim ngạch xuất khẩu 30,6 tỷ USD năm 2014, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng đầu ASEAN về xuất khẩu vào Hoa Kỳ và vượt qua Ấn Độ để lọt vào danh sách 10 nước xuất siêu hàng đầu vào thị trường có sức mua lớn nhất thế giới.
Về phần mình, trong năm năm qua, Hoa Kỳ đã vươn từ vị trí thứ 11 trở thành nhà đầu tư lớn thứ bảy tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 11 tỷ USD. Một số tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đã và đang có kế hoạch đặt “đại bản doanh” tại Việt Nam, mở ra triển vọng đưa Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam như mục tiêu mà Đại sứ Ted Osius đã đề ra. Dự kiến sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và có hiệu lực, quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ còn bùng nổ hơn nữa.
Bên cạnh những bước tiến mạnh mẽ của quan hệ kinh tế là xu thế không ngừng đi lên trong hợp tác khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo giữa hai nước. Hợp tác trong nhiều ngành then chốt từ phong điện, nghiên cứu không gian đến sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình có nhiều bước phát triển mới, nhất là sau khi Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự (Hiệp định 123) được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 2014.
Từ chỗ chỉ có khoảng 500 sinh viên học tập tại Hoa Kỳ năm 1995, đến nay con số đó đã tăng gấp 34 lần lên gần 17.000, đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu ASEAN, thứ tám thế giới về số lượng sinh viên tại Hoa Kỳ. Hai nước đang nỗ lực triển khai dự án thành lập trường Đại học Fulbright Việt Nam.
Nhưng điều còn quan trọng hơn các con số ấn tượng nói trên là hai nước đã từng bước vượt qua nghi kỵ, bất đồng, không ngừng tăng cường quan hệ chính trị và hiểu biết lẫn nhau. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trao đổi sáu chuyến thăm cấp cao, trong đó Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thông qua bốn Tuyên bố chung vào các năm 2005, 2007, 2008 và 2013.
Đặc biệt, Tuyên bố chung giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ với chín lĩnh vực hợp tác, mở ra một giai đoạn phát triển mới về chất trong quan hệ hai nước. Trong những năm qua, tiếp xúc, gặp gỡ giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước bên lề các hội nghị đa phương quan trọng đã trở nên thường xuyên.
Video đang HOT
Từ chỗ ban đầu chỉ có duy nhất một cơ chế đối thoại về tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA), đến nay, hai nước đã thiết lập được trên mười cơ chế đối thoại, trong đó có những cơ chế rất quan trọng như Đối thoại thường kỳ cấp Bộ trưởng, Đối thoại Chính trị-An ninh-Quốc phòng, Đối thoại về Chính sách quốc phòng, Đối thoại về châu Á-Thái Bình Dương, Đối thoại nhân quyền.
Tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai và tôn trọng sự khác biệt
Quá khứ không dễ quên, nhất là khi bị in hằn bởi những vết sẹo do chiến tranh để lại nhưng với tư duy luôn hướng về phía trước, Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang nỗ lực rất nhiều để vượt lên trên quá khứ và định hình quan hệ tương lai. Với tinh thần khoan dung, nhân đạo, Việt Nam đã tích cực hợp tác với phía Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh. Đến nay, khoảng 950 bộ hài cốt lính Mỹ đã được tìm thấy, trong đó 700 bộ đã được nhận dạng. Về phần mình, Hoa Kỳ cũng đã cung cấp hơn 300 bộ hồ sơ, góp phần bổ sung thông tin để quy tập được hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ Việt Nam.
Đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam 100 triệu USD để tẩy độc chất da cam-dioxin ở Đà Nẵng và 80 triệu USD hỗ trợ rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Vẫn còn rất nhiều vấn đề cần khắc phục, song những nỗ lực của cả hai bên đã góp phần quan trọng vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, thúc đẩy hòa giải, xây dựng lòng tin giữa hai nước.
