18+ liệu có bị lạm dụng thành dòng phim bùng nổ?
Năm 2016, các nhà làm phim Việt có thể lạc quan vì cửa đã mở rộng cho sáng tạo nghệ thuật khi tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi sẽ được thông qua với 4 cấp độ khác nhau.
Nếu đã phân loại phim 18 thì những phim như Bẫy cấp 3 đã được phép phát hành.
Cục Điện ảnh vừa tổ chức một hội thảo để sát hạch lần cuối Dự thảo “Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim ở Việt Nam”, trong đó có phụ lục Tiêu chí phân loại theo độ tuổi dành cho phim điện ảnh chiếu ngoài rạp. Được biết, bảng tiêu chí đã được xây dựng trong 2 năm và qua 10 lần sửa đổi sau khi thu thập ý kiến của công chúng và các ban, ngành qua phương tiện truyền thông đại chúng. Dự thảo mới giới thiệu gồm 4 cấp độ: Phim dành cho mọi lứa tuổi (dán nhãn là P), Phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi (C13), Phim không dành cho người dưới 16 tuổi (C16) và Phim cấm khán giả dưới 18 tuổi (C18). Việc phân loại phim dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, kinh dị, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ… có trong phim.
18 sẽ thành một dòng phim Việt?
Khi phim đã có cấp độ 18 cũng là đã có một sự đổi mới thông thoáng hơn với những đề tài nhạy cảm, và hình ảnh chỉ dành cho người trưởng thành. Những lo ngại về việc không qua được cửa thẩm định, phim phải “đóng gói” không phát hành như kiểu Bẫy cấp 3, Rừng xác sống…, hay phải “chỉnh sửa” từ bờ tới bến mới được công chiếu như Đường đua, Hương Ga…, hay bị cắt nham nhở nhiều phân cảnh làm mất đi sự toàn vẹn của tác phẩm, ảnh hưởng tới nội dung, hình ảnh phim như Cánh đồng bất tận, Bi, đừng sợ… sẽ không còn ám ảnh các nhà làm phim và cả nhà sản xuất.
Mấy năm gần đây, dòng phim thị trường luôn ở thế thượng phong, hay khai thác các đề tài theo thị hiếu giải trí của khán giả đại chúng, như bạo lực, kinh dị, tình dục… như một công thức mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất phim. Trước nay, do tiêu chí phân loại phim ở VN chỉ có 2 cấp độ: P và C16 – như sợi dây bó tay bó chân các nhà làm phim, cho nên họ phải tự gò mình vào khuôn khổ, ít dám bung phá các đề tài nhạy cảm. Nay, có cánh cửa 18 , như một không gian mới mở rộng để các nhà làm phim có thể tự do sáng tạo, làm những phim “ nóng”, bạo liệt.
Ngay cả với dòng phim nghệ thuật, không biết có phải là một trào lưu, một sở thích, mà các nhà làm phim Việt gần như đa số đều hướng tác phẩm của mình đến những đề tài nhạy cảm mà giới hạn nằm trong phạm quy 18 ? Nay, khi 18 được “mở cửa”, họ có thể thỏa chí làm những phim thật “nóng”, gây sốc, để hút khán giả 18 tuổi trở lên – tầm tuổi chiếm tỉ lệ khán giả tới rạp nhiều nhất, và ưa thích sự mới mẻ, dữ dội, không bị giới hạn nào cản trở. Và một dòng phim 18 ở điện ảnh Việt tương lai sẽ là đáng khuyến khích hay cần hạn chế?
Video đang HOT
Những bất cập khi dán nhãn phim 18
Trong dự thảo, cảnh khỏa thân, tình dục ở cấp độ 18 được quy định: “Cảnh khỏa thân toàn phần phải phù hợp với nội dung phim, không cận cảnh bộ phận sinh dục, không diễn ra thường xuyên (cảnh được miêu tả không quá 3 lần) và không kéo dài thời lượng (không vượt quá 5 giây)”.
Cần cụ thể hơn trong câu “Cảnh miêu tả không quá 3 lần” – là chỉ một cảnh không được lặp lại quá 3 lần trong 1 phân cảnh hay là cảnh nóng không quá 3 lần trong 1 phim. Vì trong phim có thể có rất nhiều phân cảnh khỏa thân, và không cảnh nào quá quy định, song nếu cộng tất cả cảnh khỏa thân trong phim lên đến vài chục phút thì sao? Đây là dành cho cảnh khỏa thân toàn phần, còn cảnh khỏa thân bán phần thì sao?
