2 câu hỏi chưa được làm rõ ở phiên tòa VN Pharma
Hơn 14 tỷ đồng tiền nâng khống giá thuốc dùng để chi cho những cá nhân nào; H-Capita là thuốc giả hay kém chất lượng, vẫn chưa được tòa làm rõ.
Ngày 27/9, phiên tòa xét xử cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma bước vào ngày thứ 4.
Trong chiều 26/9, Nguyễn Minh Hùng đã bị cơ quan công tố đề nghị 18-19 năm tù. Võ Mạnh Cường, người cung cấp thuốc H-Capita cho Hùng, bị đề nghị 20 năm tù. 9 bị cáo còn lại nhận mức án đề nghị từ 3-13 năm.
Phiên tòa đã bước vào phần tranh luận trước khi HĐXX nghị án; tuy nhiên, vấn đề xoay quanh 14 tỷ tiền nâng khống giá thuốc và H-Capita là thuốc giả hay kém chất lượng vẫn chưa được làm rõ.
Có người chi, nhưng không có kẻ nhận?
Tại phiên tòa chiều 24/9, chủ tọa truy vấn Hùng vì sao không đưa tiền nâng khống thuốc vào sổ sách công ty, bị cáo khai nếu đưa vào sổ sách thì sai. Bởi vì hệ thống sổ sách riêng không phù hợp Luật Kế toán, không có giấy tờ, chứng từ nên không thể công khai.
Cựu Tổng giám đốc VN Pharma cho biết hơn 14 tỷ đồng trích từ số tiền nâng khống giá thuốc được chi cho các hoạt động bán hàng, hội nghị, tiếp khách, chi cho trình dược viên.
Trước câu hỏi “Chi cho ai?”, Hùng nói chưa bao giờ gặp trình dược viên và cũng chưa từng trình bày với các bệnh viện nếu cho phép giới thiệu thuốc sẽ chi cho bao nhiêu tiền.
HĐXX chỉ dừng lại ở những câu hỏi này và cho biết hành vi liên quan đến Cục Quản lý Dược đã được tách ra điều tra sau nên tòa không xét hỏi sâu.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng. Ảnh: Lê Quân.
Ngoài ra, Hùng cũng khai hơn 6 tỷ để ngoài sổ sách công ty được Ngô Anh Quốc (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) sử dụng vào các hoạt động bán hàng tại bệnh viện, cụ thể là bán những loại thuốc khác của công ty.
Từ đây có thể thấy rằng, Hùng cùng các nhân viên của mình đã chi rất nhiều tiền vào hoạt động bán thuốc.
Để luân chuyển dòng tiền này đến tay bác sĩ, các cá nhân trong Công ty VN Pharma mở sổ tiết kiệm tại một số ngân hàng và chi hoa hồng thông qua tài khoản của các doanh nghiệp mà họ lập ở nước ngoài như Công ty Sa Chempha ở Campuchia, Công ty Sigma Holding và Công ty Auspicious ở Hong Kong.
Song, trong cáo trạng truy tố của VKSND Tối cao nhận định: “Không có tài liệu, chứng cứ thể hiện việc nhận tiền, quà của các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại các bệnh viện mà Công ty VN Pharma bán thuốc nên cơ quan điều tra không đủ căn cứ để kết luận hành vi cụ thể”.
Có người chi và bị cáo thừa nhận có việc chi tiền nhưng lại không làm rõ được người nhận. Vấn đề này vẫn khiến dư luận đặt câu hỏi.
Thuốc giả hay thuốc kém chất lượng?
Tại tòa, ngoại trừ bị cáo Võ Mạnh Cường chưa thừa nhận hành vi, các bị cáo còn lại nhận tội. Tuy nhiên, phiên tòa nóng lên bởi những tranh cãi xoay quanh việc H-Capita là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng.
Bị cáo Hùng cho rằng thuốc chỉ giả về nhãn mác xuất xứ, tức là giả về nguồn gốc, còn chất lượng thì hoàn toàn thật.
Doanh nhân Ngô Nhật Phương (chồng ca sĩ Trang Nhung) có mặt tại tòa với vai trò người liên quan, cũng khẳng định H-Capita là thuốc thật 100%. Ông Phương còn trình cho tòa bằng chứng chứng minh thuốc được sản xuất tại Ấn Độ và đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng.
Theo nội dung văn bản được giải mật và được công bố tại tòa, sau khi cử đoàn công tác đi Ấn Độ xác minh, Bộ Y tế có những văn bản khẳng định “lô thuốc H-Capita đạt tất cả tiêu chuẩn lúc xuất xưởng”.
HĐXX và VKS tại phiên tòa VN Pharma. Ảnh: Lê Quân.
Cụ thể, tại văn bản số 77 ngày 27/4/2018, Bộ Y tế cho biết đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc trực tiếp với nhà máy Affy Prenterals của Ấn Độ. Nhà máy này có các giấy chứng nhận nhà máy sản xuất đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, trong đó có thuốc H-Capita .
