2 ngôi chùa lạ trên đất An Giang
Đó là chùa Bánh Xèo và chùa Lầu ở Tịnh Biên, từ cái tên đã nói lên nét đặc biệt riêng của từng ngôi chùa.
Chùa Lầu mang hơi hướng kiến trúc của xứ sở mặt trời mọc.
Chùa Bánh Xèo vốn có tên gọi khác là chùa Phật nằm, hay Thiền viện Đông Lai, nằm ở thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Sở dĩ có cái tên “bánh xèo” là do chùa thường tổ chức làm bánh xèo chay để đãi khách thập phương. Sau khi lễ Phật, tham quan chùa xong, du khách có thể thưởng thức món bánh xèo nổi tiếng nơi đây.
Bánh xèo ở đây cũng chỉ là những chiếc bánh xèo chay dân dã, bên trong là nhân đậu, giá đỗ. Song điều làm cho bánh xèo của chùa trở nên đặc biệt là do cách đổ bánh khác lạ.
Lần đầu đến thăm, có lẽ khách sẽ rất ngạc nhiên khi vào bếp, thấy thay vì là hình dáng những người phụ nữ tất bật bên khuôn bánh thì ngược lại là những người đàn ông ngồi “múa chảo” khéo léo, cho ra lò những cái bánh bên trong thơm béo, bên ngoài vàng ươm, giòn nóng. Những người đàn ông đổ bánh trông rất điêu luyện và chuyên nghiệp, cứ làm xoay vòng, người này mệt ra để người kia vào thế.
Anh Hồ Văn Nhẫn (37 tuổi, ngụ khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên) chia sẻ về công việc thú vị: “Bình thường tôi đi làm công trình, hôm nào không làm thì lên chùa phụ giúp. Tôi cũng biết đổ bánh xèo trước đó rồi, nhưng vào đây từ từ mới quen vì số lượng nhiều, một người phải cùng lúc canh đổ 12 bếp”.
Từ tờ mờ sáng, mọi người sẽ dậy chuẩn bị và bắt đầu đổ bánh liên tục cho đến khi nào không còn khách nữa mới thôi. Nhờ biết chia ca ra làm mà khách khi viếng chùa dù đến trước đến sau đều luôn có bánh ăn lót dạ.
Video đang HOT
Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (ngụ huyện Hòn Đất, Kiên Giang) chia sẻ cảm nghĩ lần đầu đặt chân đến đây: “Điều làm tôi ấn tượng là mấy chú quá giỏi và nhiệt tình, đón khách nồng hậu, vui vẻ. Dù chỉ là bánh chay nhưng mình ăn lại thấy rất ngon, hơn bánh nhà mình làm nữa, được ăn miễn phí, ăn thoải mái bao nhiêu cũng được”.
Sau khi thưởng thức xong những chiếc bánh, bà con ai cũng tấm tắc khen, một số người ăn xong tại chỗ còn xin mang về cho người thân ăn thử. Sau đó, tùy lòng hảo tâm mà có thể ủng hộ vào thùng từ thiện để nhà chùa có kinh phí mua bột, mua nhân tiếp tục làm bánh đãi bà con.
Theo ông Nguyễn Văn Điền (66 tuổi, nhà gần chùa, cũng là người gắn bó với căn bếp này gần chục năm): “Trụ trì chùa là sư thầy Thích Thiện Chí, về tu sửa chùa khoảng 20 năm nay. Năm đó vào lễ cúng giỗ, sư thầy kêu chiên bánh xèo đãi bà con ăn cho lạ miệng. Sau đó nhận thấy khách thích ăn quá, mới tổ chức chiên vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Ai ngờ khách đến quá trời nên ngày nào cũng chiên. Nhà tui làm nghề buôn bán ở chợ Tịnh Phú, nhưng cứ rảnh là qua đây phụ, vợ con rất ủng hộ”.
Sư cô Nhật Liên (82 tuổi) cho biết, ngôi chùa được xây dựng khoảng 80 năm nay. Lúc trước chùa nhỏ. Đến năm 2003, chùa cũ hư hại nhiều nên được trụ trì cho trùng tu, sửa chữa, mới có diện mạo như ngày nay.
Một vài khung cảnh trong chùa Lầu.
Nằm cách chùa Bánh Xèo khoảng 2km, chùa Lầu là điểm đến tiếp theo mà du khách có thể ghé thăm khi đến Thị trấn Tịnh Biên. Chùa Lầu còn được gọi là Phước Lâm Tự. Khác với chùa Bánh Xèo, chùa Lầu thu hút du khách bởi phong cách kiến trúc bắt mắt, ấn tượng. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc chùa Nhật Bản, lấy tông màu đỏ gạch làm chủ đạo.
