2 Sư giả bị bắt khi lừa dân góp tiền làm lễ
Nhờ hóa trang khéo léo cộng với tài ăn nói nên hai đối tượng này đã thuyết phục được nhiều người dân góp nhiều tiền làm lễ.
Vào 14 giờ, ngày 17/12, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Đại đức Thích Quảng Hiền – Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đăk Nông phối hợp với công an thị xã Gia Nghĩa (Đăk Nông) bắt giữa Dương Nhật Thanh – Sinh năm 1972, quê quán xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ, Nghệ An) và Lâm Văn Hồng – Sinh 1966, quê quán xã Tân Trung (Gò Công Đông, Tiền Giang) đã giả danh nhà sư đi bán nhang và quyên góp tiền làm lễ cầu an.
Hai đối tượng Thanh (bên phải) và Hồng (bên trái) sau khi đã trút bỏ bộ quần áo nhà chùa
Hai đối tượng này đã hóa trang thành nhà sư rồi lân la đến nhà các hộ dân trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa để mời người dân mua nhang. Sau khi đã lấy được lòng tin của một số hộ dân, hai đối tượng này đã thuyết phục họ góp tiền để làm lễ cầu an giải hạn.
Nhờ hóa trang khéo léo cộng với tài ăn nói nên hai đối tượng này đã thuyết phục được nhiều người dân góp tiền làm lễ. Tuy nhiên, một vài Phật tử đã tỏ ra nghi ngờ khi hai đối tượng này thường xuyên lặp lại hành động này ở nhiều hộ dân và không có lai lịch rõ ràng nên đã kịp thời trình báo cho Ban Trị sự chùa Pháp Hoa trên địa bàn.
Video đang HOT
Hai sư giả đang làm việc với cơ quan điều tra
Khi được mời về chùa Pháp Hoa để làm việc, hai đối tượng Thanh và Hồng quanh co chống đối. Tuy nhiên, khi khám xét tư trang cá nhân, công an đã thu được nhiều tang vật như: nhang, tràng hạt bằng nhựa, sách kinh, áo pháp, giấy phép lái xe mang tên Dương Nhật Thanh và một giấy giới thiệu của Tịnh thất Báo Ân địa chỉ tại ấp Mỹ Xuân (xã Tân Trung, Thị xã Gò Công).
Giấy giới thiệu này ghi: “Tịnh thất Báo Ân tọa lạc nơi vùng xa xôi hẻo lánh, kinh tế gặp nhiều khó khăn, chuyên sản xuất nhang và bán nhang làm phương tiện đời sống thường nhật và phụng sự Tam Bảo. Nay cử đạo hữu Lâm Văn Hồng, Pháp danh Thiện Hồng, số chứng minh nhân dân: 310675369 ngụ tại địa chỉ ấp Mỹ Xuân, xã Tân Trung, Thị xã Gò Công, Tiền Giang được phép đem nhang đi bán làm công tác từ thiện và Phật sự cho Tịnh thất Báo Ân”.
Tang vật thu được khi kiểm tra tư trang, túi xách của đối tượng Lâm Văn Hồng.
Kí tên và đóng dấu là Đại đức Thích Giác Trí. Tuy nhiên, sau khi liên lạc với Đại đức Thích Giác Trí trụ trì Tịnh thất Báo Ân thì vị đại đức này cho biết không biết Lâm Văn Hồng là ai và nhà chùa cũng chưa từng cấp giấy giới thiệu cho Phật tử nào đi bán nhang ở Đắk Nông.
Toàn bộ tang vật này đã bị công an thị xã Gia Nghĩa tịch thu. Hai đối tượng này đồng thời cũng bị công an đưa về trụ sở lấy lời khai và xử lý.
Được biết, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đăk Nông đang nếu cao quyết tâm xử lý nghiêm tất cả các trường hợp giả dạng nhà sư để đi bán nhang, quyên góp, lợi dụng tín tâm của quần chúng Phật tử để mưu lợi cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Theo 24h
Cặp vợ chồng giả danh người của nhà chùa để trục lợi
Với chiếc áo cà sa có ghi đầy đủ tên họ, địa chỉ nhà chùa cùng cuốn sổ công đức dày cộp, một cặp vợ chồng chuyên lang bạt kỳ hồ đã đóng giả nhà sư để quyên tiền công đức. Mánh khóe của chúng là di chuyển đến những vùng quê xa trung tâm, lợi dụng sự từ bi của người dân để moi tiền nhằm trục lợi bất chính
Bán hương với giá cắt cổ
Thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Nghệ An..., thường xuyên xuất hiện một số đối tượng vào vai các nhà sư, lợi dụng danh nghĩa Phật giáo để đi khất thực và quyên tiền công đức. Chúng cũng vận áo cà sa, tay cầm bát tộ, sổ công đức, miệng lẩm bẩm "A di đà Phật", các đối tượng giả sư đã làm động lòng nhiều người đi đường để xin tiền tư túi.
Vợ chồng sư giả
Mánh khóe của chúng là nhân danh chùa này chùa nọ đi khắp các thôn xóm để bán hương, viết sớ và xin tiền công đức trái quy định pháp luật. Những người này đều xuất thân từ nghề làm ruộng. Nghe theo bạn bè rủ rê, họ thành lập một nhóm cắt tóc, may quần nhuộm màu, vận áo cà sa, cổ mang chuỗi tràng hạt dài để đóng giả nhà sư.
Để qua mặt cơ quan chức năng cũng như thu hút được sự chú ý của những người dân quê, các nhà sư dởm này tìm cách đi đến các xã xa trung tâm, nơi người dân khó phân biệt được sư thật với sư giả để hoạt động. Trong vai nhà chùa, họ tìm đủ mọi thủ đoạn để moi tiền như khất thực, xin quyên góp công đức để hỗ trợ kinh phí trùng tu chùa này, dựng tượng nọ, họ bán hương với giá cao cắt cổ so với ngoài thị trường.
Ngày này qua ngày khác, hai đối tượng một nam, một nữ chuyên rong ruổi trên chiếc xe máy đến các xã miền núi cả huyện Đô Lương (Nghệ An) để kiếm ăn. Với vẻ mặt phúc hậu trên nền chiếc áo cà sa cùng giọng nói miền Bắc truyền cảm, dễ gần, hai "nhà sư" này đã gây dựng được niềm tin cho rất nhiều người dân ở đây. Gặp bất cứ ai, cặp đôi này cũng tự xưng là phật tử của một ngôi chùa nổi tiếng mãi trong Tiền Giang. Với mảnh giấy quy y tam bảo, bọn chúng bán hương, nến lộc Phật với giá cao ngất ngưởng thu lợi bất chính. Cái giá mà người dân phải trả cho 5 bó hương là gấp 6 lần so với hương bán ngoài chợ. Tuy nhiên, tin lời "nhà sư", cho rằng với giá 30.000 đồng cho 5 bó hương, là mình công đức cho nhà chùa nên ai nấy đều vui vẻ.
Vợ chồng sư giả sa lưới
Sau khi nhiều đối tượng sư giả đã bị cơ quan chức năng xử lý cũng như Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều lần cảnh báo về vấn nạn này, người dân các vùng quê cũng bắt đầu cảnh giác. Khoảng giữa tháng 6/2012 khi phát hiện có hai nhà sư một nam, một nữ đi qua địa bàn xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương, có dấu hiệu nghi vấn, người dân ngay lập tức báo lên ban công an xã. Không lâu sau đó, công an xã Xuân Sơn đã mời hai đối tượng nói trên đến kiểm tra.
Trước những câu hỏi về tôn giáo, hai "nhà sư" tỏ ra vô cùng lúng túng. Khi được hỏi về ngôi chùa mà hai đối tượng đang đi công đức để sửa sang lại ở đâu, cả hai lắc đầu không biết. Biết mình không thể tiếp tục qua mặt cơ quan chức năng nên cặp sư giả này đành khai nhận sự thật.
Qua lời khai nhận ban đầu thì hai đối tượng này là Nguyễn Đình Trung (SN 1987) và vợ là Nguyễn Thị Lan (SN 1980), cả hai đều trú tại xã Chi Lăng, huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Được biết, trước đây, Trung có quen với chị Nguyễn Thị Tươi cùng quê dạy cho nghề đi bán hương. Chị này mách nước rằng muốn bán được nhiều thì phải ăn mặc kiểu nhà sư thì mọi người mới tin tưởng. Từ đó, Trung về rủ vợ gia nhập đoàn sư giả gồm 6 người từ Bắc Ninh vào tận Nghệ An để đi bán hương, khất thực, viết sớ kiếm tiền.
Xét thấy vụ việc khá phức tạp nên công an xã Xuân Sơn đã lập hồ sơ chuyển công an huyện Đô Lương xử lý theo pháp luật.
Theo NDT
Vụ lừa "thừa kế gia sản của tỉ phú Mỹ": Lừa tình, lừa tiền Sau khi Báo Thanh Niênđăng bài Cảnh giác chiêu lừa "thừa kế gia sản của tỉ phú Mỹ", bà H.T.T.Hoa (44 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, xin đổi tên nhân vật) đã đến tòa soạn nhờ báo lên tiếng về nhóm người nước ngoài chuyên gạ gẫm nhằm lừa tình, lừa tiền... Theo bà Hoa trình bày, khoảng tháng 10.2012, bà là thành viên...