Affy Prenterals cũng có văn bản xác nhận đã bán lô thuốc 9.300 hộp H-Capita cho Công ty Magnolia limited tại Ấn Độ. Công ty Magnolia sau đó bán lô thuốc này cho VN Pharma. Lô hàng được vận chuyển bằng máy bay từ Ấn Độ tới Singapore và về Việt Nam.
Từ các căn cứ nêu trên, tại văn bản số 77, Bộ Y tế kết luận lô thuốc H-Capita đạt tất cả tiêu chuẩn lúc xuất xưởng. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển nếu không tuân thủ điều kiện bảo quản thì chất lượng có thể không còn được giữ như lúc xuất xưởng.
Tại công văn số 279 ngày 21/12/2018, Bộ Y tế gửi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết thuốc kém chất lượng, thuốc giả và hàng giả là 3 khái niệm riêng biệt.
Bộ Y tế khẳng định lô thuốc H-Capita kém chất lượng vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan điều tra. Việc xác định lô thuốc H-Capita có phải thuốc giả hay hàng giả còn tùy từng trường hợp cụ thể đối chiếu với các văn bản.
Trong khi đó, cáo trạng của VKSND Tối cao khẳng định lô thuốc H-Capita do VN Pharma nhập về là “thuốc kém chất lượng, không được dùng chữa bệnh cho người”.
Trong phần luận tội chiều 26/9, VKS giữ nguyên quan điểm, khẳng định H-Capita là thuốc giả về nguồn gốc và chất lượng. “Theo quy định pháp luật, hàng giả gồm ‘thuốc chữa bệnh cho người nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký’; H-Capita được xác định không phải của Công ty Helix Canada, không rõ nguồn gốc xuất xứ nên thuốc này là giả”, quan điểm của cơ quan công tố.
Theo VKS, trong vụ án này, tiêu chuẩn của thuốc được Hùng thuê người viết ra, không phải của nhà sản xuất. Bộ Y tế kiểm duyệt dựa trên tiêu chuẩn đó nên chất lượng không thể nào đúng.
Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Phòng xử án chật kín khi 200 người bị triệu tập đến tòa vụ VN Pharma
HĐXX triệu tập gần 200 người tham gia tố tụng, trong đó có các thành viên Hội đồng giám định Bộ Y tế, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế),…
Theo Zing.vn
Vụ án thuốc ung thư giả của Công ty Cổ phần VN Pharma: Cục Quản lý Dược phải chịu trách nhiệm?
Các bị can trong vụ án đều bị truy tố về tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" thay vì tội "buôn lậu" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" như trước đó.
Ảnh Internet
Với những tình tiết mới, dư luận kì vọng vụ án về thuốc ung thư giả của Công ty Cổ phần VN Pharma sẽ được xử một cách minh bạch và công tâm.
Thay đổi tội danh
Cáo trạng nêu rõ, Nguyễn Minh Hùng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần VN Pharma từ tháng 10/2011. Từ năm 2012, Nguyễn Minh Hùng nhận thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa trị ung thư nên đã bàn với Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải Quốc tế H&C) để nhập khẩu loại thuốc chữa ung thư H-Capita 500mg Caplet (viết tắt là H-Capita 500mg) về Việt Nam.
Thuốc có chứa hoạt chất Capecitabine, dùng để chữa các bệnh ung thư vú, ung thư đại trực tràng mang nhãn mác Công ty Helix Pharmaceuticals Inc Canada (viết tắt là Công ty Helix Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam với giá 0,9 USD/viên.
Do thuốc H-Capita chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nên cần phải có hồ sơ pháp lý nộp cho Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế để thẩm định, cấp phép nhập khẩu. Vì vậy, Nguyễn Minh Hùng đã thực hiện việc làm giấy tờ giả.
Sau khi hoàn thiện việc làm giả hồ sơ pháp lý, Nguyễn Minh Hùng chỉ đạo nhân viên lập Đơn hàng số 225/ĐH/VNP-NK ngày 16/10/2013, đề nghị Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita Caplet do Công ty Helix Canada sản xuất; thông qua nhà cung cấp là Công ty Austin Pharma Specialities Co., (công ty này đã được Bộ Y tế cấp Giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc từ năm 2002).
Kèm theo hồ sơ pháp lý gồm: Giấy chứng nhận FSC, GMP giả; hộp thuốc gốc và toa thuốc gốc giả do Võ Mạnh Cường cung cấp; Tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm thuốc và Tờ hướng dẫn sử dụng giả bằng tiếng Việt; nhãn mác lưu hành tại Việt Nam do Phòng Nghiên cứu phát triển Công ty VN Pharma tự thiết kế. Hồ sơ giả nộp Cục Quản lý Dược có một số nội dung không đồng nhất giữa FSC, Tiêu chuẩn chất lượng và Hướng dẫn sử dụng về thành phần tá dược, hạn dùng, nhiệt độ bảo quản...