Tuy nhiên bên trong chánh điện vẫn giữ nguyên lối kiến trúc như những ngôi chùa khác ở Việt Nam. Sở dĩ gọi là chùa Lầu là vì chùa được xây dựng nhiều tầng lầu xếp chồng lên nhau. Theo một người trong chùa, Phước Lâm Tự đã có tuổi đời hơn 130 năm tuổi. Năm 2009, chùa được xây mới với kinh phí do các phật tử đóng góp.
Chùa Lầu được cho là một trong sáu ngôi chùa ở Việt Nam mang hơi hướng kiến trúc của xứ sở mặt trời mọc, trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là giới trẻ. Chị Lê Thị Diễm Kiều (24 tuổi, ngụ huyện An Minh, Kiên Giang), nói: “Cảnh vật thiên nhiên xung quanh chùa rất đẹp, đặc biệt là kiến trúc ngôi chùa, khi chụp ảnh trông như đang ở Nhật Bản, rất ấn tượng”.
Khuôn viên chùa rộng rãi, thoáng mát, nhiều tiểu cảnh được đầu tư, nhiều loại hoa được trồng và chăm sóc kĩ lưỡng, chim bồ câu cũng được nuôi và xuất hiện trong khuôn viên chùa, tạo nên không khí thiên nhiên. Còn có điểm nhấn cảnh quan phải nhắc đến đó là chiếc cầu treo bắc lơ lửng trên không. Đứng trên cầu, du khách có thể nhìn ngắm những hàng cây thốt nốt, những cánh đồng xanh mướt cùng những cánh chim bay lượn.
Diễm Kiều
Theo baophapluat.vn
Thăm ngôi chùa bước ra từ cổ tích, lên ảnh lung linh như đang ở Nhật Bản
Phước Lâm Tự - còn gọi là Chùa Lầu tại Tịnh Biên, Long An đang là ngôi chùa được nhiều người "săn đón" nhất hiện nay bởi kiến trúc độc đáo, chụp lên ảnh lung linh như đang ở Nhật Bản.
Phước Lâm Tự hay còn gọi là Chùa Lầu, tọa lạc tại khóm Xuân Phú, Thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Ngôi chùa không chỉ có không gian thanh tịnh mà còn hấp dẫn bởi kiến trúc độc đáo. Sở dĩ chùa còn được gọi là Chùa Lầu là bởi được xây dựng theo kiến trúc tầng lầu xếp chồng lên nhau. Chùa sơn màu đỏ chủ đạo nên chụp ảnh ở đây đẹp chẳng kém gì đang ở xứ sở phù tang.
Xung quanh chùa là khuôn viên trồng rất nhiều cây xanh, hoa cỏ, đẹp như một bức tranh. Ngoài ra ngôi chùa còn mang lại cho mọi người cảm giác thân thuộc mỗi khi đi dạo xung quanh.
Muốn đến được ngôi chùa này, từ chợ Nhà Bàng đi về hướng Tịnh Biên theo QL91, các bạn cứ chạy thẳng qua khỏi Chùa Bánh Xèo (Thiền Viện Đông Lai) khoảng 2km nữa rồi nhìn bên tay phải sẽ có hẻm chỉ đường vào Chùa Lầu. Bạn cũng có thể sử dụng Google Map chỉ đường hoặc hỏi thông tin từ những người dân ở đây để tìm đường vào chùa.
Vì là nơi trang nghiêm nên vào chùa thắp hương, vãn cảnh, chụp ảnh bạn nhớ ăn mặc lịch sự, không mặc quần áo ngắn, hở . Bên cạnh đó là việc giữ gìn vệ sinh, không gây ồn ào làm ảnh hưởng đến chốn thanh tịnh.
Theo emdep.vn
Tòa thị chính Sài Gòn - Lâu đài trăm năm bao giờ rộng cửa? Giữa một Sài Gòn huyên náo, cao ốc đủ kiểu lô xô, vẫn còn một chốn yên bình, đầy nét châu Âu cổ điển hiếm có. Đó đúng là một lâu đài, tuy chỉ có hai tầng nhưng dáng dấp hùng vĩ, phong cách trang nhã. Tòa lâu đài còn toát ra vẻ quyến rũ từ những cành lá nguyệt quế chạm khắc...