19 tỉnh/thành phố đã triển khai tiêm vắcxin ComBE Five
Nguy cơ nhiều loại bệnh tật lan truyền và xâm nhập từ các nước xung quanh hiện nay vẫn hiện hữu rất lớn.
Tiêm vắcxin ComBE Five cho trẻ tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN/Vietnam)
Điển hình như nguy cơ bệnh bại liệt xâm nhập từ bên ngoài; nguy cơ dịch sởi, ho gà, bạch hầu quay trở lại vẫn còn hiện hữu nếu tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhiều trẻ trì hoãn tiêm chủng, đặc biệt trong điều kiện thời tiết mùa Đông-Xuân sắp tới.
Hiện nay, có quan niệm cho rằng, người khác đã tiêm chủng thì mình sẽ không có nguy cơ bị mắc bệnh nữa, đây là những quan niệm sai lầm không đúng.
Phó giáo sư Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc họp cung cấp thông tin về Chương tình tiêm chủng mở rộng, diễn ra chiều 7/1.
Hơn 101.000 trẻ đã tiêm vắcxin ComBE Five
Tại cuộc họp, giáo sư Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, đã có 101.862 trẻ được tiêm vắcxin ComBe Five.
Tính đến ngày 6/1, vắcxin ComBE Five đã triển khai tại 19 tỉnh/thành phố, gồm Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Yên Bái, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ, Cà Mau.
Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường (sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc…) được ghi nhận với tỷ lệ 1,73%. Ngoài ra, cũng ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài ở với tỷ lệ khoảng 0,05%, các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Trong tháng 10 và tháng 11 năm 2018, Bộ Y tế đã triển khai vắcxin DPT-VGB-Hib ComBE Five, do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất, tại 7 tỉnh (Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu). Kết quả đã tiêm được 17.356 trẻ tại 7 tỉnh, tỷ lệ xuất hiện các phản ứng thông thường sau tiêm chủng là 5,5%.
Sau khi triển khai trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh, từ tháng 12 năm 2018, vắcxin ComBE Five được triển khai trên toàn quốc. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã phân bổ vắcxin đến 63 tỉnh/thành phố và hướng dẫn triển khai tiêm vắcxin; chú trọng thực hành tiêm chủng an toàn, đặc biệt là khám sàng lọc và tư vấn cho các bậc cha mẹ cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.
Video đang HOT
Căn cứ vào lịch tiêm chủng thường xuyên, các tỉnh/thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch tiêm vắcxin ComBE Five.
Phó giáo sư Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng. (Ảnh: PV/Vietnam )
ComBE Five có thành phần tương tự như Quinvaxem
Theo Bộ Y tế, vắcxin phối hợp 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib) phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng Việt Nam từ tháng 6 năm 2010. Vắcxin đã sử dụng có tên là Quinvaxem do công ty Berna Biotech Hàn Quốc sản xuất.
Từ năm 2016 vắcxin Quinvaxem đã ngừng sản xuất trên quy mô toàn cầu, Bộ Y tế đã xem xét và quyết định sử dụng vắcxin ComBE Five thay thế vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng.
Tại cuộc họp đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vắcxin ComBE Five có thành phần tương tự như vắcxin Quinvaxem.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (Immunization Safety Surveillance, WHO 2015) tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vắcxin chứa thành phần ho gà toàn tế bào: sốt từ 38-39độ C chiếm tới 44%, phản ứng sưng 38%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56%, đau 25%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%. Các phản ứng nặng có thể gặp như co giật, giảm trương lực cơ, sốc phản vệ (20 trường hợp trên 1 triệu liều vắcxin sử dụng), các phản ứng này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.
Khi triển khai tiêm vắcxin ComBE Five trên toàn quốc, Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh/thành phố thực hiện theo kế hoạch, thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm chủng 30 phút tại điểm tiêm chủng, tư vấn cho các bậc cha mẹ biết cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.
Phó giáo sư Phu lưu ý, Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng.
“Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình như trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm. Sau tiêm chủng cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra,” Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các phụ huynh cần tiếp tục theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong 1- 2 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: tinh thần; bú mẹ; ăn; ngủ; thở; nhiệt độ; phát ban; phản ứng tại chỗ tiêm… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Nếu trẻ sốt, cần cặp nhiệt độ và theo dõi, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.
Theo các chuyên gia, sau khi tiêm chủng, khi trẻ có biểu biện bất thường về sức khỏe như: sốt cao từ 39độ C trở lên, co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú… phụ huynh phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị./.
Theo vietnamplus
Sốt là phản ứng tốt sau tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBE FIVE
Trước lo lắng của các bậc phụ huynh, cho rằng vắcxin ComBE FIVE đang triển khai trong tiêm chủng mở rộng (TCMR) có nhiều phản ứng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là tình trạng sốt trên 38 độ, Tiến sỹ Dương Thị Hồng cho biết với vắc xin 5 trong 1 có thành phần ho gà toàn tế bào, tỉ lệ sốt trên 38 độ C lên tới 50% và đây là một phản ứng tốt sau tiêm vắc xin.
Hơn 90 nghìn liều đã được tiêm cho trẻ em
TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho hay, tính đến ngày hôm nay đã có hơn 90.700 trẻ đã tiêm vắcxin ComBE FIVE trên 15 tỉnh thành. Vắc xin được đưa vào hệ thống TCMR trên toàn quốc từ tháng 12 và trong tháng 1/2019, vắc xin sẽ được sử dụng ở tất cả các địa phương trên toàn quốc.
Trước thông tin cho rằng tỷ lệ trẻ phản ứng sau tiêm với vắcxin ComBE FIVE nhiều hơn so với Quinvaxem, TS Hồng cho rằng so sánh chưa hợp lý. "Bởi thực tế, Quinvaxem được dùng trong Chương trình TCMR được 8 năm, với hơn 30 triệu liều được tiêm cho hơn 10 triệu trẻ. Phản ứng sau khi tiêm chủng chiếm tỷ lệ 50%. Còn đối với vắcxin ComBE FIVE trong thời gian qua tỷ lệ phản ứng như sốt thông thường sau khi tiêm chỉ chiếm tỷ lệ 5% trong tổng số trẻ đã tiêm vắcxin này", TS Hồng nói.
"Nhất là với phản ứng đau tại chỗ, sốt trên 38 độ, các triệu chứng toàn thân thì các vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào đều chiếm trên 50% tỷ lệ tiêm. Với vắc xin ComBE FIVE chúng ta mới tiêm hơn 90 ngàn liều, nếu so sánh nôm na tỉ lệ mà Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo về các biểu hiện sốt, phản ứng tại chỗ sau tiêm tới 50%, thì với hơn 90 ngàn mũi tiêm thì có đến một nửa trẻ có quấy khóc, sốt nhẹ đến sốt trên 38 độ, xuất hiện các triệu chứng toàn thân...", TS Hồng giải thích thêm.
Trong khi đó, qua triển khai dại 15 tỉnh, theo báo cáo từ các địa phương, ngoài các phản ứng thông thường như: sốt nhẹ, sưng đau tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc là 5,5% và cũng đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài tại một số tỉnh thành phố với tỷ lệ 0,05% và các trường hợp này đều đã ổn định.
TS Hồng cho biết thêm, theo nguyên tắc báo cáo giám sát phản ứng sau tiêm, một trẻ sau tiêm chủng có quay lại nơi tiêm, dù sốt 37,5 độ đều ghi nhận để theo dõi. Như tại Bình Định, theo ghi nhận có đến vài chục cháu có phản ứng sốt sau tiêm, trong đó có những trẻ chưa đến 38 độ nhưng hệ thống vẫn ghi nhận là phản ứng sau tiêm vì các cháu được đưa lại tái khám.
TS Hồng cũng khuyến khích các bà mẹ theo dõi con chặt chẽ sau tiêm chủng, chỉ cần trẻ xuất hiện dấu hiệu khiến cha mẹ không yên tâm là có thể đưa con đi khám để được xác định. "Tất cả các cháu tại Bình Định khi cha mẹ không yên tâm đưa con tới viện đều đã khỏe mạnh, an toàn trở về nhà", TS Hồng nói.
Còn trong tình huống xuất hiện các phản ứng nặng (rất hiếm gặp) như khó thở (là biểu hiện phù nề thanh quản, trẻ có một chút tím tái, trẻ đi tiêm về bú ít, khóc thét, sốt cao co giật, li bì, giảm trương lực cơ nên đưa trẻ tới trạm y tế gần nhất để được kịp thời xử lý.
Vắc xin tiêm cho 2 trẻ ở Nam Định đã được sử dụng hơn 22 nghìn liều
Trước 2 trường hợp trẻ tử vong sau tiêm chủng tại tỉnh Nam Định khiến người dân lo lắng, TS Hồng cho biết, 2 trường hợp tại tỉnh Nam Định gồm một trường hợp trẻ tử vong sau tiêm chủng 36 giờ đồng hồ và một trẻ tử vong sau 48 giờ đồng hồ.
Sở Y tế tỉnh Nam Định đã tiến hành điều tra và tổ chức Họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân hai trường hợp trên với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Hội đồng đã có kết luận hai trường hợp trẻ tử vong sau tiêm chủng trên không nghĩ đến phản vệ nặng liên quan đến vắc xin, không liên quan đến thực hành tiêm chủng, trẻ tử vong không rõ nguyên nhân.
"Lô vắc xin ComBE FIVE sử dụng tại tỉnh Nam Định có số lô 220103118C hạn dùng 8/2020 được UNICEF cung ứng về Việt Nam ngày 6/11/2018, tổng số 276.480 liều có giấy phép của Viện Kiểm định. Lô vắcxin này được sử dụng tại 3 địa phương là: Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định. Tổng số liều vắcxin đã sử dụng đến thời điểm hiện nay là 22.360 liều", TS Hồng nói.
Tính đến nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tiếp nhận tổng số 840.000 liều vắcxin ComBE FIVE.
Trước đó, đầu năm 2018, nhà sản xuất tại Hàn Quốc ngừng sản xuất vắcxin Quinvaxem nên Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng vắcxin ComBE Five có thành phần và hiệu quả phòng bệnh tương đương. Loại vắcxin này do Ấn Độ sản xuất, được lưu hành tại Ấn Độ từ năm 2010 và đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO, vắcxin đã được sử dụng tại 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều.
Ngay tại Ấn Độ, vắc xin ComBE FIVE cũng đang được sử dụng trong chương trình TCMR. Vắc xin này sử dụng tại 43 quốc gia cũng đều phải tuân thủ báo cáo từng trường hợp phản ứng sau tiêm cho WHO. Cũng đã ghi nhận các ca tử vong sau tiêm chủng nhưng sau điều tra, hầu hết các trường hợp này không liên quan tới vắc xin.
"WHO không cấp phép lưu hành một lần mà dựa trên báo cáo thực hiện hàng năm, nếu vắc xin đạt yêu cầu an toàn của WHO mới được lưu hành tiếp", TS Hồng nói.
Bà Hồng cũng khuyến cáo, không có vắc xin nào an toàn tuyệt đối vì vắc xin cũng như thuốc, thực phẩm có thể gây phản ứng dị ứng trên những cơ địa nhất định. Nhưng vắc xin là hữu hiệu nhất phòng. Nếu trẻ không tiêm, hệ lụy hậu quả nặng nề.
"Năm 2013 chúng ta có 5 tháng tạm dừng Quinvaxem về những lo ngại phản ứng sau tiêm chủng. Sau đó đã gây nên tâm lý sợ tiêm chủng đến năm 2014, số bệnh nhân ho gà tăng lên khủng khiếp, hơn 100 trường hợp tử vong do tiêm chủng. Vai trò của vắc xin với các bệnh truyền nhiễm là vô cùng quan trọng, các bậc cha mẹ không nên vì những tin đồn thất thiệt mà không cho trẻ đi tiêm.
Sau mũi tiêm bà mẹ hãy đồng hành theo dõi con mình đúng sau 1 - 2 ngày sau tiêm vắc xin, để phát hiện triệu chứng bất thường khó thở, tím thái, khóc thét, sốt cao, co giật, phát ban., li bì, chân tay lạnh để đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Còn với các phản ứng thông thường như sưng đau tại chỗ, sốt trên 38 độ, các triệu chứng toàn thân có thể gặp tới 50% và là phản ứng thông thường của vắc xin.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Thành tựu đáng nể của ngành công nghiệp sản xuất vắc xin Việt Nam Trong hơn 30 năm thực hiện tiêm chủng mở rộng Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại vắc xin tham gia chương trình, khẳng định sự phát triển của ngành công nghiệp này ở Việt Nam. Bộ Y tế đang đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sản xuất được 14 loại vắc xin cung cấp cho tiêm chủng mở rộng....