20 năm, diện tích cây trồng biến đổi gen toàn cầu tăng 110 lần
Cây trồng biến đổi gen (GMO) được trồng lần đầu vào năm 1996 và sau 20 năm diện tích canh tác toàn cầu đã đạt 185,1 triệu héc ta, tăng 110 lần. Thời gian tới, diện tích trồng GMO có thể tiếp tục tăng do một số nước có kế hoạch trồng thêm mía GMO, trong đó có Indonesia. Việt Nam cũng ở trong xu thế tăng diện tích trồng GMO.
Một vườn bắp đang chờ thu hoạch của người dân. Ảnh: N.H
Theo báo cáo thường niên của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), tính đến năm 2016, đã có 26 quốc gia trồng cây trồng biến đổi gen, trong đó có 19 quốc gia đang phát triển.
Báo cáo này cũng chỉ ra, tại những quốc gia đang trồng cây GMO, diện tích đang có xu hướng tăng lên sau mỗi năm. Cụ thể, tại châu Âu, bốn quốc gia là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Séc và Slovakia đã trồng hơn 136.000 héc ta bắp biến đổi gen trong năm 2016, tăng 17% so với năm 2015.
Ở châu Phi, Nam Phi và Sudan cũng liên tiếp mở rộng diện tích bắp, đậu nành biến đổi gen và đã đạt 2,66 triệu héc ta trong năm 2016, trong khi năm 2015 mới chỉ có 2,29 triệu héc ta.
Tại châu Mỹ, Brazil có diện tích canh tác bắp, đậu nành, bông và hạt cải dầu GMO tăng 11%, là nước lớn thứ 2 sau Mỹ về diện tích trồng GMO.
Nhiều khả năng diện tích trồng cây GMO sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới khi một số nước đang có kế hoạch đưa mía GMO vào trồng, đáng chú ý là khu vực ASEAN có Indonesia.
Video đang HOT
Trong công văn số 55/TT-VPHH của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) gửi các hội viên ngày 20-6 cho biết, một số nước như Argentina, Úc, Brazil, Colombia, Indonesia, Pakistan và Nam Phi đang tiến hành nghiên cứu mía GMO có khả năng chống chịu được côn trùng, bệnh tật, cỏ dại, chịu được hạn và có chữ đường cao.
Thời gian qua, có thông tin một số công ty đã nhập giống mía GMO về khảo nghiệm và trồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã bác bỏ thông tin này.
Hiện tại, Việt Nam mới cho phép trồng bắp và đậu nành GMO nhưng trên thực tế chỉ có bắp là được trồng rộng rãi. Và, diện tích trồng bắp GMO đang có xu hướng tăng lên vì giá bắp giống GMO tương đương với giống bắp lai cùng loại nhưng lại cho năng suất cao hơn.
Nông dân Đồng Nai tại một mảnh ruộng trồng bắp biến đổi gen chuẩn bị thu hoạch – Ảnh: Trần Mạnh
Những năm qua, diện tích trồng bắp của Việt Nam dao động ở mức trên dưới 1,1 triệu héc ta, năng suất trung bình khoảng 4,5 tấn héc ta nên không đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Đó là lý do để Việt Nam “mở cửa” cho cây trồng GMO như cây bắp với kỳ vọng sẽ tăng sản lượng, giảm nhập khẩu.
Tuy vậy, lượng bắp nhập khẩu của Việt Nam không giảm mà còn tăng lên do nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 8,3 triệu tấn bắp, giá trị tương đương 1,65 tỉ đô la Mỹ. Điều đáng nói là 90% lượng bắp nhập khẩu từ Brazil và Argentina, hai quốc gia đang cho trồng bắp biến đổi gen một cách rộng rãi.
Trong 5 tháng đầu năm nay, lượng bắp nhập khẩu của Việt Nam ước đạt hơn 3 triệu tấn, giá trị là 625 triệu đô la Mỹ, tăng 1,5% về lượng và hơn 6% về giá so với cùng kỳ. Cũng như mọi năm, nguồn nhập khẩu vẫn từ hai quốc gia Nam Mỹ nói trên.
Theo Ngọc Hùng (Thơi bao Kinh tê Sai Gon)
Trồng ngô biến đổi gen, nhà nông thu lợi kép
Với việc chuyển đổi sang trồng ngô biến đổi gen (BĐG) NK4300Bt/GT trong vụ đông năm 2016, hàng trăm hộ nông dân (ND) tại 2 huyện Ba Vì và Chương Mỹ (Hà Nội) không chỉ tăng thu nhập mà còn tiết kiệm chi phí, cải thiện sức khỏe và giảm thiểu tác động tới môi trường.
Tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập
Mặc dù ngô không phải cây trồng chính trong cơ cấu giống của Hà Nội, tuy nhiên ngay sau khi Bộ NNPTNT chính thức công nhận 4 giống ngô BĐG, vụ đông 2016, Sở NNPTNT Hà Nội đã xây dựng mô hình trồng ngô BĐG bằng giống NK 4300Bt/GT tại 2 huyện Chương Mỹ và Ba Vì. Đây là giống ngô được Bộ NNPTNT cho phép sản xuất thương mại tại Việt Nam, có nhiều điểm ưu việt như kháng sâu đục thân và chịu được thuốc trừ cỏ gốc Glyphosate.
