18.000 tỷ đồng tiền gửi của Vinamilk đóng góp 50% lợi nhuận tăng thêm
Doanh nghiệp tích lũy hơn 20.000 tỷ đồng tiền và tiền gửi, gần vượt vốn điều lệ 20.800 tỷ đồng.
Vinamilk thực hiện 76% kế hoạch doanh thu và 84% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng.
Hoạt động xuất khẩu của Vinamilk tăng trưởng 9% về mặt doanh thu và 13% về mặt lợi nhuận gộp.
Hơn 20.000 tỷ đồng tiền và tiền gửi, chiếm 40% tổng tài sản
Theo BCTC hợp nhất quý III, tại thời điểm cuối kỳ, Vinamilk (HoSE: VNM) có 2.336 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm hơn 300 tỷ so với đầu năm. Song khoản đầu tư tài chính (chủ yếu tiền gửi có kỳ hạn ngắn) ghi nhận 17.872 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu năm. Tổng tiền và tiền gửi của Vinamilk đạt 20.200 tỷ đồng, gần vượt vốn điều lệ 20.899 tỷ đồng và chiếm 40% tổng tài sản.
Bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày từ đầu năm doanh nghiệp có chủ trương giãn, hoãn các kế hoạch đầu tư tài sản cố định để đảm bảo khả năng thanh khoản và an toàn tài chính.
Vinamilk tăng đáng kể các khoản phải thu lên 5.977 tỷ đồng, tăng thêm gần 1.500 tỷ so với đầu năm. Hàng tồn kho cũng tăng 263 tỷ đồng lên 5.246 tỷ đồng, chủ yếu tăng tích trữ nguyên vật liệu từ 2.661 tỷ đồng lên 3.576 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý III Vinamilk
Dù tích lũy tiền đáng kể, doanh nghiệp sữa cũng tăng vay ngắn hạn từ 5.251 tỷ đồng lên 6.423 tỷ đồng và vay dài hạn từ 123 tỷ đồng lên 176 tỷ đồng.
BCTC quý III doanh nghiệp không thuyết minh rõ nhưng theo BCTC quý II, các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng) của doanh nghiệp được hưởng lãi suất từ 7,1-8,65%/năm – mức nổi trội so với thị trường. Tiền gửi kỳ hạn dài (trên 12 tháng) lãi 7,4%/năm. Trong khi các khoản vay bằng VND thì lãi suất vay phải trả từ 4,9-6,5%, vay USD lãi suất 1,4-2,7%.
Khoản tiền gửi tăng mạnh hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận. Trong 9 tháng, lãi tiền gửi tăng từ 516 tỷ lên 869 tỷ đồng giúp doanh thu hoạt động tài chính tăng 71% lên 979 tỷ đồng. Song, chi phí lãi vay tăng 73 tỷ đồng lên 118 tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỷ giá tăng từ 29,6 tỷ đồng lên 106 tỷ đồng. Như vậy, lãi tiền gửi đóng góp 353 tỷ đồng, tức 50% phần tăng thêm trong lợi nhuận trước thuế của đơn vị (701 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số trong quý III
Bất chấp dịch bệnh khiến thu nhập và sức mua người tiêu dùng giảm, Vinamilk ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ quý III đạt 3.138 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng lợi nhuận cao nhất tính từ quý I/2019. Trong bối cảnh thị trường sữa bão hòa, Vinamilk ghi nhận mức tăng lợi nhuận chỉ một chữ số trong nhiều quý, thậm chí âm vào quý IV/2019 và quý I/2020.
