15 tiêu chí an toàn chống dịch trong trường học khi học sinh trở lại trường
Bộ GD-ĐT đặt ra 15 tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn, phòng chống dịch Covid -19 trong trường học. Trường học nào đạt 7 tiêu chí trở xuống sẽ không được hoạt động.
Bộ GD-ĐT ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, phòng chống dịch Covid -19 trong trường học – ẢNH NGUYỆT CA
Ngày 28.4, Bộ GD-ĐT đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Với 15 tiêu chí áp dụng cho trước, trong và sau khi học sinh học tập ở trường, nếu cơ sở giáo đạt từ 7 tiêu chí trở xuống sẽ bị đánh giá là thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động”.
Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid -19 trong trường học được Bộ GD-ĐT phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và tham khảo ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế để xây dựng.
Trong bộ tiêu chí này, có 7 tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn trước khi học sinh đến trường. Đó là việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học, chú ý đến các yếu tố liên quan đến người khuyết tật. Ví dụ, việc đảm bảo về thiết bị đo thân nhiệt, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nước uống, nơi rửa tay bằng nước sạch cho học sinh, cán bộ, giáo viên và người lao động trong nhà trường.
Bộ tiêu chí nêu: “100% học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động của nhà trường (gọi chung là cán bộ, giáo viên) thực hiện khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt ở nhà trước khi đến trường; 100% học sinh và cán bộ, giáo viên thực hiện việc đeo khẩu trang đúng cách trên đường đến trường; thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành y tế; có nhân viên y tế trường học, phòng cách ly, phòng y tế đảm bảo theo quy định, có tổ chức tư vấn tâm lý học đường…”.
Đảm bảo giãn cách được đặt lên hàng đầu
Quá trình học sinh học tập tại trường, có 6 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch. Trong đó, việc “bảo đảm 100% học sinh, cán bộ, giáo viên được đo thân nhiệt trước khi vào lớp”; “đảm bảo giãn cách trong và ngoài phòng học, lớp học, phòng làm việc, phòng chức năng, phòng sinh hoạt tại nhà trường theo quy định của Chính phủ”, được đặt lên hàng đầu.
Việc lau khử khuẩn, vệ sinh, phương tiện đưa đón học sinh sau mỗi lần đưa đón theo quy định, đeo khẩu trang đúng cách trong thời gian ở trường, cũng là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ an toàn.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, rà soát và bổ sung kịp thời các trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo; Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch của nhà trường thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid -19… cũng được đưa ra đánh giá.
Video đang HOT
Việc đảo đảm 100% học sinh, cán bộ, giáo viên thực hiện giãn cách hợp lý, đeo khẩu trang từ khi rời trường trở về nhà; 100% học sinh mầm non và tiểu học được nhà trường bố trí giao nhận đầy đủ, là 2 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch.
Trường học không được hoạt động nếu chỉ đạt 7/15 tiêu chí
Mỗi tiêu chí có 2 mức độ đánh giá là “đạt” và “không đạt”. Trường học được đánh giá “đạt” từ 11 tiêu chí trở lên, trong đó phải có các tiêu chí về việc 100% học sinh, cán bộ giáo viên thực hiện đeo khẩu trang đúng cách trên đường đến trường, trong quá trình học tập tại trường, tiêu chí về vệ sinh khử trùng trường lớp, trang thiết bị đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón (tiêu chí 4, 5, 10, 11), sẽ xếp loại là “trường học an toàn”. Bộ GD-ĐT khuyến nghị các cơ sở này này thường xuyên kiểm tra để duy trì các tiêu chí đạt.
Trường học được đánh giá “đạt” từ 8 – 10 tiêu chí, trong đó phải có các tiêu chí 4, 5, 10, 11, được xếp loại “thực hiện khá, trường học an toàn, được phép hoạt động và cho học sinh đi học trở lại”. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục này cần kiểm tra định kỳ để khắc phục các hạn chế ở các tiêu chí không đạt.
Đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá đạt mức độ “thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động”.
Căn cứ vào bộ tiêu chí này, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT xây dựng các tiêu chí cụ thể gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, làm cơ sở đánh giá mức độ an toàn của nhà trường khi cho học sinh đi học trở lại. Các sở GD-ĐT đồng thời cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện công văn hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại và xử trí trường hợp nghi ngờ mắc Covid -19 trong trường học mà Bộ GD-ĐT đã ban hành ngày 23.4.
Tuệ Nguyễn
Người trẻ trên tuyến đầu chống dịch: Lan tỏa nhiều câu chuyện đẹp
Trên là nhận xét của Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN Nguyễn Anh Tuấn về loạt bài Người trẻ trên tuyến đầu chống dịch của Báo Thanh Niên .
Đọc những hành động đẹp, cao thượng của người trẻ trong loạt bài Người trẻ trên tuyến đầu chống dịch của Báo Thanh Niên, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN Nguyễn Anh Tuấn, cho rằng tuyến bài đã khắc họa và phản ánh những hình ảnh của thanh niên sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh trong công cuộc chống dịch.
Anh Nguyễn Anh Tuấn
Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Tôi đánh giá cao về các hoạt động tuyên truyền của Báo Thanh Niên trong mùa dịch Covid-19. Ngoài việc mang lại cho độc giả những thông tin chính thống để người dân không hoang mang về dịch bệnh, Báo đã khắc họa hình ảnh những người trẻ trên tuyến đầu chống dịch để lan truyền cảm hứng cho xã hội. Chính sự hy sinh, chấp nhận gian khổ của họ đã cổ vũ và tạo động lực cho những người khác cùng chung tay chống dịch.
Theo tôi, những tấm gương trong loạt bài viết cho thấy một hình ảnh đẹp và đầy cảm xúc về thế hệ thanh niên ngày nay. Họ đã tiếp nối truyền thống của lớp lớp thế hệ thanh niên trước đây, luôn xung kích, đi đầu trong mọi mặt trận, đúng như lời Bác Hồ dạy: "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên". Họ là những chân dung đáng tự hào về người Việt trẻ. Với những gì mà người trẻ đã và đang làm, tôi tin rằng họ sẽ góp phần sớm đưa đất nước vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch Covid-19. Và tôi cũng tin rằng dù ở bất cứ giai đoạn nào, hoàn cảnh khó khăn nào, trách nhiệm của người trẻ luôn được khẳng định, để lại dấu ấn và tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân và xã hội.
Chống dịch theo cách của người trẻ
Xin anh cho biết đánh giá của mình về các hoạt động chống dịch Covid-19 của thanh niên trong thời gian qua?
Như các bạn đã thấy, thời gian qua, trên khắp mọi miền Tổ quốc đều bắt gặp hình ảnh bạn trẻ tích cực tham gia hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch Covid-19. Ở rất nhiều nơi, thanh niên luôn là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là các y, bác sĩ trẻ; các chiến sĩ biên phòng; các sinh viên ngành y... Họ đã không ngại nguy hiểm, chấp nhận gian khổ, chấp nhận hy sinh để chống dịch. Nhiều bạn trẻ đã viết đơn tình nguyện ra tuyến đầu với tinh thần, khí thế "chống dịch như chống giặc".
Không chỉ có đội ngũ thanh niên làm nhiệm vụ ở tuyến đầu mà hầu hết ở các lĩnh vực, lực lượng thanh niên đều tích cực tham gia chống dịch bằng những việc làm thiết thực, cụ thể và sáng tạo.
Thực tế trong phòng, chống dịch Covid-19, VN đã có những thắng lợi ban đầu và được thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Theo anh, những đóng góp của người trẻ đã đem lại kết quả thiết thực gì trong thắng lợi ban đầu đó?
Theo tôi, một trong những đóng góp của người trẻ là công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh đã được triển khai kịp thời và rộng khắp. Họ đã hiểu đúng, hành động đúng, kịp thời và sáng tạo ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện ở nước ta.
Các cấp bộ Đoàn đã phát huy các lực lượng thanh niên, phương tiện truyền thông và mạng xã hội để tuyên truyền tới đông đảo người dân và thanh thiếu nhi về chủ động phòng, chống dịch Covid-19; phát tờ rơi, phát thanh tuyên truyền cho nhân dân, tổ chức các điểm hướng dẫn 6 bước rửa tay diệt khuẩn tại các điểm công cộng.
Nhiều tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc lập chuyên trang thông tin Covid-19, thường xuyên cập nhật, chia sẻ tin bài, các mô hình hay trong phòng, chống dịch Covid-19 trên Facebook, Zalo; tổ chức thi thiết kế infographic, với các nội dung trực quan, sinh động để tuyên truyền, thi thiết kế sản phẩm truyền thông tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó là các hoạt động được đông đảo người trẻ hưởng ứng, lan tỏa rộng rãi như: tổ chức nhảy Vũ điệu rửa tay; quay clip tuyên truyền về dịch bệnh...
Người trẻ đã thành lập nhiều mô hình mới, sáng tạo, tiêu biểu trong hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tạo dấu ấn và lan tỏa trong xã hội. Trong việc vận động người dân khai báo y tế, các thanh niên không quản ngày đêm đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng người để khai báo y tế giúp dân. Ở nhiều địa phương, tổ chức nắm bắt, vận động các thanh niên hoãn đám cưới hoặc giảm khách mời, tăng báo hỷ, tình nguyện hỗ trợ cấp giấy đăng ký kết hôn tại nhà để hạn chế việc tập trung đông người; tổ chức các shipper áo xanh mang bài tập đến cho học sinh, mua đồ ăn giúp dân...