Dĩ nhiên vẫn còn đó những bất đồng, khác biệt quan điểm giữa hai bên, nhất là trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Nhưng điều quan trọng là cả hai bên đã và đang thể hiện rõ tinh thần tôn trọng sự khác biệt, đối thoại thẳng thắn, cởi mở để thu hẹp bất đồng, tăng cường hợp tác. Đến nay, hai nước đã tổ chức được 19 phiên Đối thoại nhân quyền và hiện đang cùng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Việt Nam và Hoa Kỳ trong “Thế kỷ châu Á”
Nhiều dự báo cho rằng thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của châu Á. Nếu điều đó trở thành hiện thực thì mối quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và các quốc gia châu Á, trong đó có quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam sẽ góp phần định hình tương lai khu vực.
Vượt lên trên tầm mức song phương, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã và đang có những đóng góp ngày càng quan trọng vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Từ các khuôn khổ do ASEAN đóng vai trò trung tâm như EAS, ARF, ADMM đến những diễn đàn rộng lớn hơn như APEC và Liên hợp quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ đang phối hợp ngày càng chặt chẽ trong việc chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Với việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, cả hai bên đang hướng tới việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ. Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ, nhất là qua việc đẩy mạnh triển khai Sáng kiến Gắn kết kinh tế mở rộng (E3) và Hiệp định khung thương mại và đầu tư.
Tầm nhìn chung cho chặng đường phía trước
Trong bức thư gửi Tổng thống Truman ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ mục tiêu của Việt Nam là “độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”. Người cũng khẳng định Việt Nam “sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới.” Thế giới ngày nay đang vận động rất nhanh, đòi hỏi hai nước không được phép bỏ lỡ những cơ hội lịch sử như những giai đoạn trước.
Chặng đường 20 năm qua, nhất là từ khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện tháng 7/2013, đã chỉ ra rằng hòa bình và thịnh vượng ở Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung có nhiều điều kiện được duy trì hơn khi quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển thuận lợi; quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phù hợp với lợi ích chung của tất cả các nước trong khu vực.
Lịch sử đầy thăng trầm trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là những bước tiến mạnh mẽ trong 20 năm qua cũng chứng minh rằng Việt Nam và Hoa Kỳ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên tinh thần tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đối thoại thay cho đối đầu. Đó chính là con đường duy nhất để vượt qua quá khứ, cùng chung tay xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi dân tộc cũng như đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Theo TTXVN/VIETNAM
Những lý do quan hệ Việt-Mỹ phát triển nhanh chóng
Những ngày gần đây, báo chí nước ngoài có nhiều bài viết đánh giá cao mối quan hệ Việt-Mỹ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn.
Ngày 27/3, tờ Eurasiareview đã đăng tải bài viết của nhà báo Veeramalla Anjaiah (Jakarta, Indonesia) trong đó nhận định, sau khi tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam và Hoa Kỳ giờ đây bước vào giai đoạn làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực mới như thực thi pháp luật, chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh hàng hải và an ninh mạng.
Nhà báo Anjaiah nhắc lại chuyến thăm Mỹ mới đây của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Theo đó, về cơ bản, mục đích chính của chuyến thăm này là để thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước và khám phá thêm những lĩnh vực hợp tác mới.
Bộ trưởng Trần Đại Quang và Bộ trưởng An ninh nội địa Hoa Kỳ
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã thảo luận về khả năng hợp tác trong việc thực thi pháp luật, chia sẻ thông tin, các mối đe doạ xuyên quốc gia, buôn bán người, quyền sở hữu trí tuệ, an ninh hàng hải và không gian mạng.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng ký một thư thỏa thuận với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về việc chuyển nhượng phần mềm phân tích ADN.
"Có lẽ sự trỗi dậy của Trung Quốc, cả về kinh tế và quân sự, đã dẫn đến sự ra đời của các mối quan hệ quan trọng giữa Việt Nam và Mỹ.
Indonesia, một nước lớn và có tầm quan trọng trong ASEAN, có mối quan hệ khá tốt với Mỹ. Nhưng bây giờ Việt Nam đang nổi lên như một đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực, vượt qua các đồng minh truyền thống của Mỹ như Philippines và Thái Lan.