Trồng ngô biến đổi gen NK4300BT/GT đang giúp tăng thu nhập cho ND ở xã Sơn Đà, huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: Ánh Ngọc
Bà Nguyễn Thị Thoa - Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết, vụ đông 2016 vừa qua, Sở đã triển khai 2 mô hình trồng ngô BĐG, quy mô 10ha/mô hình tại xã Sơn Đà, huyện Ba Vì và xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, với 186 hộ ND tham gia sản xuất.
"Sau quá trình canh tác, qua đánh giá thực tế cho thấy giống ngô BĐG NK4300Bt/GT đã thể hiện rõ nhiều ưu điểm nổi bật so với giống ngô đối chứng như cây sinh trưởng, phát triển đồng đều, bộ rễ phát triển mạnh, thân cây to mập, lá màu xanh đậm, dày và cứng. Mặt khác, giống NK4300Bt/GT cho bắp to, dài, đóng hạt kín đầu bắp, số hạt vàng nhiều hơn nên cho năng suất trung bình 7,5 tấn/ha, cao hơn giống ngô truyền thống tại địa phương từ 10 - 12%. Hiệu quả kinh tế đạt 45 triệu đồng/ha, cao hơn mô hình đối chứng khoảng 6 triệu đồng/ha" - bà Thoa khẳng định.
Là một trong các hộ trồng ngô BĐG ở xã Phương Tiến, ông Lê Minh Hùng hiểu rõ hơn ai hết về hiệu quả kinh tế cũng như tiềm năng của giống ngô mới này. "Vụ vừa rồi gia đình tôi trồng 5 sào ngô BĐG, đến giờ thu hoạch được 1,3 tấn ngô hạt, cho thấy năng suất giống ngô mới này rất cao. Đặc biệt là từ khi trồng đến khi thu hoạch, ND không tốn nhiều công chăm sóc, đặc biệt giảm được rất nhiều chi phí đầu tư nên chúng tôi phấn khởi lắm" - ông Hùng chia sẻ.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Công Toán - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đan Thê, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì cho rằng: "Qua việc sản xuất thử một vụ đông năm 2016 đã cho thấy tiềm năng kinh tế của giống ngô NK4300Bt/GT, không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn tiết kiệm chi phí đầu tư. Nhờ giống ngô kháng sâu đục thân, chịu được thuốc trừ cỏ nên bà con không phải phun thuốc trừ sâu, cũng như không tốn nhiều công sức làm cỏ, do đó đảm bảo sức khỏe trong quá trình canh tác. Chúng tôi rất mong thời gian tới Sở NNPTNT Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ ND mở rộng diện tích trồng ngô BĐG để tăng thu nhập".
Ông Nguyễn Đình Dần - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì nhấn mạnh thêm: "Để giúp ND tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập từ trồng trọt, huyện kiến nghị Sở NNPTNT Hà Nội tiếp tục hỗ trợ địa phương nhân rộng mô hình trồng ngô BĐG trên phạm vi toàn huyện. Về phía huyện cũng đang nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ cho ND mở rộng diện tích giống ngô BĐG triển vọng này trong thời gian tới".
Ông Dần cũng cho rằng: "Hiện nay chúng ta mới chú trọng phần hạt bắp, về lâu dài cần tính đến giá trị sử dụng của thân cây ngô, tránh lãng phí. Ngoài ra, sản lượng ngô thương phẩm vẫn chủ yếu phục vụ chăn nuôi, lợi nhuận chưa thực sự thuyết phục nên chưa thu hút được đông đảo ND tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất".
Theo TS Ngô Vĩnh Viễn - nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, ưu điểm của các giống ngô BĐG là kháng được sâu đục thân hoàn toàn nên ND không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Đồng thời, giống ngô cũng kháng được thuốc trừ cỏ, từ đó vừa tiết kiệm được ngày công lao động, chi phí sản xuất, vừa cho năng suất cao. "Đây chính là cơ sở để Hà Nội tiếp nhận và mở rộng diện tích trồng giống ngô BĐG nói chung và giống ngô NK 4300Bt/GT nói riêng. Trong đó, Hà Nội cần chú trọng việc mở rộng các mô hình trình diễn tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố trong những năm tiếp theo" - TS Viễn nói.
Về định hướng phát triển và mở rộng diện tích giống ngô BĐG trong thời gian tới, theo bà Thoa, Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận những giống ngô BĐG được Bộ NNPTNT công nhận và cho phép sản xuất thí điểm.
Theo Danviet
Nhà nông Sơn La thu 10 tấn/ha ngô biến đổi gen Tại thời điểm này, người trồng ngô đang gặp nhiều khó khăn do giá ngô giảm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV NTNN tại Sơn La, nhờ kịp thời lựa chọn giống biến đổi gen vào trồng, nên dù giá có giảm, người nông dân vẫn có lãi với năng suất ngô lên tới 10 tấn/ha. Lãi hơn ngô thường 10 triệu...