2 vựa khô ở Cà Mau “dính” chất cấm có trong thuốc trừ sâu
Hai cơ sở kinh doanh cá khô ở Cà Mau sử dụng chất làm thuốc trừ sâu để bảo quản cá khô nhằm tránh bị ruồi và kiến bám vào.
Ngày 12-11, thông tin từ Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Cà Mau cho biết đơn vị đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ vựa khô vi phạm về ATVSTP trên địa bàn TP Cà Mau.
Theo đó, một số cơ sở bán cá khô có hàng hóa không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Đơn vị đã buộc các cơ sở kinh doanh cá khô vi phạm phải tiêu hủy toàn bộ những sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trước đó, Chi cục ATVSTP Cà Mau tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời lấy các mẫu thực phẩm gửi đi kiểm nghiệm.
Kết quả kiểm nghiệm tại Viện Y tế công cộng TP HCM cho thấy có nhiều mẫu khô không đạt chất lượng và “dính” chất cấm nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Cụ thể, tại vựa khô T.C. (đường Phan Bội Châu, phường 7, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), các mẫu khô cá mối, cá chỉ vàng, cá thòi lòi dương tính chất Natri Borat (còn gọi là hàn the).
Video đang HOT
1 trong 2 cơ sở bán khô vi phạm
Tương tự, tại vựa khô L.B. (đường Phan Bội Châu, phường 7), khô cá rún và đầu cá rún “ngậm” phải chất trichlorfon (chất dùng làm thuốc trừ sâu) – chất rất nguy hiểm nên không được sử dụng trong thực phẩm.
Trichlorfon thuộc nhóm thuốc lân hữu cơ, gây hiệu lực trừ côn trùng qua đường ruột, tiếp xúc và hô hấp, thuốc có hiệu lực cao đối với côn trùng bọ hai cánh như ruồi, muỗi. Trichlorfon được dùng để trừ nhiều loại sâu miệng nhai và chích hút cây trồng và nông sản, trừ côn trùng y tế và ký sinh trùng hại vật nuôi. Trichlorfon có độc tính thuộc nhóm độc II, có khả năng gây hại đến sức khỏe con người khi bị hấp thụ vào cơ thể, dẫn đến các triệu chứng xuất huyết, tức ngực, khó thở do co thắt ống phế quản. Trường hợp bị nặng có thể bị bất tỉnh, rối loạn thần kinh, nhịp tim bất thường hay có thể dẫn đến tử vong.
Theo một số người có am hiểu trong lĩnh vực kinh doanh cá khô, chỉ vì để bảo quản cá khô không bị ruồi nhặng, kiến… mà một số cơ sở đã sử dụng chất cấm để bảo quản khô mà không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tin – ảnh: VÂN DU
Theo nld.com.vn
Quyết liệt chống thực phẩm bẩn
6 tháng đầu năm 2018, số vụ ngộ độc giảm, hơn 351.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra, số tiền phạt lên đến 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chậm xử lý các vi phạm an toàn thực phẩm.
Phát hiện 68.300 cơ sở vi phạm ATTP
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) vừa tổ chức triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018. Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết từ đầu năm cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra được 351.128 cơ sở, phát hiện 68.362 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP), chiếm 19,47%; đã xử lý 15.707 cơ sở (chiếm 22,98% số cơ sở vi phạm). Trong đó, phạt tiền 13.017 cơ sở với số tiền hơn 35 tỷ đồng. Ngoài ra, thanh tra các cấp còn đình chỉ lưu hành sản phẩm 167 cơ sở; yêu cầu 330 cơ sở có nhãn phải khắc phục; tiêu hủy sản phẩm của 2.822 cơ sở; tiêu hủy 3.121 loại thực phẩm do không bảo đảm an toàn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng đi thăm các gian hàng thực phẩm tại lễ phát động Chương trình tuyên truyền vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng tháng 5.2018. Ảnh: T.K
Báo cáo của Bộ NNPTNT cho biết, thời gian qua, Bộ đã đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm nghiệm, giám sát ATTP lưu thông trong nước. Công tác này đã góp phần khống chế tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm salbutamol trong 250 mẫu thịt, 299 mẫu nước tiểu); giảm thiểu lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi; giảm ô nhiễm vi sinh vật trong các sản phẩm chăn nuôi.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt phòng chống thực phẩm bẩn, các vụ ngộ độc thời gian qua đã giảm hẳn. Tính đến 30.6, toàn quốc ghi nhận 53 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.301 người mắc, 1.079 người đi viện và 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 27 vụ, số mắc giảm 446 người (35,3%), số đi viện giảm 579 người (34,9%), số tử vong giảm 6 người (35,3%)...
Tuy nhiên, theo đánh giá của các thành viên Ban chỉ đạo, ở nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành liên quan. Điển hình như việc chậm xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; sử dụng thuốc, phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm, giết mổ không bảo đảm ATTP...
Tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới, đặc biệt là đối với các thực phẩm sinh lời cao như thực phẩm chức năng rất dễ dẫn đến làm giả và buôn lậu. Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng... chưa được kiểm soát chặt chẽ, đang có nguy cơ đưa vào tiêu thụ tại các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không đăng ký bản công bố, bán hàng online quảng cáo, tư vấn lừa dối người tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp...
Cần nhân rộng mô hình ban quản lý ATTP
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá công tác bảo đảm ATTP đã được triển khai tốt hơn. Công tác thanh, kiểm tra được làm quyết liệt, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu bởi tình trạng các mẫu xét nghiệm nhiễm vi sinh không giảm. Khâu chế biến thực phẩm chưa tốt do thói quen của người tiêu dùng; quảng cáo thực phẩm chức năng sai vẫn tràn lan. Ngoài ra, xu hướng các doanh nghiệp đầu tư vào các trang trại theo đúng quy trình có xu hướng giảm, cần tiếp tục khơi dậy trong thời gian tới...
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, công tác ATVSTP cần điều chỉnh theo quy trình quản lý rủi ro của thế giới, hướng tới phấn đấu đưa về cùng mặt bằng các sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình ban quản lý ATTP đã được triển khai tốt ở TP.HCM và một số địa bàn ở Hà Nội cần được đánh giá, nhân rộng. Công tác truyền thông gắn với tập huấn đã được thực hiện tốt ở TP.HCM nhưng tại một số địa phương còn chưa làm tốt. Các bộ, ngành liên quan cần đẩy mạnh việc tập huấn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần sớm soạn thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2013/NĐ-CP để các thành viên Chính phủ cho ý kiến, trình Chính phủ để sớm ban hành, trong đó cần chú ý đến quy trình tiêu hủy; tập trung quản lý, chấn chỉnh các hoạt động bán hàng đa cấp, quảng cáo về thực phẩm chức năng, mỹ phẩm bởi đây là những sản phẩm trực tiếp liên quan đến sức khỏe con người...
Theo Danviet
Đại biểu Quốc hội: Giáo dục giống như thực phẩm bẩn không kiểm soát được, dân phải dùng bằng niềm tin Đại biểu Quốc hội bày tỏ với những vụ việc tiêu cực vừa qua, giáo dục giống như thực phẩm bẩn không kiểm soát được và người dân phải "tiêu dùng bằng niềm tin". Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) chất vấn trực tiếp Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ xung quanh Dự thảo sinh viên sư phạm bán dâm...