Việt Nam cho biết lợi ích kinh tế và địa chính trị là những lý do chính đằng sau các mối quan hệ phát triển nhanh chóng với Mỹ; trong khi Mỹ coi Việt Nam là một đối tác chiến lược trong chính sách xoay trục về châu Á", nhà báo Veeramalla Anjaiah viết.
Nhà báo Anjaiah đặt câu hỏi: Quan hệ Mỹ-Indonesia lâu năm hơn nhiều so với Việt Nam, tại sao Mỹ bây giờ lại ủng hộ Việt Nam hơn Indonesia, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, thậm chí cả trong lĩnh vực khoa học hạt nhân?
Mặc dù các nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến Indonesia nhưng họ không muốn đầu tư mạnh vào quốc gia này do nhiều vấn đề khác nhau, từ pháp luật, tham nhũng, thuế đến các vấn đề lao động và thu hồi đất.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 tại ASEAN của Mỹ, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Indonesia xếp thứ 5. Chi phí lao động thấp, giàu tài nguyên, cải cách kinh tế và chính trị mạnh mẽ, ưu đãi cho các nhà đầu tư và cơ sở hạ tầng tương đối tốt hơn, Việt Nam đã trở thành nơi thu hút các nhà sản xuất nước ngoài trong những năm gần đây.
Nhà báo Anjaiah cho rằng, Indonesia, quốc gia mà ngành sản xuất đang trong tình trạng xấu, có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Việt Nam.
Năm nay sẽ có hai chuyến thăm quan trọng. Đầu tiên là chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sau đó là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama, để định hình lại các mối quan hệ song phương và mở đường cho quan hệ đối tác chiến lược.
Một bước ngoặt trong quan hệ hai nước là khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay. Thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam sẽ dễ dàng đạt mức 100 tỷ USD trong 2-3 năm. Ngày càng có nhiều khoản đầu tư đổ vào Việt Nam không chỉ từ Mỹ mà còn từ các nước thành viên TPP khác.
Đánh giá mối quan hệ Việt-Mỹ đang ngày càng tốt đẹp còn có nhiều tờ báo của châu Âu.
Cổng thông tin Đức (pressportal.de) ngày 26/3 đánh giá chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một bộ trưởng thuộc lực lượng vũ trang Việt Nam, cũng là để chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự kiến vào tháng 6/2015 tới.
Điều này cho thấy quan hệ Đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam (từ tháng 7/2013) ngày càng được củng cố trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh hướng tới kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Xét từ góc độ địa chính trị chiến lược, Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng nhất tại khu vực Đông Á mà Mỹ muốn tranh thủ, tăng cường quan hệ trong chính sách "tái bân bằng" ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của mình.
Cũng theo bài viết, tầm quan trọng của quan hệ với Việt Nam đối với Mỹ, nhất là trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, được thể hiện trong chương trình làm việc dày đặc của Bộ trưởng Trần Đại Quang.
Trong khi đó, trang Tin tức Đức (achrichten.de) đề cập việc hai bên trao đổi về những vấn đề nhạy cảm như dân chủ, nhân quyền một cách thẳng thắn, cởi mở.
Trong đó, mặc dù giữa Việt Nam và Mỹ còn tồn tại một số bất đồng quan điểm được thể hiện qua việc Mỹ thường xuyên chỉ trích Việt Nam về một vài trường hợp Mỹ cho là vi phạm nhân quyền, song điều này không ảnh hưởng đến bầu không khí trao đổi, làm việc rất tích cực giữa hai bên nói riêng và quan hệ song phương nói chung.
Cả Việt Nam và Mỹ đều ý thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ song phương vì những lý do chính trị chiến lược cũng như kinh tế.
Theo An Nhiên (tổng hợp)
Đất Việt
Hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ tiếp Tổng Bí thư tại phòng Bầu dục Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 7/7 đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục, với sự tham dự của đông đảo quan chức hai nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành vị khách đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng vào trưa ngày 7/7 giờ địa...