Các bạn trẻ cũng đã xây dựng các "Điểm rửa tay" sáng tạo từ vật dụng tái chế phục vụ người dân tại các điểm công cộng; vận động nguồn lực mua sản phẩm chống dịch để phát miễn phí cho người dân. Nhiều bạn trẻ đã sáng tạo, chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động; làm mặt nạ kính chắn giọt bắn tặng y, bác sĩ...
Chỉ riêng trong Tháng Thanh niên, theo thống kê của chúng tôi, toàn Đoàn đã đăng tải 387.068 tin, bài về phòng, chống dịch Covid-19 trên các báo, tạp chí và mạng xã hội; tổ chức 132.836 hoạt động hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch bệnh.
Nhiều cách làm hay
Theo ghi nhận của cộng đồng, thời gian qua, Đoàn đã kịp thời nắm bắt được xu hướng của người trẻ để tổ chức các hoạt động chống dịch trên mạng xã hội. Đây có phải là nét mới và sáng tạo trong hoạt động của thanh niên không, thưa anh?
Đúng là trong mùa dịch, chúng ta đã thấy rất nhiều những tin tốt, những câu chuyện đẹp được lan tỏa trên mạng xã hội và đã tạo được niềm tin, sự đoàn kết, chung sức chung lòng, không chỉ của người trẻ mà của toàn dân trong việc chung tay chống dịch. Các bạn trẻ đã biết sử dụng sức mạnh của mạng xã hội để chống dịch theo cách của mình. Ví dụ, tại Hà Nội, với mong muốn lan tỏa thông điệp Ở nhà là yêu nước, ở nhà là chung tay cùng cả nước chống dịch, Thành đoàn Hà Nội đã phát động thử thách ảnh Together we win - Chiến thắng Covid-19 trên Facebook, và lan tỏa tinh thần tích cực phòng, chống Covid-19 đến với cộng đồng. Tại Quảng Bình cũng đã tổ chức thi trực tuyến tìm hiểu cách phòng, chống dịch trên fanpage Tuổi trẻ Quảng Bình. Tại Cao Bằng có livestream hướng dẫn khai báo y tế toàn dân thông qua fanpage Tuổi trẻ Cao Bằng... Họ dùng mạng xã hội để tuyên truyền về phòng, chống dịch một cách sáng tạo, hiệu quả và đẩy lùi những thông tin xấu, độc trên không gian mạng.
Thưa anh, trong những hoạt động chống dịch của người trẻ, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội đã làm gì để định hướng và khích lệ họ?
Trong hoàn cảnh dịch bệnh, các cấp bộ Đoàn, Hội đã kịp thời thích ứng, điều chỉnh, lựa chọn nội dung hoạt động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đồng thời bắt kịp nhu cầu của giới trẻ để nhanh chóng tập hợp lực lượng, lan tỏa và huy động đoàn viên, thanh niên tham gia chống dịch.
Ngay từ khi dịch bùng phát, đặc biệt vào thời điểm của Tháng Thanh niên, T.Ư Đoàn đã kịp thời đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phát huy tính tích cực, sáng tạo của cơ sở. Cấp T.Ư, cấp tỉnh tổ chức các hoạt động có tính chất làm điểm, làm mẫu, giao cấp cơ sở tổ chức các hoạt động quy mô vừa và nhỏ, phù hợp với điều kiện ở địa phương đảm bảo an toàn, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của các bạn trẻ, ở các cơ sở Đoàn, Hội trong phòng, chống dịch bệnh được triển khai, mang lại hiệu ứng xã hội tích cực.
Đặc biệt, để khích lệ người trẻ trên tuyến đầu chống dịch, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó có việc vận động các nguồn hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, vận động hỗ trợ và tặng kinh phí, trang thiết bị cần thiết để giúp các chiến sĩ biên phòng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch trên các tuyến biên giới. Các đơn vị thành viên của T.Ư Hội đã có những hành động kịp thời để chung tay cùng cả nước chống dịch...
Theo tôi, đó là những hành động cụ thể lan tỏa và khích lệ những hành động đẹp của người trẻ trên tuyến đầu chống dịch, để họ luôn yên tâm có "hậu phương" vững chắc ở phía sau.
Xin cảm ơn anh!
Vũ Thơ
Quảng Trị: Người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng, phòng dịch Covid-19 Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, tỉnh Quảng Trị có công văn gửi các Sở, ngành, địa phương tuyên truyền người dân đeo khẩu trang nơi công cộng và khuyến cáo người dân về công tác phòng, chống dịch. Ngày 19/3, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã ban hành Công văn số 1109/UBND-VX, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà...