2 nhân tố có thể đẩy đồng đô la tăng giá mạnh trong năm 2020
Đồng đô la Mỹ có thể tăng giá mạnh trong năm 2020, theo nhận định của một chiến lược gia từ HSBC, và có hai nhân tố rõ ràng có thể đẩy giá trị đồng bạc xanh đi lên.
Đồng đô la thuộc nhóm G-10 đồng tiền có lợi suất cao, nhưng rủi ro cũng cao
Khả năng phục hồi của đồng đô la ngay trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Iran lên cao đã cho thấy “giá trị tiền tệ của bạc xanh tốt đến mức nào”, Dominic Bunning, chiến lược gia ngoại hối cao cấp của HSBC nói với CNBC.
Diễn biến chỉ số đô la cho thấy bạc xanh phục hồi ngay trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Iran lên cao.
“Đồng đô la vẫn luôn là nơi trú ẩn an toàn quan trọng, cùng với đồng yên, nhưng đồng đô la thực sự là những gì mọi người muốn sở hữu trong các giai đoạn này”, ông nói. “Dù rằng đây cũng là loại tiền tệ trong nhóm G-10 của những đồng tiền có lợi suất cao nhất, và vì vậy bạn thường phải chấp nhận rủi ro nhiều hơn. Tuy nhiên, bạn đang có được trạng thái loại bỏ được rủi ro với đồng đô la”.
Bunning cho biết nghiên cứu cơ sở của HSBC là về các nhân tố tác động đến xu hướng giá đồng đô la.
“Khi xác định được mức độ tác động của các nhân tố bên ngoài, nó đưa đến kết luận rằng đồng đô la có khả năng tăng giá”, ông nói thêm. “Khi so sánh với các đồng tiền tương ứng, chúng tôi càng chắc chắn đô la sẽ tăng giá, và trong bất kỳ trường hợp nào thì vẫn có thể thấy các tuyến tính của đường giá đồng đô la là tăng mạnh trong năm 2020″.
Theo HSBC, có hai nhân tố rất rõ nét thúc đẩy đồng bạc xanh tăng giá đáng kể trong năm nay.
“Nếu tăng trưởng ở các thị trường phát triển không cải thiện, các nhà hoạch định chính sách sẽ làm gì?”, Bunning đặt câu hỏi.
Ông cũng lưu ý rằng các ngân hàng trung ương ở các thị trường đó, chẳng hạn như tại Úc, New Zealand, châu Âu (ECB) và Nhật Bản, đã “tới điểm giới hạn của chính sách tiền tệ”.
“Họ có thể bị buộc phải làm điều gì đó khác thường hơn, và điều đó có xu hướng tác động tiêu cực đến đồng nội tệ, cho dù đó là việc nới lỏng định lượng lớn hơn (hoặc) mua một lượng tài sản để tăng cung tiền”, Bunning nói.
Video đang HOT
“Tăng trưởng của các thị trường phát triển chậm hơn thúc ép phải ứng phó bằng các giải pháp chính sách ‘vượt rào’ hơn nữa, trong khi Fed vẫn còn room chính sách để cắt giảm thêm lãi suất, do đó đồng đô la chắc chắn sẽ tăng giá”.
Bên cạnh đó, đồng đô la còn được hậu thuẫn để có thể tăng giá nhờ sự biến động kinh tế ở các thị trường mới nổi, theo Bunning.
“Góc nhìn khác là từ thị trường mới nổi, những quốc gia ở phía dưới chuỗi cung ứng, nơi chịu tác động mạnh từ sản lượng sản xuất giảm nhiều nhất và vì vậy không đạt được mức lợi nhuận như tiềm năng vốn có trong khi lại phải chấp nhận rủi ro lớn hơn”, ông nói. “Tại một thời điểm nào đó, sản lượng danh nghĩa có thể ở mức quá thấp, một số cú sốc xuất hiện, những sự điều chỉnh chính sách mạnh mẽ từ các thị trường mới nổi, và đồng đô la theo đó cũng lên giá”.
Nhưng trái ngược với những phân tích của Bunning, nhiều chiến lược gia khác lại bày tỏ một quan điểm trái chiều khi nói đến kỳ vọng của họ đối với đồng đô la.
Chia sẻ với CNBC hồi tuần trước, Haren Shah đến từ Taurus Wealth Advisors cho biết ông dự đoán giá trị đồng tiền của Mỹ sẽ giảm thấp hơn trong nửa đầu năm nay.
Trong khi đó, Brendan McKenna đến từ Well Fargo Securities nói với CNBC hồi tuần trước rằng ông hy vọng đồng đô la sẽ được phá giá để kích thích nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm chạp.
“Chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại dưới 2% vào năm 2020 – trên cơ sở thị trường đó Fed sẽ nới lỏng tiền tệ hơn một chút và khiến đồng đô la bắt đầu mất giá mạnh so với nhiều đồng tiền trong nhóm G-10 và các loại tiền tệ của thị trường mới nổi”, ông nói.
“Vì vậy, trong cả năm 2020, chúng tôi cho rằng đồng đô la Mỹ sẽ giảm giá bình quân khoảng 4% đến 5%”.
Steven Englander, người đứng đầu toàn cầu về nghiên cứu ngoại hối nhóm tiền tệ G-10 tại Standard Chartered, cũng nói với CNBC vào cuối năm ngoái rằng đồng đô la được dự đoán sẽ suy yếu.
Theo M. Hồng/thoibaonganhang.vn
Nỗ lực giữ mặt bằng lãi suất huy động
Nếu lãi suất tiết kiệm ở mức khó hấp dẫn thì hệ thống ngân hàng khó thu hút được vốn cho nền kinh tế, các chuyên gia lưu ý.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hiện nay vẫn có sự mất cân đối trong hệ thống tài chính Việt Nam khi khu vực tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng tài sản hệ thống và đảm nhận cả vai trò chính trong cung ứng vốn cho nền kinh tế. Chính vì thế, chênh lệch đầu vào - đầu ra của lãi suất tương đối thấp: 2,6-2,7% so với khu vực là 2,9%.
Giảm lãi suất huy động
Kể từ cuối năm 2019 đến nay, trên thị trường 1 (giữa ngân hàng thương mại và các tổ chức doanh nghiệp, dân cư), lãi suất tiền gửi ghi nhận bước giảm 30 - 50 điểm cơ bản với kỳ hạn trên 6 tháng ở một số ngân hàng thương mại nhỏ, thu hẹp khoảng cách với các nhóm ngân hàng thương mại còn lại.
Hiện, lãi suất huy động nằm trong khoảng 4,1 - 5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3 - 7,4%/ năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4 - 7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
"Chủ trương hạ lãi suất từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục có tác động đến xu hướng lãi suất khi vừa bước sang năm mới, thời điểm các chỉ tiêu an toàn của năm cũ đã phải hoàn tất", các chuyên gia của SSI nhấn mạnh.
Sang năm 2020, SSI cho rằng lãi suất huy động có khả năng tiếp tục hạ dựa trên 2 nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Giá cả hàng hóa và thị trường ngoại hối là các biến số có thể làm nhanh hoặc chậm việc hạ lãi suất.
Việc giảm lãi suất ở kỳ hạn dài sẽ vẫn có khoảng cách giữa các nhóm ngân hàng vì định hướng giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ còn gần 3 năm nữa mới kết thúc.
Tuy vậy, SSI khẳng định "những diễn biến vừa qua cho thấy việc kiểm soát các ngân hàng nhỏ đã có hiệu quả, từ đó hạn chế bớt các cuộc chạy đua lãi suất trong tương lai".
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, năm 2019, các nước trên thế giới đa số giảm lãi suất. Thống kê có 63 ngân hàng trung ương giảm lãi suất và tổng số 148 lần giảm, chẳng hạn Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) giảm 3 lần.
Tuy nhiên, năm nay, các nước cũng đã giảm đà cắt giảm lãi suất, nghĩa là có thể tiếp tục giảm nhưng tần suất không nhiều do lãi suất hiện nay thấp, không còn nhiều dư địa để giảm, nên bắt buộc các nước phải dùng chính sách tài khóa.
Bên cạnh đó, một số nước quan ngại về lạm phát nên sẽ không muốn giảm lãi suất quá nhiều, nhất là trong bối cảnh giá dầu và giá vàng vẫn còn nhiều biến động sẽ khiến lạm phát bùng phát trở lại.
Lãi suất huy động khó tăng mạnh trong thời gian tới
Chênh lệch đầu vào và đầu ra thấp
Ts. Cấn Văn Lực cho biết quan điểm của Việt Nam trong năm nay là lãi suất cơ bản theo hướng ổn định. Lãi suất đầu vào có thể nhích lên ở một số thời điểm. Nguyên nhân là do nhu cầu huy động vốn cho nền kinh tế vẫn còn lớn, nhất là vốn trung dài hạn. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng phải đáp ứng chuẩn Basel II; tuân thủ Thông tư 22 theo hướng giảm dần dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống còn 37%.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng các ngân hàng phải để ý hơn trong việc huy động tăng vốn trung và dài hạn. Nguyên nhân là bởi dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phát triển tích cực nhưng không quá đột biến, tăng 7-10%. Trong khi đó, nhu cầu về tín dụng còn khá lớn. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng 14%.
Đối với lãi suất đầu ra, trong bối cảnh các nước trên thế giới ít giảm lãi suất, Việt Nam cũng lưu ý các kênh có biến chuyển như vàng, chứng khoán, bất động sản nên cần phải cân nhắc, nếu lãi suất tiếp kiệm ở mức khó hấp dẫn thì hệ thống ngân hàng khó thu hút được vốn cho nền kinh tế.
Do đó, lãi suất đầu ra rất khó giảm, bởi lãi suất hiện nay không phải là điểm nghẽn về tín dụng của nền kinh tế. Theo tính toán của ông Lực, lãi suất thực sau khi đã trừ đi lạm phát đang ở mức trung bình so với khu vực.
Cụ thể, trung bình 5 năm qua lãi suất thực ở mức 4,8-5%, vẫn ở mức trung bình cao. Nguyên nhân là do chi phí giao dịch toàn bộ nền kinh tế còn cao, thị trường vốn chưa phải là phát triển, chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Chính vì thế, chênh lệch đầu vào - đầu ra tương đối thấp: 2,6-2,7% so với khu vực là 2,9%.
Bên cạnh đó, thách thức đối với nền kinh tế năm nay là lạm phát tăng hơn so với năm ngoái do giá thịt lợn tăng mạnh những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, dự báo lạm phát tháng 1/2020 tương đối cao.
Đồng thời, căng thẳng Mỹ - Iran cũng khiến giá dầu và vàng tăng những ngày đầu năm. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ phải thật sự thận trọng mới đảm bảo được mục tiêu lạm phát trong năm nay.
"Nếu lãi suất đầu vào vẫn được giữ như thời điểm cuối năm 2019, nghĩa là giảm nhẹ một chút thì đã là thành công", ông Lực đánh giá.
Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn
HSBC lo ngại về khả năng lạm phát Việt Nam bật tăng mạnh trong ngắn hạn Riêng trong tháng 12/2019, lạm phát tại Viêt Nam tăng 5,2% so với cùng kỳ năm, cao hơn ngưỡng trân 4% của Ngân hàng Nhà nước Viêt Nam (SBV). Dù rằng tình hình kinh tế Việt Nam nói chung khá tích cực, kinh tế Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức, nổi bật nhất phải nói đến vấn đề lạm phát,...