Video đang HOT
Đơn vị: tỷ đồng
Quý III, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng 9% đạt 15.563 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu nội địa đạt 13.264 tỷ đồng và doanh thu xuất khẩu đạt 2.299 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sữa giảm nhẹ từ 47% về 46,7% do sự sụt giảm ở thị trường nội địa, trong khi xuất khẩu tăng từ 47% lên 48,7%. Theo đó, lợi nhuận gộp ở thị trường nội địa chỉ tăng 7,3% đạt 6.147 tỷ đồng nhưng thị trường xuất khẩu tăng 12,8% đạt 1.120 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng
Lũy kế 9 tháng, Vinamilk đạt doanh thu thuần 45.211 tỷ đồng, tăng 7,4%. Biên lãi gộp giảm và các chi phí đồng loạt tăng nhưng nguồn thu từ hoạt động tài chính tăng giúp lãi ròng cổ đông công ty mẹ doanh nghiệp sữa tăng 6,4%, đạt 8.914 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng
Doanh thu nội địa của Vinamilk tăng trưởng chủ yếu nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh với GTN Foods (HoSE: GTN), doanh nghiệp chi phối Mộc Châu Milk. Doanh nghiệp sữa cao nguyên Mộc Châu báo cáo doanh thu tăng 13,7% đạt 775 tỷ đồng quý III, lũy kế 9 tháng tăng 10% đạt 2.142 tỷ đồng. Biên lợi nhuận cải thiện giúp lợi nhuận sau thuế quý III ở mức 102 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng 209 tỷ đồng, tăng 69%.
Theo chứng khoán BIDV (BSC), thị phần Vinamilk đang đứng ở mức 60% và cần động lực mới đến từ Mộc Châu Milk ở khu vực miền Bắc để đẩy tăng thị phần và dài hạn là xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhờ khu vực Trung Đông hồi phục với hợp đồng xuất khẩu trị giá 20 triệu USD, thị trường này chiếm tỷ trọng 70-80% doanh thu xuất khẩu của Vinamilk. Mặt khác, doanh nghiệp cũng tiếp tục mở rộng các thị trường khác như xuất khẩu sữa đặc vào thị trường Trung Quốc, sữa hạt và trà sữa vào Hàn Quốc. Vinamilk đã được cấp phép xuất khẩu sữa vào các quốc gia thuộc liên minh kinh tế Á Âu vào tháng 6 vừa qua.
Vinamilk tiết kiệm đến hơn 560 tỷ đồng chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường trong 9 tháng đầu năm. Dù vậy, doanh nghiệp tăng mạnh chi phí khuyến mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng từ 6.281 tỷ lên 9.672 tỷ đồng khiến tổng chi phí bán hàng vẫn tăng 4% lên 9.672 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng tăng 33,6% lên 1.222 tỷ đồng, tăng do chi phí nhân viên, dịch vụ mua ngoài và phân bổ lợi thế thương mại.
Với kết quả trên, công ty đã thực hiện 76% kế hoạch doanh thu và 84% kế hoạch lợi nhuận sau thuế được ĐHĐCĐ giao phó.
Quý 3/2020: Vinamilk "gặt" giải thưởng, nỗ lực hoàn thành 76% mục tiêu doanh thu
Công Ty Cổ Phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã công bố báo cáo tài chính quý 3 và lũy kế 9 tháng năm 2020. Nỗ lực vượt khó COVID-19, kết quả doanh thu Q3/2020 và 9T/2020 của Vinamilk tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ 2019.
Tóm tắt kết quả kinh doanh hợp nhất Quý 3 và lũy kế 9 tháng năm 2020 - Vinamilk
Phân tích doanh thu thuần:
Trong Quý 3 năm 2020 ("Q3/2020"), doanh thu thuần hợp nhất đạt 15.563 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2019, trong đó:
Kinh doanh nội địa ghi nhận doanh thu thuần 13.264 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2019 và chiếm tỷ trọng 85% trong doanh thu thuần hợp nhất nhờ các động lực tăng trưởng sau:
Doanh thu thuần nội địa công ty mẹ đạt 11.902 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2019. Đợt bùng phát Covid-19 thứ 2 vào cuối tháng 7/2020 đã có tác động đến hoạt động bán hàng song tình hình đã được cải thiện trong tháng 9/2020. Phần lớn các ngành hàng chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ 2019 nhờ chiến lược tiếp thị phù hợp và ra mắt sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tăng đề kháng của người tiêu dùng. Tiêu biểu, Vinamilk đã giới thiệu các sản phẩm Sữa Tươi Vinamilk và Sữa Bột Trẻ Em Grow Plus có chứa Tổ Yến trong Q3/2020, đưa tổng số sản phẩm tung và tái tung trong 9 tháng đầu năm lên hơn 15 sản phẩm.
Vinamilk bắt đầu hợp nhất CTCP GTNFoods ("GTN") từ đầu năm nay. Mảng kinh doanh sữa của GTN - CTCP Sữa Mộc Châu ("MCM") - ghi nhận doanh thu thuần 775 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ 2019 do nhu cầu tiêu dùng gia tăng đối với sản phẩm MCM kết hợp với các chính sách mở rộng và hỗ trợ nhà phân phối, khách hàng với giá bán hợp lý. Trong thời gian này, MCM đã giới thiệu 03 sản phẩm Sữa Nước và Sữa Chua mới. Ngoài ra, MCM chính thức đưa vào áp dụng hệ thống quản trị nguồn lực ERP kể từ đầu tháng 10/2020 góp phần nâng cao chất lượng thông tin báo cáo và hoàn thiện thực hành quản trị doanh nghiệp.
Hoạt động xuất khẩu ghi nhận doanh thu thuần 1.576 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 19,5% so với cùng kỳ 2019 và chiếm tỷ trọng 10% trong doanh thu thuần hợp nhất nhờ nhu cầu ổn định và hoạt động kinh doanh hiệu quả. Chiến lược hợp tác chặt chẽ với đối tác kinh doanh quốc tế tại thị trường nước ngoài của Vinamilk đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn Covid-19 này khi họ trở thành "cánh tay nối dài" giúp Vinamilk duy trì được sự hiện diện của thương hiệu trên thị trường quốc tế dù chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng lớn. Ngoài ra, doanh thu của Angkor Milk - công ty con của Vinamilk tại Campuchia - tiếp tục tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ 2019.
Doanh thu thuần tăng trưởng ổn định, 9 tháng đầu năm hoàn thành 76% mục tiêu đề ra cho năm 2020
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 ("9T/2020"), doanh thu thuần hợp nhất đạt 45.211 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2019 và hoàn thành 76% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu thuần nội địa đạt 38.720 tỷ đồng, tăng trưởng 8,1% so với 2019; tính riêng MCM doanh thu thuần đạt 2.142 tỷ đồng, tăng 9.8% so với cùng kỳ 2019 và hoàn thành 74% kế hoạch năm. Doanh thu thuần xuất khẩu của Vinamilk đạt 4.027 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2019; doanh thu thuần các chi nhánh nước ngoài đạt 2.465 tỷ đồng.
Phân tích biên lợi nhuận và cơ cấu chi phí:
Biên lợi nhuận gộp ("LNG") hợp nhất Q3/2020 đạt 46,7%, tăng 30 điểm cơ bản ("đcb") so với trung bình 6 tháng đầu năm. Biên LNG của MCM đạt 34,6%, tăng mạnh so với mức 19,4% của cùng kỳ 2019 nhờ các biện pháp tối ưu hóa vận hành giúp tiết kiệm chi phí.
Chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp hợp nhất Q3/2020 là 3.743 tỷ đồng, tương đương 24,1% doanh thu thuần so với mức 25,3% của cùng kỳ 2019. Tỷ lệ này giảm xuống đáng kể nhờ nỗ lực kiểm soát chi phí phù hợp để đảm bảo hiệu quả hoạt động trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Lợi nhuận sau thuế ("LNST") hợp nhất Q3/2020 đạt 3.138 tỷ đồng. Biên LNST hợp nhất đạt 20,2%, tăng 143 đcb so với cùng kỳ 2019. Đối với GTN và MCM, LNST đạt lần lượt 87 tỷ đồng và 102 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng ba chữ số 289% và 113% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận của GTN và MCM tăng nhanh hơn đáng kể so với doanh thu nhờ biên LNG cải thiện, doanh thu tài chính tăng mạnh (đối GTN) và các ưu đãi thuế TNDN (đối với MCM).
Lũy kế 9T/2020, biên LNG hợp nhất đạt 46,5%, giảm nhẹ 80 đcb so với cùng kỳ 2019. LNST hợp nhất đạt tỷ 9.000 đồng và hoàn thành 84% kế hoạch năm. Biên LNST duy trì ngang với cùng kỳ 2019 ở mức 19,9%. Đối với GTN, LNST hợp nhất đạt 176 tỷ đồng, tăng trưởng 174% so với cùng kỳ 2019 và đã vượt kế hoạch năm 77%. Đối với MCM, LNST đạt 209 tỷ đồng, tăng trưởng 69% so với cùng kỳ 2019 và đã vượt kế hoạch năm 33%. Biên LNST của MCM đạt 9,7%, tăng 340 đcb so với cùng kỳ 2019.