Quy định phim gắn nhãn 18 “không được có cảnh mô phỏng hoạt động tình dục trái tự nhiên như quan hệ với trẻ em, loạn luân hay cảnh khuyến khích sử dụng ma túy và các chất gây nghiện…”. Nhưng, với hoạt động tình dục đồng tính thì sao? (hiện tại đồng tính được nhiều quốc gia Âu – Mỹ công nhận, và VN cũng đang trong xu thế không bài xích). Ngay cả với quy định các chất gây nghiện thì phạm trù này cũng rất mập mờ, bởi hiện tại có nhiều chất gây nghiện nhưng không bị cấm, ví dụ như shisha.
Phim 18 cho phép: “Các cảnh tả thực về bạo lực và đổ máu nhưng phải phù hợp ngữ cảnh tác phẩm”. Đây cũng là quy định chưa rõ ràng, nếu như bối cảnh phim là một cuộc thảm sát tập thể, và cảnh giết người rất dã man cứ lặp đi lặp lại? Hay nếu phim diễn tả các cảnh giết người thời Trung cổ với các kiểu như voi giày, tứ mã phanh thây, lăng trì, chảo dầu… thì có được không? Chưa có một sự giới hạn cụ thể mức độ phạm vi thời lượng đến đâu.
Ngay cả quy định về ngôn ngữ cũng chưa cụ thể, vẫn chung chung. “Ngôn ngữ nhạy cảm về văn hóa như lời chửi, câu rủa hoặc tiếng lóng, từ đệm gây phản cảm cho người xem có thể xuất hiện”. Nhưng xuất hiện tần suất bao nhiêu lần trong phim? Và có hay không những ngôn ngữ không được phép có trong phim (ở Pháp, Mỹ và một số quốc gia có cả một bảng quy định cụ thể từ ngữ nào cấm dùng trong phim, kể cả phim có dán nhãn 18 ).
Ngoài ra, khi phim 18 phát hành ra rạp, liệu có thể kiểm soát được độ tuổi khán giả khi một số lượng lớn khán giả VN ít có sự tự giác tuân theo quy định!
Phân loại phim theo 4 cấp độ tuổi là một sự tiến bộ và đổi mới với điện ảnh VN. Đặc biệt, với cấp độ 18 là cửa đã mở, tạo nhiều điều kiện cho các nhà làm phim Việt sáng tạo một cách trọn vẹn ý tưởng nghệ thuật của mình, nhưng không có nghĩa là chỉ lấy những vấn đề nhạy cảm trong quy phạm 18 làm mục tiêu cho tác phẩm của mình.
Các phim C16, C13 và P có mức độ mô tả bạo lực, tình dục, kinh dị, chất kích thích và gây nghiện, và ngôn ngữ tục tĩu phản cảm giảm dần, phù hợp với lứa tuổi. Riêng phim P (dành cho mọi lứa tuổi) không có cảnh bạo lực, cảnh khỏa thân, quan hệ tình dục, cảnh về sử dụng hoặc sản xuất chất kích thích, ma túy hoặc cảnh kinh dị gây sợ hãi cho trẻ em.
Theo Việt Văn/Lao Động
Lùm xùm quanh việc xét tặng danh hiệu NSND
Việc công bố và vinh danh các NSND, NSƯT năm nay do có một số trường hợp đã qua qua cấp Nhà nước chuyên ngành, nhưng lại có khiếu nại.
Sau khi xem xét, Hội đồng cấp Nhà nước chuyên ngành đã kịp điều chỉnh, loại ra khỏi danh sách trình Chính phủ phê duyệt. Trong đó có trường hợp của NSƯT Thanh Thanh Hiền (ảnh). Tại sao?
Đơn vị bao che?
Nói đến Thanh Thanh Hiền, ai cũng hình dung ngay được khuôn mặt khả ái cùng giọng hát ngọt ngào, truyền cảm. Tài năng của chị đã được khẳng định qua sự mến mộ của khán giả và các giải thưởng mà chị đã giành được. Vì thế, cũng dễ hiểu, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - nơi chị công tác - đã xếp Thanh Thanh Hiền vào danh sách được xét tặng danh hiệu NSND đợt này.
NSƯT Thanh Thanh Hiền là một trong những trường hợp bị loại vì không đủ tư cách đạo đức.
Tuy nhiên, khi bỏ phiếu ở cấp hội đồng cơ sở, Thanh Thanh Hiền đã không đạt đủ số phiếu cần thiết (trên 90%). Theo tìm hiểu của Lao Động, người không bỏ phiếu cho Thanh Thanh Hiền đã thẳng thắn nói rõ lý do tại sao không bỏ phiếu. Thậm chí trước đó, vị thành viên hội đồng này còn cảnh báo Giám đốc Nhà hát và cũng là Chủ tịch hội đồng về những "án" kỷ luật khá nặng mà trước đó Thanh Thanh Hiền phải nhận nhưng không được phản ánh trong hồ sơ xét tặng danh hiệu; đồng thời đề nghị lãnh đạo Nhà hát phải đi xác minh trước khi gửi hồ sơ lên cấp trên.
Song, ý kiến trên đã bị bỏ qua, hồ sơ vẫn được xác nhận và chuyển lên cấp trên. Kết quả là không hiểu bằng cách nào, trường hợp của Thanh Thanh Hiền "qua mặt" được cả hai hội đồng cấp trên (cấp thành phố và cấp nhà nước chuyên ngành) trước khi bị loại khỏi danh sách trình Thủ tướng duyệt.
Lọt qua "khe" nào?
Cuối tháng 8, Bộ VHTTDL công bố danh sách 488 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và NSƯT đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Ba trường hợp có hồ sơ không đủ điều kiện vì thiếu phiếu bầu, gồm 2 hồ sơ mảng Phát thanh - Truyền hình và 1 hồ sơ mảng Âm nhạc, của NSƯT Thanh Thanh Hiền. Theo một thành viên của Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8 năm 2015, về nguyên tắc, hồ sơ đủ điều kiện xem xét phong tặng danh hiệu khi có đủ 90% phiếu bầu từ cấp cơ sở. Trường hợp của Thanh Thanh Hiền, ở cơ sở có 7 người nhưng chỉ có 6 phiếu đồng ý. Như vậy là mới đạt 83%, chưa đủ điều kiện để xem xét
Hồ sơ của nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền được Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long gửi lên thành phố vẫn với kết quả bỏ phiếu ở đơn vị, nhưng "quên" không ghi phần nhận xét của người bỏ phiếu không đồng ý duy nhất, cũng như lý do không bỏ phiếu trong biên bản của hội đồng. Rõ ràng Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã không những cố tình làm sai mà còn vô tình "đẩy" Hội đồng cấp thành phố cùng thực hiện hành vi sai trái của mình. Bởi vì, không hiểu do nể nang hay do sơ suất, mà 100% thành viên Hội đồng cấp thành phố vẫn bỏ phiếu cho hồ sơ của Thanh Thanh Hiền để tiếp tục gửi lên cấp nhà nước chuyên ngành xét duyệt.
Việc nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền "lọt qua" rất nhiều vòng xét duyệt làm nhiều người nhớ đến câu chuyện nghệ sĩ Tuyết Minh bị đánh trượt khỏi danh hiệu NSƯT. Dù đã có hàng chục HCV các loại nhưng cuối cùng chị vẫn bị Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước lĩnh vực múa loại ra ngoài với lý do "vi phạm quy chế của cơ quan công tác và không có phẩm chất đạo đức". Điều này khiến nghệ sĩ Tuyết Minh cảm thấy rất oan ức, bởi chị cho rằng, xét về tiêu chuẩn bình xét NSƯT, chị đủ tiêu chuẩn, trong khi đó, chị cũng chưa hề phải nhận bất cứ văn bản nào về việc bị kỷ luật từ phía Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Trong khi đó, nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền đã từng bị cơ quan cũ cho thôi việc, lý do cũng liên quan đến đạo đức, lối sống. Trong 4 tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu, có tiêu chuẩn "có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề, có tài năng nghệ thuật xuất sắc".
Phải chăng, Hội đồng cơ sở đã cố tình "lờ đi" khiến mọi chuyện trở nên phức tạp và bất lợi cả với nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền khi trở thành một trong 3 người bị loại ở vòng cuối cùng?
Theo Lan Trần, Linh Phương/Lao Động
Kpop khiến fan Việt thờ ơ với chính các nhóm nhạc Vpop? Ngoài ra, thiếu công ty quản lý, khả năng quảng bá... cũng là lý do khiến nhóm nhạc Việt dễ đứt gánh. Thông tin La Thăng tan rã có lẽ đến giờ vẫn gợi không ít cảm giác tiếc nuối trong lòng người hâm mộ. Tiếc cho những cố gắng cũng như chặng đường đã qua của La Thăng một, fan yêu nhạc...