Trao đổi về vụ việc này, luật sư Phùng Thanh Sơn, Công ty Luật TNHH Thế giới luật pháp, Đoàn Luật sư TPHCM bày tỏ quan điểm:
Kinh doanh bất cứ cái gì cũng cần có đạo đức chứ không riêng gì kinh doanh thuốc. Tuy nhiên, do thuốc chữa bệnh, phòng bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng của con người nên hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả cần phải được xử lý nghiêm và nặng hơn đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả khác.
Thực tế, Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng đã phản ánh tinh thần này. Nếu hàng hoá bị làm giả là hàng hoá thông thường thì sẽ xử lý theo Điều 156 (Tội sản xuất, kinh doanh hàng giả) còn nếu hàng hoá bị làm giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh thì sẽ bị xử lý theo Điều 157 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh).
Mức cao nhất khung hình phạt của Điều 156 chỉ 15 năm tù trong khi đó mức cao nhất khung hình phạt của Điều 157 lên đến tử hình. Tinh thần này vẫn được Bộ luật Hình sự 2015 kế thừa tại các Điều 192, 193, 194.
Theo luật sư Phùng Thanh Sơn, việc sản xuất, kinh doanh thuốc giả không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người dùng mà còn ảnh hưởng uy tín ngành y và "chảy máu" ngoại tệ. Bởi, ngay cả khi bác sĩ khám, lên phác đồ điều trị và kê toa đúng nhưng vì thuốc giả, thuốc kém chất lượng mà việc điều trị sẽ không hiệu quả.
Người dân không biết rõ nguyên nhân sẽ đổ lỗi cho việc khám chữa bệnh yếu kém. Từ đó, người dân không còn tin tưởng vào việc khám chữa bệnh trong nước và có khuynh hướng đi nước ngoài để điều trị. Việc này về lâu dài làm giảm động lực phát triển của ngành y trong nước, khiến ngành y trong nước bị tụt hậu so với các nước khác.
Không để lọt tội phạm
Quá trình xảy ra vụ án, trên cơ sở hồ sơ giả do Công ty VN Pharma cung cấp, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã thành lập Tổ thẩm định gồm 3 nhóm: Nhóm thẩm định tiêu chuẩn chất lượng; Nhóm thẩm định dược lý, lâm sàng; Nhóm thẩm định pháp chế.
Tổ thẩm định đã tiến hành thẩm định Đơn hàng 225 cùng với hồ sơ pháp lý thuốc H-Capita của Công ty VN Pharma từ ngày 5/11/2013 - 25/12/2013. Mặc dù, rất nhiều tài liệu trong hồ sơ nhập khẩu thuốc được làm giả như đã nêu, nhưng Tổ thẩm định đã đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu và đề nghị Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu đơn hàng trên.
Rõ ràng, để xảy ra vụ việc nhập khẩu lô thuốc H-Capita chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam, Cục quản lý Dược Bộ Y tế cũng phải chịu trách nhiệm.
Tài liệu điều tra có căn cứ xác định các chuyên gia và cán bộ Cục Quản lý Dược tham gia thẩm định, cấp phép nhập khẩu lô thuốc đã không làm hết trách nhiệm, bỏ qua các điều kiện để cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita cho Công ty VN Pharma. Từ sai phạm trong việc cấp phép đã dẫn đến Công ty VN Pharma nhập thuốc chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam.
Về vấn đề này, luật sư Phùng Thanh Sơn cho rằng, đối với những cán bộ tại Cục Quản lý Dược có liên quan, cơ quan điều tra chỉ cần căn cứ vào quy định pháp luật, quy định nội bộ để xác định trách nhiệm, quyền hạn của từng cá nhân liên quan rồi đối chiếu với hồ sơ lưu thì sẽ biết họ đã làm hết trách nhiệm hay chưa. "Tôi hy vọng cơ quan điều tra không để "chìm xuồng" trách nhiệm của các cá nhân liên quan tại Cục Quản lý Dược. Có như vậy thì mới đủ tính răn đe và nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về dược phẩm để người dân được an tâm khi dùng thuốc".
Trong quá trình điều tra nếu chứng minh được các cán bộ Cục Quản lý Dược biết rõ đây là thuốc giả, không đúng với hồ sơ đăng ký nhưng vẫn cố tình cấp phép nhập khẩu lô thuốc nói trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội buôn bán hàng giả với vai trò là đồng phạm giúp sức.
Nếu những cán bộ này nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác để "bật đèn xanh" cho các sai phạm hoặc bỏ qua các yêu cầu luật định để cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu lô thuốc thì cần phải truy cứu những cán bộ này về tội "Nhận hối lộ".
Châu Anh
Theo giaoducthoidai
Xử vụ VN Pharma: Bị cáo chủ mưu kêu oan Bị cáo Võ Mạnh Cường cùng bị truy tố với vai trò chủ mưu trong vụ VN Pharma cho là bị oan, bị ép cung, dụ dỗ bưng bít thông tin của vụ án, bỏ qua nhiều thông tin quan trọng. Ngày 25-9, TAND TP.HCM tiếp tục xét hỏi 12 bị cáo trong vụ buôn bán thuốc chống ung thư giả tại Công...