Các thông tin nổi bật khác
Trong Q3/2020, Vinamilk liên tiếp nhận được các đánh giá xếp hạng về thương hiệu và hiệu quả sản xuất kinh doanh đến từ các tổ chức trong và ngoài nước. Cụ thể:
Vượt qua các thương hiệu trong và ngoài nước, Vinamilk đã dẫn đầu Top 10 thương hiệu mạnh nhất của Việt Nam năm 2020, tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình trong Bảng xếp hạng 1000 thương hiệu hàng đầu châu Á do Campaign Asia-Pacific và Nielsen bình chọn.
Vinamilk cũng là thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam chọn mua nhiều nhất 08 năm liền trong ngành sữa & sản phẩm thay thế sữa theo báo cáo Dấu chân thương hiệu 2020 của Worldpanel - Kantar
Vinamilk tiếp tục nằm trong danh sách "50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam" do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư bình chọn lần thứ 9 liên tiếp (2011-2019). Với các hoạt động xuất khẩu nổi bật trong năm 2019-2020, Vinamilk là được vinh danh trong Danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín 2020 theo chương trình đánh giá của Bộ Công Thương.
Tháng 09/2020, Vinamilk cũng vinh dự là một trong 30 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất trong giai đoạn 1990-2020. Điều này cho thấy nỗ lực của Vinamilk trong việc phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và sự phát triển của ngành Thuế. Tổng số thuế Vinamilk đã nộp trong giai đoạn 1990-2019 là gần 42.000 tỷ đồng và dự kiến nộp thuế hơn 5.200 tỷ đồng trong năm 2020.
Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam - công ty con hiện đang quản lý hệ thống trang trại bò sữa của Vinamilk được đánh giá là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp và thuộc Top 50 Công ty tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (theo Vietnam Report). Đây là năm thứ hai Công ty Bò sữa Việt Nam được tôn vinh trong Bảng xếp hạng FAST500 do tổ chức này xếp hạng. Về vùng nguyên liệu sữa tươi, tính đến tháng 09/2020, đàn bò sữa do Vinamilk quản lý và khai thác sữa đạt 150.000 con (bao gồm MCM), cho sản lượng hơn 1 triệu lít/ngày.
Các chương trình cộng đồng:
Trong Quý 3, thời điểm đợt bùng phát làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19, Vinamilk đã tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch thông qua gói hỗ trợ 8 tỷ đồng vào đầu tháng 8/2020 cho Tp. Hà Nội, Tp. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi để trang bị đủ sinh phẩm, thiết bị y tế, năng lực xét nghiệm nhanh các trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Tính đến nay, Vinamilk đã hỗ trợ tổng cộng hơn 40 tỷ đồng cho các công tác phòng chống dịch Covid-19.
Vinamilk tiếp tục triển khai chương trình Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam đến với trẻ em các địa phương như Tp. HCM, TP. Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Yên Bái,... để mục tiêu trao 1,7 triệu ly sữa cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Vinamilk tích cực triển khai chương trình Sữa học đường tại nhiều địa phương trên cả nước khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9/2020, đảm bảo trẻ được uống sữa theo quy định, giúp tăng cường sức khỏe, đề phòng dịch bệnh.
Tại ngày 30/9/2020, cổ phiếu Vinamilk đóng cửa ở mức giá 108.900 đồng, tương ứng hệ số P/E 12 tháng gần nhất ở mức 20,2x (Vinamilk ước tính). Tại mức giá này, cổ phiếu Vinamilk đã ghi nhận mức tăng 14% tính từ đầu năm so với mức giảm 6,4% của VNIndex.
GTNfoods lãi ròng 9 tháng gấp 10 lần cùng kỳ, đạt 73 tỷ đồng GTNfoods ghi nhận biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh lên hơn 32% trong quý III. Lãi ròng quý III đạt hơn 33 tỷ đồng, gấp 27 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận 9 tháng gấp 2,7 lần cùng kỳ đạt 176 tỷ đồng, vượt 77% kế hoạch năm. GTNfoods (HoSE: GTN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý...