2 “hiệp sĩ” vụ trộm xe SH dù trọng thương vẫn tự chở nhau đến bệnh viện
“Hiệp sĩ” Nguyễn Đức Huy người bị chấn thương bên ngực phải đã hồi phục sức khỏe. Huy là 1 trong 7 “hiệp sĩ” vây bắt kẻ lấy trộm xe SH ở quận 3, TP HCM.
Bác sĩ Chung Giang Đông, Phó Khoa Ngoại Tim mạch- Lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết 2 “hiệp sĩ” Nguyễn Đức Huy (22 tuổi, ngụ quận Tân Phú) và Đinh Phú Quý (22 tuổi, ngụ huyện Củ Chi – thuộc nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình) nhập viện trong tình trạng bị thương nặng.
Trong đó, Quý bị tổn thương vùng ngực, đứt động mạch cánh tay bên phải, mất rất nhiều máu. Sau phẫu thuật, “hiệp sĩ” Quý đã dần hồi phục. Hiện cần phải đánh giá lại thần kinh trụ của cánh tay cộng và cần thời gian để Quý làm quen với những bài tập vật lý trị liệu về tay. Dự kiến tuần tới sẽ xuất viện.
Còn Huy có 1 vết thương hở bên ngực phải, được khâu kín, lấy máu tụ… Bệnh viện đã chụp CT ngực cho Huy, vết thương diễn biến khá tốt, không bị tràn khí, máu, tình trạng ổn định, ngay hôm nay (21-5) có thể xuất viện.
Bác sĩ Đào Hồng Quân, Khoa ngoại Tim mạch- Lồng ngực Bệnh viện Thống Nhất đang thăm khám cho Nguyễn Đức Huy trước khi xuất viện
Theo Huy và Quý, trong đêm xảy ra vụ việc, do không phải ca trực nên Huy và Quý đi ăn tối cùng nhau. Sau khi ăn xong, nhận được điện thoại của nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình yêu cầu cùng đi theo dõi tội phạm nên Huy và Quý tức tốc đi ngay.
Khi cuộc vay bắt kẻ trộm xe SH diễn ra, Quý bị chém trọng thương ở cánh tay, ngực. Còn Huy, khi đang giằng co với kẻ trộm thì bị đâm ở hông bên phải.
Lúc này, Huy quan sát thấy Quý ra máu rất nhiều, sợ sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên dù cũng bị thương và ra nhiều máu, Huy vẫn gắng gượng, dùng hết phần sức lực còn lại để lấy xe đưa Quý đến bệnh viện.
Bà Nguyễn Thị Lý Mộng Ngọc (mẹ của Quý) chia sẻ Huy và Quý thân thiết còn hơn cả anh em ruột thịt, luôn hỗ trợ và giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Bà cũng mong Huy và Quý sớm bình phục để có thể trở lại sinh hoạt bình thường như trước đây. “Tôi không ngăn cản các con làm điều tốt cho xã hội”, bà Mộng Ngọc khẳng định.
Clip: Chân dung nhóm “hiệp sĩ” TP.HCM bị tấn công trong vụ trộm SH
Theo Trịnh Thiệp (Người lao động)
Hiệp sĩ đường phố: "Lương tâm không cho phép chúng tôi làm thế"
"Hiệp sĩ" đường phố đa phần là những lao động nghèo, công việc bấp bênh và chịu rất nhiều gánh nặng cơm áo, gạo tiền từ gia đình. Vậy vì lý do gì, hằng đêm họ vẫn lao trên đường "săn trộm, bắt cướp", bất chấp hiểm nguy?
Như tin đã đưa ngày 16.5, tại tang lễ của "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Thôi (xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, Bình Định), đội "hiệp sĩ" săn bắt cướp ở TP. HCM đã cử 2 thành viên đi theo xe đưa thi thể anh Thôi về quê và phụ giúp gia đình trong lúc tang gia.
"Hiệp sĩ" Đỗ Công Tường ra tận Bình Định chia sẻ nỗi đau với gia đình anh Thôi. Ảnh: D.T
Nói về con đường mà các anh đang chọn, "hiệp sĩ" Đỗ Công Tường (28 tuổi) - thành viên nhóm săn bắt cướp TP.HCM cho biết: "Bản thân tôi tham gia nhóm "hiệp sĩ" bắt cướp hơn 7 năm, giờ đây 2 đồng đội của tôi là anh Thôi và Nam đã ngã xuống bởi nhát dao của đối tượng chuyên "đá xế". Dù đau thương, mất mát nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tham gia bắt cướp, không thể chùn bước vì trước đó anh em đã lập với nhau lời thề giúp người".
Theo lời "hiệp sĩ" Tường, các "hiệp sĩ" đường phố ngày thường làm rất nhiều công việc để mưu sinh như: Chạy xe ôm, bốc vác, lái xe tải, buôn bán lề đường. Đa phần, họ là người xa quê nghèo khó, nếm đủ khổ cực trong cuộc sống đời thường và có chung "máu" bắt cướp. Sau khi xong công việc mưu sinh, ban đêm, anh em lại tập trung đi tuần đến gần 12 giờ đêm mới về nhà. Thậm chí, có đêm bắt được cướp, còn phải làm giấy tờ, trình báo công an nên đến sáng hôm sau mới xong.
Anh Tường cho hay, dù biết việc bắt trộm cướp trách nhiệm chính thuộc về công an, thế nhưng đằng sau công việc này là cả nỗi niềm của người "hiệp sĩ" mà chính họ mới hiểu được.
"Người hiểu thì thương nhưng kẻ ghét thì họ chửi chúng tôi rảnh rỗi, lo chuyện bao đồng và rất nhiều lời khó nghe. Nhưng đâu ai biết, chúng tôi cũng có gia đình, thay vì nguy hiểm bắt cướp cũng muốn quay về nhà để tìm phút giây yên bình sau giờ làm. Thế nhưng, lương tâm không cho phép chúng tôi làm điều đó. Tôi đã từng chứng kiến, người mẹ mang thai bị tên cướp đẩy xuống đường làm sảy thai, cụ già nghèo khó khóc thét vì tài sản bỗng chốc tiêu tan" - anh Tường trải lòng.
Nhắc về 2 đồng đội bị cướp sát hại, anh Tường nói: "Sau vụ việc đau lòng này, chúng tôi mong cơ quan chức năng cho thành lập tổ phòng chống tội phạm tận phường, truyền đạt kỹ năng, nghiệp vụ và có công cụ hỗ trợ để anh em yên tâm hơn. Khi bắt đầu theo nhóm "hiệp sĩ" bắt cướp, phải là người thực tâm muốn giúp người khác, đam mê với công việc của mình thì mới làm được. Xảy ra chuyện với đồng đội, anh em chúng tôi rất buồn, xót thương nhưng vẫn sẽ tiếp tục công việc của mình".
Theo Danviet
"Tại sao Bình Dương bảo vệ được hiệp sĩ, TP.HCM lại không?" "Các tổ chức hiệp sĩ tại TP.HCM đề xuất được công nhận nhiều năm rồi sao TP.HCM không đồng ý? Tại sao Bình Dương làm được mà TP.HCM thì không?", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói. Vụ việc các "hiệp sĩ" ở TP.HCM bị nhóm trộm tấn công khiến 2 người chết, 3 người bị thương tạo nên nhiều ý kiến trái chiều...